18/05/2021 13:58

Quyết định giám đốc thẩm của HĐTP TAND tối cao có thể bị xem xét lại trong trường hợp nào?

Quyết định giám đốc thẩm của HĐTP TAND tối cao có thể bị xem xét lại trong trường hợp nào?

Về lý thuyết thì quyết định giám đốc thẩm của Hội đồng thẩm phán TAND tối cao vẫn có thể bị xem xét lại theo thủ tục quy định tại Bộ luật Tố tụng hình sự 2015.

Hiện nay theo quy định của Bộ luật Hình sự về nguyên tắc suy đoán vô tội thì người bị buộc tội được coi là không có tội cho đến khi được chứng minh theo trình tự, thủ tục do Bộ luật này quy định và có bản án kết tội của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật.

Khi bản án kết tội của Toà án có hiệu lực pháp luật thì người bị kết tội mới được coi là người bị kết án, khi đó người bị kết án có nghĩa vụ chấp hành hình phạt theo quyết định của bản án kết án đối với mình.

Tuy nhiên, trong trường hợp bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật mà phát hiện có vi phạm pháp luật nghiêm trọng hoặc có tình tiết mới theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự thì vẫn được xem xét lại theo trình tự giám đốc thẩm hoặc tái thẩm để xem xét lại toàn bộ nội dung vụ án.

Về tính chất, giám đốc thẩm là xét lại bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật nhưng bị kháng nghị vì phát hiện có vi phạm pháp luật nghiêm trọng trong việc giải quyết vụ án. Bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật bị kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm khi có một trong các căn cứ: Kết luận trong bản án, quyết định của Tòa án không phù hợp với những tình tiết khách quan của vụ án; có vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng trong điều tra, truy tố, xét xử dẫn đến sai lầm nghiêm trọng trong việc giải quyết vụ án; có sai lầm nghiêm trọng trong việc áp dụng pháp luật.

Về thẩm quyền kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm, Chánh án Tòa án nhân dân (TAND) tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân (VKSND) tối cao có quyền kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của Tòa án nhân dân cấp cao; bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của Tòa án khác khi xét thấy cần thiết, trừ quyết định của Hội đồng Thẩm phán TAND tối cao. Chánh án Tòa án quân sự trung ương, Viện trưởng Viện kiểm sát quân sự trung ương có quyền kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của Tòa án quân sự cấp quân khu, Tòa án quân sự khu vực. Chánh án TAND cấp cao, Viện trưởng VKSND cấp cao có quyền kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của TAND cấp tỉnh, TAND cấp huyện trong phạm vi thẩm quyền theo lãnh thổ.

Khi bản án, quyết định của Tòa án bị kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm thì bản án, quyết định đó bị tạm đình chỉ thi hành.

Trong thời hạn 04 tháng kể từ ngày nhận được quyết định kháng nghị kèm theo hồ sơ vụ án, Tòa án có thẩm quyền giám đốc thẩm phải mở phiên tòa. Tùy từng vụ án mà thẩm quyền giám đốc thẩm thuộc về Uỷ ban Thẩm phán TAND cấp cao, Hội đồng toàn thể Uỷ ban Thẩm phán TAND cấp cao, Ủy ban Thẩm phán Tòa án quân sự trung ương, Hội đồng Thẩm phán TAND tối cao, Hội đồng toàn thể Thẩm phán TAND tối cao.

Hội đồng Giám đốc thẩm sẽ ra quyết định giám đốc thẩm với một trong các nội dung thuộc thẩm quyền của Hội đồng Giám đốc thẩm: Không chấp nhận kháng nghị và giữ nguyên bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật bị kháng nghị; hủy bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật và giữ nguyên bản án, quyết định đúng pháp luật của Tòa án cấp sơ thẩm hoặc Tòa án cấp phúc thẩm bị hủy, sửa không đúng pháp luật; hủy bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật để điều tra lại hoặc xét xử lại; hủy bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật và đình chỉ vụ án; sửa bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật; đình chỉ xét xử giám đốc thẩm. Quyết định của Hội đồng Giám đốc thẩm có hiệu lực pháp luật kể từ ngày ra quyết định.

Như vậy, nếu như Bản án hình sự bị kháng nghị, Hội đồng Thẩm phán TAND tối cao ra Quyết định Giám đốc thẩm bác kháng nghị, giữ nguyên bản án thì bản án sẽ tiếp tục được thi hành và bị cáo buộc phải chấp hành hình phạt.

Quyết định của Hội đồng Thẩm phán TAND tối cao chỉ bị xem xét lại trong trường hợp có căn cứ xác định quyết định của Hội đồng Thẩm phán TAND tối cao có vi phạm pháp luật nghiêm trọng hoặc phát hiện tình tiết quan trọng mới có thể làm thay đổi cơ bản nội dung quyết định mà Hội đồng Thẩm phán TAND tối cao không biết được khi ra quyết định đó. Nếu Ủy ban Thường vụ Quốc hội yêu cầu, Ủy ban Tư pháp của Quốc hội, Viện trưởng VKSND tối cao kiến nghị, Chánh án TAND tối cao đề nghị thì Hội đồng Thẩm phán TAND tối cao mới phải mở phiên họp để xem xét lại quyết định đó theo quy định tại Điều 404 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015.

Điều 404 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 quy định về yêu cầu, kiến nghị, đề nghị xem xét lại quyết định của Hội đồng Thẩm phán TAND tối cao. Theo đó, khi có căn cứ xác định quyết định của Hội đồng Thẩm phán TAND tối cao có vi phạm pháp luật nghiêm trọng hoặc phát hiện tình tiết quan trọng mới có thể làm thay đổi cơ bản nội dung quyết định mà Hội đồng Thẩm phán TAND tối cao không biết được khi ra quyết định đó, nếu Ủy ban thường vụ Quốc hội yêu cầu, Ủy ban Tư pháp của Quốc hội, Viện trưởng VKSND tối cao kiến nghị, Chánh án TAND tối cao đề nghị thì Hội đồng Thẩm phán TAND tối cao phải mở phiên họp để xem xét lại quyết định đó. Trường hợp Ủy ban Thường vụ Quốc hội yêu cầu thì Chánh án TAND tối cao có trách nhiệm báo cáo Hội đồng Thẩm phán TAND tối cao để xem xét lại quyết định của Hội đồng Thẩm phán TAND tối cao. Trường hợp Ủy ban Tư pháp của Quốc hội, Viện trưởng VKSND tối cao kiến nghị thì Hội đồng Thẩm phán TAND tối cao mở phiên họp xem xét kiến nghị đó. Trường hợp Chánh án TAND tối cao đề nghị thì báo cáo Hội đồng Thẩm phán TAND tối cao mở phiên họp xem xét đề nghị đó.

Thành phần tham dự phiên họp của Hội đồng Thẩm phán TAND tối cao để xem xét kiến nghị, đề nghị như sau:

- Viện trưởng VKSND tối cao phải tham dự phiên họp của Hội đồng Thẩm phán TAND tối cao để xem xét kiến nghị của Ủy ban Tư pháp của Quốc hội, kiến nghị của Viện trưởng VKSND tối cao hoặc đề nghị của Chánh án TAND tối cao.

- Đại diện Ủy ban Tư pháp của Quốc hội được mời tham dự phiên họp của Hội đồng Thẩm phán TAND tối cao để xem xét kiến nghị của Ủy ban Tư pháp của Quốc hội.

- Trường hợp xét thấy cần thiết, TAND tối cao có thể mời cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan tham dự phiên họp.

Về thời hạn mở phiên họp xem xét lại quyết định của Hội đồng Thẩm phán TAND tối cao, trong thời hạn 04 tháng kể từ ngày nhận được yêu cầu của Ủy ban Thường vụ Quốc hội hoặc kể từ ngày có quyết định của Hội đồng Thẩm phán TAND tối cao nhất trí xem xét lại quyết định của mình, Hội đồng Thẩm phán TAND tối cao phải mở phiên họp.

TAND tối cao gửi cho VKSND tối cao văn bản thông báo về thời gian, địa điểm mở phiên họp xem xét lại quyết định của Hội đồng Thẩm phán TAND tối cao kèm theo hồ sơ vụ án trong trường hợp có yêu cầu của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Thủ tục và thẩm quyền xem xét lại quyết định của Hội đồng Thẩm phán TAND tối cao

Viện trưởng VKSND tối cao phải tham dự phiên họp xem xét lại quyết định của Hội đồng Thẩm phán TAND tối cao và phát biểu quan điểm về việc có hay không có vi phạm pháp luật nghiêm trọng hoặc có hay không có tình tiết mới quan trọng làm thay đổi cơ bản nội dung quyết định của Hội đồng Thẩm phán TAND tối cao và quan điểm về việc giải quyết vụ án.

Sau khi nghe Chánh án TAND tối cao báo cáo, nghe ý kiến của Viện trưởng VKSND tối cao, của cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan tham dự (nếu có), Hội đồng Thẩm phán TAND tối cao quyết định:

- Không chấp nhận yêu cầu của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, kiến nghị của Ủy ban Tư pháp của Quốc hội, Viện trưởng VKSND tối cao, đề nghị của Chánh án TAND tối cao và giữ nguyên quyết định của Hội đồng Thẩm phán TAND tối cao;

- Hủy quyết định của Hội đồng Thẩm phán TAND, hủy bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật có vi phạm pháp luật và quyết định về nội dung vụ án;

- Hủy quyết định của Hội đồng Thẩm phán TAND tối cao, hủy bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật và xác định trách nhiệm bồi thường thiệt hại theo quy định của pháp luật;

- Hủy quyết định của Hội đồng Thẩm phán TAND tối cao, hủy bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật có vi phạm pháp luật để điều tra lại hoặc xét xử lại.

Quyết định của Hội đồng Thẩm phán TAND tối cao phải được ít nhất ba phần tư tổng số thành viên của Hội đồng Thẩm phán TAND tối cao biểu quyết tán thành.

Sau khi Hội đồng Thẩm phán TAND tối cao ra một trong các quyết định trên, TAND tối cao gửi quyết định cho Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Ủy ban Tư pháp của Quốc hội, VKSND tối cao, Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát và Tòa án đã giải quyết vụ án và những người có liên quan.

Liệu thủ tục tố tụng có bị kéo dài…?

Như vậy, thủ tục xem xét lại Quyết định của Hội đồng Thẩm phán TAND tối cao là một quy định mới trong Bộ luật Tố tụng hình sự 2015 mà các văn bản pháp luật trước đây chưa có. Quy định này xuất phát từ tinh thần Hiến Pháp năm 2013 về quyền lực nhà nước, quyền giám sát tối cao của Quốc hội, quyền lực nhà nước là thống nhất, có sự phân công, phối hợp, kiểm soát giữa các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp. Quy định này thể hiện rõ nhất hoạt động giám sát quyền tư pháp. 

Quy định pháp luật cần được áp dụng qua thực tiễn thì mới tổng hợp, đánh giá được những mặt tích cực và hạn chế từ đó mới có thể tiến tới sửa đổi, bổ sung cho phù hợp. Việc đề cao, nâng cao chất lượng hoạt động tư pháp, trong đó có hoạt động xem xét lại bản án quyết định đã có hiệu lực pháp luật là điều cần thiết. Nếu như, hoạt động giám đốc thẩm, tái thẩm được thực hiện tốt, công bằng, có sự giám sát chặt chẽ thì mới có thể bỏ thủ tục này. Trường hợp các thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm chưa tốt thì thủ tục này như một nút chặn cuối cùng để đảm bảo sự công bằng pháp luật... 

Tuy nhiên, việc có càng nhiều thủ tục thì có thể sẽ khiến vụ án kéo dài nhiều năm. Thực tiễn cho thấy, nhiều vụ án được minh oan sau vài chục năm, người bị kết án gần như mang tiếng án oan cả cuộc đời, có những giá trị bị mất không thể phục hồi lại được. Bởi vậy, thay bằng kéo dài các thủ tục tố tụng thì thiết nghĩ cần siết chặt việc thực hiện các hoạt động tố tụng, quy định chặt chẽ có hiệu quả trong hoạt động tố tụng hình sự, đặc biệt là tăng cường yếu tố tranh tụng trong tố tụng hình sự và thực hiện tốt các nguyên tắc cơ bản trong tố tụng hình sự là nguyên tắc chứng minh, nguyên tắc suy đoán vô tội... Khi thực hiện tốt những hoạt động, nguyên tắc này thì bản án hình sự sẽ đảm bảo được tính đúng đắn, khách quan, phù hợp quy định pháp luật, không có án oan, án sai,… từ đó không còn phải áp dụng các thủ tục giám đốc thẩm, hay xem xét lại quyết định giám đốc thẩm nữa.

Thạc sĩ, Luật sư ĐẶNG VĂN CƯỜNG

Trưởng Văn phòng Luật sư Chính Pháp

Nguồn: Luật sư Việt Nam

7853

Đây là nội dung tóm tắt, thông báo văn bản mới dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc vui lòng gửi về Email: [email protected]