17/11/2023 17:03

Room tín dụng là gì? Vì sao nới room tín dụng ngân hàng?

Room tín dụng là gì? Vì sao nới room tín dụng ngân hàng?

Tôi muốn hỏi room tín dụng là gì? Vì sao nới room tín dụng ngân hàng? Nới room tín dụng ngân hàng có ảnh hưởng đến lãi suất không?_ Minh Nhật(Sóc Trăng)

Chào anh, Ban biên tập xin giải đáp như sau:

1. Room tín dụng là gì?

Room tín dụng là hạn mức tín dụng tối đa mà Ngân hàng Nhà nước(NHNN) cho phép các ngân hàng thương mại cấp tín dụng ra nền kinh tế trong một thời kỳ nhất định.

Mục đích của việc quản lý room tín dụng là để kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô. NHNN sẽ điều chỉnh room tín dụng phù hợp với tình hình kinh tế từng thời kỳ.

Vì sao nới room tín dụng ngân hàng?

Mỗi đầu năm, NHNN sẽ công bố room tín dụng cho toàn bộ các ngân hàng để quy định về mức độ tăng trưởng tín dụng tối đa. Mỗi ngân hàng sẽ có một hạn mức room tín dụng nhất định. Hạn mức tín dụng này sẽ được thay đổi phụ thuộc vào chủ trương, định hướng tăng trưởng tín dụng của mỗi năm.

Khi hết room tín dụng, các ngân hàng thương mại không được cấp thêm tín dụng. Lúc này, ngân hàng có thể đề nghị NHNN nới room để có thể cho vay tiếp.

Việc nới room tín dụng sẽ làm tăng khả năng cấp tín dụng của ngân hàng, giúp doanh nghiệp và người dân tiếp cận nguồn vốn dễ dàng hơn. Tuy nhiên, nới room tín dụng quá mức cũng tiềm ẩn rủi ro lạm phát, nợ xấu.

NHNN cân nhắc nới room tín dụng khi nền kinh tế cần kích thích tăng trưởng và lạm phát được kiểm soát ở mức hợp lý. Ngược lại, NHNN sẽ thắt chặt room khi lạm phát tăng cao để hạ nhiệt nền kinh tế.

Như vậy, nới room tín dụng là việc tăng mức giới hạn cho vay của ngân hàng dưới sự cho phép của NHNN, pháp luật. Khi được nới room tín dụng, ngân hàng có thể cho vay vượt hạn mức ban đầu. Mỗi ngân hàng tùy thuộc vào tỷ lệ vốn tối thiểu, nặng lực quản trị,... sẽ được cấp mức hạn mức tín dụng khác nhau.

2. Nới room tín dụng ngân hàng có ảnh hưởng đến lãi suất không?

Cùng với việc NHNN nới room tín dụng cho các ngân hàng thương mại thì mức lãi suất cũng sẽ ảnh hưởng theo vì nới room tín dụng do NHNN xem xét bởi nhiều tiêu chí và tình hình tăng trưởng thực tế của đất nước trong đó giảm lãi suất cũng là  một trong các tiêu chí để NHNN xem xét cấp thêm room tín dụng cho các ngân hàng. Từ đó, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp và người dân tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng. Sau khi các doanh nghiệp và người dân được giải quyết vấn đề khó khăn về vốn thì sẽ tập trung vào hoạt động sản xuất, kinh doanh thúc đẩy nền kinh tế phát triển.

Khi các doanh nghiệp và người dân giải quyết được khó khăn về tình hình hoạt động sản xuất, kinh doanh đồng thời kiểm soát được nguồn vốn thì việc thu hồi vốn vay tín dụng của ngân hàng thương mại sẽ dễ dàng hơn. Từ đó, NHNN sẽ xem xét ổn định lại mức lãi suất tín dụng theo quy định hoặc có thể tăng mức lãi suất để kiểm soát, ngăn chặn tình hình lạm phát và ổn định kinh tế vĩ mô.

Theo đó, tại Điều 12 Luật Ngân hàng Nhà nước Việt Nam 2010 quy định về lãi suất như sau:

NHNN công bố lãi suất tái cấp vốn, lãi suất cơ bản và các loại lãi suất khác để điều hành chính sách tiền tệ, chống cho vay nặng lãi.

Trong trường hợp thị trường tiền tệ có diễn biến bất thường, NHNN quy định cơ chế điều hành lãi suất áp dụng trong quan hệ giữa các tổ chức tín dụng với nhau và với khách hàng, các quan hệ tín dụng khác.

Như vậy, theo quy định trên thì NHNN sẽ xem xét điều chỉnh các loại lãi suất để điều hành chính sách tiền tệ cho phù hợp với tình hình nền kinh tế đất nước nhằm ngăn chặn tình hình lạm phát tăng cao. 

Trân trọng!

Hứa Lê Huy
1369

Đây là nội dung tóm tắt, thông báo văn bản mới dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc vui lòng gửi về Email: info@thuvienphapluat.vn