12/04/2024 15:17

Quy trình tiến hành hòa giải thương mại mới nhất

Quy trình tiến hành hòa giải thương mại mới nhất

Tôi muốn hỏi quy trình tiến hành hòa giải thương mại thực hiện thế nào? “Hưng Thịnh – Cà Mau”

Chào anh, Ban biên tập xin giải đáp như sau:

Hòa giải thương mại là một phương thức giải quyết tranh chấp ngoài tòa án có nhiều ưu điểm như giữ gìn được quan hệ giữa các bên, bảo mật thông tin, tiết kiệm thời gian và chi phí. Theo quy định tại Chương 3 Nghị định 22/2017/NĐ-CP thì quy trình tiến hành hòa giải thương mại được thực hiện như sau:

1. Thỏa thuận hòa giải và lựa chọn hòa giải viên

Về thỏa thuận hòa giải:

- Thỏa thuận hòa giải có thể được xác lập dưới hình thức điều khoản hòa giải trong hợp đồng hoặc dưới hình thức thỏa thuận riêng;

- Thỏa thuận hòa giải được xác lập bằng văn bản.

Về lựa chọn hòa giải viên:

- Hòa giải viên thương mại do các bên thỏa thuận lựa chọn từ danh sách hòa giải viên thương mại của tổ chức hòa giải thương mại hoặc từ danh sách hòa giải viên thương mại vụ việc do Sở Tư pháp tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương công bố;

- Việc chỉ định hòa giải viên thương mại thông qua tổ chức hòa giải thương mại được thực hiện theo Quy tắc hòa giải của tổ chức hòa giải thương mại.

Trong quá trình hòa giải các bên tranh chấp có quyền và nghĩa vụ sau:

- Về quyền:

+ Lựa chọn trình tự, thủ tục hòa giải, hòa giải viên thương mại, địa điểm, thời gian để tiến hành hòa giải;

+ Đồng ý hoặc từ chối hòa giải; yêu cầu tạm dừng hoặc chấm dứt hòa giải;

+ Yêu cầu việc hòa giải được tiến hành công khai hoặc không công khai;

+ Được bày tỏ ý chí và quyết định về nội dung hòa giải;

+ Các quyền khác theo quy định của Nghị định 22/2017/NĐ-CP và pháp luật có liên quan.

- Về nghĩa vụ:

+ Trình bày đúng sự thật, các tình tiết của tranh chấp, cung cấp thông tin, tài liệu có liên quan đến vụ tranh chấp theo đề nghị của hòa giải viên thương mại;

+ Thi hành kết quả hòa giải thành;

+ Trả thù lao và chi phí dịch vụ hòa giải thương mại, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác;

+ Các nghĩa vụ khác theo quy định của Nghị định 22/2017/NĐ-CP và pháp luật có liên quan.

2. Trình tự, thủ tục tiến hành hòa giải thương mại

- Các bên có quyền lựa chọn Quy tắc hòa giải của tổ chức hòa giải thương mại để tiến hành hòa giải hoặc tự thỏa thuận trình tự, thủ tục hòa giải. Trường hợp các bên không có thỏa thuận về trình tự, thủ tục hòa giải thì hòa giải viên thương mại tiến hành hòa giải theo trình tự, thủ tục mà hòa giải viên thương mại thấy phù hợp với tình tiết vụ việc, nguyện vọng của các bên và được các bên chấp thuận.

- Tranh chấp có thể do một hoặc nhiều hòa giải viên thương mại tiến hành theo thỏa thuận của các bên.

- Tại bất kỳ thời điểm nào trong quá trình hòa giải, hòa giải viên thương mại đều có quyền đưa ra đề xuất nhằm giải quyết tranh chấp.

- Địa điểm, thời gian hòa giải được thực hiện theo thỏa thuận của các bên hoặc theo lựa chọn của hòa giải viên thương mại trong trường hợp các bên không có thỏa thuận.

3. Kết quả hòa giải và công nhận kết quả

- Khi đạt được kết quả hòa giải thành các bên lập văn bản về kết quả hòa giải thành.

- Văn bản về kết quả hòa giải thành có hiệu lực thi hành đối với các bên theo quy định của pháp luật dân sự.

- Văn bản về kết quả hòa giải thành gồm các nội dung chính sau đây:

+ Căn cứ tiến hành hòa giải;

+ Thông tin cơ bản về các bên;

+ Nội dung chủ yếu của vụ việc;

+ Thỏa thuận đạt được và giải pháp thực hiện;

+ Các nội dung khác theo thỏa thuận của các bên phù hợp với quy định của pháp luật.

- Văn bản về kết quả hòa giải thành có chữ ký của các bên và hòa giải viên thương mại.

- Văn bản về kết quả hòa giải thành được xem xét công nhận theo quy định của pháp luật tố tụng dân sự.

Lưu ý: Trường hợp không đạt được kết quả hòa giải thành, các bên có quyền tiếp tục hòa giải hoặc yêu cầu Trọng tài hoặc Tòa án giải quyết tranh chấp theo quy định của pháp luật.

Bên cạnh đó, thủ tục hòa giải chấm dứt trong các trường hợp sau đây:

- Khi các bên đạt được kết quả hòa giải thành.

- Khi hòa giải viên thương mại xét thấy không cần thiết tiếp tục thực hiện hòa giải, sau khi tham khảo ý kiến của các bên.

- Theo đề nghị của một hoặc các bên tranh chấp.

Như vậy, việc tiến hành hòa giải thương mại trên nhằm đảm bảo tính tự nguyện, công bằng, minh bạch cho cả quá trình hòa giải, tạo khuôn khổ pháp lý và thuận lợi để kết quả hòa giải được công nhận, thực thi, đồng thời thúc đẩy giải quyết tranh chấp thương mại bằng phương thức hòa giải hiệu quả.

Hứa Lê Huy
186

Đây là nội dung tóm tắt, thông báo văn bản mới dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc vui lòng gửi về Email: info@thuvienphapluat.vn