28/01/2019 15:24

Sẽ bị xử lý như thế nào khi làm nhục người khác trên facebook?

Sẽ bị xử lý như thế nào khi làm nhục người khác trên facebook?

Sự phát triển mạng xã hội đã giúp con người xóa đi khoảng cách về địa lý, tự do chia sẻ thông tin, suy nghĩ cảm xúc của mình… Đi cùng với sự tiến bộ của công nghệ thông tin là những hệ lụy khó lường khi một bộ phận đã lợi dụng môi trường này để thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật, trong đó có việc xúc phạm hình ảnh, bôi nhọ danh dự nhân phẩm của người khác.

Minh chứng cho loại tội phạm này thông qua bản án 11/2018/HSST ngày 25/05/2018 về tội làm nhục người khác. Cụ thể vụ việc như sau:

Đầu năm 2017, thông qua bạn bè giới thiệu chị Nguyễn Thị Mai H (sinh năm 1977, trú tại Phường Lê M, thành phố V, tỉnh NA) làm quen với Dương Tuấn H (sinh năm 1977, trú tại tổ 14, thị trấn Cẩm X, huyện Cẩm X, tỉnh HT) thông qua mạng xã hội.

Sau đó, chị H phát hiện anh H chưa ly hôn và hiện đang sống cùng vợ con nên chị chủ động chia tay. Tuy nhiên, anh H không muốn chia tay mà tìm cách níu kéo tình cảm nhưng chị H không đồng ý. Do vậy, Dương Tuấn H đã nhắn tin đến chị Nguyễn Thị Mai H dọa sẽ đăng ảnh nhạy cảm của chị H lên mạng xã hội facebook (vì quá trình yêu nhau chị H có gửi cho Dương Tuấn H một số ảnh nhạy cảm của mình và H đã lưu những bức ảnh này trong máy điện thoại của H).

Dương Tuấn H đã có những hành vi làm nhục chị H như sử dụng facebook mạo danh chị H để kết bạn với nhiều người, trong đó có bạn bè, người thân của chị H rồi nhắn tin cho nhiều người với nội dung làm quen, gạ gẫm tình cảm, rồi H gửi cho những người này các hình ảnh nhạy cảm, số điện thoại, địa chỉ và một số thông tin cá nhân khác của chị H với mục đích làm cho những người này nhầm tưởng chị H gạ gẫm tình cảm của họ để làm nhục chị H.

Phải hiểu rằng việc hù dọa tung ảnh nóng, những tin nhắn xuyên tạc sai sự thật, xúc phạm đến danh dự nhân phẩm của người khác trên mạng là hành vi vi phạm pháp luật, bị pháp luật nghiêm cấm.

Hành vi làm nhục được hiểu là hành vi xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm, danh dự của người khác. Tùy theo tính chất, mức độ vi phạm có thể bị xử phạt hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.

1. Về xử lý hình sự: tội làm nhục người khác được quy định tại Bộ luật hình sự 1999 như sau:

Điều 121. Tội làm nhục người khác

1. Người nào xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm, danh dự của người khác, thì bị phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ đến hai  năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến hai năm.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ một năm đến ba năm:

a) Phạm tội nhiều lần;

b) Đối với nhiều người;

c) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;

d) Đối với người thi hành công vụ;

đ) Đối với người dạy dỗ, nuôi dưỡng, chăm sóc, chữa bệnh cho mình.

3. Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ một năm đến năm năm.

2. Về xử lý hành chính: Theo quy định tại điểm d, e khoản 1 Điều 5 Nghị định số 72/2013/NĐ-CP của Chính phủ về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ internet và thông tin trên mạng quy định: nghiêm cấm các hành vi: “Đưa thông tin xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của tổ chức, danh dự và nhân phẩm của cá nhân”; “Giả mạo tổ chức, cá nhân và phát tán thông tin giả mạo, thông tin sai sự thật xâm hại đến quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân”.

Đồng thời, người vi phạm còn bị xử phạt theo Điều 66, Nghị định 174/2013/NĐ-CP về việc sử dụng thông tin số nhằm mục đích xúc phạm danh dự nhân phẩm người khác. Cụ thể, bị xử phạt số tiền  từ 10 triệu đồng đến 20 triệu đồng đối với hành vi sau: Cung cấp, trao đổi, truyền đưa hoặc lưu trữ, sử dụng thông tin số nhằm đe dọa, quấy rối, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của tổ chức, danh dự, nhân phẩm, uy tín của người khác.

Hành vi tung ảnh “nóng” của người khác lên facebook nhằm xúc phạm danh dự nhân phẩm của người khác sẽ bị xử phạt hành chính căn cứ theo Điểm a, Khoản 1, Điều 5, Nghị định 167/2013/NĐ-CP.

Điều 5. Vi phạm quy định về trật tự công cộng

1. Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 100.000 đồng đến 300.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây: Có cử chỉ, lời nói thô bạo, khiêu khích, trêu ghẹo, xúc phạm danh dự, nhân phẩm của người khác.

Ngoài ra, quyền được bảo vệ danh dự, nhân phẩm, uy tín của cá nhân được quy định rất cụ thể tại Điều 34, Bộ luật Dân sự 2015, theo đó: “Danh dự, nhân phẩm, uy tín của cá nhân là bất khả xâm phạm và được pháp luật bảo vệ"; "Cá nhân có quyền yêu cầu Tòa án bác bỏ thông tin làm ảnh hưởng xấu đến danh dự, nhân phẩm, uy tín của mình…”

Mạng xã hội như con dao hai lưỡi. Song song với mặt tích cực mà nó mang lại cho xã hội thì cũng có không ít người lợi dụng môi trường này để thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật. Thiết nghĩ, người dùng mạng xã hội nên chủ động tự bảo vệ quyền lợi của mình. Ngoài ra, cần tăng cường các chế tài xử lý sai phạm nghiêm khắc hơn, xây dựng chính sách quản lý thông tin trên mạng xã hội.

Kim Huệ
5922

Đây là nội dung tóm tắt, thông báo văn bản mới dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc vui lòng gửi về Email: [email protected]