22/04/2024 17:19

Shipper chở hàng cồng kềnh có thể bị phạt bao nhiêu tiền?

Shipper chở hàng cồng kềnh có thể bị phạt bao nhiêu tiền?

Tôi thấy hiện nay, hiện trạng Shipper chở hàng cồng kềnh rất nguy hiểm khi tham gia giao thông. Vậy, những trường hợp như vậy có thể bị phạt bao nhiêu tiền? “Anh Huy - Cần Giờ”.

Chào anh, Ban biên tập xin giải đáp như sau:

1. Giới hạn về số lượng hàng hóa mà shipper có thể chở

Căn cứ Điều 19 Thông tư 46/2015/TT-BGTVT quy định về giới hạn sắp xếp hàng hóa trên mô tô, xe gắn máy như sau:

- Chiều rộng xếp hàng hóa cho phép trên phương tiện giao thông cơ giới đường bộ là chiều rộng của thùng xe theo thiết kế của nhà sản xuất hoặc theo thiết kế cải tạo đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt.

- Chiều dài xếp hàng hóa cho phép trên phương tiện giao thông cơ giới đường bộ không được lớn hơn 1,1 lần chiều dài toàn bộ của xe theo thiết kế của nhà sản xuất hoặc theo thiết kế cải tạo đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt và không lớn hơn 20,0 mét. Khi chở hàng hóa có chiều dài lớn hơn chiều dài của thùng xe phải có báo hiệu theo quy định và phải được chằng buộc chắc chắn, bảo đảm an toàn khi tham gia giao thông trên đường bộ.

- Xe chở khách không được phép xếp hàng hóa, hành lý nhô ra quá kích thước bao ngoài của xe.

- Xe mô tô, xe gắn máy không được xếp hàng hóa, hành lý vượt quá bề rộng giá đèo hàng theo thiết kế của nhà sản xuất về mỗi bên 0,3 mét, vượt quá phía sau giá đèo hàng là 0,5 mét. Chiều cao xếp hàng hóa tính từ mặt đường xe chạy không vượt quá 1,5 mét.

- Xe thô sơ không được xếp hàng hóa vượt phía trước và phía sau quá 1/3 chiều dài thân xe và không quá 1,0 mét; không được vượt quá 0,4 mét về mỗi bên bánh xe.

Xét trên điều kiện thực tế, đa phần các shipper hiện nay đều sử dụng xe gắn máy để vận chuyển hàng hóa, do đó, nếu hàng hóa được xếp rộng quá giá đèo 0,3 mét, vượt quá phía sau 0,5 mét và sếp cao quá 1,5 mét tính từ mặt đường xe chạy thì sẽ bị phạt theo quy định của pháp luật.

2. Shipper chở hàng cồng kềnh có thể bị phạt bao nhiêu tiền?

Căn cứ theo điểm k khoản 3 Điều 6 Nghị định 100/2019/NĐ-CP, phạt tiền từ 400.000 đồng đến 600.000 đồng đối với hành vi "Người điều khiển xe hoặc người ngồi trên xe bám, kéo, đẩy xe khác, vật khác, dẫn dắt súc vật, mang vác vật cồng kềnh; người được chở trên xe đứng trên yên, giá đèo hàng hoặc ngồi trên tay lái; xếp hàng hóa trên xe vượt quá giới hạn quy định; điều khiển xe kéo theo xe khác, vật khác."

Như vậy, Shipper chở hành cồng kềnh, chở hàng vượt quá giới hạn quy định sẽ bị xử phạt tiền từ 400.000 đồng đến 600.000 đồng.

Ngoài bị xử phạt hành chính, người vi phạm còn có thể bị tước bằng lái xe từ 2 tháng đến 4 tháng, căn cứ theo quy định tại khoản 2 điều 82 Nghị định 100/2019/NĐ-CP về tạm giữ phương tiện, giấy tờ có liên quan đến người điều khiển và phương tiện vi phạm.

Theo đó, để bảo đảm thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính hoặc để xác minh tình tiết làm căn cứ ra quyết định xử phạt, người có thẩm quyền xử phạt còn có thể quyết định tạm giữ phương tiện, giấy tờ có liên quan đến người điều khiển và phương tiện vi phạm một trong các hành vi quy định tại Nghị định này theo quy định tại khoản 6, khoản 8 Điều 125 của  Luật Xử lý vi phạm hành chính. Khi bị tạm giữ giấy tờ theo quy định tại khoản 6 Điều 125 của Luật Xử lý vi phạm hành chính, nếu quá thời hạn hẹn đến giải quyết vụ việc vi phạm ghi trong biên bản vi phạm hành chính, người vi phạm chưa đến trụ sở của người có thẩm quyền xử phạt để giải quyết vụ việc vi phạm mà vẫn tiếp tục điều khiển phương tiện hoặc đưa phương tiện ra tham gia giao thông, sẽ bị áp dụng xử phạt như hành vi không có giấy tờ.

Nguyễn Minh Khôi
2173

Đây là nội dung tóm tắt, thông báo văn bản mới dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc vui lòng gửi về Email: [email protected]