14/08/2024 16:48

Sau khi ly hôn, vợ/chồng cũ không cho gặp con thì phải làm như thế nào?

Sau khi ly hôn, vợ/chồng cũ không cho gặp con thì phải làm như thế nào?

Phải làm như thế nào nếu như sau khi ly hôn, vợ cũ hoặc chồng cũ không cho gặp con? Không cho gặp con có bị phạt tiền không?

Hiện nay, nhiều trường hợp sau khi bản án ly hôn có hiệu lực thì bên được quyền nuôi con lại ngăn cản, không cho bên còn lại thăm nom hay gặp mặt con. Vậy nếu rơi vào trường hợp vợ/chồng cũ không cho gặp con sau khi ly hôn thì phải thì phải giải quyết như thế nào?

1. Sau khi ly hôn, vợ/chồng cũ không cho gặp con thì phải làm như thế nào?

Căn cứ tại Điều 82 Luật hôn nhân và gia đình 2014 quy định như sau:

Nghĩa vụ, quyền của cha, mẹ không trực tiếp nuôi con sau khi ly hôn

1. Cha, mẹ không trực tiếp nuôi con có nghĩa vụ tôn trọng quyền của con được sống chung với người trực tiếp nuôi.

2. Cha, mẹ không trực tiếp nuôi con có nghĩa vụ cấp dưỡng cho con.

3. Sau khi ly hôn, người không trực tiếp nuôi con có quyền, nghĩa vụ thăm nom con mà không ai được cản trở.

Cha, mẹ không trực tiếp nuôi con lạm dụng việc thăm nom để cản trở hoặc gây ảnh hưởng xấu đến việc trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con thì người trực tiếp nuôi con có quyền yêu cầu Tòa án hạn chế quyền thăm nom con của người đó.

Theo đó, sau khi ly hôn thì người không trực tiếp nuôi con có quyền và nghĩa vụ thăm nom con mà không ai được phép cản trở. Còn nếu có hành vi lạm dụng việc thăm nom để cản trở hoặc gây ảnh hưởng xấu đến việc trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con thì có thể bị Tòa án hạn chế quyền thăm nom theo yêu cầu của bên trực tiếp nuôi con.

Trong trường hợp vợ/chồng cũ không cho gặp con thì theo Điều 7 Luật thi hành án dân sự 2008 (sửa đổi bởi Luật Thi hành án dân sự sửa đổi 2014), người bị ngăn cản có thể làm đơn đến cơ quan thi hành án có thẩm quyền về việc yêu cầu thi hành bản án ly hôn sơ thẩm, vì trong nội dung của bản án có ghi nhận về quyền và nghĩa vụ của các bên trong việc nuôi dưỡng và thăm nom con.

Nếu làm thủ tục ly hôn tại Tòa án nhân dân cấp huyện thì gửi đơn yêu cầu thi hành án đến Chi cục thi hành án dân sự cấp huyện trên cùng địa bàn.

2. Sau khi ly hôn, vợ/chồng cũ không cho gặp con thì có bị phạt tiền không?

Tại Điều 56 Nghị định 144/2021/NĐ-CP có quy định như sau:

Hành vi ngăn cản việc thực hiện quyền, nghĩa vụ trong quan hệ gia đình giữa ông, bà và cháu; giữa cha, mẹ và con; giữa vợ và chồng; giữa anh, chị, em với nhau

Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với hành vi ngăn cản quyền thăm nom, chăm sóc giữa ông, bà và cháu; giữa cha, mẹ và con, trừ trường hợp cha mẹ bị hạn chế quyền thăm nom con theo quyết định của tòa án; giữa vợ và chồng; giữa anh, chị, em với nhau.

Như vậy, nếu vợ/chồng cũ có hành vi không cho gặp con thì có thể bị xử phạt vi phạm hành chính từ 5 triệu - 10 triệu đồng, trừ trường hợp vợ/chồng cũ bị hạn chế quyền thăm nom con theo quyết định của tòa án.

3. Sau khi ly hôn, vợ/chồng cũ bị hạn chế quyền thăm nom con trong trường hợp nào

Căn cứ theo quy định tại Điều 85 Luật Hôn nhân và gia đình 2014 thì sau khi ly hôn, vợ/chồng cũ bị hạn chế quyền thăm nom con trong những trường hợp sau:

- Bị kết án về một trong các tội xâm phạm tính mạng, sức khỏe, nhân phẩm, danh dự của con với lỗi cố ý hoặc có hành vi vi phạm nghiêm trọng nghĩa vụ trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con;

- Phá tán tài sản của con;

- Có lối sống đồi trụy;

- Xúi giục, ép buộc con làm những việc trái pháp luật, trái đạo đức xã hội.

Căn cứ vào từng trường hợp cụ thể, Tòa án có thể tự mình hoặc theo yêu cầu của cá nhân, cơ quan, tổ chức có quyền yêu cầu Tòa án hạn chế quyền của cha, mẹ đối với con chưa thành niên ra quyết định không cho cha, mẹ trông nom, chăm sóc, giáo dục con, quản lý tài sản riêng của con hoặc đại diện theo pháp luật cho con trong thời hạn từ 01 năm đến 05 năm. Tòa án có thể xem xét việc rút ngắn thời hạn này.

Trân trọng!

Đỗ Minh Hiếu
1027

Đây là nội dung tóm tắt, thông báo văn bản mới dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc vui lòng gửi về Email: [email protected]