02/08/2021 15:11

Rút kinh nghiệm vụ án kinh doanh,thương mại “Tranh chấp Hợp đồng dịch vụ tiếp thị và phân phối độc quyền”

Rút kinh nghiệm vụ án kinh doanh,thương mại “Tranh chấp Hợp đồng dịch vụ tiếp thị và phân phối độc quyền”

Thông qua công tác kiểm sát việc giải quyết theo thủ tục giám đốc thẩm vụ án kinh doanh, thương mại “Tranh chấp Hợp đồng dịch vụ tiếp thị và phân phối độc quyền” giữa nguyên đơn là Công ty X với bị đơn là Công ty Y, VKSND tối cao thấy vụ án có nhiều vi phạm pháp luật của Tòa án cả 03 cấp trong xác định tính chất, mức độ lỗi, hậu quả của việc chấm dứt hợp đồng và trách nhiệm bồi thường thiệt hại, thấy cần thông báo để rút kinh nghiệm chung trong toàn Ngành. Tóm tắt về việc giải quyết vụ án như sau:

1. Nội dung vụ án

- Ngày 01/12/2016, Công ty X, chủ đầu tư (bên A) và Công ty Y (bên B) ký Hợp đồng dịch vụ tiếp thị và phân phối độc quyền số 01122016/HĐDV- TT&PPĐQUIDE-ĐXĐNB (gọi tắt là Hợp đồng); nội dung: Bên A đồng ý giao cho bên B thực hiện “dịch vụ tiếp thị và phân phối độc quyền” 1.082 sản phẩm căn hộ (hình thành trong tương lai) của 04 block nhà (B1, B2, B3 và B4) thuộc dự án GT tại phường B, quận BT, thành phố H; đơn giá gốc là 14.500.000 đồng/m2. Để bảo đảm thực hiện dịch vụ tiếp thị và phân phối độc quyền, bên B phải đặt cọc cho bên A theo từng đợt quy định tại phụ lục Hợp đồng, bên B được quyền tiếp thị quảng bá sản phẩm và là “bên duy nhất được quyền xây dựng giá bán sản phẩm” (khoản 8.1 Điều 8 Hợp đồng), bên A ký hợp đồng bán sản phẩm. Nếu sản phẩm không bán được, thì bên B phải mua lại các sản phẩm đó của bên A theo giá gốc nêu trên (khoản 8.14 Điều 8 Hợp đồng).

- Ngày 12/02/2017, Công ty X khởi công xây dựng công trình. Đến ngày 30/5/2017, Sở Xây dựng thành phố H có Thông báo số 7510, nội dung: 522 căn hộ thuộc khối (block) B3, B4 của Công ty X đủ điều kiện được bán nhà ở hình thành trong tương lai.

Quá trình thực hiện hợp đồng, Công ty Y đã tiến hành đặt cọc theo từng đợt, triển khai các hoạt động tiếp thị, quảng bá sản phẩm, đến khi giao dịch thành công 427 căn hộ thì phát sinh tranh chấp. Ngày 07/11/2017, Công ty X khởi kiện yêu cầu Tòa án tuyên bố Hợp đồng vô hiệu do vi phạm điều cấm của pháp luật. Công ty Y yêu cầu phản tố buộc nguyên đơn thanh toán 314.051.392.704 đồng (ba trăm mười bốn tỷ không trăm năm mươi một triệu ba trăm chín mươi hai nghìn bảy trăm lẻ bốn đồng), gồm các khoản bồi thường thiệt hại, trả lại tiền cọc, tiền lãi, phí tiếp thị, phân phối...

2. Quá trình giải quyết vụ án

Bản án sơ thẩm số 14/2019/KDTM-ST ngày 11/4/2019 của Tòa án nhân dân quận BT, thành phố H quyết định (tóm tắt):

a. Không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn - Công ty X về việc yêu cầu tuyên bố Hợp đồng tiếp thị và phân phối độc quyền là vô hiệu...

b. Chấp nhận yêu cầu phản tố của bị đơn - Công ty Y: Xác định việc chấm dứt thực hiện Hợp đồng tiếp thị và phân phối độc quyền do lỗi của Công ty X đã đơn phương chấm dứt hợp đồng. Buộc Công ty X phải thanh toán cho Công ty Y tổng số tiền là 313.079.800.000 đồng...

Công ty X kháng cáo yêu cầu hủy toàn bộ bản án sơ thẩm.

Ngày 26/4/2019, Viện trưởng VKSND quận BT, thành phố H ban hành Quyết định kháng nghị phúc thẩm số 01/QĐKNGĐT-VKS-KDTM đối với Bản án sơ thẩm số 14/2019/KDTM-ST nêu trên đề nghị sửa bản án sơ thẩm do bản án này tính cả yêu cầu bồi thường đối với các sản phẩm giao dịch chưa thành công và những sản phẩm chưa giao dịch, chưa có thiệt hại thực tế xảy ra là không đúng, vi phạm về tính lãi...

Bản án phúc thẩm số 670/2019/KDTM-PT ngày 30/07/2019, TAND thành phố H quyết định (tóm tắt): Sửa bản án sơ thẩm: ... Chấp nhận một phần yêu cầu phản tố của bị đơn: Xác định việc chấm dứt thực hiện Hợp đồng tiếp thị và phân phối độc quyền số 01122016/HĐDV-TT&PPĐQ/IDE-ĐXĐNB ngày 01/12/2016 do lỗi của Công ty X đã đơn phương chấm dứt hợp đồng.

Công ty X thanh toán cho Công ty Y 313.079.800.000 đồng. Bao gồm:

- Tiền cọc đối với việc đã giao dịch thành công 427 căn hộ thuộc block B3-B4 mà Công ty X phải trả lại cho Công ty Y là: 4.540.229.885 đồng và lãi phát sinh đến ngày xét xử sơ thẩm tổng cộng là: 955.849.000 đồng.

 - Về phí tiếp thị và phân phối 427 căn hộ mà Công ty Y đã giao dịch thành công của block B3-B4 mà Công ty X còn phải trả là 28.637.568.917 đồng và lãi phát sinh là 9.408.141.666 đồng.

- Bồi thường khoản lợi lẽ ra được hưởng của 427 căn hộ đã giao dịch thành công theo tiến độ thanh toán 52.135.842.711 đồng.

- Bồi thường thiệt hại khoản lợi đáng ra được hưởng của những căn hộ chưa giao dịch: 191.942.397.797 đồng...

Tại Quyết định kháng nghị giám đốc thẩm số 259/QĐKNGĐT-VKS-KDTM ngày 20/11/2019 của Viện trưởng VKSND cấp cao yêu cầu hủy bản án sơ thẩm, phúc thẩm nêu trên, vì hợp đồng bị vô hiệu do vi phạm điều cấm của pháp luật.

Quyết định giám đốc thẩm số 01/2020/KDTM-GĐT ngày 03/01/2020, Ủy ban Thẩm phán TAND cấp cao tuyên: Không chấp nhận Kháng nghị giám đốc thẩm của VKSND cấp cao; giữ nguyên bản án kinh doanh thương mại phúc thẩm.

Ngày 31/7/2020, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao ban hành Quyết định kháng nghị giám đốc thẩm số 21/2020/KN-KDTM đối với Quyết định giám đốc thẩm số 01/2020/KDTM-GĐT nêu trên.

Quyết định giám đốc thẩm số 01/2021/KDTM-GĐT ngày 23/3/2021 của Hội đồng Thẩm phán TAND tối cao tuyên: Chấp nhận Quyết định kháng nghị giám đốc thẩm số 21/2000/KN-KDTM ngày 31/7/2010 của Chánh án TAND tối cao, hủy toàn bộ quyết định giám đốc thẩm của TAND cấp cao, bản án phúc thẩm và bản án sơ thẩm nêu trên để giải quyết lại theo thủ tục sơ thẩm.

3. Những vấn đề cần rút kinh nghiệm

a. Về việc xác định lỗi của các bên dẫn đến việc chấm dứt Hợp đồng

Theo Hợp đồng các bên thỏa thuận về phạt vi phạm và bồi thường thiệt hại do lỗi của các bên (Điều 10). Tòa án cấp sơ thẩm, phúc thẩm chưa xác minh, làm rõ về lỗi của mỗi bên theo Hợp đồng và căn cứ các quy định pháp luật để xác định nghĩa vụ tương ứng với mức độ lỗi của từng bên, mà chỉ xác định lỗi hoàn toàn thuộc nguyên đơn là chưa khách quan, toàn diện.

b. Việc giải quyết hậu quả của việc đơn phương chấm dứt Hợp đồng và trách nhiệm bồi thường thiệt hại

Đối với các căn hộ đã giao dịch thành công: Gồm 427 căn hộ thuộc block B3, B4 được Công ty X giao dịch thành công với khách hàng. Theo Điều 5 của Hợp đồng thì bị đơn được hưởng phí dịch vụ bằng giá bán (bao gồm VAT) trừ đi giá gốc (bao gồm VAT), nếu bị đơn không vi phạm Điều 10 của hợp đồng (về phạt vi phạm). Tòa án cấp sơ thẩm, phúc thẩm, giám đốc thẩm (cấp cao) chưa làm rõ vấn đề này đã chấp nhận yêu cầu phản tố của bị đơn là chưa đủ căn cứ.

Đối với các căn hộ chưa giao dịch thành công: Do hợp đồng bị chấm dứt nửa chừng nên chưa giao dịch được. Tòa án cấp sơ thẩm, phúc thẩm, giám đốc thẩm (cấp cao) chưa xác minh, làm rõ mức độ lỗi của các bên và thiệt hại thực tế xảy ra, nhưng lại buộc nguyên đơn phải bồi thường gần như toàn bộ, cả những sản phẩm chưa bán được là không đúng với nguyên tắc về bồi thường thiệt hại trong hợp đồng.

Tòa án cấp sơ thẩm, phúc thẩm, giám đốc thẩm (cấp cao) không xem xét, đánh giá toàn diện vụ án, không xác định đúng mức độ lỗi của các bên, dẫn đến việc chấm dứt hợp đồng mà tuyên bác toàn bộ yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn và chấp nhận phần lớn các yêu cầu (phản tố) của bị đơn, thậm chí còn chấp nhận cả yêu cầu bồi thường căn hộ chưa bán được là không đúng. Vụ án này có nhiều vi phạm, song phải lên đến cấp cao nhất là Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao xét xử giám đốc thẩm thì mới hủy án để giải quyết lại.

Thông qua công tác kiểm sát giải quyết vụ án này, ngay sau khi phát hiện Bản án sơ thẩm số 14/2019/KDTM-ST của Tòa án nhân dân quận BT có vi phạm, VKSND quận BT đã ban hành quyết định kháng nghị phúc thẩm theo hướng không chấp nhận việc bồi thường đối với 95 căn hộ thuộc block B3, B4 chưa giao dịch thành công và chưa thực hiện đối với căn hộ thuộc block B1, B2 là chính xác, đúng quy định của pháp luật và Chỉ thị số 10/CT-VKSTC ngày 06/4/2016 của Viện trưởng VKSND tối cao về tăng cường công tác kháng nghị phúc thẩm, giám đốc thẩm, tái thẩm các vụ việc dân sự, vụ án hành chính. Tòa án cấp phúc thẩm không chấp nhận nội dung này là không đúng. Khi bản án phúc thẩm có hiệu lực pháp luật có vi phạm, VKSND cấp cao đã kháng nghị giám đốc thẩm theo hướng hủy bản án phúc thẩm, nhưng Ủy ban Thẩm phán Tòa án nhân dân cấp cao không chấp nhận kháng nghị là không đúng.

Trên đây là những vấn đề về việc xác định tính chất, mức độ lỗi, nguyên tắc bồi thường thiệt hại cần rút kinh nghiệm trong công tác kiểm sát việc giải quyết vụ án về tranh chấp hợp đồng, VKSND tối cao thấy cần thông báo đến VKSND các cấp để rút kinh nghiệm trong việc kháng nghị, khi thấy kháng nghị có căn cứ thì quyết tâm bảo vệ kháng nghị, trường hợp không được chấp nhận thì báo cáo VKSND cấp có thẩm quyền kháng nghị, nhằm nâng cao chất lượng kháng nghị nói riêng và chất lượng công tác kiểm sát việc giải quyết các vụ án kinh doanh, thương mại nói chung.

Nguồn: Cổng TTĐT VKSNDTC

1359

Đây là nội dung tóm tắt, thông báo văn bản mới dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc vui lòng gửi về Email: [email protected]