Chào anh, Ban biên tập xin giải đáp như sau:
Theo quy định tại Điều 5 Thông tư 01/2024/TT-BKHCN thì hàng hóa lưu thông trên thị trường được kiểm tra bằng các hình thức sau:
(1) Kiểm tra theo kế hoạch hằng năm được cấp có thẩm quyền phê duyệt
- Xây dựng kế hoạch kiểm tra: Hằng năm, cơ quan kiểm tra căn cứ yêu cầu quản lý, diễn biến tình hình chất lượng sản phẩm hàng hóa, đánh giá tình hình tuân thủ quy định sau:
+ Chất lượng sản phẩm, hàng hóa;
+ Kết quả kiểm tra kỳ trước;
+ Tình hình kinh phí và chỉ đạo của cơ quan quản lý cấp trên.
Từ đó xây dựng kế hoạch kiểm tra theo khoản 2 Điều 47 Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa 2007 quy định về kiểm tra chất lượng hàng hóa trong nhập khẩu, lưu thông trên thị trường. Cụ thể:
a) Kiểm tra kết quả đánh giá sự phù hợp, nhãn hàng hóa, dấu hợp chuẩn, dấu hợp quy và các tài liệu kèm theo sản phẩm, hàng hóa cần kiểm tra;
b) Thử nghiệm mẫu theo tiêu chuẩn đã công bố áp dụng, quy chuẩn kỹ thuật tương ứng khi cần thiết.
- Đối với những cơ sở đã được phê duyệt trong kế hoạch hằng năm:
+ Căn cứ tình hình thực tế hoặc theo yêu cầu của cơ quan quản lý, trường hợp cơ quan kiểm tra không kiểm tra tại cơ sở thì gửi công văn đến cơ sở được kiểm tra yêu cầu báo cáo việc chấp hành các quy định của pháp luật liên quan đến sản phẩm hàng hóa do cơ sở đang kinh doanh.
+ Nếu phát hiện có dấu hiệu vi phạm về tiêu chuẩn, đo lường, chất lượng, nhãn hàng hóa thông qua các báo cáo của cơ sở được kiểm tra thì cơ quan kiểm tra tiến hành kiểm tra đột xuất theo quy định tại Thông tư 01/2024/TT-BKHCN.
(2) Kiểm tra đột xuất chất lượng hàng hóa lưu thông trên thị trường
Căn cứ kiểm tra đột xuất về chất lượng hàng hóa lưu thông trên thị trường như sau:
- Thông tin, cảnh báo về hàng hóa lưu thông trên thị trường không phù hợp với các điều kiện quy định tại Điều 38 Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa 2007;
- Thông tin phản ánh dưới mọi hình thức của tổ chức, cá nhân trong nước và ngoài nước về dấu hiệu vi phạm chất lượng sản phẩm, hàng hóa, nhãn hàng hóa;
- Kết quả khảo sát hoặc kiểm tra chất lượng hàng hóa lưu thông trên thị trường phát hiện hàng hóa có nhãn hàng hóa không đúng quy định hoặc có dấu hiệu chất lượng không phù hợp với tiêu chuẩn công bố áp dụng, quy chuẩn kỹ thuật tương ứng;
- Theo yêu cầu quản lý hoặc đề nghị của cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền về chất lượng sản phẩm, hàng hóa chuyển đến.
Như vậy, có 02 hình thức kiểm tra hàng hóa lưu thông trên thị trường đó là: hình thức kiểm tra theo kế hoạch định kỳ và hình thức kiểm tra đột xuất khi có cơ sở để nghi ngờ về chất lượng, nhãn hàng hóa không đảm bảo quy định pháp luật.
Theo quy định tại Điều 7 Thông tư 01/2024/TT-BKHCN thì quy trình kiểm tra hàng hóa lưu thông trên thị trường thực hiện như sau:
(1) Đối với Đoàn kiểm tra tiến hành kiểm tra theo các bước sau:
- Công bố Quyết định kiểm tra trước khi tiến hành kiểm tra. Quyết định kiểm tra được lập theo Mẫu 1. QĐ/ĐKT của Phụ lục ban hành kèm theo Thông tư 01/2024/TT-BKHCN;
Mẫu 1. QĐ/ĐKT: https://cdn.thuvienphapluat.vn/uploads/DanLuat-BanAn/2024/Mau-1-QD-DKT.doc
- Tiến hành kiểm tra các nội dung quy định tại Điều 6 Thông tư 01/2024/TT-BKHCN;
- Lập biên bản kiểm tra theo Mẫu 3. BB/ĐKT của Phụ lục ban hành kèm theo Thông tư 01/2024/TT-BKHCN. Biên bản kiểm tra có chữ ký của người bán hàng, Trưởng Đoàn kiểm tra.
Mẫu 3. BB/ĐKT:https://cdn.thuvienphapluat.vn/uploads/DanLuat-BanAn/2024/Mau-3-BB-DKT.doc
Trường hợp người bán hàng không ký biên bản thì biên bản phải có chữ ký của đại diện chính quyền xã, phường, thị trấn (sau đây gọi chung là chính quyền cấp xã) hoặc của ít nhất một người chứng kiến xác nhận việc người bán hàng không ký vào biên bản.
Trường hợp biên bản không có chữ ký của đại diện chính quyền cấp xã hoặc của người chứng kiến thì Đoàn kiểm tra phải ghi rõ lý do vào biên bản, báo cáo cơ quan kiểm tra bằng văn bản. Biên bản có chữ ký của Trưởng Đoàn kiểm tra và các thành viên Đoàn kiểm tra vẫn có giá trị pháp lý.
Trường hợp Đoàn kiểm tra có lấy mẫu hàng hóa thì thực hiện theo quy định tại Điều 8 Thông tư 01/2024/TT-BKHCN;
- Xử lý, kiến nghị theo quy định tại Điều 10 Thông tư 01/2024/TT-BKHCN;
- Báo cáo cơ quan kiểm tra về kết quả kiểm tra.
(2) Đối với Kiểm soát viên chất lượng tiến hành kiểm tra độc lập, đột xuất theo các bước sau đây:
- Công bố Quyết định kiểm tra được người có thẩm quyền ban hành, xuất trình thẻ kiểm soát viên chất lượng trước khi kiểm tra. Quyết định kiểm tra được lập theo Mẫu 2. QĐ/KSV của Phụ lục ban hành kèm theo Thông tư 01/2024/TT-BKHCN;
Mẫu 2. QĐ/KSV: https://cdn.thuvienphapluat.vn/uploads/DanLuat-BanAn/2024/Mau-2-QD-KSV.doc
- Tiến hành kiểm tra các nội dung quy định tại Điều 6 Thông tư 01/2024/TT-BKHCN;
- Lập biên bản kiểm tra theo Mẫu 4. BB/KSV của Phụ lục ban hành kèm theo Thông tư 01/2024/TT-BKHCN. Biên bản kiểm tra có chữ ký của người bán hàng, kiểm soát viên chất lượng. Trường hợp người bán hàng không ký biên bản thì biên bản phải có chữ ký của đại diện chính quyền cấp xã hoặc của ít nhất một người chứng kiến xác nhận việc người bán hàng không ký vào biên bản.
Mẫu 4. BB/KSV: https://cdn.thuvienphapluat.vn/uploads/DanLuat-BanAn/2024/Mau-4-BB-KSV.doc
Trường hợp biên bản không có chữ ký của đại diện chính quyền cấp xã hoặc của người chứng kiến, thì kiểm soát viên chất lượng phải ghi rõ lý do vào biên bản, báo cáo cơ quan kiểm tra bằng văn bản. Biên bản có chữ ký của kiểm soát viên chất lượng vẫn có giá trị pháp lý;
- Xử lý, kiến nghị theo quy định tại Điều 10 Thông tư 01/2024/TT-BKHCN;
- Báo cáo cơ quan kiểm tra về kết quả kiểm tra.
(3) Trường hợp kiểm tra chất lượng hàng hóa trong hoạt động thương mại điện tử thực hiện như sau:
Cơ quan chủ trì kiểm tra xác định hoặc xác minh (tên, địa chỉ) người bán hàng trước khi kiểm tra thì trình tự kiểm tra thực hiện theo các khoản 1 và 2 Điều 7 Thông tư 01/2024/TT-BKHCN.
Như vậy, quy trình kiểm tra hàng hóa lưu thông trên thị trường nhằm mục đích kiểm soát chặt chẽ chất lượng, an toàn hàng hóa trên thị trường, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và thúc đẩy hoạt động thương mại lành mạnh, minh bạch theo đúng quy định pháp luật. Đồng thời, quy trình được thực hiện thống nhất đối với cả hàng hóa kinh doanh truyền thống và thương mại điện tử.