15/03/2024 16:47

Quy trình tiếp nhận và xử lý tin báo về buôn lậu mới nhất

Quy trình tiếp nhận và xử lý tin báo về buôn lậu mới nhất

Tôi muốn hỏi thế nào là tin báo về buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả? Quy trình tiếp nhận và xử lý tin báo thế nào? “Văn Luận – Bạc Liêu”

Chào anh, Ban biên tập xin giải đáp như sau:

1. Tin báo về buôn lậu là gì? Hình thức gửi tin báo thế nào?

Tin báo về buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả là thông tin phản ánh của các tổ chức, cá nhân về các vụ việc, hành vi có dấu hiệu buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới, gian lận thương mại, sản xuất, vận chuyển, kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ và các vi phạm pháp luật khác có liên quan đến lĩnh vực thương mại. (*)

Hình thức gửi tin báo thế nào?

Các tổ chức, cá nhân có thể gửi tin báo về báo về buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả thông qua 04 hình thức sau:

- Điện thoại;

- Thư điện tử (email);

- Văn bản;

- Trực tiếp.

Ai là người tiếp nhận và xử lý tin báo?

Người tiếp nhận, xử lý tin báo về buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả là cán bộ, công chức, sĩ quan, chiến sĩ thuộc các cơ quan, đơn vị được giao nhiệm vụ tiếp nhận, đề xuất xử lý các tin báo đã tiếp nhận bao gồm: Ban Chỉ đạo 389 các bộ, ngành, các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương; Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo 389 quốc gia (Văn phòng Thường trực); các bộ, ngành có thành viên tham gia Ban Chỉ đạo 389 quốc gia.

Mẫu sổ theo dõi tiếp nhận và kết quả xử lý tin báo:https://cdn.thuvienphapluat.vn/uploads/DanLuat-BanAn/2024/Mau-tiep-nhan-xu-ly-tin-bao-moi-nhat.docx

(Căn cứ tại Điều 2 Quy chế về việc tiếp nhận, xử lý tin báo về buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả ban hành kèm theo Quyết định 195/QĐ-BCĐ389 năm 2020 - gọi chung là Quyết định 195/QĐ-BCĐ389 năm 2020)

Như vậy, tin báo về báo về buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả của tổ chức, cá nhân hay nói cách khác là của người dân và doanh nghiệp giữ vai trò rất quan trọng, giúp các cơ quan chức năng kịp thời phát hiện, ngăn chặn và xử lý các hành vi vi phạm, đảm bảo thương mại lành mạnh, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và nền kinh tế.

2. Quy trình tiếp nhận và xử lý tin báo về buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả thế nào?

(1) Quy trình tiếp nhận tin báo về buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả

Theo Điều 5 Quyết định số 195/QĐ-BCĐ389 năm 2020 quy định quy trình tiếp nhận tin báo về buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả như sau:

- Người tiếp nhận tin báo về buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả có trách nhiệm tiếp nhận kịp trường hợp, đầy đủ, chính xác nội dung tin báo.

- Đối với tin báo không thuộc lĩnh vực quy định tại (*), người tiếp nhận tin báo có trách nhiệm tư vấn, hướng dẫn người báo tin liên hệ với các cơ quan, đơn vị có thẩm quyền xử lý theo quy định.

- Người tiếp nhận tin báo có quyền từ chối, không xử lý những tin báo có tính chất hoang báo; sử dụng tiếng nước ngoài, dùng từ ngữ thô tục, nội dung bôi nhọ, xúc phạm người khác; quấy rối điện thoại.

(2) Quy trình xử lý tin báo về buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả

Theo Điều 6 Quyết định số 195/QĐ-BCĐ389 năm 2020 thì quy trình xử lý tin báo về buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả thực hiện như sau:

Bước 1. Phân tích, nhận định và tổng hợp tin báo

Người xử lý tin báo thực hiện các công việc sau:

- Tiếp nhận tin báo theo quy định;

- Nghiên cứu, phân tích, nhận định độ tin cậy của nội dung tin báo;

- Báo cáo bằng văn bản với lãnh đạo phụ trách về nội dung tin báo, đề xuất xử lý. Đối với tin báo nhận được ngoài giờ làm việc mà cần xử lý ngay thì báo cáo qua điện thoại sau đó hoàn chỉnh báo cáo bằng văn bản;

- Ghi chép đầy đủ các nội dung tin báo, biện pháp xử lý, kết quả xử lý vào sổ theo dõi;

- Theo dõi quá trình xử lý và kết quả xử lý tin báo;

- Tổng hợp, báo cáo lãnh đạo kết quả xử lý tin báo.

Bước 2. Xác minh, thẩm định tin báo

Sau khi tiếp nhận nội dung tin báo thì lãnh đạo được giao nhiệm vụ phụ trách căn cứ vào nội dung, độ tin cậy của tin báo để cử cán bộ, công chức, sĩ quan, chiến sĩ của cơ quan, đơn vị mình tiến hành xác minh, kiểm tra, thẩm định nội dung tin báo hoặc xét thấy không thuộc thẩm quyền của cơ quan, đơn vị mình thì chuyển tin báo đến các cơ quan, đơn vị có thẩm quyền xử lý theo quy định.

Bước 3. Chuyển tin báo

- Đối với Ban Chỉ đạo 389 quốc gia

+ Chánh Văn phòng Thường trực căn cứ nội dung, tính chất, mức độ của tin báo và lĩnh vực, thẩm quyền xử lý của các cơ quan, đơn vị để quyết định việc chuyển tin báo đến Ban Chỉ đạo hoặc Cơ quan Thường trực Ban Chỉ đạo 389 các bộ, ngành; Ban Chỉ đạo 389 các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương; các cơ quan, đơn vị chức năng hoặc chuyển trực tiếp đến đơn vị theo tin báo đang có vụ việc xảy ra để xử lý theo quy định của pháp luật.

+ Trong một số trường hợp cụ thể, xét thấy cần thiết Chánh Văn phòng cử chuyên viên của Văn phòng Thường trực phối hợp với các ngành, lực lượng chức năng liên quan để xác minh, thẩm định nội dung tín báo trước khi chuyển giao tin báo đến các cơ quan, đơn vị có thẩm quyền trực tiếp xử lý tin báo; theo dõi, giám sát, đôn đốc quá trình xử lý, tổng hợp báo cáo Ban Chỉ đạo 389 quốc gia.

- Cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo 389 bộ, ngành

+ Cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo 389 bộ, ngành căn cứ nội dung, tính chất, mức độ của tin báo để quyết định việc chuyển tin báo đến các cơ quan, đơn vị có thẩm quyền xử lý theo quy định. Nếu nội dung tin báo có liên quan đến nhiều lĩnh vực thuộc các bộ, ngành khác nhau thì trao đổi, phối hợp với các bộ, ngành hoặc chuyển tin đến Văn phòng Thường trực để phối hợp xử lý.

+ Trong trường hợp cần thiết, lãnh đạo phụ trách Cơ quan thường trực xin ý kiến Trưởng Ban Chỉ đạo 389 bộ, ngành trước khi chuyển tin báo.

- Đối với các bộ, ngành là thành viên Ban Chỉ đạo 389 quốc gia nhưng không thành lập Ban Chỉ đạo, nếu tiếp nhận tin báo có nội dung tại (*) nhưng không thuộc thẩm quyền xử lý thì cán bộ phụ trách theo dõi tin báo đề xuất lãnh đạo chuyển tin báo đến các cơ quan, đơn vị có thẩm quyền xử lý hoặc trao đổi, chuyển tin đến Văn phòng Thường trực để phối hợp xử lý.

- Đối với Ban Chỉ đạo 389 các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương

+ Cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo 389 các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, căn cứ nội dung, tính chất của tin báo để quyết định việc chuyển tin báo đến các cơ quan, đơn vị có thẩm quyền xử lý theo quy định.

+ Trong một số trường hợp cụ thể, xét thấy cần thiết có thể cử cán bộ của Cơ quan thường trực phối hợp với các lực lượng, đơn vị liên quan để tiến hành xác minh, thẩm định nội dung tin báo trước khi chuyển tin báo đến các cơ quan, đơn vị có thẩm quyền trực tiếp xử lý. Theo dõi, đôn đốc quá trình xử lý tin báo, tổng hợp báo cáo theo quy định.

+ Đối với các nội dung tin báo có liên quan đến nhiều địa phương khác hoặc có tính chất, mức độ phức tạp thì có thể báo cáo Trưởng Ban cho ý kiến chỉ đạo để trao đổi, phối hợp với Ban Chỉ đạo 389 các địa phương đó để xử lý hoặc trao đổi, chuyển tin đến Văn phòng Thường trực để phối hợp xử lý.

Như vậy, quy trình tiếp nhận nhận và xử lý tin báo về buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả nhằm đảm bảo việc tiếp nhận tin báo được thực hiện kịp thời, đầy đủ, phân loại đúng đối tượng, tránh lãng phí thời gian, công sức với các tin báo không hợp lệ.

Đồng thời, chuyển tin báo tới đơn vị xử lý phù hợp để thực hiện đúng thẩm quyền, phối hợp liên ngành và báo cáo thống nhất trong hệ thống chống buôn lậu, gian lận thương mại.

Hứa Lê Huy
492

Đây là nội dung tóm tắt, thông báo văn bản mới dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc vui lòng gửi về Email: [email protected]