Ở các nước trên thế giới, khi có một người kiện đòi tài sản hoặc yêu cầu trả nợ, trách nhiệm của tòa án là phải thụ lý và xem xét vụ án về nội dung. Thẩm phán tuyệt đối không được tự mình viện dẫn thời hiệu “giùm cho” bị đơn. Lý do là: thụ hưởng thời hiệu là một trong các chứng cứ mà bị đơn được phép đưa ra để bảo vệ các quyền lợi của mình; vả lại, thời hiệu có thể bị hoãn, bị treo, bị gián đoạn và nguyên đơn có thể cung cấp chứng cứ để chứng minh điều đó. Nói chung, cung cấp chứng cứ chống lại nhau trong một vụ án là việc của các bên; còn thẩm phán chỉ có quyền đánh giá chứng cứ do các bên cung cấp rồi tiến hành phân xử khách quan, chứ không được phép tự mình đưa ra chứng cứ thay thế cho bên này hay bên kia.
Ở nước ta, trước khi Bộ luật Dân sự (BLDS) năm 2015 ra đời thì khi giải quyết các vụ việc dân sự, Tòa án là cơ quan có thẩm quyền xem xét liệu vụ việc đó có còn thời hiệu hay không. Hay nói khác hơn, việc viện dẫn thời hiệu để bác đơn khởi kiện lại được coi là việc thuộc trách nhiệm của Thẩm phán và có thể thực hiện một cách chủ động, độc lập với yêu cầu của các bên. Với quy định này đã thể hiện nhiều bất cập. Bởi lẽ, quy định về thời hiệu nhằm có ý nghĩa để bảo đảm về mặt chứng cứ. Nếu một sự kiện xảy ra để thời gian quá lâu nhiều khi chứng cứ không còn nữa thì sẽ khó khăn về mặt tố tụng. Tuy nhiên, không phải trường hợp vụ việc nào cũng đúng. Có những vụ việc đã rất lâu nhưng chứng cứ vẫn đầy đủ và vẫn đảm bảo cho Tòa án xét xử. Mà thực tế Tòa án đã xét xử sơ thẩm, phúc thẩm vụ việc này nhưng sau kháng nghị giám đốc thẩm thì lại bị hủy án với lý do thời hiệu khởi kiện đã hết. Trong trường hợp này dường như Tòa án đang sử dụng thẩm quyền của mình hạn chế đi quyền lợi của các bên cũng như không đảm bảo được ý nghĩa của việc áp dụng thời hiệu khởi kiện.
Quy định về thời hiệu trong BLDS năm 2015 đã được sửa đổi, bổ sung khá nhiều. Với việc sửa đổi, bổ sung này đã đảm bảo tốt hơn quyền, lợi ích của các bên cũng như thể hiện đúng được bản chất của quan hệ dân sự. Tại khoản 2 Điều 149 của BLDS năm 2015 và khoản 2 Điều 184 của Bộ luật Tố tụng dân sự (BLTTDS) năm 2015 đã bổ sung quy định để trao quyền tự chủ cho các bên khi tham gia vào quan hệ dân sự, đó là việc lựa chọn áp dụng hay không áp dụng thời hiệu trong việc giải quyết tranh chấp hoặc việc dân sự có thời hiệu.
Theo đó, “Tòa án chỉ áp dụng quy định về thời hiệu theo yêu cầu áp dụng thời hiệu của một bên hoặc các bên với điều kiện yêu cầu này phải được đưa ra trước khi Tòa án cấp sơ thẩm ra bản án, quyết định giải quyết vụ việc. Người được hưởng lợi từ việc áp dụng thời hiệu có quyền từ chối áp dụng thời hiệu, trừ trường hợp việc từ chối đó nhằm mục đích trốn tránh thực hiện nghĩa vụ”. Đây là quy định rất mới của thời hiệu. Với quy định này đã thể hiện đúng bản chất của quan hệ dân sự là quan hệ thể hiện sự tự do thỏa thuận, tự do định đoạt của các bên chủ thể. Chỉ khi một hoặc các bên yêu cầu áp dụng thời hiệu thì Tòa án mới áp dụng. Người được hưởng lợi từ việc áp dụng thời hiệu có quyền từ chối áp dụng thời hiệu. Như vậy, thẩm quyền của Tòa án đã không còn trong việc tự xác định áp dụng thời hiệu. Chỉ khi các bên có yêu cầu thì Tòa án mới có thẩm quyền áp dụng thời hiệu. Thậm chí, việc yêu cầu này phải được đưa ra trước khi Tòa án cấp sơ thẩm ra bản án, quyết định giải quyết vụ việc.
Vào ngày 06/01/2013, bà Nguyễn Thị Bích H cho bà Nguyễn Thị H1 vay số tiền 500.000.000 đồng, thời hạn vay 02 tháng, không thỏa thuận lãi suất. Ngày 05/7/2014, bà H1 trả cho bà H số tiền 180.000.000 đồng và bà H1 viết Giấy cam kết sau khi chuyển nhượng được đất sẽ trả số tiền còn lại cho bà H. Đến ngày 21/6/2016, bà H1 chuyển nhượng đất cho ông Nguyễn Văn S. Ngày 15/7/2016, ông S được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, nhưng bà H1 không thực hiện nghĩa vụ trả số tiền 320.000.000 đồng còn lại cho bà H theo thỏa thuận tại Giấy cam kết ngày 05/7/2014.
Đến ngày 23/9/2020, bà H khởi kiện yêu cầu bà H1 có nghĩa vụ trả cho bà H số tiền gốc nợ vay là 320.000.000 đồng và tiền lãi chậm trả theo mức lãi suất 10%/năm tính từ ngày 15/7/2016 đến 27/5/2021 (ngày xét xử sơ thẩm) là 139.200.000 đồng. Bà H1 thừa nhận chữ ký tên, chữ ghi họ tên trong Giấy mượn tiền ngày 06/01/2013 và Giấy cam kết ngày 05/7/2014 là của bà H1, nhưng bà H1 không thừa nhận có nợ tiền của bà H, mà cho rằng nguyên nhân viết giấy mượn tiền và giấy cam kết là nhận thay cho người khác tên Hương. Ngoài ra, trong quá trình giải quyết vụ án kể từ khi thụ lý cho đến khi TAND thị xã B, tỉnh B ra bản án thì bà H và bà H1 đều không yêu cầu tòa án áp dụng thời hiệu.
Ngày 27/5/2021, TAND thị xã B xét xử sơ thẩm và chấp nhận toàn bộ yêu cầu khởi kiện của bà H; buộc bà H1 có nghĩa vụ trả cho bà H số tiền nợ gốc là 320.000.000 đồng và nợ lãi là 139.200.000 đồng
Ngày 25/6/2021, Viện kiểm sát nhân dân tỉnh B kháng nghị đối với Bản án số 26/2021/DS-ST ngày 27/5/2021 của TAND thị xã B đề nghị TAND tỉnh B sửa một phần bản án dân sự sơ thẩm. Cụ thể là không chấp nhận đối với yêu cầu tính lãi chậm trả của bà H1 do đã hết thời hiệu khởi kiện về hợp đồng vay tài sản.
- Quan điểm thứ nhất cho rằng: Do bà H và bà H1 đều không có yêu cầu áp dụng thời hiệu nên TAND thị xã B không áp dụng thời hiệu và buộc bà H1 có nghĩa vụ trả cho bà H số tiền nợ lãi 139.200.000 đồng là phù hợp với quy định tại khoản 2 Điều 184 của BLTTDS năm 2015.
- Quan điểm thứ hai cho rằng: Thời điểm bà H biết được bà H1 vi phạm nghĩa vụ trả nợ là ngày 15/7/2016 nhưng không thực hiện quyền khởi kiện yêu cầu bà H1 trả nợ mà để đến ngày 23/9/2020 mới khởi kiện là đã không còn thời hiệu khởi kiện về hợp đồng vay tài sản theo quy định tại khoản 3 Điều 150 và Điều 429 của BLDS năm 2015. Tại khoản 2 Điều 155 của BLDS năm 2015 và điểm b khoản 3 Điều 23 Nghị quyết số 03/2012/NQ-HĐTP ngày 03/12/2012 của Hội đồng Thẩm phán TANDTC hướng dẫn thi hành một số quy định trong phần thứ nhất “Những quy định chung” của BLTTDS đã được sửa đổi, bổ sung theo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của BLTTDS (gọi tắt là Nghị quyết số 03/2012/NQ-HĐTP), thì tranh chấp về quyền sở hữu tài sản không áp dụng thời hiệu khởi kiện nên trong trường hợp này bà H chỉ được quyền khởi kiện đòi lại số tiền nợ gốc là 320.000.000 đồng. Việc TAND thị xã B buộc bà H1 trả tiền lãi chậm trả tính từ ngày 15/7/2016 đến ngày 27/5/2021 là chưa phù hợp quy định pháp luật, ảnh hưởng đến quyền lợi của bà H1.
Tác giả đồng tình với quan điểm thứ nhất, với những lập luận như sau:
- Thứ nhất, TAND thị xã B không được quyền tự viện dẫn thời hiệu, mà phải có đương sự trong vụ án yêu cầu áp dụng thời hiệu. Bởi vì, theo quy định tại khoản 2 Điều 149 của BLDS năm 2015 và khoản 2 Điều 184 của BLTTDS năm 2015, thì Tòa án chỉ áp dụng thời hiệu nếu bà H hoặc bà H1 yêu cầu hay cả bà H và bà H1 cùng yêu cầu và với điều kiện là yêu cầu này phải được đưa ra trước khi TAND thị xã B ra bản án giải quyết vụ án. Trong trường hợp người được hưởng lợi từ việc áp dụng thời hiệu có quyền từ chối áp dụng thời hiệu, trừ trường hợp việc từ chối đó nhằm mục đích trốn tránh thực hiện nghĩa vụ. Có thể nhận thấy, viện dẫn thời hiệu là một quyền gắn với lợi ích riêng của người thụ hưởng thời hiệu đó. Người này có thể thực hiện mà cũng có thể không thực hiện, thậm chí từ chối thực hiện quyền của mình. Với quy định này, mỗi khi có người khởi kiện đòi lại tài sản bị người khác chiếm hữu, thì Tòa án phải thụ lý. Tòa án không được quyền chủ động viện dẫn thời hiệu để bác yêu cầu khởi kiện. Nếu làm như thế, vô hình trung Thẩm phán thay bị đơn thực hiện quyền của họ và điều này trái với nguyên tắc vô tư của Tòa án.
- Thứ hai, TAND thị xã B cũng không có trách nhiệm giải thích cho các đương sự trong vụ án về quyền yêu cầu áp dụng thời hiệu. Bởi vì, theo quy định tại Điều 48, Điều 210 và Điều 239 của BLTTDS năm 2015, thì Thẩm phán được phân công giải quyết vụ việc, Thẩm phán chủ tọa phiên tòa chỉ có trách nhiệm phổ biến, giải thích về quyền và nghĩa vụ cho đương sự đối với những trường hợp mà BLTTDS quy định. Chẳng hạn như: Quyền và nghĩa vụ của đương sự quy định từ Điều 70 đến Điều 73, khoản 6 Điều 48 của BLTTDS… BLTTDS không quy định trách nhiệm của Thẩm phán về việc phổ biến và giải thích cho đương sự quyền yêu cầu áp dụng thời hiệu. Do đó, để bảo đảm bình đẳng về quyền và nghĩa vụ giữa các đương sự trong quá trình giải quyết vụ việc, Thẩm phán không giải thích cho đương sự quyền yêu cầu áp dụng thời hiệu.
- Thứ ba, về căn cứ áp dụng pháp luật. Tại khoản 4 Điều 154 của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015 quy định: “Văn bản quy phạm pháp luật hết hiệu lực thì văn bản quy phạm pháp luật quy định chi tiết thi hành, văn bản đó cũng đồng thời hết hiệu lực”. Theo đó, Nghị quyết số 03/2012/NQ-HĐTP hướng dẫn thi hành đối với BLTTDS năm 2004 sửa đổi, bổ sung năm 2011, cho nên, khi BLTTDS năm 2004 sửa đổi, bổ sung năm 2011 hết hiệu lực (kể từ ngày 01/7/2016 - ngày BLTTDS năm 2015 có hiệu lực thi hành), thì Nghị quyết số 03/2012/NQ-HĐTP cũng đồng thời hết hiệu lực. Tuy nhiên, nếu như nội dung của văn bản quy phạm pháp luật hết hiệu lực với nội dung của văn bản quy phạm pháp luật quy định chi tiết thi hành về cơ bản không thay đổi, thì có thể vận dụng tinh thần hướng dẫn của văn bản quy phạm pháp luật quy định chi tiết thi hành đã hết hiệu lực. Thế nhưng, quy định về thời hiệu tại khoản 2 Điều 149 của BLDS năm 2015 và khoản 2 Điều 184 của BLTTDS năm 2015 là quy định là hoàn toàn mới. Do đó, không thể vận dụng tinh thần hướng dẫn của Nghị quyết số 03/2012/NQ-HĐTP để áp dụng giải quyết trong trường hợp này.
Trên đây là quan điểm cá nhân của tác giả, rất mong nhận được nhiều ý kiến trao đổi từ các bạn đọc và đồng nghiệp.
Nguồn: Tạp chí Tòa án