Chào chị, Ban biên tập xin giải đáp như sau:
Theo quy định tại khoản 1 Điều 1 Nghị định 69/2008/NĐ-CP quy định: "Lĩnh vực xã hội hóa bao gồm: Giáo dục - đào tạo, dạy nghề, y tế, văn hóa, thể dục thể thao, môi trường, giám định tư pháp."
Đối tượng thực hiện xã hội hóa được quy định tại khoản 2 Điều 1 Nghị định 69/2008/NĐ-CP, cụ thể:
- Các cơ sở ngoài công lập được thành lập và có đủ điều kiện hoạt động theo quy định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền trong các lĩnh vực xã hội hóa;
- Các tổ chức, cá nhân hoạt động theo Luật Doanh nghiệp có các dự án đầu tư, liên doanh, liên kết hoặc thành lập các cơ sở hoạt động trong các lĩnh vực xã hội hóa có đủ điều kiện hoạt động theo quy định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền;
- Các cơ sở sự nghiệp công lập thực hiện góp vốn, huy động vốn, liên doanh, liên kết theo quy định của pháp luật thành lập các cơ sở hạch toán độc lập hoặc doanh nghiệp hoạt động trong các lĩnh vực xã hội hóa theo quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
Theo đó, thực hiện chính sách khuyến khích xã hội hóa theo nguyên tắc sau:
- Cơ sở thực hiện xã hội hóa được thành lập, cấp phép hoạt động phải đảm bảo theo quy hoạch và đáp ứng các điều kiện được hưởng chính sách khuyến khích phát triển xã hội hoá được quy định tại mục II của Thông tư 135/2008/TT-BTC.
- Cơ sở thực hiện xã hội hóa hoạt động theo nguyên tắc tự đảm bảo kinh phí.
- Nhà nước, xã hội coi trọng và đối xử bình đẳng trong hoạt động cũng như đối với các sản phẩm và dịch vụ của cơ sở thực hiện xã hội hóa như cơ sở công lập. Các cơ sở thực hiện xã hội hóa được tham gia các dịch vụ công do nhà nước tài trợ, đặt hàng; tham gia đấu thầu nhận các hợp đồng, dự án sử dụng nguồn vốn trong và ngoài nước phù hợp với chức năng nhiệm vụ hoạt động theo quy định của pháp luật.
- Cơ sở thực hiện xã hội hóa được liên doanh, liên kết với các tổ chức trong và ngoài nước theo quy định của pháp luật, nhằm huy động vốn, nhân lực và công nghệ, nâng cao chất lượng sản phẩm dịch vụ.
- Tài sản của cơ sở thực hiện xã hội hóa bao gồm tài sản của cá nhân, tập thể, tài sản của các cơ sở sự nghiệp công lập tham gia góp vốn khi thành lập và phần tài sản được hình thành trong quá trình hoạt động; trong đó tài sản được hiến, tặng hoặc viện trợ không hoàn lại trong quá trình hoạt động của cơ sở thực hiện xã hội hóa không được chia cho cá nhân, chỉ sử dụng chung cho lợi ích của cơ sở và cộng đồng.
- Trường hợp cơ sở thực hiện xã hội hóa ngừng hoạt động, phải giải thể thì thực hiện trình tự, thủ tục giải thể, xử lý tài sản, tài chính theo quy định của pháp luật về giải thể doanh nghiệp.
Tại Chương 2 Nghị định 69/2008/NĐ-CP, quy định 09 chính sách khuyến khích phát triển xã hội hóa như sau:
- Cho thuê, xây dựng cơ sở vật chất;
- Cho thuê đất;
- Lệ phí trước bạ, thuế giá trị gia tăng, thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu;
- Về áp dụng thuế thu nhập doanh nghiệp;
- Chính sách ưu đãi về tín dụng;
- Huy động vốn
- Bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế
- Khen thưởng
- Xử lý tài sản khi chuyển đổi hình thức hoạt động
Theo quy định tại Điều 16 Nghị định 69/2008/NĐ-CP được hướng dẫn bởi Mục XII Thông tư 135/2008/TT-BTC thì trách nhiệm của cơ sở thực hiện chính sách khuyến khích xã hội hóa như sau:
- Các cơ sở thực hiện xã hội hóa phải đăng ký với cơ quan thuế khi hoạt động. Định kỳ hàng quý và hàng năm lập báo cáo hoạt động nghiệp vụ chuyên môn gửi cơ quan quản lý ngành (cơ quan cấp phép hoạt động). Báo cáo hoạt động tài chính gửi cơ quan quản lý ngành và cơ quan tài chính cùng cấp.
- Cơ sở thực hiện xã hội hóa phải tuân thủ theo điều lệ hoạt động, bảo đảm các điều kiện về chuyên môn, nghiệp vụ, nhân lực, cơ sở vật chất theo quy định của pháp luật để cung cấp cho xã hội các sản phẩm, dịch vụ đạt yêu cầu, tiêu chuẩn về nội dung và chất lượng.
- Hàng năm, các cơ sở thực hiện xã hội hóa phải thực hiện công khai hoạt động của cơ sở và công khai tình hình hoạt động tài chính. Hội đồng Quản trị (hay Hội đồng trường) hoặc Thủ trưởng (đối với cơ sở không có Hội đồng quản trị) cơ sở thực hiện xã hội hóa thực hiện công khai theo điều lệ hoạt động của cơ sở ngoài công lập. Đặc biệt cần công khai các nội dung sau:
+ Công khai mức thu phí, lệ phí.
+ Công khai mức hỗ trợ và số tiền ngân sách nhà nước hỗ trợ cho cơ sở thực hiện xã hội hóa.
+ Công khai các khoản đóng góp cho ngân sách nhà nước của cơ sở thực hiện xã hội hóa.
- Cơ sở thực hiện xã hội hóa do tổ chức, cá nhân thành lập phải đăng ký nội dung hoạt động chuyên môn với cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền ở địa phương và hoạt động theo quy định của pháp luật. Đăng ký hoạt động với cơ quan thuế để làm căn cứ ưu đãi hoặc tính thuế thu nhập doanh nghiệp.
- Cơ sở thực hiện xã hội hóa có trách nhiệm tổ chức thực hiện công tác kế toán, thống kê; thực hiện kiểm toán hàng năm và công khai kết quả kiểm toán theo quy định của pháp luật.