Quy trình giải quyết một vụ án hình sự tại Việt Nam hiện nay tương đối phức tạp và được quy định cụ thể trong Bộ luật Tố tụng Hình sự 2015. Tuy nhiên, một cách khái quát, quy trình này thường trải qua các giai đoạn sau:
Giai đoạn 1: Khởi tố vụ án hình sự
Đây là giai đoạn mở đầu của một vụ án hình sự và được quy định tại Chương 9 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015. Ở giai đoạn này cơ quan thẩm quyền sẽ xác định có hay không dấu hiệu phạm tội để ra quyết định có khởi tố vụ án hình sự hay không.
Giai đoạn này được bắt đầu từ khi các cơ quan có thẩm quyền nhận được tin báo hoặc tố giác về tội phạm và kết thúc khi ra quyết định khởi tố vụ án hình sự.
Như vậy, sau khi tiếp nhận tin tố giác tội phạm thì cơ quan công an điều tra sẽ tiến hành các hoạt động điều tra xác minh. Khi đó sẽ có hai trường hợp xảy ra:
- Trường hợp 1: Nếu xác định không có hành vi phạm tội xảy ra trên thực tế thì cơ quan điều tra sẽ tiến hành ra quyết định không khởi tố vụ án hình sự. Vụ án sẽ chấm dứt.
- Trường hợp 2: Nếu xác định có hành vi phạm tội xảy ra trên thực tế thì Cơ quan điều tra sẽ ra quyết định khởi tố vụ án hình sự.chuyển sang giai đoạn điều tra.
Theo quy định tại Điều 143 Bộ luật Tố tụng Hình sự 2015, khi có căn cứ khởi tố vụ án hình sự các cơ quan sau đây sẽ có thẩm quyền khởi tố vụ án hình sự:
- Cơ quan điều tra;
- Cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra;
- Viện kiểm sát nhân dân;
- Hội đồng xét xử.
Giai đoạn 2: Điều tra vụ án hình sự
Ở giai đoạn này, các cơ quan điều tra áp dụng mọi biện pháp do luật tố tụng hình sự quy định để xác định tội phạm và người thực hiện hành vi phạm tội làm cơ sở cho việc xét xử của Tòa án. Giai đoạn này được quy định từ Chương 10 đến chương 17 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015.
Nhiệm vụ của giai đoạn điều tra là: xác định tội phạm và người thực hiện tội phạm; xác định thiệt hại do tội phạm gây ra; xác định nguyên nhân và điều kiện phạm tội, yêu cầu cơ quan, tổ chức hữu quan áp dụng biện pháp khắc phục và ngăn ngừa.
Các hoạt động điều tra vụ án hình sự bao gồm:
- Khởi tố và hỏi cung bị can
- Lấy lời khai người làm chứng, người bị hại, nguyên đơn dân sự, bị đơn dân sự, người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan đến vụ án, đối chất và nhận dạng.
- Khám xét, thu giữ, tạm giữ tài liệu, đồ vật
- Khám nghiệm hiện trường, khám nghiệm tử thi, xem xét dấu vết trên thân thể, thực nghiệm điều tra
- Giám định và định giá tài sản
Tùy vào từng vụ án khác nhau mà cơ quan chức năng có thể tiến hành điều tra, làm rõ vụ án trước rồi mới khởi tố hoặc cũng có thể khởi tố trước rồi sau đó tiến hành điều tra. Trong quá trình này, cơ quan điều tra có thể công khai hoặc không công khai thông tin về vụ án.
Khi kết thúc điều tra, cơ quan điều tra làm bản kết luận điều tra và đề nghị truy tố nếu có đủ chứng cứ, hoặc đình chỉ điều tra nếu có một trong các căn cứ quy định tại bộ luật tố tụng hình sự hay đã hết thời hạn điều tra mà không chứng minh được bị can là người thực hiện tội phạm.
Giai đoạn 3: Truy tố vụ án hình sự
Khi đã kết thúc giai đoạn điều tra vụ án hình sự, cơ quan có thẩm quyền điều tra vụ án hình sự sẽ chuyển hồ sơ đề nghị Viện Kiểm sát truy tố vụ án hình sự. Sau khi nhận được hồ sơ vụ án hình sự và bản kết luận điều tra đề nghị truy tố, Viện kiểm sát sẽ nghiên cứu hồ sơ trong thời hạn theo quy định và ra một trong các quyết định sau:
- Truy tố bị can trước Tòa án bằng bản cáo trạng;
- Trả hồ sơ để yêu cầu điều tra bổ sung;
- Đình chỉ hoặc tạm đình chỉ vụ án; đình chỉ hoặc tạm đình chỉ vụ án đối với bị can.
Sau đó trong thời hạn không quá 03 ngày hoặc 10 ngày đối với những vụ án phức tạp thì Viện Kiểm sát phải chuyển bản cáo trạng sang cho Tòa án.
Giai đoạn 4: Xét xử vụ án hình sự
Giai đoạn này được quy định tại Phần 4 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015 và được bắt đầu từ khi Tòa án nhận được hồ sơ vụ án do Viện kiểm sát chuyển sang.
Quá trình xét xử được thực hiện theo nguyên tắc xét xử trực tiếp bằng lời nói và liên tục, chỉ xét xử những bị cáo, những hành vi theo tội danh mà Viện Kiểm sát truy tố và Tòa án đã có quyết định đưa ra xét xử. Khi kết thúc hội đồng xét xử ra bản án hoặc các quyết định.
Nếu bản án sơ thẩm mà không bị kháng cáo, kháng nghị thì bản án sẽ có hiệu lực pháp luật và được đưa ra thi hành. Ngược lại, thì có thể có thêm các giai đoạn khác như:
- Xét xử phúc thẩm (nếu bản án hoặc quyết định sơ thẩm chưa có hiệu lực pháp luật bị kháng cáo kháng nghị)
- Giám đốc thẩm (nếu bản án, quyết định đã có hiệu lực có dấu hiệu vi phạm pháp luật trong việc xử lý vụ án)
- Và tái thẩm (nếu phát hiện tình tiết mới có thể làm thay đổi cơ bản nội dung của bản án, quyết định mà tòa án không biết được khi ra bản án, quyết định đó)
Giai đoạn 5: Thi hành bản án và quyết định của Tòa án
Đây là giai đoạn được thực hiện sau giai đoạn xét xử, khi bản án của tòa án đã có hiệu lực pháp luật và được quy định tại Phần 5 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015. Sau khi đã có bản án Chánh án Tòa án đã xét xử sơ thẩm có thẩm quyền ra quyết định thi hành án hoặc ủy thác cho Chánh án Tòa án khác cùng cấp ra quyết định thi hành án. Việc thực hiện sẽ giao cho cơ quan thi hành án hình sự thực hiện.
Thời hạn ra quyết định thi hành án là 07 ngày kể từ ngày bản án, quyết định sơ thẩm có hiệu lực pháp luật hoặc kể từ ngày nhận được bản án, quyết định phúc thẩm, quyết định giám đốc thẩm, quyết định tái thẩm.
Như vậy, thông thường, một vụ án hình sự sẽ trải qua 5 giai đoạn là khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử và thi hành án. Tuy nhiên, đối với những vụ án hình sự đặc biệt thì có thể có thêm các giai đoạn như xét xử phúc thẩm, giám đốc thẩm và tái thẩm.
Căn cứ theo quy định tại Điều 55 Bộ luật tố tụng hình sự 2015 quy định người tham gia tố tụng hình sự gồm:
- Người tố giác, báo tin về tội phạm, kiến nghị khởi tố.
- Người bị tố giác, người bị kiến nghị khởi tố.
- Người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp.
- Người bị bắt.
- Người bị tạm giữ.
- Bị can.
- Bị cáo.
- Bị hại.
- Nguyên đơn dân sự.
- Bị đơn dân sự.
- Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án.
- Người làm chứng.
- Người chứng kiến.
- Người giám định.
- Người định giá tài sản.
- Người phiên dịch, người dịch thuật.
- Người bào chữa.
- Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bị hại, đương sự.
- Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người bị tố giác, bị kiến nghị khởi tố.
- Người đại diện theo pháp luật của pháp nhân phạm tội, người đại diện khác theo quy định của Bộ luật tố tụng hình sự 2015.