18/02/2020 07:56

Quyền rút yêu cầu khởi tố của bị hại ở giai đoạn xét xử phúc thẩm vụ án hình sự

Quyền rút yêu cầu khởi tố của bị hại ở giai đoạn xét xử phúc thẩm vụ án hình sự

BLTTHS năm 2015 cho phép người bị hại có thể rút yêu cầu khởi tố vụ án vào bất cứ giai đoạn tố tụng nào trong quá trình giải quyết vụ án, nhằm đảm bảo cho bị hại có nhiều thời gian để cân nhắc giữa lợi ích và thiệt hại trong việc đưa vụ án ra xét xử. Tuy nhiên, quá trình áp dụng quy định này vào thực tiễn phát sinh vướng mắc, bất cập cần phải được khắc phục, nhất là đối với trường hợp bị hại rút yêu cầu khởi tố ở giai đoạn xét xử phúc thẩm.

Khởi tố theo yêu cầu của bị hại và quyền rút yêu cầu khởi tố của bị hại

Điều 155 BLTTHS năm 2015 quy định:

“1. Chỉ được khởi tố vụ án hình sự về tội phạm quy định tại khoản 1 các điều 134, 135, 136, 138, 139, 141, 143, 155, 156 và 226 của Bộ luật Hình sự (BLHS) khi có yêu cầu của bị hại hoặc người đại diện của bị hại là người dưới 18 tuổi, người có nhược điểm về tâm thần hoặc thể chất hoặc đã chết.

2. Trường hợp người đã yêu cầu khởi tố rút yêu cầu thì vụ án phải được đình chỉ, trừ trường hợp có căn cứ xác định người đã yêu cầu rút yêu cầu khởi tố trái với ý muốn của họ do bị ép buộc, cưỡng bức thì tuy người đã yêu cầu khởi tố rút yêu cầu, Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, Tòa án vẫn tiếp tục tiến hành tố tụng đối với vụ án.

3. Bị hại hoặc người đại diện của bị hại đã rút yêu cầu khởi tố thì không có quyền yêu cầu lại, trừ trường hợp rút yêu cầu do bị ép buộc, cưỡng bức”.

So với quy định tại Điều 105 BLTTHS năm 2003 về khởi tố vụ án hình sự theo yêu cầu của người bị hại, quy định này có điểm mới là bổ sung thêm trường hợp cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại sức khỏe của người khác do vượt quá mức cần thiết khi bắt giữ người phạm tội là một trong những tội khởi tố theo yêu cầu của bị hại. Đồng thời, sửa đổi phạm vi về quyền rút yêu cầu khởi tố của bị hại. Nếu khoản 2 Điều 105 BLTTHS năm 2003 quy định người bị hại được rút yêu cầu khởi tố vụ án trước ngày mở phiên tòa sơ thẩm thì khoản 2 Điều 155 BLTTHS năm 2015 không giới hạn thời điểm bị hại rút yêu cầu khởi tố, mà chỉ quy định “trường hợp người đã yêu cầu khởi tố rút yêu cầu thì vụ án phải được đình chỉ”. Quy định này chỉ hợp lý trong trường hợp bị hại rút yêu cầu khởi tố ở giai đoạn điều tra, truy tố hoặc trước khi mở phiên tòa sơ thẩm hoặc tại phiên tòa sơ thẩm. Căn cứ, thủ tục đình chỉ vụ án trong các trường hợp trên được thực hiện theo quy định tại khoản 1 Điều 230; khoản 1 Điều 248 và khoản 1 Điều 282 BLTTHS năm 2015. Nếu bị hại rút yêu cầu khởi tố sau khi đã xét xử sơ thẩm thì về nguyên tắc, thủ tục tố tụng bị hại phải kháng cáo bản án sơ thẩm với nội dung là rút yêu cầu khởi tố, yêu cầu không truy cứu trách nhiệm hình sự (TNHS) đối với bị cáo hoặc có kháng cáo của bị cáo hoặc kháng nghị của Viện kiểm sát. Với quy định này, có thể khẳng định rằng người bị hại được quyền rút yêu cầu khởi tố bất cứ giai đoạn tố tụng nào, có thể là ở giai đoạn điều tra, truy tố, xét xử (sơ thẩm, phúc thẩm).

Việc không giới hạn giai đoạn thực hiện quyền rút yêu cầu khởi tố giúp cho bị hại có thời gian cân nhắc để quyết định có yêu cầu truy cứu TNHS người phạm tội hay không, phù hợp với những sửa đổi, bổ sung trong chế định miễn TNHS quy định tại khoản 3 Điều 29 BLHS năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017 đối với các nhóm tội phạm xâm phạm tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm. Tuy nhiên, việc không giới hạn thời điểm thực hiện quyền rút yêu cầu khởi tố của bị hại phần nào gây ra sự tốn kém về thời gian, chi phí tố tụng, nhất là trong trường hợp bị hại rút yêu cầu khởi tố ở giai đoạn xét xử phúc thẩm. Hơn nữa, khi bị hại rút yêu cầu khởi tố ở giai đoạn này sẽ gây khó khăn cho cấp phúc thẩm trong vấn đề xử lý, bởi lẽ, các quy định về xét xử phúc thẩm của BLTTHS năm 2015 không đề cập đến vấn đề bị hại rút yêu cầu khởi tố và hướng giải quyết yêu cầu như thế nào?

Giải quyết yêu cầu của bị hại trong việc rút yêu cầu khởi tố vụ án ở giai đoạn xét xử phúc thẩm

Như đã phân tích, BLTTHS năm 2015 không giới hạn quyền rút yêu cầu khởi tố vụ án của bị hại, do đó, bị hại có thể rút yêu cầu khởi tố vụ án ở giai đoạn xét xử phúc thẩm, vấn đề còn lại của cơ quan tiến hành tố tụng là phải giải quyết yêu cầu này của bị hại một cách hợp lý, đúng quy định pháp luật. Đối với trường hợp này, có thể phát sinh hai trường hợp là bị hại rút yêu cầu khởi tố trước khi mở phiên tòa hoặc tại phiên tòa. Chúng tôi phân tích tính chất, thủ tục giải quyết yêu cầu đối với từng trường hợp như sau:

Một là, bị hại rút yêu cầu khởi tố trước khi mở phiên tòa xét xử phúc thẩm.

Không giống với thủ tục xét xử sơ thẩm, trong trường hợp chỉ có bị hại kháng cáo và bị hại rút yêu cầu khởi tố thì Toà án phải giải thích cho bị hại về hậu quả của việc rút yêu cầu khởi tố và Tòa án vẫn phải mở phiên tòa xét xử vụ án, không thể đình chỉ vụ án theo quy định tại khoản 1 Điều 282 BLTTHS như đối với thủ tục xét xử sơ thẩm được, bởi lẽ, thủ tục xét xử phúc thẩm không quy định đình chỉ vụ án mà chỉ có đình chỉ xét xử phúc thẩm. Nếu Tòa án căn cứ vào việc rút yêu cầu của bị hại để đình chỉ xét xử phúc thẩm thì bản án sơ thẩm sẽ có hiệu lực pháp luật, khi đó việc rút yêu cầu khởi tố của bị hại sẽ không có ý nghĩa, bị cáo vẫn phải chấp hành hình phạt theo quyết định của bản án sơ thẩm. Nếu ngoài bị hại kháng cáo còn có kháng cáo của bị cáo hoặc kháng nghị của Viện kiểm sát thì thủ tục giải quyết sẽ như trường hợp bị hại rút yêu cầu khởi tố tại phiên tòa.

Hai là, bị hại rút yêu cầu khởi tố tại phiên tòa phúc thẩm.

Khi bị hại rút yêu cầu khởi tố tại phiên tòa thì Tòa án cũng không đình chỉ được vụ án như tại phiên tòa sơ thẩm. Về nguyên tắc và thủ tục tố tụng, Tòa án phải căn cứ vào khoản 2 Điều 155; điểm d khoản 1 Điều 355 BLTTHS năm 2015 hủy bản án sơ thẩm và đình chỉ vụ án. Tuy nhiên, đối chiếu với Điều 359 BLTTHS năm 2015 quy định về căn cứ để hủy bản án sơ thẩm và đình chỉ vụ án lại không có trường hợp bị hại rút yêu cầu khởi tố vụ án. Chính việc BLTTHS không quy định cụ thể vấn đề bị hại rút yêu cầu khởi tố ở giai đoạn xét xử phúc thẩm dẫn đến quyền rút yêu cầu khởi tố của bị hại được luật ghi nhận, nhưng khi quyền này được thực hiện trên thực tế, cơ quan tiến hành tố tụng lại không có cơ sở pháp lý để giải quyết đúng theo nguyên tắc, thủ tục xét xử phúc thẩm. Điều này dẫn đến thực tế có nhiều cách hiểu và vận dụng khác nhau: Ý kiến thứ nhất cho rằng, nếu bị hại rút yêu cầu khởi tố tại phiên tòa xét xử phúc thẩm thì Tòa án chỉ nên xem xét đây là tình tiết mới để làm căn cứ giảm nhẹ TNHS cho bị cáo; ý kiến thứ hai cho rằng, Tòa án phải miễn hình phạt cho bị cáo; ý kiến thứ ba cho rằng, Tòa án cấp phúc thẩm phải hủy bản án sơ thẩm trả về cho cấp sơ thẩm đình chỉ vụ án theo quy định tại Điều 282 BLTTHS năm 2015; ý kiến thứ tư cho rằng, nên miễn TNHS cho bị cáo. Chúng tôi lần lượt phân tích tính có căn cứ của từng ý kiến như sau:

Đối với ý kiến thứ nhất: Theo chúng tôi, ý kiến này không phù hợp với nguyên tắc buộc tội của bị hại đối với các tội phạm khởi tố theo yêu cầu của bị hại quy định tại khoản 1 Điều 155 BLTTHS năm 2015. Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 không quy định thời điểm bị hại rút yêu cầu khởi tố, có nghĩa là quyền này được thực hiện bất kỳ giai đoạn nào, có thể là ở giai đoạn điều tra, truy tố, xét xử sơ thẩm, xét xử phúc thẩm, hơn nữa khoản 2 Điều 155 quy định “trường hợp người đã yêu cầu khởi tố rút yêu cầu thì vụ án phải được đình chỉ…”, việc Tòa án chỉ xem yêu cầu rút đơn khởi tố để làm cơ sở giảm nhẹ TNHS cho bị cáo là chưa đảm bảo quyền rút yêu cầu khởi tố của bị hại.

Đối với ý kiến thứ hai: Ý kiến này không có cơ sở theo quy định tại Điều 59 Bộ luật Hình sự  năm 2015. Đối chiếu với điều kiện miễn hình phạt quy định tại Điều 59 của BLHS cho thấy, bị cáo chỉ có thể được miễn hình phạt nếu đáp ứng một trong hai điều kiện: (1) Bị cáo có ít nhất hai tình tiết giảm nhẹ quy định tại khoản 1 Điều 51 và đáng được khoan hồng đặc biệt; (2) Bị cáo phạm tội lần đầu, là người giúp sức trong vụ án đồng phạm nhưng có vai trò không đáng kể và đáng được khoan hồng đặc biệt. Với ý kiến này chúng ta cần phân biệt giữa miễn hình phạt với không phải chịu TNHS. Miễn hình phạt là trường hợp hành vi bị cáo đã cấu thành tội phạm và phải chịu TNHS (hình phạt), do bị cáo có nhiều tình tiết giảm nhẹ hoặc là người phạm tội lần đầu, là người giúp sức trong vụ án đồng phạm nhưng có vai trò không đáng kể và đáng được khoan hồng đặc biệt nên mới được miễn hình phạt (không phải chấp hành hình phạt) chứ không phải hành vi phạm tội của họ không phải chịu TNHS. Đối với các tội phạm khởi tố theo yêu cầu của bị hại, có thể nói yêu cầu khởi tố vụ án của bị hại là tiền đề, điều kiện đủ để các cơ quan tiến hành tố tụng giải quyết vụ án, hay nói cách khác, bị hại là một trong những chủ thể đầu tiên quyết định việc có truy cứu TNHS của bị cáo hay không. Nếu bị hại không đề nghị khởi tố vụ án để truy cứu TNHS của bị cáo thì không có lý do gì bị cáo chỉ được miễn hình phạt mà đáng lý ra họ không phải chịu TNHS.

Đối với ý kiến thứ ba: Ý kiến này không có căn cứ, bởi lẽ đối chiếu căn cứ hủy bản án sơ thẩm thì không có căn cứ nào Tòa án cấp phúc thẩm có thể hủy bản án của cấp sơ thẩm khi không có vi phạm theo quy định tại Điều 358 BLTTHS năm 2015.

Đối với ý kiến thứ tư: Chúng tôi đồng tình với việc vận dụng quy định về miễn TNHS để làm căn cứ giải quyết việc rút yêu cầu khởi tố của bị hại ở giai đoạn xét xử phúc thẩm. Việc áp dụng quy định về miễn TNHS vừa giải quyết được hai vấn đề: (1) Quyền rút yêu cầu của bị hại được thực thi trên thực tế; (2) Cơ quan tiến hành tố tụng có đủ cơ sở pháp lý để giải quyết yêu cầu của bị hại mà không trái với nguyên tắc, quy định về thủ tục xét xử phúc thẩm. Để miễn TNHS cho bị cáo, cơ quan tiến hành tố tụng phải căn cứ vào nội dung quy định tại khoản 3 Điều 29 BLHS năm 2015 để xem xét bị cáo có đủ điều kiện để miễn TNHS hay không và áp dụng điểm a khoản 1 Điều 357 BLTTHS năm 2015 để làm căn cứ quyết định miễn TNHS cho bị cáo. Chúng tôi lần lượt phân tích quy định tại khoản 3 Điều 29 BLHS năm 2015 để làm rõ căn cứ của việc áp dụng chế định này trong việc giải quyết vấn đề bị hại rút yêu cầu khởi tố tại phiên tòa phúc thẩm như sau:

Khoản 3 Điều 29 quy định: “Người thực hiện tội phạm nghiêm trọng do vô ý hoặc tội phạm ít nghiêm trọng gây thiệt hại về tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm hoặc tài sản của người khác, đã tự nguyện sửa chữa, bồi thường thiệt hại hoặc khắc phục hậu quả và được người bị hại hoặc người đại diện hợp pháp của người bị hại tự nguyện hòa giải và đề nghị miễn trách nhiệm hình sự, thì có thể được miễn trách nhiệm hình sự”. Để miễn TNHS cho bị cáo theo quy định này, phải có đủ các điều kiện sau:

Thứ nhất, tội phạm mà bị cáo thực hiện phải là tội phạm ít nghiêm trọng hoặc tội phạm nghiêm trọng do vô ý xâm phạm đến tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm hoặc tài sản của người khác. Qua rà soát mức hình phạt quy định tại khoản 1 Điều 155 cần phải có yêu cầu khởi tố của bị hại như đã nêu trên, có 08 tội danh là tội phạm ít nghiêm trọng, trừ Tội hiếp dâm; Tội cưỡng dâm là tội phạm nghiêm trọng, không đáp ứng được điều kiện miễn TNHS trong trường hợp này. Do đó, việc miễn TNHS cho bị cáo đối với 02 tội danh này sẽ không thực hiện được, mặc dù bị hại có rút yêu cầu khởi tố.                                                                                        

Thứ hai, người bị hại hoặc người đại diện hợp pháp của người bị hại tự nguyện hòa giải và đề nghị miễn TNHS cho bị cáo. Thực tiễn xét xử cho thấy khi bị hại quyết định rút yêu cầu khởi tố thì về ý chí họ không muốn truy cứu TNHS đối với bị cáo nữa và mong muốn cơ quan tiến hành tố tụng không kết tội bị cáo. Do đó, trong trường hợp này, Tòa án phải yêu cầu bị hại hoặc đại diện  hợp pháp của bị hại tự nguyện hòa giải với bị cáo và thể hiện yêu cầu đề nghị miễn TNHS cho bị cáo tại phiên tòa. Việc hòa giải và đề nghị miễn TNHS này phải ghi rõ vào biên bản phiên tòa.

Thứ ba, người phạm tội đã tự nguyện sửa chữa, bồi thường thiệt hại hoặc khắc phục hậu quả cho phía bị hại. Điều kiện này đòi hỏi cơ quan tiến hành tố tụng phải căn cứ vào kết quả sửa chữa, bồi thường, khắc phục hậu quả của bị cáo để xem xét. Điều luật quy định rõ là người phạm tội đã tự nguyện sửa chữa, bồi thường thiệt hại hoặc khắc phục hậu quả chứ không phải xem xét việc thỏa thuận, ghi nhận bồi thường thiệt hại giữa bị cáo với bị hại ở giai đoạn sơ thẩm, do đó, việc bị cáo hứa hẹn bồi thường được bản án sơ thẩm ghi nhận không phải là điều kiện để xem xét miễn TNHS cho bị cáo. Tuy nhiên, do phía bị hại không muốn truy cứu TNHS đối với bị cáo nữa nên Tòa án cần phải giải thích cho bị cáo hiểu để bị cáo thực hiện việc sửa chữa, bồi thường thiệt hại hoặc khắc phục hậu quả do hành vi phạm tội của mình gây ra để được xem xét miễn TNHS. Trong trường hợp này Hội đồng xét xử có thể căn cứ vào điểm b khoản 1 Điều 352 BLTTHS hoãn phiên tòa cho bị cáo thực hiện nghĩa vụ bồi thường thiệt hại của mình để làm cơ sở xem xét miễn TNHS cho bị cáo.

Như vậy, để đảm bảo áp dụng đúng quy định của pháp luật trong việc giải quyết việc rút yêu cầu khởi tố của bị hại tại phiên tòa phúc thẩm thì yêu cầu cơ quan tiến hành tố tụng phải lần lượt xác định và giải quyết đầy đủ các điều kiện như vừa phân tích ở trên. Khi có đủ các điều kiện nêu trên, Hội đồng xét xử phúc thẩm có thể xem việc rút đơn yêu cầu khởi tố của bị hại là tình tiết mới và căn cứ vào điểm a khoản 1 Điều 367 BLTTHS năm 2015 quyết định sửa bản án sơ thẩm, miễn TNHS cho bị cáo. Tuy việc vận dụng quy định miễn TNHS tạm thời chưa giải quyết được triệt để vấn đề bị hại rút yêu cầu khởi tố tại phiên tòa phúc thẩm (trừ hai tội danh hiếp dâm và cưỡng dâm không áp dụng được quy định miễn TNHS như đã phân tích trên), nhưng phần nào cũng khắc phục được thiếu sót của BLTTHS đối với trường hợp bị hại rút yêu cầu khởi tố tại phiên tòa phúc thẩm.

Để có cơ sở pháp lý cho việc giải quyết yêu cầu rút yêu cầu khởi tố vụ án của bị hại ở giai đoạn xét xử phúc thẩm, chúng tôi kiến nghị bổ sung vào BLTTHS năm 2015 tại Điều 359 căn cứ để hủy bản án sơ thẩm và đình chỉ vụ án trong trường hợp bị hại rút yêu cầu khởi tố tại phiên tòa phúc thẩm với nội dung như sau:

Điều 359. Hủy bản án sơ thẩm và đình chỉ vụ án

“1. Khi có một trong các căn cứ quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều 157 của Bộ luật này thì Hội đồng xét xử phúc thẩm hủy bản án sơ thẩm, tuyên bị cáo không có tội và đình chỉ vụ án.

2. Khi có một trong những căn cứ quy định tại các khoản 3, 4, 5, 6, và 7 Điều 157 của Bộ luật này thì Hội đồng xét xử phúc thẩm hủy bản án sơ thẩm và đình chỉ vụ án.

3. Khi bị hại hoặc đại diện hợp pháp của bị hại rút yêu cầu khởi tố vụ án”./.

Nguồn: Theo Tạp chí Kiểm sát

1506

Đây là nội dung tóm tắt, thông báo văn bản mới dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc vui lòng gửi về Email: [email protected]