09/11/2024 15:38

Quy trình lựa chọn nhà thầu theo phương thức 1 giai đoạn 2 túi hồ sơ mới nhất

Quy trình lựa chọn nhà thầu theo phương thức 1 giai đoạn 2 túi hồ sơ mới nhất

Khi nào áp dụng phương thức 1 giai đoạn 2 túi hồ sơ trong việc lựa chọn nhà thầu? Quy trình cụ thể ra sao?

Khi nào áp dụng phương thức 1 giai đoạn 2 túi hồ sơ trong lựa chọn nhà thầu?

Theo Điều 31 Luật Đấu thầu 2023 thì các trường hợp áp dụng phương thức 1 giai đoạn 2 túi hồ sơ trong việc lựa chọn nhà thầu bao gồm:

- Đấu thầu rộng rãi, đấu thầu hạn chế đối với gói thầu cung cấp dịch vụ tư vấn;

- Đấu thầu rộng rãi, đấu thầu hạn chế đối với gói thầu cung cấp dịch vụ phi tư vấn, mua sắm hàng hóa, xây lắp, hỗn hợp đòi hỏi kỹ thuật cao theo quy định của pháp luật về khoa học, công nghệ.

Đối với phương thức này, nhà thầu phải nộp đồng thời hồ sơ đề xuất về kỹ thuật và hồ sơ đề xuất về tài chính riêng biệt theo yêu cầu của hồ sơ mời thầu.

Việc mở thầu được tiến hành hai lần. Hồ sơ đề xuất về kỹ thuật sẽ được mở ngay sau thời điểm đóng thầu. Nhà thầu đáp ứng yêu cầu về kỹ thuật sẽ được mở hồ sơ đề xuất về tài chính để đánh giá.

Quy trình lựa chọn nhà thầu theo phương thức 1 giai đoạn 2 túi hồ sơ mới nhất

Quy trình lựa chọn nhà thầu theo phương thức 1 giai đoạn 2 túi hồ sơ hiện đang áp dụng là quy trình được quy định tại Điều 34 Nghị định 24/2024/NĐ-CP, cụ thể gồm các bước sau:

Bước 1: Chuẩn bị lựa chọn nhà thầu, bao gồm:

- Lựa chọn danh sách ngắn (nếu cần thiết);

- Lập hồ sơ mời thầu;

Bước 2: Tổ chức lựa chọn nhà thầu, gồm:

- Mời thầu;

- Phát hành, sửa đổi, làm rõ hồ sơ mời thầu;

- Chuẩn bị, nộp, tiếp nhận, quản lý, sửa đổi, rút hồ sơ dự thầu;

- Mở hồ sơ đề xuất về kỹ thuật.

Bước 3: Đánh giá hồ sơ đề xuất về kỹ thuật, bao gồm:

- Kiểm tra, đánh giá tính hợp lệ của hồ sơ đề xuất về kỹ thuật;

- Đánh giá chi tiết hồ sơ đề xuất về kỹ thuật;

- Trình, thẩm định, phê duyệt danh sách nhà thầu đáp ứng yêu cầu về kỹ thuật.

Bước 4: Mở và đánh giá hồ sơ đề xuất về tài chính, bao gồm:

- Mở hồ sơ đề xuất về tài chính của các nhà thầu đáp ứng yêu cầu về kỹ thuật;

- Kiểm tra, đánh giá tính hợp lệ của hồ sơ đề xuất về tài chính;

- Đánh giá chi tiết hồ sơ đề xuất về tài chính và xếp hạng nhà thầu (nếu có nhiều hơn 01 nhà thầu).

Bước 5: Thương thảo hợp đồng (nếu có).

Bước 6: Trình, thẩm định, phê duyệt, công khai kết quả lựa chọn nhà thầu và giải thích lý do nhà thầu không trúng thầu theo yêu cầu của nhà thầu (nếu có).

Bước 7: Hoàn thiện, ký kết và quản lý thực hiện hợp đồng.

Đối với gói thầu mua sắm hàng hóa, ngoài nhà thầu là tổ chức, nhà thầu là cá nhân, nhóm cá nhân chào thầu sản phẩm đổi mới sáng tạo của mình đáp ứng quy định tại khoản 4 Điều 5 Nghị định 24/2024/NĐ-CP được tham dự thầu.

Hồ sơ mời thầu đối với lựa chọn nhà thầu theo phương thức 1 giai đoạn 2 túi hồ sơ

Theo khoản 1 Điều 44 Luật Đấu thầu 2023 thì hồ sơ mời thầu đối với lựa chọn nhà thầu theo phương thức 1 giai đoạn 2 túi hồ sơ gồm những giấy tờ sau đây:

- Chỉ dẫn nhà thầu, tùy chọn mua thêm (nếu có);

- Bảng dữ liệu đấu thầu;

- Tiêu chuẩn đánh giá về tính hợp lệ của hồ sơ dự thầu; năng lực, kinh nghiệm của nhà thầu; kỹ thuật; tài chính, thương mại; uy tín của nhà thầu thông qua việc tham dự thầu, thực hiện các hợp đồng tương tự trước đó và chất lượng hàng hóa tương tự đã sử dụng.

Trường hợp sử dụng nhà thầu phụ đặc biệt, hồ sơ mời thầu phải nêu rõ phạm vi công việc và yêu cầu về năng lực, kinh nghiệm của nhà thầu phụ đặc biệt;

- Biểu mẫu mời thầu và dự thầu;

- Phạm vi cung cấp, yêu cầu về kỹ thuật, điều khoản tham chiếu;

- Điều kiện và biểu mẫu hợp đồng;

- Các hồ sơ, bản vẽ và nội dung khác (nếu có).

Trong đó, việc lập hồ sơ mời thầu trong lựa chọn nhà thầu theo phương thức 1 giai đoạn 2 túi hồ sơ sẽ dựa trên các căn cứ quy định tại khoản 1 Điều 24 Nghị định 24/2024/NĐ-CP gồm có:

- Kế hoạch tổng thể lựa chọn nhà thầu được duyệt (nếu có);

- Kế hoạch lựa chọn nhà thầu được duyệt;

- Tài liệu về thiết kế, bản vẽ, thuyết minh về gói thầu (nếu có);

- Các yêu cầu về kỹ thuật của gói thầu gồm: đặc tính, thông số kỹ thuật, yêu cầu công nghệ, chất lượng dịch vụ, yêu cầu kiểm tra, thử nghiệm, nghiệm thu và các yêu cầu về kỹ thuật khác (nếu có);

- Các quy định của pháp luật về đấu thầu và các quy định của pháp luật liên quan; điều ước quốc tế, thỏa thuận vay (nếu có) đối với các dự án sử dụng vốn hỗ trợ phát triển chính thức, vốn vay ưu đãi;

- Quy định của pháp luật về thuế, phí, ưu đãi trong lựa chọn nhà thầu;

- Các căn cứ liên quan khác.

Đỗ Minh Hiếu
436

Đây là nội dung tóm tắt, thông báo văn bản mới dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc vui lòng gửi về Email: info@thuvienphapluat.vn