03/06/2022 18:17

Quyền sửa bản án sơ thẩm theo hướng có lợi cho bị cáo của Hội đồng xét xử phúc thẩm

Quyền sửa bản án sơ thẩm theo hướng có lợi cho bị cáo của Hội đồng xét xử phúc thẩm

Nghiên cứu quy định tại Điều 357 BLTTHS cho thấy, BLTTHS 2015 đã quy định quyền sửa bản án sơ thẩm của HĐXXPT theo hướng bảo vệ tối đa quyền và lợi ích hợp pháp của chủ thể bị buộc tội đó là bị cáo thông qua việc quy định quyền sửa bản án sơ thẩm theo hướng có lợi cho bị cáo và căn cứ để HĐXXPT thực hiện quyền này.

Xét xử phúc thẩm là cấp xét xử thứ hai cũng là cấp xét xử cuối cùng được quy định trong Bộ luật Tố tụng hình sự (BLTTHS) được phát sinh khi bản án hoặc quyết định của Tòa án cấp sơ thẩm chưa có hiệu lực pháp luật bị kháng cáo, nghị. Khác với thẩm quyền của Hội đồng xét xử sơ thẩm được xem xét tất cả những vấn đề của vụ án thì Hội đồng xét xử phúc thẩm (HĐXXPT) chỉ được giải quyết các nội dung trong phạm vi xét xử phúc thẩm được quy định tại Điều 345 BLTTHS và HĐXX phúc thẩm chỉ được thực hiện thẩm quyền theo quy định Điều 355 BLTTHS trong đó có quyền sửa bản án sơ thẩm.

1. Quy định của pháp luật

Sửa bản án sơ thẩm theo hướng có lợi cho bị cáo là việc thay đổi nội dung bản án sơ thẩm theo hướng giảm nhẹ cho bị cáo so với tình trạng của bị cáo mà bản án sơ thẩm đã tuyên trước đó. Hội đồng xét xử có quyền miễn trách nhiệm hình sự hoặc hình phạt cho bị cáo, không áp dụng hình phạt bổ sung, không áp dụng biện pháp tư pháp; áp dụng điều khoản mà BLHS 2015 về tội nhẹ hơn; giảm hình phạt; chuyển sang hình phạt khác thuộc loại nhẹ hơn cho bị cáo; giữ nguyên hoặc giảm mức hình phạt tù và cho bị cáo hưởng án treo; giảm mức hình phạt bồi thường thiệt hại; sửa quyết định xử lý vật chứng cho bị cáo.

Tại khoản 1 Điều 357 BLTTHS 2015 quy định về những trường hợp Tòa án cấp phúc thẩm sửa bản án sơ thẩm theo hướng có lợi cho bị cáo như sau:

Miễn trách nhiệm hình sự cho bị cáo

“Trách nhiệm hình sự” được hiểu là hậu quả pháp lý mà chủ thể phạm tội phải gánh chịu khi thực hiện tội phạm, là hình phạt, biện pháp tư pháp hình sự và mang án tích. Từ đó, có thể định nghĩa miễn trách nhiệm hình sự là miễn những hậu quả pháp lý của việc thực hiện tội phạm đối với người phạm tội khi thỏa mãn các điều kiện do pháp luật quy định.

Với việc quy định thẩm quyền này, khi bị cáo đã bị Tòa án cấp sơ thẩm tuyên là có tội và áp dụng hình phạt đối với bị cáo. Nếu có đủ các căn cứ theo quy định tại Điều 29 BLHS thì HĐXXPT có quyền miễn trách nhiệm hình sự đối với bị cáo.

Miễn hình phạt cho bị cáo

Khi bị cáo bị Tòa án kết tội và bị áp dụng hình phạt theo quy định của BLHS nhưng vì các lý do được pháp luật quy định mà bị cáo không phải chịu hình phạt này. HĐXXPT có thể miễn hình phạt cho bị cáo nếu có căn cứ được quy định tại Điều 59 BLHS 2015 hoặc khi bị cáo có nhiều tình tình tiết giảm nhẹ được quy định tại khoản 1 Điều 51 BLHS 2015; hoặc là người không tố giác tội phạm nhưng đã có hành động can ngăn người phạm tội hoặc hạn chế tác hại của tội phạm (khoản 2 Điều 390 BLHS 2015). HĐXXPT chỉ quyết định miễn trách nhiệm hình sự hoặc miễn hình phạt cho bị cáo khi xét thấy việc truy cứu TNHS và áp dụng hình phạt đối với bị cáo là không cần thiết và không đạt được mục đích của hình phạt.

Không áp dụng hình phạt bổ sung, không áp dụng biện pháp tư pháp

Hình phạt bổ sung là hình phạt chỉ được tuyên kèm theo một hình phạt chính đối với mỗi tội phạm mà không được tuyên độc lập. Điều này có nghĩa là hình phạt bổ sung chỉ được áp dụng đối với một số loại tội phạm và chúng cũng chỉ được tuyên kèm theo với một loại hình phạt chính mà điều luật đó quy định. Việc quy định các hình phạt bổ sung trong BLHS chính là thực hiện chức năng hỗ trợ cho hình phạt chính, đồng thời thực hiện việc cá thể hóa hình phạt và giúp cho cơ quan pháp luật căn cứ vào tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi, nhân thân người phạm tội cùng những tình tiết giảm nhẹ, tăng nặng trách nhiệm hình sự có sự lựa chọn loại hình phạt bổ sung áp dụng kèm hình phạt chính đối với người phạm tội, nhằm đạt được mục đích của hình phạt[1]. Các hình phạt bổ sung được quy định tại Điều 32, Điều 33 BLHS 2015.

Các biện pháp tư pháp là những biện pháp hình sự thể hiện sự cưỡng chế của Nhà nước được BLHS quy định, do các cơ quan tiến hành tố tụng áp dụng đối với người, pháp nhân thương mại phạm tội khi họ thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội, gây thiệt hại đến lợi ích của Nhà nước, tập thể, quyền và lợi ích hợp pháp của công dân. Biện pháp tư pháp không phải là hình phạt nhưng có vai trò rất quan trọng trong đấu tranh và phòng ngừa tội phạm, có tác dụng hỗ trợ thay thế hình phạt[2]. Các biện pháp tư pháp được quy định từ Điều 46 đến Điều 49 BLHS 2015.

Khi nhận thấy rằng, việc áp dụng các hình phạt bổ sung của Tòa án cấp sơ thẩm là không phù hợp, chưa xem xét đến các yếu tố khác khi quyết định hình phạt như nhân thân, hoàn cảnh người phạm tội thì HĐXXP có quyền sửa bản án sơ thẩm theo hướng không áp dụng hình phạt bổ sung, biện pháp tư pháp đối với bị cáo.

Áp dụng điều, khoản của Bộ luật Hình sự về tội nhẹ hơn đối với bị cáo

Khi nghiên cứu hồ sơ vụ án ở giai đoạn xét xử phúc thẩm, HĐXXPT nhận thấy rằng cần nếu HĐXX sơ thẩm chưa đánh giá đúng tính chất và mức độ nguy hiểm của hành vi phạm tội, có sai sót trong việc nhận định và đánh giá chứng cứ dẫn đến việc áp dụng sai điều khoản đối với tội danh đã xét xử bị cáo hoặc sai lầm trong việc nhận định dẫn đến việc định tội danh không đúng đối với bị cáo thì HĐXXPT có quyền áp dụng điều, khoản của BLHS về tội nhẹ hơn đối với bị cáo.

HĐXXPT sẽ căn cứ vào quy định của Nghị quyết 04/2004/NQ - HĐTP ngày 05 tháng 11 năm 2004 của Hội đồng thẩm phán TANDTC để thực hiện thẩm quyền này cụ thể như sau: Trước hết xem xét hình phạt chính đối với hai tội phạm, nếu tội nào điều luật có quy định loại hình phạt nặng nhất nặng hơn thì tội đó nặng hơn. Trong trường hợp điều luật quy định loại hình phạt nặng nhất đối với cả hai tội là tù có thời hạn (không quy định hình phạt tử hình, hình phạt tù chung thân) thì tội nào, điều luật quy định mức hình phạt tù cao nhất đối với tội ấy cao hơn là tội đó nặng hơn.

Trong trường hợp điều luật quy định loại hình phạt nặng nhất đối với cả hai tội đều tử hình hoặc đều tù chung thân hoặc đều tù có thời hạn và mức hình phạt tù cao nhất đối với cả hai tội như nhau, thì tội nào điều luật quy định mức hình phạt tù khởi điểm cao hơn là tội đó nặng hơn.

Trong trường hợp điều luật quy định loại hình phạt nặng nhất đối với cả hai tội đều là tù có thời hạn và mức hình phạt tù khởi điểm, mức hình phạt tù cao nhất như nhau, thì tội nào điều luật còn quy định loại hình phạt chính khác nhẹ hơn (cải tạo không giam giữ, phạt tiền, cảnh cáo) thì tội đó nhẹ hơn.

Trong trường hợp điều luật quy định các loại hình phạt chính đối với cả hai tội như nhau, thì tội nào điều luật còn quy định hình phạt bổ sung là tội đó nặng hơn. Nếu điều luật cùng quy định hình phạt bổ sung như nhau, nhưng đối với tội này thì hình phạt bổ sung là bắt buộc, còn đối với tội khác hình phạt bổ sung có thể áp dụng, thì tội nào điều luật quy định hình phạt bổ sung bắt buộc là tội đó nặng hơn.

Giảm hình phạt cho bị cáo

HĐXXPT có quyền giảm hình phạt cho bị cáo (kể cả hình phạt chính và hình phạt bổ sung) nếu xét thấy mức hình phạt mà Tòa án cấp sơ thẩm áp dụng đối với bị cáo cao hơn và không tương xứng so với tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi phạm tội. Đối với việc thực hiện thẩm quyền này cần tuân thủ các quy định của BLHS về mức tối thiểu của từng loại hình phạt. Đối với hình phạt tù thì HĐXXPT có thể giảm nhưng tối thiểu không thấp hơn 3 tháng, đối với hình phạt tiền thấp hơn 1 triệu đồng, đối với cải tạo không giam giữ là không dưới 06 tháng, đối với hình phạt tù có thời hạn cũng không giảm hình phạt dưới mức thấp nhất của khung hình phạt liền kề nhẹ hơn khung hình phạt đã được áp dụng đối với bị cáo.

Chuyển sang hình phạt khác thuộc loại nhẹ hơn

Theo quy định tại Điều 30 BLHS quy định: “Hình phạt là biện pháp cưỡng chế nghiêm khắc nhất của Nhà nước được quy định trong Bộ luật này, do Tòa án quyết định áp dụng đối với người hoặc pháp nhân thương mại phạm tội nhằm tước bỏ hoặc hạn chế quyền, li ích của người, pháp nhân thương mại đó. Điều 32 BLHS đã quy định về hệ thống hình phạt được áp dụng và sắp xếp nó theo thứ tự từ mức độ nặng nhất cho đến mức độ nhẹ nhất của hình phạt. Việc chuyển sang hình phạt khác nhẹ hơn là việc HĐXXPT quyết định chuyển từ loại hình phạt chính mà Tòa án cấp sơ thẩm đã áp dụng với bị cáo sang loại hình phạt chính khác nhẹ hơn.

Đối với hình phạt bổ sung thì không thể căn cứ vào sự sắp xếp để định mức độ nặng nhẹ của các loại hình phạt, việc áp dụng hình phạt bổ sung tùy thuộc vào tính chất của hành vi phạm tội và điều luật có quy định về hình phạt bổ sung hay không.

Trong những trường hợp không đồng ý với quan điểm của Tòa án cấp sơ thẩm hoặc xuất hiện thêm những tình tiết mới ở cấp phúc thẩm là tình tiết giảm nhẹ hình phạt cho bị cáo, HĐXXPT có thể quyết định chuyển sang hình phạt khác thuộc loại nhẹ hơn sau khi áp dụng điều, khoản của BLHS về tội nhẹ hơn thì không thuộc trường hợp này mà thuộc trường hợp quy định tại điểm b khoản 1 Điều 357 BLTTHS 2015.

Giữ nguyên hoặc giảm mức hình phạt tù và cho hưởng án treo

Đây là trường hợp không buộc bị cáo phải chấp hành hình phạt tù có điều kiện. Khi quyết định cho hưởng án treo, HĐXXPT phải tuân thủ các điều kiện quy định tại Điều 65 BLHS 2015 và Nghị quyết số 02/2018/NQ-HĐTP ngày 15/5/2018 của Hội đồng Thẩm phán TANDTC hướng dẫn áp dụng Điều 65 của BLHS về án treo và nghị quyết sửa đổi số 01/2022 của HĐTP.

Giảm mức bồi thường thiệt hại

Nếu thấy mức bồi thường thiệt hại mà Tòa án cấp sơ thẩm quyết định cao hơn mức thiệt hại thực tế do tội phạm gây ra thì HĐXXPT có thể giảm mức bồi thường thiệt hại đối với bị cáo hoặc bị đơn dân sự. Khi HĐXXPT quyết định giảm mức bồi thường thiệt hại phải đảm bảo đúng quy định của pháp luật dân sự về bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng. Việc giảm mức bồi thường thiệt hại không phụ thuộc vào việc HĐXXPT miễn trách nhiệm hình sự, miễn hình phạt, áp dụng điều, khoản BLHS về tội nhẹ hơn, giảm hình phạt hoặc cho bị cáo hưởng án treo, HĐXXPT có thể miễn trách nhiệm hình sự nhưng vẫn giữ nguyên quyết định về phần bồi thường thiệt hại hoặc tăng hình phạt nhưng giảm mức bồi thường thiệt hại nếu có căn cứ.

Theo quy định tại Điều 357 BLTTHS 2015 thì việc HĐXXPT giảm mức bồi thường thiệt hại không phụ thuộc vào việc có kháng cáo, kháng nghị về bồi thường thiệt hại hay không[3]. Đây là quy định mới khác biệt của BLTTHS 2015 so với BLTTHS 2003. Theo khoản 3 Điều 249 BLTTHS 2003 thì việc giảm mức bồi thường thiệt hại bị ràng buộc bởi việc có kháng cáo, kháng nghị đối với bản án có liên quan trách nhiệm dân sự hay không. Nếu có căn cứ HĐXXPT có thể giảm mức bồi thường thiệt hại với điều kiện có kháng cáo, kháng nghị liên quan đến phần bồi thường thiệt hại. Ngay cả khi có kháng cáo, kháng nghị theo hướng tăng mức bồi thường thiệt hại thì vẫn có thể giảm mức bồi thường. Quy định này xuất phát từ sự tự nguyện, thỏa thuận trong việc bồi thường dân sự.

Như vậy, theo quy định của BLTTHS 2003 thì nếu không có kháng cáo, kháng nghị liên quan đến việc bồi thường thiệt hại thì HĐXXPT không được quyền xem xét đến vấn đề này nhưng BLTTHS 2015 lại trao cho HĐXXPT quyền này. Theo tác giả, quy định về vấn đề này BLTTHS 2015 là không đúng với nguyên tắc tự định đoạt của các đương sự đối với các vấn đề dân sự. Sau khi giải quyết xong vụ án ở giai đoạn xét xử sơ thẩm thì những chủ thể quyền quyền và nghĩa vụ đối với vấn đề bồi thường thiệt hại đã nhận được bản án sơ thẩm và có quyền kháng cáo đối với phần bản án này nếu họ không đồng ý. Việc những chủ thể này không kháng cáo mặc nhiên là họ đã đồng ý với quyết định và của Tòa án cấp sơ thẩm. Việc HĐXXPT sửa phần này của bản án sơ thẩm khi không có kháng cáo, kháng nghị là trái với nguyên tắc tự thỏa thuận và định định đoạt của các đương sự với vấn đề dân sự.

2. Một số bất cập và hướng hoàn thiện

Khoản 1 Điều 357 BLTTHS năm 2015 chưa quy định thẩm quyền của Toà án cấp phúc thẩm trong việc sửa căn cứ mà bản án sơ thẩm tuyên bị cáo không có tội. Trong khi đó, khoản 6 Điều 331 BLTTHS năm 2015 quy định bị cáo được Toà án tuyên không có tội có quyền kháng cáo về căn cứ mà bản án sơ thẩm đã xác định là họ không có tội.

Ví dụ: Toà án cấp sơ thẩm tuyên bị cáo không có tội vì hành vi của bị cáo không phải là tội phạm, ví dụ kết quả định giá tài sản trộm cắp xác định sai giá trị tài sản mà bị cáo đã lấy trộm. Bị cáo có quyền kháng cáo đề nghị Toà án cấp phúc thẩm sửa bản án sơ thẩm về phần căn cứ tuyên vô tội theo hướng có lợi cho họ như không có tội vì bị cáo không thực hiện hành vi phạm tội (khoản 1 Điều 157 BLTTHS năm 2015).

Để tạo cơ sở pháp lí hiện thực hoá quyền kháng cáo của bị cáo cần sửa đổi, bổ sung khoản 1 Điều 357 BLTTHS năm 2015 theo hướng quy định thẩm quyền của HĐXXPT trong việc sửa căn cứ mà bản án sơ thẩm tuyên bị cáo không có tội như sau: “Khi có căn cứ xác định bản án sơ thẩm đã tuyên không đúng với tính chất, mức độ, hậu quả của hành vi phạm tội, nhân thân bị cáo hoặc có tình tiết mới thì Hội đồng xét xử phúc thẩm có quyền: … g) Sửa phần căn cứ cho rằng bị cáo không có tội trong bản án sơ thẩm ”

Khoản 2 Điều 357 BLTTHS năm 2015 quy định: “Trường hợp Viện kiểm sát kháng nghị hoặc bị hại kháng cáo yêu cầu thì Hội đồng xét xử phúc thẩm có thể:

a) Tăng hình phạt, áp dụng điều, khoản của Bộ luật hình sự về tội nặng hơn; áp dụng hình phạt bổ sung; áp dụng biện pháp tư pháp;

b) Tăng mức bồi thường thiệt hại;

c) Chuyển sang hình phạt khác thuộc loại nặng hơn;

d) Không cho bị cáo hưởng án treo.

Nếu có căn cứ thì Hội đồng xét xử vẫn có thể giảm hình phạt, áp dụng điều, khoản của Bộ luật hình sự về tội nhẹ hơn, chuyển sang hình phạt khác thuộc loại nhẹ hơn, giữ nguyên mức hình phạt tù và cho hưởng án treo, giảm mức bồi thường thiệt hại.”

Quy định này tại đoạn cuối của khoản 2 Điều 357 có thể xảy ra trường hợp sau khi bản án sơ thẩm được tuyên, trong thời hạn chỉ có kháng nghị của VKS đề nghị tăng mức bồi thường thiệt hại nhưng nhận định của HĐXXPT phải giảm mức bồi thường thiệt hại cho bị cáo hoặc bị đơn dân sự. Quy định này là có lợi cho bị cáo và bị đơn dân sự nhưng lại gây bất lượi cho người được bồi thường vì bồi thường là vấn đề dân sự của các bên nhưng khi có kháng nghị của VKS làm phát sinh thủ tục phúc thẩm mà Tòa án tự quyết định sửa phần này của bản án là không tôn trọng nguyện vọng của những chủ thể có liên quan nhưng không kháng cáo. Chính vì vậy, tác giả kiến nghị sửa đổi khoản 2 Điều 357 theo hướng như sau:

“Trường hợp Viện kiểm sát kháng nghị hoặc bị hại kháng cáo yêu cầu thì Hội đồng xét xử phúc thẩm có thể:... Nếu có căn cứ thì Hội đồng xét xử vẫn có thể giảm hình phạt, áp dụng điều, khoản của Bộ luật hình sự về tội nhẹ hơn, chuyển sang hình phạt khác thuộc loại nhẹ hơn, giữ nguyên mức hình phạt tù và cho hưởng án treo. Trường hợp có kháng cáo của những chủ thể có liên quan thì Hội đồng xét xử phúc thẩm có thể giảm mức bồi thường thiệt hại cho bị cáo”

Khoản 3 Điều 357 BLTTHS năm 2015 quy định nếu có căn cứ, hội HĐXXPT có thể miễn trách nhiệm hình sự hoặc miễn hình phạt; không áp dụng hình phạt bổ sung; không áp dụng biện pháp tư pháp; áp dụng điều, khoản BLHS về tội nhẹ hơn; giảm hình phạt; giảm mức bồi thường thiệt hại và sửa quyết định xử lí vật chứng; chuyển sang hình phạt khác thuộc loại nhẹ hơn; giữ nguyên hoặc giảm mức hình phạt tù và cho hưởng án treo đối với những bị cáo không kháng cáo hoặc không bị kháng cáo, kháng nghị. Đây là ngoại lệ của nguyên tắc Toà án cấp phúc thẩm chỉ được xem xét và quyết định trong phạm vi kháng cáo, kháng nghị.

Việc giảm mức bồi thường thiệt hại cho những bị cáo không kháng cáo hoặc không bị kháng cáo, kháng nghị là không hợp lí vì không phù hợp với nguyên tắc quyền tự định đoạt của đương sự, theo đó đương sự tự quyết định về quyền, lợi ích của họ và lựa chọn biện pháp pháp lí cần thiết để bảo vệ quyền, lợi ích đó. Vì vậy, khoản 3 Điều 357 BLTTHS năm 2015 cần sửa đổi theo hướng bỏ thẩm quyền của hội đồng xét xử phúc thẩm trong việc giảm mức bồi thường thiệt hại cho những bị cáo không kháng cáo hoặc không bị kháng cáo, kháng nghị.

Bên cạnh đó, để đảm bảo quyền kháng cáo của những bị hại trong trường hợp đặc biệt như bị hại dưới 18 tuổi phải thực hiện các hoạt động tố tụng thông qua cơ chế đại diện và cũng để thống nhất với quy định tại khoản 1 Điều 331 BLTTHS về những chủ thể có quyền kháng cáo bản án sơ thẩm. Tác giả kiến nghị sửa đổi quy định tại khoản 2 Điều 357 BLTTHS theo hướng như sau: Trường hợp Viện kiểm sát kháng nghị hoặc người có quyền kháng cáo yêu cầu thì Hội đồng xét xử phúc thẩm...”.

HOÀNG ĐÌNH DŨNG (Tòa án quân sự Quân khu 4)

Nguồn: Tạp chí Tòa án nhân dân điện tử

2502

Đây là nội dung tóm tắt, thông báo văn bản mới dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc vui lòng gửi về Email: info@thuvienphapluat.vn