16/04/2024 23:55

"Ra khơi tìm kho báu": Nếu tìm được kho báu thì có phải giao nộp lại cho nhà nước không?

"Ra khơi tìm kho báu": Nếu tìm được kho báu thì có phải giao nộp lại cho nhà nước không?

Gần đây, trên mạng xã hội đang rần rần trend đi tìm kho báu, tôi muốn hỏi trào lưu này bắt nguồn từ đâu và khi tìm được kho báu thì người dân có phải giao nộp lại cho nhà nước không? "Minh Vỹ-Hồ Chí Minh"

Chào anh, Ban biên tập xin giải đáp như sau:

1. Trend "Ra khơi tìm kho báu" bắt nguồn từ đâu?

Gần đây, các trang mạng xã hội đang rần rần hagtag "Ra khơi tìm kho báu" hay "Đi tìm kho báu", thực chất đây là từ khóa lấy cảm hứng từ nhân vật Gold D. Roger trong bộ truyện nổi tiếng One Piece. Trong One Piece, nhân vật Gold D. Roger đã từng là thuyền trưởng của băng hải tặc Roger và được xây dưng là người rất vĩ đại, là người duy nhất trong lịch sử tìm thấy kho báu.

Sỡ dĩ có trend này là bắt nguồn từ số tiền khổng lồ phải bồi hoàn trong vụ án Vạn Thịnh Phát có liên quan đến bà Trương Mỹ Lan. Một người hài hước (chưa rõ danh tính) đã ngay lập tức khởi xướng trào lưu "đi tìm kho báu của bà Trương Mỹ Lan" ở ngoài biển khơi. Thực chất thì chẳng có kho báu nào đang bị mất tích ngoài biển khơi cả. 

Ngày 11/4/2024, Tòa án nhân dân TP.HCM đã tuyên án sơ thẩm xét xử vụ án liên quan đến bà Trương Mỹ Lan trong vụ trọng án tại Vạn Thịnh Phát. Theo đó, bà Lan bị tuyên tử hình về tội Tham ô tài sản, 20 năm tù về tội Đưa hối lộ, 20 năm tù về tội Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động các tổ chức, tín dụng. Tổng hợp hình phạt là tử hình.

Đồng thời, về trách nhiệm dân sự thì bà Trương Mỹ Lan buộc bồi hoàn cho Ngân hàng SCB dư nợ của 1.243 khoản vay còn lại tính đến ngày 17-10-2022, tương đương số tiền là 673.849 tỉ đồng. Dân mạng ví số tiền bồi hoàn này như một kho báu khổng lồ.

Nếu muốn đu trend này chỉ cần đăng tải hình ảnh, video có liên quan đến biển, cùng dòng trạng thái "đi tìm kho báu", là dân mạng đã có thể nhập cuộc tìm kho báu online.

2. Nếu tìm được kho báu thì có phải giao nộp lại cho nhà nước không?

Để trả lời cho câu hỏi của anh là nếu thật sự tìm được kho báu trên biển Việt Nam thì người dân có phải giao nộp lại cho nhà nước hay không thì cần xác định kho báu này có phải là cổ vật, bảo vật quốc gia hay không.

Theo Luật Di sản văn hóa năm 2001 định nghĩa thì: Cổ vật là hiện vật được lưu truyền lại, có giá trị tiêu biểu về lịch sử, văn hoá, khoa học, có từ một trăm năm tuổi trở lên. Bảo vật quốc gia là hiện vật được lưu truyền lại, có giá trị đặc biệt quý hiếm tiêu biểu của đất nước về lịch sử, văn hoá, khoa học.

Tại Khoản 4 Điều 14 Luật Di sản văn hóa năm 2001 quy định tổ chức, cá nhân có quyền và nghĩa vụ "Thông báo kịp thời địa điểm phát hiện di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia, di tích lịch sử - văn hoá, danh lam thắng cảnh; giao nộp di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia do mình tìm được cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền nơi gần nhất."

Đồng thời, theo Điều 229 Bộ luật dân sự 2015 có quy định về xác lập quyền sở hữu đối với tài sản bị chôn, giấu, bị vùi lấp, chìm đắm được tìm thấy như sau:

- Người phát hiện tài sản bị chôn, giấu, bị vùi lấp, chìm đắm phải thông báo hoặc trả lại ngay cho chủ sở hữu; nếu không biết ai là chủ sở hữu thì phải thông báo hoặc giao nộp cho Ủy ban nhân dân cấp xã hoặc công an cấp xã nơi gần nhất hoặc cơ quan nhà nước có thẩm quyền khác theo quy định của pháp luật.

- Tài sản bị chôn, giấu, bị vùi lấp, chìm đắm được tìm thấy mà không có hoặc không xác định được ai là chủ sở hữu thì sau khi trừ chi phí tìm kiếm, bảo quản, quyền sở hữu đối với tài sản này được xác định như sau:

+ Tài sản được tìm thấy là tài sản thuộc di tích lịch sử - văn hóa theo quy định của Luật di sản văn hóa thì thuộc về Nhà nước; người tìm thấy tài sản đó được hưởng một khoản tiền thưởng theo quy định của pháp luật;

+ Tài sản được tìm thấy không phải là tài sản thuộc di tích lịch sử - văn hóa theo quy định của Luật di sản văn hóa mà có giá trị nhỏ hơn hoặc bằng mười lần mức lương cơ sở do Nhà nước quy định thì thuộc sở hữu của người tìm thấy; nếu tài sản tìm thấy có giá trị lớn hơn mười lần mức lương cơ sở do Nhà nước quy định thì người tìm thấy được hưởng giá trị bằng mười lần mức lương cơ sở do Nhà nước quy định và 50% giá trị của phần vượt quá mười lần mức lương cơ sở do Nhà nước quy định, phần giá trị còn lại thuộc về Nhà nước.

Căn cứ theo các quy định trên, trong trường hợp tìm thấy tài sản mà biết ai là chủ sở hữu thì người tìm thấy phải thông báo hoặc trả lại ngay cho chủ sở hữu. Nếu không xác định được chủ sở hữu thì phải thông báo hoặc giao nộp cho Ủy ban nhân dân cấp xã hoặc công an cấp xã nơi gần nhất hoặc cơ quan nhà nước có thẩm quyền khác theo quy định của pháp luật.

Nếu tài sản đó không không phải là cổ vật, bảo vật quốc gia mà có giá trị nhỏ hơn hoặc bằng mười lần mức lương cơ sở do Nhà nước quy định thì thuộc sở hữu của người tìm thấy. Còn nếu tài sản này có giá trị lớn hơn mười lần mức lương cơ sở do Nhà nước quy định thì người tìm thấy được hưởng giá trị bằng 10 mức lương cơ sở và 50% giá trị của phần vượt quá 10 lần mức lương cơ sở, phần giá trị còn lại thuộc về Nhà nước.

Trong trường hợp tài sản được tìm thấy là cổ vật, bảo vật quốc gia thì phải giao trả cho nhà nước và người tìm thấy tài sản sẽ được hưởng một khoản tiền thưởng theo quy định.

Trân trọng!

Bùi Thị Như Ý
5745

Đây là nội dung tóm tắt, thông báo văn bản mới dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc vui lòng gửi về Email: info@thuvienphapluat.vn