21/10/2024 17:56

Quyết định 190-QĐ/TW: ban hành Quy chế bầu cử trong Đảng áp dụng từ ngày 10/10/2024

Quyết định 190-QĐ/TW: ban hành Quy chế bầu cử trong Đảng áp dụng từ ngày 10/10/2024

Bài viết dưới đây sẽ cung cấp nội dung về Quy chế bầu cử trong Đảng được ban hành kèm theo Quyết định 190-QĐ/TW 2024 có hiệu lực thi hành từ ngày 10/10/2024.

Ngày 10/10/2024, Ban Chấp hành trung Ương đảng đã có Quyết định 190-QĐ/TW Ban hành Quy chế bầu cử trong Đảng. Theo đó, Quy chế này thay thế Quy chế bầu cử trong Đảng được ban hành kèm theo Quyết định 244-QĐ/TW ngày 09/6/2014 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XI và có hiệu lực thi hành từ ngày 10/10/2024.

Quyết định 190-QĐ/TW: https://cdn.thuvienphapluat.vn//uploads/DanLuat-BanAn/2024/628324.pdf 

Xem thêm: Điểm mới của Quyết định 190-QĐ/TW - Quy chế bầu cử trong Đảng

Đối tượng và phạm vi điều chỉnh Quy chế bầu cử trong Đảng theo Quyết định 190-QĐ/TW

Theo quy định tại Điều 1 Quy chế bầu cử trong Đảng ban hành kèm theo Quyết định 190-QĐ/TW 2024 về đối tượng và phạm vi điều chỉnh như sau:

Quy chế bầu cử trong Đảng ban hành kèm theo Quyết định 190-QĐ/TW 2024 được áp dụng đối với việc bầu cử tại đại hội chi bộ, đại hội đảng bộ các cấp; bầu cử ở hội nghị ban chấp hành, hội nghị uỷ ban kiểm tra.

Việc bầu cử ở Đại hội đại biểu toàn quốc của Đảng do Đại hội quyết định.

Cấp uỷ, tổ chức đảng giới thiệu đảng viên ứng cử các chức danh lãnh đạo Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội và hội quần chúng do Đảng, Nhà nước giao nhiệm vụ được vận dụng theo Quy chế bầu cử trong Đảng ban hành kèm theo Quyết định 190-QĐ/TW 2024.

Trước đó, đối tượng và phạm vi điều chỉnh Quy chế bầu cử trong Đảng được quy định tại Điều 1 Quyết định 244-QĐ/TW 2014 như sau:

Đối tượng và phạm vi điều chỉnh

Quy chế này được áp dụng đối với việc bầu cử trong Đảng từ chi bộ đến Ban Chấp hành Trung ương.

Việc bầu cử ở Đại hội đại biểu toàn quốc của Đảng do Đại hội quy định.

Tổ chức Đảng giới thiệu đảng viên ứng cử các chức danh lãnh đạo Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể nhân dân được vận dụng theo Quy chế này.

Như vậy, về đối tượng áp dụng Quy chế bầu cử trong Đảng ban hành kèm theo Quyết định 190-QĐ/TW 2024 đã có một vài điểm mới, cụ thể: Quy chế bầu cử trong Đảng được áp dụng đối với “việc bầu cử tại đại hội chi bộ, đại hội đảng bộ các cấp; bầu cử ở hội nghị ban chấp hành, hội nghị uỷ ban kiểm tra” thay vì “từ chi bộ đến Ban Chấp hành Trung ương” như trước đây.

Xem thêm: Hình thức bầu cử Tổng Bí thư? Trình tự, thủ tục bầu Tổng Bí thư Đảng?

Thủ tục ứng cử trong Đảng mới nhất áp dụng từ ngày 10/10/2024 

Theo quy định tại Điều 9 Quy chế bầu cử trong Đảng ban hành kèm theo Quyết định 190-QĐ/TW 2024 về thủ tục ứng cử như sau:

- Đảng viên chính thức ở đại hội đảng viên ứng cử trực tiếp tại đại hội hoặc gửi đơn tới đoàn chủ tịch đại hội. Ở đại hội đại biểu cấp cơ sở, đảng viên chính thức không phải là đại biểu đại hội nếu ứng cử thì làm đơn ứng cử nộp cho cấp uỷ cơ sở.

- Đại biểu chính thức ở đại hội đại biểu ứng cử trực tiếp tại đại hội hoặc gửi đơn tới đoàn chủ tịch đại hội.

- Cấp uỷ viên ứng cử trực tiếp tại hội nghị cấp uỷ để được bầu vào ban thường vụ (Bộ Chính trị, Ban Bí thư), uỷ viên uỷ ban kiểm tra.

- Uỷ viên uỷ ban kiểm tra ứng cử trực tiếp tại hội nghị uỷ ban kiểm tra để được bầu làm phó chủ nhiệm uỷ ban kiểm tra.

- Đảng viên không phải là đại biểu của đại hội nếu ứng cử vào cấp uỷ từ cấp huyện và tương đương trở lên, thì chậm nhất là 15 ngày làm việc trước ngày khai mạc đại hội phải hoàn chỉnh hồ sơ ứng cử nộp cơ quan tổ chức của cấp uỷ triệu tập đại hội. Hồ sơ ứng cử gồm có:

- Đơn ứng cử.

- Bản khai lý lịch được xác nhận của cấp uỷ cơ sở.

- Bản kê khai tài sản, thu nhập của cá nhân và gia đình theo quy định.

- Giấy chứng nhận sức khoẻ.

- Bản nhận xét của cấp uỷ cơ sở nơi sinh hoạt, công tác và nơi cư trú theo quy định.

- Kết luận tiêu chuẩn chính trị của cấp uỷ có thẩm quyền theo quy định.

- Bản sao các văn bằng, chứng chỉ về trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, lý luận chính trị (có xác nhận của cơ quan, đơn vị quản lý cán bộ hoặc của cấp có thẩm quyền).

Cấp uỷ cơ sở nơi đảng viên sinh hoạt và nơi đảng viên cư trú có trách nhiệm xác nhận, nhận xét về người ứng cử. Những vấn đề cần thẩm tra, xác minh nếu vượt quá thẩm quyền thì đề nghị cấp uỷ cấp trên trực tiếp xem xét, quyết định.

Cơ quan tổ chức của cấp uỷ triệu tập đại hội có trách nhiệm phối hợp với các cơ quan liên quan kiểm tra tính hợp lệ của hồ sơ và tư cách của người ứng cử.

Trước đó, hồ sơ ứng cử tại khoản 5 Điều 10 Quyết định 244-QĐ/TW 2014 gồm:

Thủ tục ứng cử

5- Đảng viên không phải là đại biểu của đại hội nếu ứng cử vào cấp ủy từ cấp huyện và tương đương trở lên, thì chậm nhất là 15 ngày làm việc trước ngày khai mạc đại hội phải hoàn chỉnh hồ sơ ứng cử nộp cơ quan tổ chức của cấp ủy triệu tập đại hội. Hồ sơ ứng cử gồm có:

- Đơn ứng cử.

- Bản khai lý lịch được xác nhận của cấp uỷ cơ sở.

- Bản kê khai tài sản, thu nhập của cá nhân và gia đình theo quy định.

- Giấy chứng nhận sức khỏe.

- Bản nhận xét của cấp uỷ cơ sở nơi sinh hoạt và nơi cư trú.

Cấp uỷ cơ sở nơi đảng viên sinh hoạt và nơi đảng viên cư trú có trách nhiệm xác nhận, nhận xét về người ứng cử. Những vấn đề cần thẩm tra, xác minh nếu vượt quá thẩm quyền thì đề nghị cấp ủy cấp trên trực tiếp xem xét, quyết định.

Cơ quan, tổ chức của cấp ủy triệu tập đại hội có trách nhiệm phối hợp với các cơ quan liên quan kiểm tra tính hợp lệ của hồ sơ và tư cách của người ứng cử.

Như vậy, thành phần hồ sơ ứng cử, ngoài thành phần cũ theo Quy chế tại Quyết định 244-QĐ/TW 2014 thì Quy chế mới yêu cầu bổ sung 2 loại tài liệu là: 

- Kết luận tiêu chuẩn chính trị của cấp ủy có thẩm quyền theo quy định; 

- Bản sao các văn bằng, chứng chỉ về trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, lý luận chính trị (có xác nhận của cơ quan, đơn vị quản lý cán bộ hoặc của cấp có thẩm quyền).

Xem nội dung chi tiết tại Quyết định 190-QĐ/TW 2024.

Nguyễn Ngọc Trầm
5338

Đây là nội dung tóm tắt, thông báo văn bản mới dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc vui lòng gửi về Email: info@thuvienphapluat.vn