Theo Luật Phòng chống rửa tiền 2012, rửa tiền là hành vi của tổ chức, cá nhân nhằm hợp pháp hóa nguồn gốc của tài sản do phạm tội mà có.
Trong đó, “tài sản” có thể là vật, tiền, giấy tờ có giá và các quyền tài sản theo quy định của Bộ luật dân sự, có thể tồn tại dưới hình thức vật chất hoặc phi vật chất; động sản hoặc bất động sản; hữu hình hoặc vô hình; các chứng từ hoặc công cụ pháp lý chứng minh quyền sở hữu hoặc lợi ích đối với tài sản đó.
Những hành vi được xem là rửa tiền bao gồm:
- Tham gia trực tiếp hoặc gián tiếp vào giao dịch tài chính, ngân hàng hoặc giao dịch khác nhằm che giấu nguồn gốc bất hợp pháp của tiền, tài sản do mình phạm tội mà có hoặc biết hay có cơ sở để biết là do người khác phạm tội mà có;
- Sử dụng tiền, tài sản do mình phạm tội mà có hoặc biết hay có cơ sở để biết là do người khác thực hiện hành vi phạm tội mà có vào việc tiến hành các hoạt động kinh doanh hoặc hoạt động khác;
- Che giấu thông tin về nguồn gốc, bản chất thực sự, vị trí, quá trình di chuyển hoặc quyền sở hữu đối với tiền, tài sản do mình phạm tội mà có hoặc biết hay có cơ sở để biết là do người khác phạm tội mà có hoặc cản trở việc xác minh các thông tin đó;
- Thực hiện một trong các hành vi quy định tại các điểm a, b và c khoản này đối với tiền, tài sản biết là có được từ việc chuyển dịch, chuyển nhượng, chuyển đổi tiền, tài sản do người khác thực hiện hành vi phạm tội mà có.
- Trợ giúp cho tổ chức, cá nhân có liên quan đến tội phạm nhằm trốn tránh trách nhiệm pháp lý bằng việc hợp pháp hóa nguồn gốc tài sản do phạm tội mà có;
- Chiếm hữu tài sản nếu tại thời điểm nhận tài sản đã biết rõ tài sản đó do phạm tội mà có, nhằm hợp pháp hóa nguồn gốc tài sản.
Có nhiều hình thức rửa tiền, nhưng nhìn chung đều được thực hiện theo 03 bước:
- Bước 1: Sự sắp đặt (Placement): Đây là giai đoạn thu xếp một nơi để đưa tiền bất hợp pháp vào hệ thống tài chính. Giai đoạn này nhằm giúp tội phạm giảm lượng lớn tiền mặt đang nắm giữ và biến đổi lượng tiền bất hợp pháp trở nên hợp pháp.
- Bước 2: Sự phân lớp (Layering): Mục đích của bước này là tạo khoảng cách càng xa càng tốt giữa tiền và nguồn tiền, tạo ra một lộ trình kiểm toán phức tạp. Đây là giai đoạn phức tạp và thường là quá trình chuyển tiền qua lại giữa các tài khoản ngân hàng, hoặc mua các tài sản có thể giao dịch như bất động sản, xe,…
- Bước 3: Quy tụ (Intergration): Đây là bước cuối cùng, đưa những đồng tiền bất hợp pháp trước đó (giờ đây trông có vẻ đã hợp pháp) quay lại nền kinh tế chính thống để sử dụng, mang lại lợi nhuận.
Cá nhân, pháp nhân thương mại có một trong những hành vi nêu trên thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội “Rửa tiền” theo quy định tại Điều 324 Bộ luật Hình sự (sửa đổi, bổ sung năm 2017).
- Người nào thực hiện một trong các hành vi được coi là rửa tiền thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm
- Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 10 năm:
+ Có tổ chức;
+ Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;
+ Phạm tội 02 lần trở lên;
+ Có tính chất chuyên nghiệp;
+ Dùng thủ đoạn tinh vi, xảo quyệt;
+ Tiền, tài sản phạm tội trị giá từ 200.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;
+ Thu lợi bất chính từ 50.000.000 đồng đến dưới 100.000.000 đồng;
+ Tái phạm nguy hiểm.
- Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 10 năm đến 15 năm:
+ Tiền, tài sản phạm tội trị giá 500.000.000 đồng trở lên;
+ Thu lợi bất chính 100.000.000 đồng trở lên;
+ Gây ảnh hưởng xấu đến an toàn hệ thống tài chính, tiền tệ quốc gia.
Người chuẩn bị phạm tội này, thì bị phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.
- Hình phạt bổ sung: Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.
- Pháp nhân có một trong các hành vi được coi là rửa tiền, thì bị phạt tiền từ 1.000.000.000 đồng đến 5.000.000.000 đồng
- Phạm tội thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm a, c, d, đ, e, g và h khoản 2 Điều 324 BLHS, thì bị phạt tiền từ 5.000.000.000 đồng đến 10.000.000.000 đồng;
- Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 3 Điều 324 BLHS, thì bị phạt tiền từ 10.000.000.000 đồng đến 20.000.000.000 đồng hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn từ 01 năm đến 03 năm;
- Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại Điều 79 của BLHS, thì bị đình chỉ hoạt động vĩnh viễn;
- Hình phạt bổ sung: Pháp nhân thương mại còn có thể bị phạt tiền từ 1.000.000.000 đồng đến 5.000.000.000 đồng, cấm kinh doanh, cấm hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định hoặc cấm huy động vốn từ 01 năm đến 03 năm.
Hiện nay số lượng các vụ án đã bị khởi tố về tội Rửa tiền ở Việt Nam còn khá ít. Thư Viện Bản Án mới chỉ cập nhật được 01 bản án về tội phạm này đã được xét xử trên thực tế, mời bạn cùng tham khảo.
Chang Chao C là người Đài Loan được một người tên Kuo Tai M (là người Campuchia, không rõ lai lịch) đề nghị C đến Việt Nam tìm mua các tài khoản ngân hàng để nhận tiền từ các con bạc chuyển vào và rút tiền mặt giao cho M để được trả tiền công 01 tháng 3.000 đô la Mỹ (USD) và 08% trên số tiền rút được. Chun thỏa thuận với Lê Minh T về việc mua tài khoản ngân hàng tại Việt Nam với giá 01 tài khoản từ 3.000.000 đồng đến 3.500.000 đồng. Sau khi mua được tài khoản ngân hàng từ T, do C không rút tiền được vì không phải chủ tài khoản nên M đề nghị Lê Minh T rút tiền từ tài khoản ngân hàng giao lại cho Chang Chao C để được hưởng 08% trên số tiền rút được thì T đồng ý. Để rút được tiền theo yêu cầu, T nhờ em ruột là Lê Minh H, Lê Minh C và nhân viên của T là Trần Mạnh H mở các tài khoản ngân hàng rồi đưa cho T để giao cho C quản lý. Các hoạt động nhận, rút và giao tiền được trao đổi qua mạng xã hội Telegram.
Bằng các thủ đoạn tương tự nhau, các đối tượng tự xưng là cán bộ Tư pháp, đã lừa đảo 14 người trên địa bàn các tỉnh chuyển tiền vào tài khoản ngân hàng do Lê Minh T giao cho Chang Chao C quản lý. Sau đó, Lê Minh T rút tiền giao cho Chang Chao C để giao lại cho Kuo Tai M. Tổng số tiền các đối tượng đã nhận được là 11.431.220.000 đồng.
Tại Bản án hình sự sơ thẩm số 103/2021/HS-ST ngày 13/4/2021, Tòa án nhân dân thành phố T, tỉnh Bình Dương quyết định: Xử phạt bị cáo Chang Chao C 13 (mười ba) năm tù về tội “Rửa tiền”.
Bị cáo Chang Chao C có đơn kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt.
Tòa án nhân dân tỉnh Bình Dương quyết định: không chấp nhận kháng cáo của bị cáo Chang Chao C, giữ nguyên Bản án hình sự sơ thẩm.