27/12/2019 08:16

Quyền và nghĩa vụ của cha, mẹ đối với con nuôi sau khi ly hôn

Quyền và nghĩa vụ của cha, mẹ đối với con nuôi sau khi ly hôn

Khi ly hôn, các cặp vợ chồng không thể tránh khỏi tranh chấp về quyền và nghĩa vụ nuôi con, đặc biệt là đối với con nuôi bởi trong một số trường hợp bố mẹ nuôi đã tìm cách thoái thoát, từ bỏ quyền và nghĩa vụ vì mối quan hệ không hình thành dựa trên quan hệ huyết thống. Vậy Tòa án giải quyết vấn đề này như thế nào?

Tại Bản án 03/2018/HNGĐ-ST ngày 23/01/2018 về ly hôn, tranh chấp nuôi con khi ly hôn có nội dung như sau:

“ Bà Huỳnh Thị Minh T và ông Nguyễn Hữu Th chung sống với nhau có đăng ký kết hôn vào năm 2003 tại UBND thị trấn Ayun Pa, huyện Ayun Pa, tỉnh Gia Lai. Hiện hai vợ chồng đã sống ly thân từ năm 2015 đến nay không còn quan tâm, chăm sóc đến nhau nữa nên nên bà T yêu cầu Toà án giải quyết cho bà được ly hôn với ông Th. Bà và ông Th có 03 con chung là Nguyễn Thị N (sinh năm 1985), Nguyễn Hữu Ngh (sinh năm 1987), Nguyễn Huỳnh Minh X (sinh năm 2005). Ngoài ra bà T và ông Th còn có 01 con nuôi là cháu Nguyễn Huỳnh T sinh năm 2006. Sau khi ly hôn, bà T yêu cầu được nuôi hai con chung là cháu Ngh bị bệnh động kinh và cháu X. Cháu T là con nuôi của bà và ông Th đã được bà làm thủ tục cắt khẩu, chuyển trường gửi vào Trường cơ sở Mái Ấm Tình Mẹ ở Kênh 7B, huyện T, tỉnh K nên bà không yêu cầu Tòa án xem xét giải quyết.”

Tòa án nhân dân thị xã Ayun Pa, tỉnh Gia Lai đã quyết định: Giao cho bà Huỳnh Thị Minh T trực tiếp trông nom, chăm sóc, giáo dục, nuôi dưỡng con chung là các cháu Nguyễn Hữu Ngh và cháu Nguyễn Huỳnh Minh X. Giao cho ông Nguyễn Hữu Th trực tiếp trông nom, chăm sóc, giáo dục, nuôi dưỡng con nuôi là cháu Nguyễn Huỳnh T cho đến khi thành niên hoặc đã thành niên bị tàn tật, mất năng lực hành vi dân sự, không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình.

Nuôi con nuôi là việc xác lập quan hệ cha, mẹ và con giữa người nhận con nuôi và người được nhận làm con nuôi. Về nguyên tắc, việc nuôi con nuôi phải bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp của người được nhận làm con nuôi và người nhận con nuôi, tự nguyện, bình đẳng, không phân biệt nam nữ, không trái pháp luật và đạo đức xã hội.

Luật hôn nhân và gia đình 2014 đã quy định:

Điều 68. Bảo vệ quyền và nghĩa vụ của cha mẹ và con

1....

3. Giữa con nuôi và cha nuôi, mẹ nuôi có các quyền và nghĩa vụ của cha mẹ và con được quy định tại Luật này, Luật nuôi con nuôi, Bộ luật dân sự và các luật khác có liên quan.

Theo đó, việc nuôi, nhận con nuôi theo đúng quy định của pháp luật đã làm phát sinh quyền, nghĩa vụ giữa cha mẹ và con nuôi. Như vậy, pháp luật không có sự phân biệt giữa con nuôi và con chung. Về quyền và nghĩa vụ của cha, mẹ nuôi và con nuôi cũng không có sự khác biệt so với quyền và nghĩa vụ của cha, mẹ với con. Kể từ thời điểm quan hệ nuôi con nuôi được xác lập thì giữa cha, mẹ nuôi và con nuôi có các quyền và nghĩa vụ theo quy định tại Điều 78 của Luật hôn nhân và gia đình.

Điều 78. Quyền, nghĩa vụ của cha nuôi, mẹ nuôi và con nuôi

1. Cha nuôi, mẹ nuôi, con nuôi có quyền và nghĩa vụ của cha, mẹ, con được quy định trong Luật này kể từ thời điểm quan hệ nuôi con nuôi được xác lập theo quy định của Luật nuôi con nuôi.

...

Việc cha, mẹ nuôi ly hôn không hiển nhiên làm mất đi quyền và nghĩa vụ đối với con nuôi nếu không thuộc các trường hợp làm chấm dứt việc nuôi con nuôi theo quy định của Luật nuôi con nuôi 2010. Trong trường hợp chấm dứt việc nuôi con nuôi theo quyết định của Tòa án thì quyền, nghĩa vụ của cha nuôi, mẹ nuôi với con nuôi chấm dứt kể từ ngày quyết định của Tòa án có hiệu lực pháp luật.

Sau khi ly hôn cha, mẹ có các quyền và nghĩa vụ phải trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con theo quy định tại Điều 81 Luật hôn nhân và gia đình. Con nuôi cũng có quyền được bày tỏ nguyện vọng được sống chung với cha hoặc mẹ khi họ ly hôn và quyết định của Tòa án sẽ tôn trong nguyện vọng của con. Trường hợp cha, mẹ muốn từ bỏ trách nhiệm đối với con nuôi và đưa con nuôi vào các cơ sở xã hội là không phù hợp quy định của luật. Việc thực hiện quyền và nghĩa vụ của cha, mẹ đối với con con nuôi kết thúc khi chấm dứt việc nuôi con nuôi.

Điều 81. Việc trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con sau khi ly hôn

1. Sau khi ly hôn, cha mẹ vẫn có quyền, nghĩa vụ trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con chưa thành niên, con đã thành niên mất năng lực hành vi dân sự hoặc không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình theo quy định của Luật này, Bộ luật dân sự và các luật khác có liên quan.

2. Vợ, chồng thỏa thuận về người trực tiếp nuôi con, nghĩa vụ, quyền của mỗi bên sau khi ly hôn đối với con; trường hợp không thỏa thuận được thì Tòa án quyết định giao con cho một bên trực tiếp nuôi căn cứ vào quyền lợi về mọi mặt của con; nếu con từ đủ 07 tuổi trở lên thì phải xem xét nguyện vọng của con.

3. Con dưới 36 tháng tuổi được giao cho mẹ trực tiếp nuôi, trừ trường hợp người mẹ không đủ điều kiện để trực tiếp trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con hoặc cha mẹ có thỏa thuận khác phù hợp với lợi ích của con.

Như vậy, sau khi ly hôn cha, mẹ vẫn phải đảm bảo các quyền và nghĩa vụ đối với con nuôi theo quy định của pháp luật và không có sự phân biệt đối xử giữa các con dù là con nuôi hay con ruột nhằm tạo một môi trường tốt nhất cho các con phát triển.

Như Ý
5051

Đây là nội dung tóm tắt, thông báo văn bản mới dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc vui lòng gửi về Email: [email protected]