28/09/2020 16:33

Quyền khởi kiện lại của đương sự sau khi rút đơn khởi kiện vụ án hành chính ở giai đoạn sơ thẩm

Quyền khởi kiện lại của đương sự sau khi rút đơn khởi kiện vụ án hành chính ở giai đoạn sơ thẩm

Thực tiễn hiện nay, việc xác định người khởi kiện có quyền khởi kiện lại hay không khi trong quá trình giải quyết vụ án họ tự nguyện rút đơn khởi kiện có nhiều quan điểm khác nhau, cần có cách hiểu đầy đủ để việc áp dụng pháp luật được thống nhất.

Luật Tố tụng hành chính (Luật TTHC) năm 2015 quy định nhiều điểm mới so với Luật TTHC năm 2010, trong đó có trường hợp người khởi kiện rút đơn khởi kiện. Tuy nhiên, một trong những vấn đề được quan tâm đó là quyền khởi kiện lại của người khởi kiện.

1.Quy định của pháp luật

Theo điểm b, c khoản 1 Điều 143 Luật TTHC năm 2015 quy định Tòa án đình chỉ giải quyết vụ án khi thuộc hai trường hợp sau đây:

Trường hợp 1: Người khởi kiện rút đơn khởi kiện trong trường hợp không có yêu cầu độc lập của người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan. Trường hợp có yêu cầu độc lập của người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan mà người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan vẫn giữ nguyên yêu cầu độc lập của mình thì Tòa án ra quyết định đình chỉ giải quyết vụ án đối với yêu cầu của người khởi kiện đã rút.

Trường hợp 2: Người khởi kiện rút đơn khởi kiện, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan rút đơn yêu cầu độc lập.

Đồng thời, theo khoản 1 Điều 144 Luật TTHC năm 2015 chỉ quy định đối với trường hợp 1 thì người khởi kiện có quyền khởi kiện lại vụ án đó, còn đối với trường hợp 2 người khởi kiện không có quyền khởi kiện yêu cầu Tòa án giải quyết lại vụ án đó, nếu việc khởi kiện này không có gì khác với vụ án đã bị đình chỉ về người khởi kiện, người bị kiện và quan hệ pháp luật có tranh chấp.

Quy định nêu trên có sự khác biệt so với Luật TTHC năm 2010, theo điểm b khoản 1 Điều 120 của Luật này đề cập Tòa án sẽ quyết định đình chỉ việc giải quyết vụ án hành chính khi người khởi kiện rút đơn khởi kiện và được Tòa án chấp nhận. Đồng thời, người khởi kiện được quyền khởi kiện lại vụ án hành chính đó (khoản 1 Điều 121 Luật TTHC năm 2010).

Ngoài hai trường hợp nêu trên, qua đối thoại mà người khởi kiện tự nguyện rút đơn khởi kiện thì Thẩm phán lập biên bản về việc người khởi kiện tự nguyện rút đơn khởi kiện, ra quyết định đình chỉ giải quyết vụ án đối với yêu cầu của người khởi kiện. Người khởi kiện được quyền khởi kiện lại vụ án nếu thời hiệu khởi kiện vẫn còn (khoản 2 Điều 140 Luật TTHC năm 2015).

Như vậy, quyền khởi kiện lại vụ án được quy định khác nhau ở các điều khoản khác nhau, do đó, thực tiễn hiện nay có nhiều cách hiểu khác nhau.

2.Một số quan điểm

Quan điểm thứ nhất cho rằng, do khoản 1 Điều 144 Luật TTHC năm 2015 không liệt kê Tòa án đình chỉ giải quyết vụ án trong trường hợp 2 – người khởi kiện rút đơn khởi kiện, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan rút đơn yêu cầu độc lập được quyền khởi kiện lại vụ án. Đồng thời, Tòa án cũng không thể áp dụng quy định về các trường hợp khác được đề cập tại điều khoản nêu trên vì không có cơ sở pháp luật vững chắc, nên người khởi kiện không có quyền khởi kiện lại vụ án đó, nếu việc khởi kiện này không có gì khác với vụ án đã bị đình chỉ về người khởi kiện, người bị kiện và quan hệ pháp luật có tranh chấp.

Quan điểm thứ hai cho rằng, Luật TTHC năm 2015 đã bãi bỏ quy định vấn đề thời hiệu khởi kiện là một trong những trường hợp trả lại đơn khởi kiện được quy định tại điểm c khoản 1 Điều 109 Luật TTHC năm 2010. Điều này đồng nghĩa với việc, mặc dù vụ án đã hết thời hiệu khởi kiện thì trách nhiệm của Tòa án cũng phải tiến hành thụ lý vụ án hành chính và giải quyết theo quy định, sau khi thụ lý mà thời hiệu khởi kiện đã hết thì Tòa án đình chỉ giải quyết vụ án theo điểm g khoản 1 Điều 143 Luật TTHC năm 2015. Do đó, quy định tại khoản 2 Điều 140 Luật TTHC năm 2015 là không hợp lý, có sự mâu thuẫn ngay trong cùng một văn bản, cụ thể là mâu thuẫn với Điều 123 và điểm g khoản 1 Điều 143 Luật TTHC năm 2015. Qua đối thoại mà người khởi kiện tự nguyện rút đơn khởi kiện, Thẩm phán ra quyết định đình chỉ giải quyết vụ án đối với yêu cầu của người khởi kiện. Người khởi kiện được quyền khởi kiện lại vụ án đó mà không cần quan tâm đến thời hiệu khởi kiện.

Quan điểm của tác giả, khoản 1 Điều 14 Hiến pháp năm 2013 đã khẳng định “Ở nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, các quyền con người, quyền công dân về chính trị, dân sự, kinh tế, văn hóa, xã hội được công nhận, tôn trọng, bảo vệ, bảo đảm theo Hiến pháp và pháp luật”. Thể chế hóa Hiến pháp năm 2013, Luật TTHC năm 2015 khi xây dựng về quyền khởi kiện vụ án đã khẳng định (i) Cơ quan, tổ chức, cá nhân có quyền khởi kiện vụ án đối với quyết định hành chính, hành vi hành chính, quyết định kỷ luật buộc thôi việc trong trường hợp không đồng ý với quyết định, hành vi đó hoặc đã khiếu nại với người có thẩm quyền giải quyết, nhưng hết thời hạn giải quyết theo quy định của pháp luật mà khiếu nại không được giải quyết hoặc đã được giải quyết nhưng không đồng ý với việc giải quyết khiếu nại về quyết định, hành vi đó; (ii) Tổ chức, cá nhân có quyền khởi kiện vụ án đối với quyết định giải quyết khiếu nại về quyết định xử lý vụ việc cạnh tranh trong trường hợp không đồng ý với quyết định đó; (iii) Cá nhân có quyền khởi kiện vụ án về danh sách cử tri trong trường hợp đã khiếu nại với cơ quan có thẩm quyền giải quyết, nhưng hết thời hạn giải quyết theo quy định của pháp luật mà khiếu nại không được giải quyết hoặc đã được giải quyết, nhưng không đồng ý với việc giải quyết khiếu nại đó.

Theo các quy định nêu trên, Tòa án phải bảo đảm quyền khởi kiện của người khởi kiện, cũng như quyền khởi kiện lại vụ án. Xuất phát từ quan hệ tranh chấp hành chính là quan hệ giữa “dân-quan” trong quá trình quản lý hành chính nhà nước, quan hệ này vốn dĩ không bình đẳng nên tranh chấp xảy ra cần có cơ chế bảo vệ phù hợp, mang tính khả thi. Chính vì vậy, trong tố tụng hành chính đã xác định nguyên tắc bình đẳng về quyền và nghĩa vụ (Điều 17 Luật TTHC năm 2015), theo đó, mọi người đều bình đẳng trước pháp luật, không phân biệt dân tộc, giới tính, tín ngưỡng, tôn giáo, thành phần xã hội, trình độ văn hóa, nghề nghiệp, địa vị xã hội. Mọi cơ quan, tổ chức, cá nhân bình đẳng trong việc thực hiện quyền và nghĩa vụ trong tố tụng hành chính trước Tòa án. Tòa án có trách nhiệm tạo điều kiện để cơ quan, tổ chức, cá nhân thực hiện các quyền và nghĩa vụ của mình.

Thực tế cho thấy, trong quá trình giải quyết vụ án hành chính, vì nhiều lý do khác nhau người khởi kiện rút đơn khởi kiện, trong đó có thể đề cập đến lý do người bị kiện sẽ tiến hành sửa đổi, bổ sung, thay thế, hủy bỏ một phần hoặc toàn bộ quyết định hành chính bị kiện. Tuy nhiên, sau đó chủ thể này lại không thực hiện. Chính vì lẽ đó, để đảm bảo quyền, lợi ích hợp pháp của người khởi kiện cần thiết phải quy định họ có quyền khởi kiện lại vụ án hành chính đó mà không kèm theo điều kiện về thời hiệu cũng như họ rút đơn khởi kiện trong trường hợp nào.

Từ những phân tích nêu trên, đồng tác giả kiến nghị cần phải sửa đổi, bổ sung Luật TTHC năm 2015 theo hướng người khởi kiện có quyền khởi kiện lại vụ án hành chính nếu thuộc trường hợp đình chỉ giải quyết vụ án khi người khởi kiện rút đơn khởi kiện mà không cần xem xét đến thời hiệu khởi kiện vụ án, cũng như vụ án trước đó người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan có yêu cầu độc lập hay không. Cụ thể bãi bỏ cụm từ “nếu thời hiệu khởi kiện vẫn còn” tại khoản 2 Điều 140 và bổ sung “điểm c khoản 1 Điều 143” vào khoản 1 Điều 144 Luật TTHC năm 2015, có như vậy, Luật TTHC năm 2015 thật sự mới là văn bản pháp lý vững chắc để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của các bên đương sự, đồng thời đảm bảo quyền khởi kiện lại của người khởi kiện khi họ rút đơn khởi kiện./.

Nguồn: Tạp chí Tòa án

3620

Đây là nội dung tóm tắt, thông báo văn bản mới dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc vui lòng gửi về Email: info@thuvienphapluat.vn