Tại Hướng dẫn 38/HD-MTTW-BTT năm 2020, Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam có hướng dẫn hình thức ủng hộ và tiếp nhận nguồn đóng góp cho đồng bào vùng lũ lụt. Cụ thể, với tình hình hiện tại, người dân có thể quyên góp, ủng hộ cho người dân bị thiệt hại bởi bão lũ bằng những cách sau:
(1) Quyên góp, ủng hộ bằng hình thức chuyển khoản qua Kho bạc Nhà nước
- Tài khoản tại Kho bạc nhà nước
+ Tên tài khoản: Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam
+ Số tài khoản: 3713.0.1058784.00000
+ Mã đơn vị QHNS: 1058784
+ Tại Sở giao dịch Kho bạc Nhà nước
(2) Quyên góp, ủng hộ bằng hình thức chuyển khoản qua ngân hàng
- Tài khoản tiền Việt Nam
+ Tên tài khoản: Mặt trận Tổ quốc Việt Nam - Ban Cứu trợ Trung ương
+ Số tài khoản: 001.1.00.193241.8
+ Tại Sở giao dịch Ngân hàng Thương mại Cổ phần Ngoại thương Việt Nam
- Tài khoản ngoại tệ
+ Tên tài khoản: Mặt trận Tổ quốc Việt Nam - Ban Cứu trợ Trung ương
+ Số tài khoản: 001.1.37.193253.8
+ Tại sở giao dịch Ngân hàng Thương mại Cổ phần Ngoại thương Việt Nam
(3) Quyên góp, ủng hộ tiền mặt
Đơn vị tiếp nhận: Phòng Kế hoạch - Tài chính, Văn phòng cơ quan Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, phòng 109 và 111 nhà B, số 46 Tràng Thi, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội.
(4) Quyên góp, ủng hộ bằng hiện vật
Trường hợp các cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân ủng hộ bằng hàng (chưa sử dụng) thì phối hợp với Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam hoặc Hội Chữ thập đỏ các cấp để phân bổ và chuyển trực tiếp các địa phương bị thiệt hại do lũ lụt.
(5) Ủng hộ qua chương trình vận động quyên góp của địa phương
Người dân có thể Liên hệ trực tiếp tại địa phương qua các chương trình vận động quyên góp của Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Ban Cứu trợ các tỉnh, thành phố báo cáo với cấp ủy phối hợp với chính quyền tổ chức.
Số tiền vận động quyên góp được chuyển về Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (Ban Cứu trợ Trung ương) để cân đối phân bổ cho các địa phương bị thiệt hại.
Ngoài những cách như trên thì người dân cũng có thể quyên góp, ủng hộ thông qua các đơn vị, cơ quan làm việc; trường học; tổ chức, đơn vị uy tín có đứng ra kêu gọi ủng hộ, quyên góp.
Tuy nhiên khi quyên góp, ủng hộ thông qua các đơn vị ngoài Nhà nước, người dân phải đặc biệt cẩn trọng vì không ít cá nhân, tổ chức lợi dụng việc này để lừa đảo, trục lợi cá nhân.
Theo Điều 14 Nghị định 93/2021/NĐ-CP quy định các tổ chức vận động, tiếp nhận đóng góp, ủng hộ tự nguyện từ người dân phải công khai như sau:
(1) Các tổ chức vận động, tiếp nhận, phân phối và sử dụng nguồn đóng góp tự nguyện có trách nhiệm công khai đầy đủ, kịp thời, chính xác các hoạt động có liên quan đến việc vận động, tiếp nhận, phân phối và sử dụng nguồn đóng góp tự nguyện.
(2) Nội dung công khai:
- Văn bản về việc tổ chức kêu gọi, vận động đóng góp tự nguyện;
- Kết quả vận động (tổng số tiền, hiện vật tiếp nhận), phân phối tiền, hiện vật đóng góp tự nguyện của các tổ chức, cá nhân;
- Đối tượng, chính sách và mức hỗ trợ khắc phục khó khăn do thiên tai, dịch bệnh, sự cố;
- Các tổ chức, cơ quan, đơn vị trực tiếp tiếp nhận đóng góp tự nguyện công khai thời gian, địa điểm, cách thức tiếp nhận tiền, hiện vật đóng góp tự nguyện.
(3) Hình thức công khai:
- Công khai trên Trang thông tin điện tử chính thức của tổ chức, cơ quan, đơn vị;
- Niêm yết tại trụ sở làm việc của tổ chức, cơ quan, đơn vị và địa điểm sinh hoạt cộng đồng (thôn, ấp, bản, buôn, sóc, tổ dân phố);
- Thông báo bằng văn bản đến các cơ quan có liên quan tham gia vào quá trình vận động, tiếp nhận, phân phối và sử dụng nguồn đóng góp tự nguyện để khắc phục khó khăn do thiên tai, dịch bệnh, sự cố; thông báo trên các phương tiện thông tin đại chúng.
Thực hiện ít nhất một trong ba hình thức công khai quy định tại khoản 3 Điều 14 Nghị định 93/2021/NĐ-CP; trong đó phải thực hiện hình thức bắt buộc là công khai trên trang thông tin điện tử chính thức của tổ chức, cơ quan, đơn vị; trường hợp chưa có trang thông tin điện tử phải thực hiện niêm yết tại trụ sở làm việc.
(4) Thời điểm công khai:
- Công khai văn bản về việc tổ chức kêu gọi, vận động các tổ chức, cá nhân đóng góp tiền, hiện vật đóng góp tự nguyện ngay sau khi ban hành;
- Công khai thời gian, địa điểm, cách thức tiếp nhận tiền, hiện vật đóng góp tự nguyện trước từ 01 đến 03 ngày bắt đầu tổ chức thực hiện;
- Công khai kết quả vận động, tiếp nhận và phân phối nguồn đóng góp tự nguyện: Công khai tổng số tiền, hiện vật đã vận động, tiếp nhận chậm nhất sau 15 ngày kể từ khi kết thúc thời gian tiếp nhận; công khai tổng số tiền, hiện vật đã phân phối, sử dụng chậm nhất sau 30 ngày kể từ khi kết thúc thời gian phân phối, sử dụng;
- Công khai đối tượng hỗ trợ, chính sách hỗ trợ và mức hỗ trợ ngay từ khi bắt đầu thực hiện hỗ trợ, phân phối tiền, hiện vật đóng góp tự nguyện.
(5) Thời gian công khai:
- Niêm yết công khai tại trụ sở tổ chức, cơ quan, đơn vị, điểm sinh hoạt cộng đồng và công khai trên Trang thông tin điện tử trong 30 ngày;
- Thông báo trên các phương tiện thông tin đại chúng: 03 số liên tiếp báo viết, 03 ngày liên tiếp trên chương trình của đài phát thanh, đài truyền hình.