Nghị quyết 01/2019/NQ-HĐTP ngày 11/01/2019 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn áp dụng một số quy định của pháp luật về lãi, lãi suất, phạt vi phạm, tại điểm b khoản 1 Điều 13 hướng dẫn việc quyết định lãi, lãi suất trong bản án, quyết định của tòa án như sau: Đối với trường hợp khoản tiền phải thu nộp vào ngân sách Nhà nước mà pháp luật có quy định nghĩa vụ trả lãi; hoặc khoản tiền bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng; hoặc trường hợp chậm thực hiện nghĩa vụ về tài sản trong hoặc ngoài hợp đồng khác mà các bên không thỏa thuận về việc trả lãi thì quyết định kể từ ngày bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật (đối với các trường hợp cơ quan thi hành án có quyền chủ động ra quyết định thi hành án) hoặc kể từ ngày có đơn yêu cầu thi hành án của người được thi hành án (đối với các khoản tiền phải trả cho người được thi hành án) cho đến khi thi hành án xong, bên phải thi hành án còn phải chịu khoản tiền lãi của số tiền còn phải thi hành án theo mức lãi suất quy định tại Điều 357, Điều 468 của Bộ luật Dân sự năm 2015, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.
Ví dụ: A cho B vay 01 tỉ đồng, thời hạn vay 01 tháng, không thỏa thuận lãi (bao gồm cả lãi vay trong hạn và lãi chậm trả). Hết thời hạn trả nợ B không trả tiền, A khởi kiện đến tòa án yêu cầu giải quyết buộc B trả số tiền gốc và lãi suất chậm trả cho đến khi trả xong số tiền gốc. Tòa án cấp sơ thẩm chấp nhận yêu cầu khởi kiện của A buộc B phải trả 01 tỉ tiền gốc và 50 triệu tiền lãi do chậm thực hiện nghĩa vụ trả tiền (tính đến thời điểm xét xử sơ thẩm). Đồng thời tuyên bên có nghĩa vụ (bên B) phải chịu lãi theo điểm b khoản 1 Điều 13 Nghị quyết 01/2019/NQ-HĐTP (kể từ ngày A có đơn yêu cầu thi hành án). Sau khi xét xử sơ thẩm B kháng cáo, trong giai đoạn chuẩn bị xét xử phúc thẩm vụ án tạm đình chỉ giải quyết (02 năm). Cấp phúc thẩm giữ nguyên án sơ thẩm hoặc sửa một phần (nhưng vẫn giữ cách tuyên về lãi theo điểm b khoản 1 Điều 13 nêu trên).
Vấn đề đặt ra: Nếu tuyên như hướng dẫn tại điểm b khoản 1 Điều 13 Nghị quyết 01/2019NQ-HĐTP và áp dụng vào ví dụ cụ thể nêu trên thì trong khoảng thời gian chờ kết quả xét xử phúc thẩm, lãi chậm thực hiện nghĩa vụ trả tiền sẽ không được tính cho người có quyền khi họ có yêu cầu. Trên thực tế hiện nay rất nhiều tòa án áp dụng cách tuyên như vậy.
Nhiều ý kiến cho rằng cách xác định lãi chậm thực hiện nghĩa vụ như vậy chưa thật sự hợp lý, bởi tại khoản 1 Điều 357 Bộ luật Dân sự 2015 quy định: “Trường hợp bên có nghĩa vụ chậm trả tiền thì bên đó phải trả lãi đối với số tiền chậm trả tương ứng với thời gian chậm trả” và khoản 4 Điều 466 quy định: “Trường hợp vay không có lãi mà khi đến hạn bên vay không trả nợ hoặc trả không đầy đủ thì bên cho vay có quyền yêu cầu trả tiền lãi với mức lãi suất theo quy định tại khoản 2 Điều 468 của Bộ luật này trên số tiền chậm trả tương ứng với thời gian chậm trả, trừ trường hợp có thỏa thuận khác hoặc luật có quy định khác”.
Như vậy, theo các quy định trên thì đối với trường hợp vay không thỏa thuận lãi, khi đến thời hạn trả nợ mà bên có nghĩa vụ chậm trả tiền và bên cho vay có yêu cầu thì bên có nghĩa vụ phải trả tiền lãi với mức lãi suất theo quy định tại khoản 2 Điều 468 của Bộ luật Dân sự trên số tiền chậm trả tương ứng với thời gian chậm trả.
Trên thực tế, có rất nhiều trường hợp A đứng ra vay ngân hàng giúp B một khoản tiền trong một thời gian nhất định (giữa A và B có giấy vay tiền, hợp đồng vay… không lãi suất). Đến hạn B không thực hiện nghĩa vụ trả nợ và phát sinh tranh chấp. Trong quá trình giải quyết tại tòa án, khoản tiền A đứng ra vay cho B, A vẫn phải trả lãi hàng tháng cho ngân hàng. Trường hợp vụ việc giữa A và B nêu tại ví dụ trên, nếu A không được xem xét về khoản tiền lãi chậm trả trong thời gian chuẩn bị xét xử phúc thẩm sẽ gây thiệt hại đến quyền và lợi ích hợp pháp của A.
Hiện nay cũng có quan điểm cho rằng, trong trường hợp vay không thỏa thuận lãi, khi bên có nghĩa vụ vi phạm nghĩa vụ trả tiền và bên có quyền có yêu cầu tính lãi chậm thực hiện nghĩa vụ thì sẽ quyết định về lãi theo điểm a khoản 1 Điều 13 Nghị quyết 01/2019/NQ-HĐTP (tính từ ngày tuyên án sơ thẩm). Quan điểm này về nội dung là phù hợp, bảo đảm được quyền và lợi ích hợp pháp của bên có quyền và cho thấy việc áp dụng pháp luật linh hoạt. Tuy nhiên, nếu quyết định như vậy lại không đúng với tinh thần của điểm a khoản 1 Điều 13 Nghị quyết 01/2019/NQ-HĐTP, bởi điểm a khoản 1 Điều 13 được áp dụng cho trường hợp “các bên có thỏa thuận về việc trả lãi”[1].
Theo quan điểm của tác giả, việc quyết định lãi chậm thực hiện nghĩa vụ trả tiền trong hợp đồng không có thỏa thuận lãi nên quy định tách biệt, rõ ràng như sau:
- Đối với trường hợp bên có quyền không yêu cầu trả lãi do chậm thực hiện nghĩa vụ trong quá trình giải quyết vụ án thì bên có nghĩa vụ phải chịu khoản tiền lãi của số tiền còn phải thi hành án kể từ ngày có đơn yêu cầu thi hành án của người được thi hành án cho đến khi thi hành án xong (như điểm b khoản 1 Điều 13 Nghị quyết 01/2019/NQ-HĐTP).
- Đối với trường hợp bên có quyền có yêu cầu trả lãi do chậm thực hiện nghĩa vụ thì bên có nghĩa vụ phải chịu khoản tiền lãi của số tiền gốc chưa thanh toán kể từ ngày tiếp theo của ngày xét xử sơ thẩm cho đến khi thi hành án xong.
Luật gia PHÙNG NGUYỄN HOÀNG- Công ty Luật TNHH Bách Lâm
Nguồn: Luật sư Việt Nam
[1] Điểm a khoản 1 Điều 13 Nghị quyết 01/2019/NQ-HĐTP hướng dẫn như sau: Đối với trường hợp chậm thực hiện nghĩa vụ trong hợp đồng mà các bên có thỏa thuận về việc trả lãi thì quyết định kể từ ngày tiếp theo của ngày xét xử sơ thẩm cho đến khi thi hành án xong, bên phải thi hành án còn phải chịu khoản tiền lãi của số tiền còn phải thi hành án theo mức lãi suất các bên thỏa thuận nhưng phải phù hợp với quy định của pháp luật; nếu không có thỏa thuận về mức lãi suất thì quyết định theo mức lãi suất quy định tại khoản 2 Điều 468 của Bộ luật Dân sự năm 2015.