15/08/2023 17:21

Quy định về thẩm quyền chỉ đạo phòng thủ dân sự

Quy định về thẩm quyền chỉ đạo phòng thủ dân sự

Xin tư vấn giúp tôi pháp luật quy định về thẩm quyền chỉ đạo phòng thủ dân sự theo Luật Phòng thủ dân sự 2023 như thế nào? - Tần Hải (Nghệ An)

Chào anh, Ban biên tập giải đáp như sau:

1. Quy định về hoạt động chỉ đạo phòng thủ dân sự

Căn cứ Điều 31 Luật Phòng thủ dân sự 2023 quy định về hoạt động chỉ đạo phòng thủ dân sự như sau:

- Theo dõi, giám sát nguy cơ xảy ra sự cố, thảm họa; nắm chắc diễn biến tình hình; thông báo cho các lực lượng, người dân tin tức có liên quan.

- Xác định cấp độ và áp dụng biện pháp phòng thủ dân sự phù hợp.

- Chuẩn bị phương án ứng phó; tổ chức kiểm tra địa bàn có nguy cơ xảy ra sự cố, thảm họa.

- Bổ sung lực lượng, sẵn sàng triển khai sở chỉ huy tại chỗ, chỉ đạo trực tiếp khu vực trọng yếu, địa bàn trọng điểm.

- Kiểm tra địa điểm sơ tán, tập kết để sẵn sàng sử dụng khi chuyển lên cấp độ phòng thủ dân sự cao hơn.

2. Quy định về thẩm quyền chỉ đạo phòng thủ dân sự

Theo Điều 32 Luật Phòng thủ dân sự 2023 quy định về thẩm quyền chỉ đạo phòng thủ dân sự: 

- Chính phủ chỉ đạo phòng thủ dân sự trên phạm vi cả nước.

- Bộ Quốc phòng giúp Chính phủ chỉ đạo về phòng thủ dân sự.

- Các Bộ, ngành trung ương, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ chỉ đạo, hướng dẫn và tổ chức triển khai thực hiện phòng thủ dân sự trong lĩnh vực quản lý theo quy định của pháp luật.

- Ủy ban nhân dân các cấp chỉ đạo và tổ chức triển khai thực hiện phòng thủ dân sự tại địa phương theo quy định của pháp luật.

Căn cứ Điều 34 Luật Phòng thủ dân sự 2023 quy định về cơ quan chỉ đạo quốc gia, cơ quan chỉ huy phòng thủ dân sự bao gồm:

- Ban chỉ đạo Phòng thủ dân sự quốc gia là tổ chức phối hợp liên ngành có chức năng tham mưu cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong tổ chức, chỉ đạo, điều hành về phòng thủ dân sự trong phạm vi cả nước. Tổ chức lại Ban chỉ đạo Phòng thủ dân sự quốc gia, Ban chỉ đạo quốc gia về phòng, chống thiên tai và Ủy ban Quốc gia Ứng phó sự cố, thiên tai và Tìm kiếm Cứu nạn thành Ban chỉ đạo Phòng thủ dân sự quốc gia.

- Bộ Quốc phòng là cơ quan thường trực của Ban chỉ đạo Phòng thủ dân sự quốc gia. Thành viên Ban chỉ đạo Phòng thủ dân sự quốc gia có trách nhiệm chủ trì tham mưu cho Ban chỉ đạo trong tổ chức, chỉ đạo, điều hành về phòng thủ dân sự trong lĩnh vực quản lý theo quy định của pháp luật.

- Ban chỉ huy phòng thủ dân sự được thành lập ở Bộ, ngành trung ương, cơ quan ngang Bộ, có chức năng tham mưu cho Bộ trưởng, Trưởng ngành trung ương, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ trong tổ chức, chỉ đạo, điều hành về phòng thủ dân sự trong lĩnh vực quản lý.

- Ban chỉ huy phòng thủ dân sự địa phương được thành lập ở cấp xã, cấp huyện và cấp tỉnh, có chức năng tham mưu cho Chủ tịch Ủy ban nhân dân cùng cấp trong tổ chức, chỉ đạo, điều hành về phòng thủ dân sự trên địa bàn quản lý. Cơ quan quân sự các cấp là cơ quan thường trực của Ban Chỉ huy phòng thủ dân sự cùng cấp. Thành viên Ban chỉ huy phòng thủ dân sự địa phương có trách nhiệm chủ trì tham mưu cho Ban chỉ huy trong tổ chức, chỉ đạo, điều hành về phòng thủ dân sự trong lĩnh vực được phân công.

- Chính phủ quy định cụ thể việc thành lập, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu tổ chức của Ban chỉ đạo Phòng thủ dân sự quốc gia, ban chỉ huy phòng thủ dân sự Bộ, ngành trung ương, cơ quan ngang Bộ, ban chỉ huy phòng thủ dân sự địa phương.

3. Lực lượng phòng thủ dân sự bao gồm những ai? 

Căn cứ quy định tại Điều 35 Luật Phòng thủ dân sự 2023 thì lực lượng phòng thủ dân sự bao gồm:

- Lực lượng phòng thủ dân sự bao gồm lực lượng nòng cốt và lực lượng rộng rãi.

- Lực lượng nòng cốt bao gồm:

+ Dân quân tự vệ, dân phòng;

+ Lực lượng chuyên trách, kiêm nhiệm của Quân đội nhân dân, Công an nhân dân và của Bộ, ngành trung ương, cơ quan ngang Bộ, địa phương.

- Lực lượng rộng rãi do toàn dân tham gia.

- Chính phủ quy định chi tiết Điều 35 Luật Phòng thủ dân sự 2023.

Ngoài ra, theo Điều 33 Luật Phòng thủ dân sự 2023 quy định về chỉ huy lực lượng phòng thủ dân sự như sau:

- Việc chỉ huy các lực lượng phòng thủ dân sự của Bộ, ngành trung ương cơ quan ngang Bộ, địa phương do Bộ trưởng, Trưởng ngành trung ương, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các cấp quyết định.

- Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã chỉ huy các lực lượng, phương tiện trên địa bàn để ứng phó kịp thời ngay khi sự cố, thảm họa xảy ra trên địa bàn quản lý.

- Việc chỉ huy trong các cấp độ phòng thủ dân sự được quy định như sau:

+ Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện chỉ huy các lực lượng, phương tiện trên địa bàn để thực hiện các biện pháp phòng thủ dân sự cấp độ 1 quy định tại Điều 22 của Luật này và biện pháp khác theo quy định của pháp luật có liên quan;

+ Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh chỉ huy các lực lượng, phương tiện trên địa bàn để thực hiện các biện pháp phòng thủ dân sự cấp độ 2 quy định tại Điều 23 của Luật này và biện pháp khác theo quy định của pháp luật có liên quan;

+ Thủ tướng Chính phủ chỉ huy lực lượng, phương tiện của Bộ, ngành trung ương, cơ quan ngang Bộ, địa phương để thực hiện các biện pháp phòng thủ dân sự cấp độ 3 quy định tại Điều 24 của Luật này và biện pháp khác theo quy định của pháp luật có liên quan;

+ Trong trường hợp vượt quá khả năng ứng phó, khắc phục của các lực lượng, phương tiện trên địa bàn, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp dưới phải báo cáo Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp trên; Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh phải báo cáo Ban chỉ đạo Phòng thủ dân sự quốc gia và Thủ tướng Chính phủ.

- Người đứng đầu các cơ quan chuyên môn ở địa phương theo chỉ đạo của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện chỉ huy lực lượng thuộc quyền thực hiện phòng thủ dân sự trong lĩnh vực quản lý theo quy định của pháp luật.

- Bộ trưởng Bộ Quốc phòng chủ trì, phối hợp với Bộ trưởng, Trưởng ngành trung ương, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có liên quan chỉ huy các đơn vị thuộc quyền thực hiện phòng thủ dân sự ở khu vực quân đội quản lý và trên các vùng biển Việt Nam không thuộc phạm vi quản lý của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh.

- Người chỉ huy đơn vị quân đội, công an điều động và chỉ huy lực lượng thuộc quyền tham gia, phối hợp thực hiện hoạt động phòng thủ dân sự theo quy định của pháp luật.

Trân trọng!

Nguyễn Phạm Nhựt Tân
2225

Đây là nội dung tóm tắt, thông báo văn bản mới dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc vui lòng gửi về Email: [email protected]