29/11/2024 18:05

Quy trình thực hiện đưa tài sản công là cơ sở hoạt động sự nghiệp của đơn vị sự nghiệp vào kinh doanh

Quy trình thực hiện đưa tài sản công là cơ sở hoạt động sự nghiệp của đơn vị sự nghiệp vào kinh doanh

Tài sản công là tài sản thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lý, trong đó có tài sản công phục vụ hoạt động quản lý, cung cấp dịch vụ công, bảo đảm quốc phòng, an ninh tại cơ quan, tổ chức, đơn vị bao gồm đơn vị sự nghiệp công lập.

Yêu cầu khi sử dụng tài sản công vào mục đích kinh doanh

Căn cứ quy định tại khoản 2 Điều 55 Luật Quản lý tài sản công 2017 việc sử dụng tài sản công vào mục đích kinh doanh phải bảo đảm các yêu cầu sau đây:

- Được cơ quan, người có thẩm quyền cho phép;

- Không làm ảnh hưởng đến việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ do Nhà nước giao;

- Không làm mất quyền sở hữu về tài sản công; bảo toàn và phát triển vốn, tài sản Nhà nước giao;

- Sử dụng tài sản đúng mục đích được giao, được đầu tư xây dựng, mua sắm; phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của đơn vị;

- Phát huy công suất và hiệu quả sử dụng tài sản;

- Tính đủ khấu hao tài sản cố định, thực hiện đầy đủ nghĩa vụ về thuế, phí, lệ phí và các nghĩa vụ tài chính khác với Nhà nước theo quy định của pháp luật;

- Nhà nước không cấp kinh phí bảo dưỡng, sửa chữa đối với tài sản công chỉ được sử dụng vào mục đích kinh doanh, cho thuê, liên doanh, liên kết; đơn vị sự nghiệp công lập sử dụng nguồn thu được từ việc kinh doanh, cho thuê, liên doanh, liên kết để bảo dưỡng, sửa chữa tài sản công theo quy định;

- Thực hiện theo cơ chế thị trường và tuân thủ các quy định của pháp luật có liên quan.

Trách nhiệm của đơn vị sự nghiệp công lập sử dụng tài sản công vào mục đích kinh doanh

Căn cứ khoản 3 Điều 55 Luật Quản lý tài sản công 2017 đơn vị sự nghiệp công lập sử dụng tài sản công vào mục đích kinh doanh phải có trách nhiệm:

- Lập đề án sử dụng tài sản công vào mục đích kinh doanh, cho thuê, liên doanh, liên kết để báo cáo cơ quan, người có thẩm quyền quyết định;

- Tổ chức thực hiện đề án đã được phê duyệt;

- Cập nhật thông tin về việc sử dụng tài sản công vào mục đích kinh doanh, cho thuê, liên doanh, liên kết vào Cơ sở dữ liệu quốc gia về tài sản công;

- Thực hiện đầy đủ các yêu cầu  khi sử dụng tài sản công vào mục đích kinh doanh nêu trên.

Quy trình đưa tài sản công của đơn vị sự nghiệp vào kinh doanh

Việc đưa tài sản công của đơn vị sự nghiệp vào kinh doanh là một hình thức khai thác nguồn lực tài chính từ tài sản công, phải thực hiện lập đề án theo quy định tại 44, 45 Nghị định 151/2017/NĐ-CP được sửa đổi bổ sung bởi Nghị định 114/2024/NĐ-CP bao gồm các bước cụ thể sau:

Bước 1: Lập đề án sử dụng tài sản công vào mục đích kinh doanh

- Đơn vị sự nghiệp công lập có trách nhiệm lập đề án sử dụng tài sản công vào mục đích kinh doanh, cho thuê, liên doanh, liên kết theo Mẫu số 02/TSC-ĐA ban hành kèm theo Nghị định 114/2024/NĐ-CP.

- Báo cáo cơ quan quản lý cấp trên (nếu có) xem xét, có ý kiến về Đề án.

Bước 2: Gửi hồ sơ lấy ý kiến

- Gửi cơ quan được giao thực hiện nhiệm vụ quản lý tài sản công do Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan trung ương giao (đối với đơn vị thuộc trung ương quản lý),Gửi Sở Tài chính (đối với đơn vị thuộc cấp tỉnh quản lý), Phòng Tài chính - Kế hoạch cấp huyện (đối với đơn vị thuộc cấp huyện quản lý). hồ sơ gửi lấy ý kiến của cơ quan được giao thực hiện nhiệm vụ quản lý tài sản công gồm:

+ Văn bản lấy ý kiến của đơn vị sự nghiệp công lập: 01 bản chính;

+ Đề án sử dụng tài sản công để liên doanh, liên kết của đơn vị: 01 bản chính;

+ Văn bản của cơ quan, người có thẩm quyền quy định chức năng, nhiệm vụ và cơ cấu tổ chức của đơn vị: 01 bản sao;

+ Các hồ sơ có liên quan khác (nếu có): 01 bản sao.

- Trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày nhận được Đề án các cơ quan trên xem xét, cho ý kiến về: Sự cần thiết; sự phù hợp của Đề án với chức năng, nhiệm vụ của đơn vị, quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công (trường hợp áp dụng, thẩm quyền phê duyệt, trình tự, tính đầy đủ của hồ sơ đề nghị phê duyệt Đề án); các nội dung trong đề án cần phải chỉnh lý, hoàn thiện.

Bước 3: Trình đề án cho cấp có thẩm quyền quyết định

-  Trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày nhận được ý kiến đơn vị sự nghiệp công lập có trách nhiệm nghiên cứu, tiếp thu ý kiến để chỉnh lý, hoàn thiện Đề án, báo cáo cơ quan quản lý cấp trên (nếu có) trình cơ quan, người có thẩm quyền, cụ thể là Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan trung ương, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định phê duyệt đề án đối với tài sản là cơ sở hoạt động sự nghiệp; tài sản khác có giá trị lớn theo quy định của Chính phủ;

- Trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày nhận được Đề án hoàn thiện thì cơ quan có thẩm quyền quyết định phê duyệt đề án theo thẩm quyền hoặc có văn bản hồi đáp đơn vị trong trường hợp không thống nhất với đề án.

Bước 4: Triển khai đề án:

- Căn cứ đề án sử dụng tài sản công vào mục đích kinh doanh được cơ quan, người có thẩm quyền phê duyệt, người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập quyết định cụ thể việc sử dụng tài sản vào mục đích kinh doanh.

Trên đây là trình tự thực hiện đưa tài sản công là cơ sở sự nghiệp của đơn vị sự nghiệp vào kinh doanh.

Trần Đăng Khoa
20

Đây là nội dung tóm tắt, thông báo văn bản mới dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc vui lòng gửi về Email: [email protected]