Rằm tháng Giêng, hay còn gọi là Tết Nguyên tiêu, là một trong những ngày lễ quan trọng trong văn hóa của người Việt Nam. Đây là ngày trăng tròn đầu tiên của năm mới, mang ý nghĩa về sự viên mãn, tròn đầy và khởi đầu tốt đẹp cho một năm.
Vào ngày này, người dân thường đi chùa, đền, miếu để cúng Phật, cầu bình an, may mắn cho gia đình và bản thân. Các gia đình cũng chuẩn bị mâm cỗ cúng gia tiên, thể hiện lòng thành kính và biết ơn đối với tổ tiên.
Năm 2025, Rằm tháng Giêng năm rơi vào ngày 15 tháng Giêng âm lịch, tức ngày 12/02/2025 (thứ Tư) dương lịch.
Trong dịp Rằm tháng Giêng, tại nhiều địa phương còn tổ chức các hoạt động văn hóa, nghệ thuật đặc sắc như múa lân, hát chèo, thả đèn hoa đăng... tạo nên một không khí vui tươi, náo nhiệt. Đây là dịp để mọi người cùng nhau vui chơi, giải trí và tận hưởng những giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc.
Mâm cúng Rằm tháng Giêng thể hiện lòng thành kính đối với các vị Phật, thần linh và tổ tiên, được chuẩn bị công phu, chu đáo với nhiều lễ vật mang ý nghĩa tâm linh sâu sắc.
Thông thường, mâm cúng Rằm tháng Giêng sẽ bao gồm hai phần chính: mâm cúng Phật và mâm cúng gia tiên.
Mâm cúng Phật thường là mâm chay, bao gồm:
- Hoa tươi: Chọn hoa tươi có màu sắc tươi tắn, thơm ngát như hoa cúc vàng, hoa huệ, hoa sen...
- Hương, đèn, nến: Thắp hương, đèn, nến để tạo không khí trang nghiêm và ấm cúng.
- Trà, quả: Dâng trà và hoa quả tươi để thể hiện lòng thành kính.
- Xôi, chè: Chuẩn bị xôi, chè (thường là chè trôi nước) để cúng Phật.
- Bánh chay: Có thể cúng thêm các loại bánh chay như bánh bao, bánh đậu xanh...
Mâm cúng gia tiên thường là mâm mặn, bao gồm:
- Mâm ngũ quả: Chọn 5 loại quả tươi ngon, có màu sắc khác nhau để bày mâm ngũ quả.
- Hương, hoa, đèn, nến: Thắp hương, hoa, đèn, nến để tưởng nhớ tổ tiên.
- Trầu cau: Trầu 3 lá, cau 3 quả.
- Rượu: Rượu trắng hoặc rượu nếp.
- Gà luộc: Gà luộc nguyên con hoặc gà luộc chặt miếng.
- Xôi: Xôi gấc, xôi đỗ xanh hoặc các loại xôi khác.
- Các món ăn mặn: Ngoài gà luộc và xôi, có thể chuẩn bị thêm các món ăn mặn khác như giò chả, nem rán, canh măng…
Tùy vào điều kiện kinh tế hay phong tục tập quán mà mâm cỗ cúng rằm tháng Giêng mỗi gia đình chuẩn bị đồ cúng khác nhau, thông thường có 4 bát, 6 đĩa, tổng cộng thành tròn 10 món.
Khi đi chùa vào Rằm tháng Giêng, người dân cần phải lưu ý những điều sau:
- Không nên sắm lễ mặn dâng lên chùa, nên sắm lễ vật đơn giản, không cần cầu kỳ, phức tạp như trầu cau, hoa quả hay xôi chè.
- Không nên mang vàng mã hay tiền âm phủ đến chùa, nếu có thì chỉ nên đặt ở ban thờ Thánh Mẫu hoặc Đức Ông.
- Đi lễ chùa không nên cầu công danh hay tài lộc. Chỉ nên cầu bình an, sức khỏe cho gia đình và bản thân.
- Trang phục kín đáo, tránh mặc đồ hở hang, phản cảm. Hạn chế đeo quá nhiều trang sức. Lưu ý cách ăn nói, nói năng lịch sự, nhẹ nhàng
Bên cạnh đó, người đi chùa vào Rằm tháng Giêng cũng cần có trách nhiệm của người tham gia lễ hội được quy định tại Khoản 2 Điều 6 Nghị định 110/2018/NĐ-CP như sau:
- Chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật; nội quy thực hiện nếp sống văn minh trong lễ hội;
- Ứng xử có văn hóa trong hoạt động lễ hội; trang phục lịch sự, phù hợp với thuần phong mỹ tục của dân tộc Việt Nam; không nói tục, chửi thề xúc phạm tâm linh, gây ảnh hưởng xấu tới không khí trang nghiêm của lễ hội;
- Thắp hương, đốt vàng mã đúng nơi quy định; không chen lấn, xô đẩy gây mất trật tự an ninh; giữ gìn vệ sinh môi trường;
- Không tổ chức hoặc tham gia các hoạt động mê tín, dị đoan, cờ bạc và các hành vi vi phạm pháp luật khác.
- Không thực hiện việc đổi tiền có chênh lệch giá trong khu vực di tích, lễ hội;
- Cán bộ, công chức, viên chức, người lao động ngoài việc chấp hành nghiêm các quy định trên còn phải thực hiện các quy định sau: không đi lễ hội trong giờ hành chính; không dùng xe công và các phương tiện công (hoặc thuê khoán phương tiện) tham gia lễ hội (trừ trường hợp thuộc thành phần tham gia tổ chức lễ hội hoặc được giao thực thi nhiệm vụ).