25/08/2020 16:01

Rút kinh nghiệm trong quá trình xét xử các vụ án dân sự liên quan đến quyền sở hữu

Rút kinh nghiệm trong quá trình xét xử các vụ án dân sự liên quan đến quyền sở hữu

Qua công tác giám đốc thẩm, tái thẩm các bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật cho thấy, có một số vấn đề cần rút kinh nghiệm liên quan đến việc giải quyết các vụ án dân sự liên quan đến quyền sở hữu.

Áp dụng sai khoản 1 Điều 32 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 về giao dịch với người thứ ba ngay tình liên quan đến tài khoản ngân hàng, tài khoản chứng khoán:

Theo quy định khoản 1 Điều 32 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 về giao dịch với người thứ ba ngay tình liên quan đến tài khoản ngân hàng, tài khoản chứng khoán:

“1. Trong giao dịch với người thứ ba ngay tình thì vợ, chồng là người đứng tên tài khoản ngân hàng, tài khoản chứng khoán được coi là người có quyền xác lập, thực hiện giao dịch liên quan đến tài sản đó”.

Về mục đích của quy định nêu trên, Bản thuyết minh dự án Luật đã nêu:

“Khoản 32 Điều 1 quy định về giao dịch do vợ, chồng thực hiện liên quan đến tài khoản ngân hàng, tài khoản chứng khoán và các tài sản khác mà theo quy định của pháp luật không phải đăng ký quyền sở hữu, quyền sử dụng. Trong bối cảnh phát triển kinh tế hiện nay, việc sử dụng tài khoản ngân hàng của các cá nhân ngày càng phổ biến; trong lĩnh vực kinh doanh chứng khoán, các chủ thể đầu tư cần mở tài khoản chứng khoán để thuận lợi cho việc thực hiện giao dịch. Theo nguyên tắc của pháp luật về tài chính, ngân hàng, chỉ các chủ tài khoản mới có quyền thực hiện các hành vi pháp lý liên quan đến tài khoản của họ. Để đáp ứng yêu cầu của thực tiễn khi một bên vợ, chồng thực hiện các giao dịch có liên quan đến tài khoản ngân hàng, tài khoản chứng khoán, Luật Hôn nhân và gia đình cần có quy định phù hợp. Dự thảo Luật đưa ra quy định về suy đoán quyền. Theo đó, để đảm bảo tính an toàn của các giao dịch được thực hiện qua tài khoản (gửi tiền vào tài khoản, chuyển khoản, thanh toán...), người thứ ba (ngân hàng, công ty chứng khoán, người có giao dịch với vợ, chồng) có quyền suy đoán rằng chủ tài khoản có quyền định đoạt những tài sản đặt để trong tài khoản. Quy định này không chỉ bảo vệ quyền lợi chính đáng của người thứ ba, mà còn mang lại lợi ích cho vợ chồng: do được quyền suy đoán về quyền của chủ tài khoản, người thứ ba không cần thiết phải tìm hiểu về tình trạng hôn nhân cũng như chế độ tài sản của người ký kết giao dịch với mình, do đó vợ, chồng có thể thực hiện giao dịch một cách dễ dàng mà không phải đưa ra các tài liệu chứng minh về quyền đối với tài sản được sử dụng.

Cần nhấn mạnh rằng quy định suy đoán về quyền chỉ có hiệu lực trong quan hệ giữa một bên là vợ chồng và bên kia là người thứ ba. Trong quan hệ giữa vợ và chồng thì vợ, chồng phải tuân theo các quy định về quyền và nghĩa vụ của họ theo quy định của Luật hôn nhân và gia đình hoặc theo thỏa thuận; nếu vi phạm và gây thiệt hại thì phải bồi thường nếu người vợ hoặc chồng không thực hiện giao dịch có yêu cầu, theo quy định tại điểm 5 khoản 28 Điều 1 của Luật này.”

Tuy nhiên, khi áp dụng quy định trên khi giải quyết các vụ án liên quan đến quyền sở hữu, quyền định đoạt của vợ chồng liên quan đến tài sản chung của vợ chồng, cần lưu ý Điều 8, Điều 16 của Nghị định số 126/2014/NĐ-CP ngày 31/12/2014 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Hôn nhân và gia đình về “người thứ ba ngay tình”:

“Điều 8. Người thứ ba không ngay tình khi xác lập, thực hiện giao dịch với vợ, chồng liên quan đến tài khoản ngân hàng, tài khoản chứng khoán, động sản khác mà theo quy định của pháp luật không phải đăng ký quyền sở hữu.

Người thứ ba xác lập, thực hiện giao dịch với vợ, chồng liên quan đến tài khoản ngân hàng, tài khoản chứng khoán, động sản khác mà theo quy định của pháp luật không phải đăng ký quyền sở hữu thì bị coi là không ngay tình trong những trường hợp sau đây:

1. Đã được vợ, chồng cung cấp thông tin theo quy định tại Điều 16 của Nghị định này mà vẫn xác lập, thực hiện giao dịch trái với những thông tin đó;

2. Vợ chồng đã công khai thỏa thuận theo quy định của pháp luật có liên quan về việc chiếm hữu, sử dụng, định đoạt tài sản và người thứ ba biết hoặc phải biết nhưng vẫn xác lập, thực hiện giao dịch trái với thỏa thuận của vợ chồng.

Điều 16. Cung cấp thông tin về chế độ tài sản của vợ chồng theo thỏa thuận trong giao dịch với người thứ ba.

Trường hợp chế độ tài sản của vợ chồng theo thỏa thuận được áp dụng thì khi xác lập, thực hiện giao dịch vợ, chồng có nghĩa vụ cung cấp cho người thứ ba biết về những thông tin liên quan; nếu vợ, chồng vi phạm nghĩa vụ này thì người thứ ba được coi là ngay tình và được bảo vệ quyền lợi theo quy định của Bộ luật Dân sự.”

Ví dụ: Vợ chồng thỏa thuận tài sản chung của vợ chồng là tiền, khi gửi tiết kiệm tại ngân hàng chỉ cần đứng tên một người, nhưng khi định đoạt số tiền tiết kiệm thì phải được sự đồng ý của cả hai vợ chồng.

Nếu vợ chồng đã thông báo thỏa thuận nêu trên với ngân hàng nơi gửi tiết kiệm, nhưng khi giao dịch liên quan đến khoản tiền tiết kiệm, ngân hàng không làm rõ ý chí của người vợ/chồng không đứng tên trên sổ tiết kiệm thì ngân hàng không ngay tình.

Nguồn: Báo Công lý

1663

Đây là nội dung tóm tắt, thông báo văn bản mới dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc vui lòng gửi về Email: [email protected]