29/05/2023 16:20

Quy trình, thủ tục chuyển nhượng đất tái định cư

Quy trình, thủ tục chuyển nhượng đất tái định cư

Cho tôi hỏi đất tái định cư có được chuyển nhượng không? Trình tự, thủ tục ra sao? “Quốc Anh-Lâm Đồng”

Chào anh, Ban biên tập xin giải đáp như sau:

1. Quy định pháp luật về đất tái định cư

Đất tái định cư là đất được Nhà nước cấp cho người dân bị thu hồi đất nhằm mục đích để bồi thường cho người dân khi bị thu hồi đất. Mục đích của việc cấp đất tái định cư là để giúp người dân có nơi an cư mới, ổn định cuộc sống.

Theo quy định tại Điều 79 Luật Đất đai 2013 và Điều 6 Nghị định 47/2014/NĐ-CP, các trường hợp thu hồi đất được bố trí tái định cư gồm:

- Trường hợp thu hồi hết đất ở hoặc phần diện tích đất ở còn lại sau thu hồi không đủ điều kiện để ở mà hộ gia đình, cá nhân không còn đất ở, nhà ở khác trong địa bàn xã, phường, thị trấn nơi có đất ở thu hồi;

- Trường hợp hộ gia đình có nhiều thế hệ, nhiều cặp vợ chồng cùng chung sống trên một thửa đất ở thu hồi nếu đủ điều kiện để tách thành từng hộ riêng hoặc có nhiều hộ gia đình có chung quyền sử dụng một thửa đất ở thu hồi thì UBND cấp tỉnh quyết định mức đất ở tái định cư cho từng hộ gia đình.

2. Đất tái định cư có được chuyển nhượng không?

Theo quy định pháp luật, đất tái định cư về bản chất cũng là đất ở, vì vậy, người được nhà nước bồi thường đất tái định cư hoàn toàn có quyền chuyển nhượng nó cho người khác với điều kiện đầy đủ giấy tờ và thủ tục hợp pháp.

Việc chuyển nhượng đất tái định cư cần đáp ứng các điều kiện theo quy định tại khoản 1 Điều 188 Luật Đất đai năm 2013, cụ thể như sau:

Điều 188. Điều kiện thực hiện các quyền chuyển đổi, chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê lại, thừa kế, tặng cho, thế chấp quyền sử dụng đất; góp vốn bằng quyền sử dụng đất

1. Người sử dụng đất được thực hiện các quyền chuyển đổi, chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê lại, thừa kế, tặng cho, thế chấp quyền sử dụng đất; góp vốn bằng quyền sử dụng đất khi có các điều kiện sau đây:

a) Có Giấy chứng nhận, trừ trường hợp quy định tại khoản 3 Điều 186 và trường hợp nhận thừa kế quy định tại khoản 1 Điều 168 của Luật này;

b) Đất không có tranh chấp;

c) Quyền sử dụng đất không bị kê biên để bảo đảm thi hành án;

d) Trong thời hạn sử dụng đất.

Theo đó, khi muốn chuyển nhượng đất tái định cư, thì cần đáp ứng 4 điều kiện sau:

- Có Giấy chứng nhận đất tái định cư cần chuyển nhượng;

- Đất tái định cư không có tranh chấp;

- Quyền sử dụng đất tái định cư không bị kê biên để bảo đảm thi hành án;

- Đất tái định cư còn thời hạn sử dụng đất.

3. Quy trình, thủ tục chuyển nhượng đất tái định cư

Bước 1: Chuẩn bị hồ sơ

- Hồ sơ yêu cầu công chứng:

+ Phiếu yêu cầu công chứng hợp đồng, giao dịch theo mẫu;

Xem thêm: Mẫu Phiếu yêu cầu công chứng hợp đồng mới nhất

+ Dự thảo hợp đồng (nếu có);

+ Bản sao giấy tờ tuỳ thân;

+ Bản sao giấy chứng nhận quyền sử dụng đất;

+ Bản sao giấy tờ khác có liên quan đến hợp đồng mà pháp luật quy định phải có.

- Hồ sơ đăng ký quyền sử dụng đất:

+ Hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất.

+ Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.

+ Giấy tờ khác.

Bước 2: Công chứng hợp đồng

Bên bán và bên mua đến tổ chức công chứng trên địa bàn tỉnh nơi có đất yêu cầu công chứng hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất.

Bước 3: Kê khai hồ sơ sang tên

Hồ sơ sang tên sổ đỏ gồm:

+ Đơn đề nghị đăng ký biến động (do bên bán ký);

Mẫu đơn đăng ký biến động đất đai 2023: https://cdn.thuvienphapluat.vn/uploads/DanLuat-BanAn/2023/Mau-don-d%C4%83ng-ky-bien-dong-dat-dai.doc

Trong trường hợp có thoả thuận trong hợp đồng về việc bên mua thực hiện thủ tục hành chính; thì bên mua có thể ký thay.

+ Hợp đồng chuyển nhượng

+ Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (sổ đỏ); quyền sở hữu nhà và tài sản gắn liền với đất (bản gốc)

+ Giấy nộp tiền vào ngân sách nhà nước (bản gốc)

+ Bản sao CMND + Sổ hộ khẩu của bên nhận chuyển nhượng.

Bước 4: Kê khai nghĩa vụ tài chính

Thực hiện kê khai nghĩa vụ tài chính tại Văn phòng đăng ký đất đai

Bước 5: Thực hiện nghĩa vụ tài chính

Các khoản phí, lệ phí cần nộp gồm:

- Lệ phí trước bạ;

- Thuế thu nhập cá nhân;

- Lệ phí địa chính.

Bước 6: Nhận Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất

Sau khi hoàn tất nghĩa vụ tài chính, bạn nộp biên lai cho Văn phòng đăng ký đất đai để nhận Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.

Lê Thị Phương Ngân
12876

Đây là nội dung tóm tắt, thông báo văn bản mới dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc vui lòng gửi về Email: [email protected]