22/06/2024 16:00

Quy trình xem xét, thi hành kỷ luật đảng viên thuộc thẩm quyền Ban Chấp hành Trung ương Đảng

Quy trình xem xét, thi hành kỷ luật đảng viên thuộc thẩm quyền Ban Chấp hành Trung ương Đảng

Quy trình xem xét, thi hành kỷ luật đảng viên thuộc thẩm quyền Ban Chấp hành Trung ương Đảng được quy định như thế nào? Nhiệm vụ của Đảng viên theo Điều lệ Đảng là gì?

Vừa qua, Bộ Chính trị đã ký Quyết định 165-QĐ/TW ban hành Quy trình xem xét, thi hành kỷ luật đối với tổ chức đảng, đảng viên thuộc thẩm quyền Ban chấp hành Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư. Trong đó có quy định về quy trình xem xét, thi hành kỷ luật đối với đảng viên thuộc thẩm quyền Ban Chấp hành Trung ương Đảng.

Tải Quyết định 165-QĐ/TW: https://cdn.thuvienphapluat.vn/uploads/DanLuat-BanAn/2024/quyet-dinh-165.pdf

1. Quy trình xem xét, thi hành kỷ luật đảng viên thuộc thẩm quyền Ban Chấp hành Trung ương Đảng

Căn cứ theo Quy trình xem xét, thi hành kỷ luật đối với tổ chức đảng, đảng viên thuộc thẩm quyền Ban chấp hành Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư (ban hành kèm theo Quyết định 165-QĐ/TW ngày 06/6/2024 của Bộ Chính trị), quy trình xem xét, thi hành kỷ luật đối với đảng viên thuộc thẩm quyền Ban Chấp hành Trung ương Đảng sẽ được tiến hành như sau:

1.1 Bước chuẩn bị

Bước 1: Uỷ ban Kiểm tra Trung ương trình Bộ Chính trị, Ban Bí thư (qua Văn phòng Trung ương Đảng) hồ sơ vụ việc gồm: 

- Tờ trình, 

- Báo cáo đề nghị thi hành kỷ luật tổ chức đảng, đảng viên vi phạm

- Tài liệu có liên quan. 

Bước 2: Văn phòng Trung ương Đảng sao gửi hồ sơ vụ việc Uỷ ban Kiểm tra Trung ương trình đến các đồng chí Uỷ viên Bộ Chính trị, Uỷ viên Ban Bí thư; hồ sơ vụ việc Bộ Chính trị trình đến các đồng chí Uỷ viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng theo Quy chế làm việc. 

Bước 3: Thường trực Ban Bí thư phân công đồng chí Uỷ viên Bộ Chính trị, Uỷ viên Ban Bí thư nghe đảng viên vi phạm trình bày ý kiến trước khi tổ chức hội nghị xem xét kỷ luật, nếu đảng viên vi phạm là Uỷ viên Bộ Chính trị, Uỷ viên Ban Bí thư thì đồng chí Tổng Bí thư hoặc đồng chí Thường trực Ban Bí thư nghe đảng viên vi phạm trình bày ý kiến. 

1.2 Bước tiến hành

Đối với đảng viên thuộc thẩm quyền Ban Chấp hành Trung ương Đảng thì Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng xem xét, quyết định kỷ luật theo quy định như sau:

Thành phần 

- Ban Chấp hành Trung ương Đảng. 

- Đại diện lãnh đạo Uỷ ban Kiểm tra Trung ương, Văn phòng Trung ương Đảng, Ban Tổ chức Trung ương, các ban đảng có liên quan. 

Trình tự xem xét, quyết định kỷ luật 

- Đại diện Bộ Chính trị đọc tờ trình, báo cáo đề nghị thi hành kỷ luật. 

- Đảng viên có vi phạm trình bày ý kiến (nếu đảng viên vi phạm là Uỷ viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, tổ chức đảng vi phạm có người đứng đầu là Uỷ viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng dự họp). 

- Hội nghị thảo luận, biểu quyết quyết định hình thức kỷ luật bằng phiếu kín. 

Trường hợp Ban Chấp hành Trung ương Đảng quyết định không thi hành kỷ luật thì uỷ quyền cho Bộ Chính trị, Ban Bí thư thông báo bằng văn bản đến tổ chức đảng, đảng viên có liên quan biết. 

1.3 Bước kết thúc

Bước 1: Uỷ ban Kiểm tra Trung ương chủ trì, phối hợp với Văn phòng Trung ương Đảng tham mưu Ban Chấp hành Trung ương Đảng ban hành quyết định thi hành kỷ luật hoặc thông báo không kỷ luật. 

Bước 2: Bộ Chính trị hoặc Ban Bí thư triển khai quyết định kỷ luật, thông báo không kỷ luật đến tổ chức đảng, đảng viên vi phạm và tổ chức, cá nhân có liên quan. 

Bước 3: Uỷ ban Kiểm tra Trung ương hoàn chỉnh hồ sơ xem xét, thi hành kỷ luật và bàn giao Văn phòng Trung ương Đảng lưu trữ hồ sơ theo quy định. 

Bước 4: Ban Chấp hành Trung ương Đảng giao Uỷ ban Kiểm tra Trung ương theo dõi, đôn đốc, kiểm tra, giám sát đảng viên có liên quan chấp hành quyết định thi hành kỷ luật. 

2. Nhiệm vụ của Đảng viên theo Điều lệ Đảng là gì?

Tại Điều 2 Điều lệ Đảng năm 2011 quy định Đảng viên có 04 nhiệm vụ như sau:

(1) Tuyệt đối trung thành với mục đích lý tưởng cách mạng của Đảng, chấp hành nghiêm chỉnh Cương lĩnh chính trị, Điều lệ Đảng, nghị quyết, chỉ thị của Đảng, pháp luật của Nhà nước; hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao; phục tùng tuyệt đối sự phân công và điều động của Đảng.

(2) Không ngừng học tập, rèn luyện, nâng cao trình độ kiến thức, năng lực công tác, phẩm chất chính trị, đạo đức cách mạng, có lối sống lành mạnh; đấu tranh chống chủ nghĩa cá nhân, cơ hội, cục bộ, quan liêu, tham nhũng, lãng phí và các biểu hiện tiêu cực khác. Chấp hành quy định của Ban Chấp hành Trung ương về những điều đảng viên không được làm.

(3) Liên hệ chặt chẽ với nhân dân, tôn trọng và phát huy quyền làm chủ của nhân dân; chăm lo đời sống vật chất, tinh thần và bảo vệ quyền lợi chính đáng của nhân dân; tích cực tham gia công tác quần chúng, công tác xã hội nơi làm việc và nơi ở; tuyên truyền vận động gia đình và nhân dân thực hiện đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước.

(4) Tham gia xây dựng, bảo vệ đường lối, chính sách và tổ chức của Đảng; phục tùng kỷ luật, giữ gìn đoàn kết thống nhất trong Đảng; thường xuyên tự phê bình và phê bình, trung thực với Đảng; làm công tác phát triển đảng viên; sinh hoạt đảng và đóng đảng phí đúng quy định.

Nguyễn Phạm Hoàng Thuy
29

Đây là nội dung tóm tắt, thông báo văn bản mới dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc vui lòng gửi về Email: info@thuvienphapluat.vn