23/06/2022 16:48

Quyền sửa bản án theo hướng không có lợi cho bị cáo của Hội đồng xét xét xử phúc thẩm

Quyền sửa bản án theo hướng không có lợi cho bị cáo của Hội đồng xét xét xử phúc thẩm

Sau khi xét xử sơ thẩm, trong thời gian bản án chưa có hiệu lực pháp luật nếu phát sinh kháng cáo, kháng nghị và trong phạm vi xét xử của mình thì Hội đồng xét xử phúc thẩm (HĐXXPT) có quyền sửa bản án sơ thẩm theo hướng không có lợi cho bị cáo theo quy định tại Điều 355 Bộ luật Tố tụng hình sự (BLTTHS).

Mục đích của hình phạt là kết quả thực tế cuối cùng mà Nhà nước mong muốn đạt được khi quy trách nhiệm hình sự đối với tội phạm và áp dụng hình phạt đối với người phạm tội. Ngoài mục đích là cải tạo, giáo dục bị cáo trở thành một công dân có ích cho xã hội thì hình phạt trong hệ thống pháp luật hình sự Việt Nam còn có chức năng phòng ngừa riêng và mọi quyết định về về hình phạt cũng như các vấn đề khác trong bản án phải tương xứng với hành vi phạm tội mà bị cáo đã thực hiện.

1. Quy định của pháp luật

Sửa bản án sơ thẩm theo hướng không có lợi cho bị cáo là thẩm quyền của HĐXXPT, trong phạm vi xét xử của mình có thể thay đổi nội dung của bản án sơ thẩm theo hướng tăng nặng cho bị cáo so với tình trạng mà bản án sơ thẩm đã tuyên, theo quy định của pháp luật.

Khác với quyền sửa bản án sơ thẩm theo hướng có lợi cho bị cáo có trường hợp ngoại lệ đó là không phụ thuộc vào nội dung kháng cáo, kháng nghị và còn có thể vượt ra ngoài phạm vi kháng cáo, kháng nghị thì  HĐXXPT chỉ có thể sửa bản án sơ thẩm theo hướng không có lợi cho bị cáo khi có kháng cáo, kháng nghị theo hướng đó. Khoản 2 Điều 357 BLTTHS 2015 quy định: “Trường hợp Viện kiểm sát kháng nghị hoặc bị hại kháng cáo yêu cầu thì Hội đồng xét xử phúc thẩm có thể:

a) Tăng hình phạt, áp dụng điều, khoản của Bộ luật hình sự về tội nặng hơn; áp dụng hình phạt bổ sung; áp dụng biện pháp tư pháp;

b) Tăng mức bồi thường thiệt hại;

c) Chuyển sang hình phạt khác thuộc loại nặng hơn;

d) Không cho bị cáo hưởng án treo.”

Như vậy, có thể thấy chỉ khi có kháng nghị của Viện kiểm sát (VKS) hoặc kháng cáo của bị hại thì HĐXXPT mới có quyền sửa bản án sơ thẩm theo hướng không có lợi cho bị cáo. Nếu như những chủ thể có quyền kháng cáo về những vấn đề có thể làm xấu hơn tình trạng của bị cáo thì HĐXXPT cũng không được quyền sửa bản án sơ thẩm theo hướng không có lợi cho bị cáo.

HĐXXPT có thể sửa bản án sơ thẩm theo hướng không có lợi cho bị cáo theo các trường hợp như sau:

Tăng hình phạt đối với bị cáo

Tăng hình phạt đối với bị cáo là việc qua nghiên cứu hồ sơ và kết quả xét xử công khai tại phiên tòa, HĐXXPT nhận thấy việc áp dụng hình phạt của cấp sơ thẩm là quá nhẹ và tương xứng với tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội đối với hành vi phạm tội của bị cáo và  quyết định áp dụng mức hình phạt nặng hơn so với mức hình phạt mà Tòa án cấp sơ thẩm đã áp dụng đối với bị cáo. HĐXXPT có thể chỉ tăng hình phạt chính hoặc hình phạt bổ sung hoặc cả hai. Việc tăng hình phạt phải phụ thuộc vào hướng kháng nghị của VKS và kháng cáo của bị hại.

 Nếu kháng nghị của VKS hoặc kháng cáo của bị hại chỉ yêu cầu tăng hình phạt đối với bị cáo thì HĐXXPT chỉ được tăng hình phạt đối với bị cáo trong khung hình phạt mà Tòa án cấp sơ thẩm đã áp dụng  cho bị cáo chứ không được áp dụng điều, khoản của BLHS về tội nặng hơn hoặc chuyển sang khung hình phạt nặng hơn hoặc áp dụng hình phạt khác thuộc loại nặng hơn [1]. Nếu kháng nghị của VKS hoặc kháng cáo của bị hại yêu cầu áp dụng điều, khoản của BLHS về tội nặng hơn đối với bị cáo thì HĐXXPT vẫn có quyền tăng hình phạt đối với bị cáo. Tuy nhiên, đối với trường hợp Tòa án cấp sơ thẩm đã áp dụng hình phạt tù trong cùng một khung hình phạt với tù chung thân hoặc tử hình mà VKS kháng nghị yêu cầu Tòa án cấp phúc thẩm tăng hình phạt thì HĐXXPT có thể áp dụng hình phạt tù chung thân hoặc tử hình.[2]

 Áp dụng điều, khoản của BLHS về tội nặng hơn

Khi có kháng nghị của VKS hoặc kháng cáo của bị hại và HĐXXPT nhận thấy rằng cấp sơ thẩm xét xử bị cáo về điều, khoản nhẹ hơn só với tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi thì HĐXXPT có thể sửa bản án sơ thẩm theo hướng áp dụng điều, khoản đối với bị cáo nặng hơn điều, khoản mà cấp sơ thẩm đã áp dụng.

Trong giới hạn xét xử, toà án cấp phúc thẩm chỉ được xét xử đối với những bị cáo và những hành vi mà viện kiểm sát truy tố và toà án cấp sơ thẩm đã quyết định đưa ra xét xử. Nếu toà án cấp phúc thẩm căn cứ vào tình tiết mới, sửa bản án sơ thẩm đối với chủ thể và hành vi mà viện kiểm sát không truy tố và toà án cấp sơ thẩm chưa đưa ra xét xử thì không bảo đảm nguyên tắc hai cấp xét xử. Cấp xét xử bị tước bỏ chính là cấp sơ thẩm vì bản án phúc thẩm có giá trị thi hành ngay; bị cáo, bị hại và đương sự không có quyền kháng cáo bản án phúc thẩm.

Trong BLTTHS cũng như các văn bản hướng dẫn không quy định cụ thể về sự phụ thuộc thẩm quyền của HĐXXPT đối với giới hạn xét xử sơ thẩm. Tuy nhiên, căn cứ vào nguyên tắc chế độ xét xử sơ thẩm, phúc thẩm được bảo đảm và tính chất của xét xử phúc thẩm quy định tại Điều 27 và Điều 330 BLTTHS năm 2015, toà án cấp phúc thẩm “xét xử lại vụ án” chứ không xét xử vụ án lần thứ hai, vì vậy không được chấp nhận tình tiết mới ngoài giới hạn xét xử sơ thẩm để sửa bản án sơ thẩm. Ví dụ: Viện kiểm sát chỉ truy tố bị can về hành vi 1 lần mua bán trái phép chất ma tuý; toà án cấp sơ thẩm kết án bị cáo theo khoản 1 Điều 251 BLHS năm 2015; nếu có tình tiết mới cho thấy bị cáo thực hiện hành vi nhiều lần mua bán trái phép chất ma tuý thì toà án cấp phúc thẩm cũng không được sửa bản án sơ thẩm, áp dụng tình tiết định khung tăng nặng phạm tội 2 lần trở lên đối với bị cáo theo quy định tại điểm b khoản 2 Điều 251 BLHS năm 2015. Trường hợp này, toà án cấp phúc thẩm phải hủy bản án sơ thẩm để điều tra lại theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 358 BLTTHS (có căn cứ cho rằng cấp sơ thẩm bỏ lọt tội phạm).

Tăng mức bồi thường thiệt hại

Cũng như những căn cứ khác, HĐXXPT chỉ được tăng mức bồi thường thiệt hại đối với bị cáo trên cơ sở kháng nghị của VKS và kháng cáo của bị hại. Quy định bị hại có quyền kháng cáo về việc tăng mức bồi thường thiệt hại đảm bảo nguyên tắc quyền tự định đoạt của đương sự, theo đó đương sự tự quyết định về quyền, lợi ích của họ và lựa chọn biện pháp pháp lí cần thiết để bảo vệ quyền và lợi ích đó.[3]

Không giống như việc tăng mức hình phạt và áp dụng điều, khoản về tội nặng hơn chỉ là đơn thuần áp dụng pháp luật hình sự. Việc cân nhắc tăng mức bồi thường thiệt hại đối với bị cáo còn liên quan đến việc áp dụng pháp luật dân sự và các văn bản liên quan. Việc tăng mức bồi thường thiệt hại có thể không liên quan đến tặng nặng về mặt hình sự của bị cáo.

Tuy nhiên trong những trường hợp nhất định, mức độ thiệt hại liên quan trực tiếp đến tính chất, mức độ nguy hiểm của hành vi phạm tội, tới quyết định tội danh và quyết định hình phạt đối với bị cáo, đây thường là những trường hợp phạm tội mà BLHS quy định dấu hiệu định lượng là dấu hiệu định tội hoặc định khung hình phạt, tình tiết tăng nặng. Trong trường hợp này, việc HĐXXPT tăng mức bồi thường thiệt hại có thể đồng thời với tăng hình phạt áp dụng điều, khoản của BLHS về tội nặng hơn đối với bị cáo nếu thỏa mãn điều kiện quy định tại khoản 2 Điều 357 BLTTHS 2015. Việc tăng mức bồi thường thiệt hại không chỉ đối với bị cáo mà còn có thể đối với người giám hộ của bị cáo hoặc bị đơn dân sự. Vì vậy, những người này là những người bị kháng cáo hoặc bị kháng nghị họ phải được Toà án cấp phúc thẩm triệu tập đến phiên toà, nếu họ vắng mặt có lý do chính đáng thì HĐXXPT không được tăng mức bồi thường đối với họ. Nếu xét việc tăng mức bồi thường là cần thiết thì phải hoãn phiên toà.

Chuyển sang hình phạt khác thuộc loại nặng hơn

Khi có căn cứ xác định Tòa án cấp sơ thẩm đã quyết định một loại hình phạt chưa tương xứng với tính chất, mức độ của tội phạm, nhân thân người phạm tội thì trên cơ sở kháng cáo của bị hại hoặc kháng nghị của VKS, HĐXXPT có quyền chuyển sang hình phạt khác thuộc loại nặng hơn đối với bị cáo.

Theo quy định tại Điều 30 BLHS quy định: “Hình phạt là biện pháp cưỡng chế nghiêm khắc nhất của Nhà nước được quy định trong Bộ luật này, do Tòa án quyết định áp dụng đối với người hoặc pháp nhân thương mại phạm tội nhằm tước bỏ hoặc hạn chế quyền, lợi ích của người, pháp nhân thương mại đó.” Điều 32 BLHS đã quy định về hệ thống hình phạt được áp dụng và sắp xếp nó theo thứ tự từ mức độ nặng nhất cho đến mức độ nhẹ nhất của hình phạt. Việc chuyển sang hình phạt khác nặng hơn là việc HĐXXPT quyết định chuyển từ loại hình phạt chính mà Tòa án cấp sơ thẩm đã áp dụng với bị cáo sang loại hình phạt chính khác nặng hơn.

Đối với hình phạt bổ sung thì không thể căn cứ vào sự sắp xếp để định mức độ nặng nhẹ của các loại hình phạt, việc áp dụng hình phạt bổ sung tùy thuộc vào tính chất của hành vi phạm tội và điều luật có quy định về hình phạt bổ sung hay không.

Không cho bị cáo hưởng án treo

Khi có kháng nghị hoặc kháng cáo của bị hại và xét thấy rằng bị cáo không đủ điều kiện để được hưởng án treo thì HĐXXPT có thể sửa bản án sơ thẩm theo hướng không cho bị cáo được hưởng án treo. Khi quyết định sửa bản án sơ thẩm theo hướng này, HĐXXPT phải nghiên cứu kỹ quy định của Điều 65 BLHS cũng như hướng dẫn tại Nghị quyết 02/2018/NQ-HĐTP đã được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị quyết số 01/2022/NQ-HĐTP vè hướng dẫn áp dụng án treo.

Nếu bị cáo không có các căn cứ như đã phân tích ở trên mà Tòa án cấp sơ thẩm vẫn cho bị cáo hưởng án treo thì HĐXXPT có quyền sửa bản án sơ thẩm theo hướng không cho bị cáo hưởng án treo.

Quy định HĐXXPT có quyền chuyển sang hình phạt khác thuộc loại nặng hơn đối với bị cáo; không cho bị cáo hưởng án treo là những quy định mới của BLTTHS 2015 so với BLTTHS 2003 nhằm tạo điều kiện cho HĐXXPT thực hiện thẩm quyền của mình một cách toàn diện.

2. Một số bất cập và hướng hoàn thiện

Thứ nhất, tại khoản 2 Điều 357 BLTTHS 2015 quy định “Trường hợp Viện kiểm sát kháng nghị hoặc bị hại kháng cáo yêu cầu thì Hội đồng xét xử phúc thẩm có thể:…”. Theo tác giả, quy định này là chưa hợp lý và chưa thống nhất với các quy định khác của BLTTHS 2015. Theo đó, nếu người đại diện của bị hại, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bị hại kháng cáo tăng nặng trách nhiệm hình sự hoặc tăng mức bồi thường đối với các bị cáo; nguyên đơn dân sự hoặc người đại diện của họ, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của nguyên đơn dân sự kháng cáo yêu cầu tăng mức bồi thường thiệt hại thì Tòa án cấp phúc thẩm không có cơ sở để giải quyết. Nên để thống nhất với quy định khác của BLTTHS 2015 và để đảm bảo quyền kháng cáo của người đại diện hợp pháp của bị hại và các chủ thể khác. Tác giả kiến nghị sửa đổi khoản 2 Điều 357 theo hướng như sau:

“Trường hợp Viện kiểm sát kháng nghị hoặc người có quyền kháng cáo tại Điều 331 của Bộ luật này yêu cầu thì Hội đồng xét xử phúc thẩm....”

Thứ hai, về phạm vi kháng nghị, theo quy định của khoản 2 Điều 357 BLTTHS thì nếu VKS kháng nghị thì HĐXXPT được quyền tăng mức bồi thường thiệt hại đối với bị cáo. Về thẩm quyền và phạm vi kháng nghị đã được quy định rất rõ tại Điều 336 BLTTHS 2015. Theo đó, VKS có quyền kháng nghị toàn bộ quyết định hoặc bản án sơ thẩm. Theo như quy định tại khoản 2 Điều 357 BLTTHS 2015 thì VKS có quyền kháng nghị việc tăng mức bồi thường thiệt hại, theo tác giả điều này là chưa hợp lý, bởi vì khoản 1, Điều 107 Hiến pháp năm 2013 có quy định: “Viện kiểm sát nhân dân thực hành quyền công tố, kiểm sát hoạt động tư pháp”.

Về bản chất, thực hành quyền công tố là hoạt động của Viện kiểm sát nhân dân trong tố tụng hình sự để thực hiện việc buộc tội của Nhà nước đối với người phạm tội, được thực hiện ngay từ khi giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố và trong suốt quá trình khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử vụ án hình sự. Đối với vấn đề dân sự trong vụ án hình sự cần phân biệt, nếu vấn đề dân sự liên quan đến lợi ích của Nhà nước thì VKS phải có trách nhiệm bảo vệ và được quyền kháng nghị đối với phần này. Còn đối với việc trao quyền kháng nghị của VKS về mức bồi thường, bồi hoàn không liên quan đến thiệt hại của Nhà nước là vi phạm nguyên tắc động cơ hành động trong việc kháng nghị vì VKS là chủ thể của quyền công tố tức là thay mặt Nhà nước để buộc tội, truy tố bị can ra trước Tòa án. Việc VKS kháng nghị về mức bồi thường, bồi hoàn không liên quan đến lợi ích của Nhà nước là vi phạm nguyên tắc tôn trọng quyền tự định đoạt của đương sự, VKS không có quyền thỏa thuận với bị cáo hoặc đương sự về mức bồi hoàn.

1. Trường Đại học Luật Hà Nội, Giáo trình Luật Tố tụng hình sự Việt Nam, Nxb CAND, 2018, tr. 496

2. Ths. Đinh Văn Quế, Thẩm quyền và phạm vi quyết định của Toà án cấp phúc thẩm (Bài viết trên trang TANDTC), https://hinhsu.luatviet.co/tham-quyen-va-pham-vi-quyet-dinh-cua-toa-an-cap-phuc-tham/n20161028120822495.html

3. Mai Thanh Hiếu, Không làm xấu hơn tình trạng của bị cáo và đương sự trong xét xử phúc thẩm, Tạp chí Luật học số 10/2015

 Nguồn: Tạp chí Toà án

6738

Đây là nội dung tóm tắt, thông báo văn bản mới dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc vui lòng gửi về Email: [email protected]