21/07/2023 17:02

Quy định về sử dụng kết quả lao động, học nghề của phạm nhân

Quy định về sử dụng kết quả lao động, học nghề của phạm nhân

Xin hỏi pháp luật quy định như thế nào về sử dụng kết quả lao động, học nghề của phạm nhân? - Phương Trang (Đồng Nai)

Về vấn đề này, Ban biên tập giải đáp như sau:

1. Quy định về sử dụng kết quả lao động, học nghề của phạm nhân

Kết quả lao động của phạm nhân là phần chênh lệch thu lớn hơn chi từ hoạt động tổ chức lao động, học nghề của phạm nhân sau khi trừ các chi phí hợp lý quy định tại điểm b khoản 5 Điều 16 Nghị định 133/2020/NĐ-CP được sử dụng như sau:

- Trích 14% để bổ sung mức ăn cho phạm nhân

+ Căn cứ vào mức kinh phí được trích này, Giám thị trại giam quyết định bổ sung mức ăn hằng ngày cho phạm nhân nhưng không được tăng thêm quá 1/6 lần tiêu chuẩn ăn hằng tháng mà pháp luật quy định cho mỗi phạm nhân;

+ Đối với phạm nhân lao động làm thêm giờ, lao động ngày nghỉ được hưởng tiêu chuẩn ăn bằng 02 lần tiêu chuẩn ăn ngày thường (trong đó có 01 tiêu chuẩn ăn ngày thường do ngân sách nhà nước đảm bảo) cho mỗi phạm nhân. Tiêu chuẩn ăn thêm này nếu không sử dụng theo quy định thì phạm nhân được gửi trại giam quản lý, để nhận lại sau khi chấp hành xong án phạt tù;

+ Trường hợp đã trích đủ mức ăn bổ sung theo quy định tại điểm a, b khoản 1 Điều 17 Nghị định 133/2020/NĐ-CP mà còn dư kinh phí thì Giám thị trại giam báo cáo Thủ trưởng Cơ quan quản lý thi hành án hình sự thuộc Bộ Công an (đối với trại giam do Bộ Công an quản lý), Thủ trưởng Cơ quan quản lý thi hành án hình sự thuộc Bộ Quốc phòng (đối với trại giam do Bộ Quốc phòng quản lý), Thủ trưởng Cơ quan thi hành án hình sự Quân khu xem xét, quyết định chi khoản kinh phí còn dư này để mua các vật dụng sinh hoạt phục vụ chung cho phạm nhân ở các trại giam và phải phổ biến, thông báo chung cho tập thể phạm nhân biết thông qua Ban Tự quản của phạm nhân, đảm bảo công khai, dân chủ, minh bạch và đúng đối tượng được thụ hưởng.

- Trích 2% lập Quỹ hòa nhập cộng đồng để chi tư vấn, hỗ trợ cho phạm nhân khi chấp hành xong án phạt tù. Trại giam tiến hành các hoạt động hỗ trợ, tổ chức giáo dục công dân, giáo dục pháp luật, tư vấn, liên hệ tìm việc làm và các hoạt động khác có liên quan đến việc tái hòa nhập cộng đồng cho phạm nhân.

- Trích 12% chi trả một phần công lao động cho phạm nhân trực tiếp tham gia lao động sản xuất, chi hỗ trợ cho phạm nhân bị tai nạn lao động.

+ Trích 10% chi trả một phần công lao động cho phạm nhân lao động trực tiếp;

+ Trích 02% chi hỗ trợ cho phạm nhân bị tai nạn lao động.

- Trích 22% bổ sung quỹ phúc lợi, khen thưởng của trại giam

+ 13% bổ sung quỹ phúc lợi của trại giam để thực hiện các hoạt động hỗ trợ cho phạm nhân tổ chức hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao hoặc khi bị bệnh, gặp rủi ro, khi điều trị tại bệnh xá, trạm xá, bệnh viện theo quy định; hoạt động hỗ trợ cho cán bộ, chiến sĩ của trại giam có hoàn cảnh khó khăn, khi bị bệnh, gặp rủi ro, tai nạn lao động hoặc điều trị tại các cơ sở y tế, tổ chức hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao cho cán bộ, chiến sĩ và hỗ trợ các hoạt động phúc lợi khác của trại giam;

+ 7% bổ sung quỹ khen thưởng của trại giam để thưởng cho những phạm nhân có thành tích xuất sắc trong quá trình chấp hành án, mức thưởng không vượt quá 2.000.000 đồng/lần/01 phạm nhân; trích thưởng cho phạm nhân có thành tích trong lao động, học nghề (kết quả lao động vượt chỉ tiêu, định mức lao động hoặc tăng năng suất lao động...), mức thưởng bằng 1/2 giá trị ngày công lao động vượt chỉ tiêu, định mức lao động hoặc tăng năng suất lao động, phạm nhân được sử dụng số tiền thưởng này để bổ sung ăn thêm hoặc gửi cho thân nhân hoặc gia đình, gửi lưu ký để sử dụng tại trại giam hoặc nhận lại sau khi chấp hành xong án phạt tù; 

Sử dụng để trích thưởng cho cán bộ, chiến sĩ của trại giam có thành tích trong việc quản lý tổ chức lao động, giáo dục, dạy nghề cho phạm nhân, tổng mức tiền thưởng chung tối đa một năm đối với cán bộ, chiến sĩ của trại giam không vượt quá 02 tháng lương theo cấp bậc hàm của toàn đơn vị;

+ 2% nộp về Cục Cảnh sát quản lý trại giam, cơ sở giáo dục bắt buộc, trường giáo dưỡng (đối với trại giam do Bộ Công an quản lý), Cơ quan quản lý thi hành án hình sự Bộ Quốc phòng (đối với trại giam do Bộ Quốc phòng quản lý) làm quỹ hỗ trợ các hoạt động tổng kết, sơ kết, tập huấn hàng năm.

- Trích 50% chi hỗ trợ đầu tư trở lại cho trại giam phục vụ việc tổ chức lao động, giáo dục, dạy nghề cho phạm nhân; nâng cao tay nghề cho phạm nhân chuẩn bị chấp hành xong án phạt tù

+ 40% tạo nguồn vốn chung đầu tư trở lại cho các trại giam, phục vụ giáo dục, lao động dạy nghề, mua sắm trang thiết bị, phương tiện, công cụ và xây dựng cơ sở vật chất. Đối với trại giam do Bộ Công an quản lý nộp về Cục Cảnh sát quản lý trại giam, cơ sở giáo dục bắt buộc, trường giáo dưỡng; đối với trại giam do Bộ Quốc phòng quản lý nộp về Cơ quan quản lý thi hành án hình sự Bộ Quốc phòng để xây dựng kế hoạch phân bổ chung.

Hằng năm, căn cứ vào nhu cầu đầu tư, mua sắm trang thiết bị, phương tiện, công cụ lao động và xây dựng cơ sở vật chất của các trại giam, Cục trưởng Cục Cảnh sát quản lý trại giam, cơ sở giáo dục bắt buộc, trường giáo dưỡng (đối với trại giam do Bộ Công an quản lý), Thủ trưởng Cơ quan quản lý thi hành án hình sự Bộ Quốc phòng, Thủ trưởng Cơ quan thi hành án hình sự Quân khu có trách nhiệm phê duyệt danh mục, kế hoạch đầu tư có giá trị dưới 05 tỷ đồng; chủ trì, phối hợp với cơ quan tài chính cùng cấp thẩm định, trình lãnh đạo Bộ Công an, Bộ Quốc phòng xem xét, phê duyệt các danh mục, kế hoạch đầu tư có giá trị trên 05 tỷ đồng.

Việc quản lý, sử dụng và thanh, quyết toán kinh phí được trích lại để đầu tư cho các dự án, kế hoạch đầu tư mua sắm trang thiết bị, phương tiện, công cụ lao động và xây dựng cơ sở vật chất cho các trại giam đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt phải thực hiện theo đúng quy định của pháp luật;

+ 10% đào tạo dạy nghề và bồi dưỡng nâng cao tay nghề cho phạm nhân. Giám thị trại giam phải lập dự toán theo hướng dẫn của Cục Cảnh sát quản lý trại giam, cơ sở giáo dục bắt buộc, trường giáo dưỡng (đối với trại giam do Bộ Công an quản lý), Cơ quan quản lý thi hành án hình sự thuộc Bộ Quốc phòng (đối với các trại giam do Bộ Quốc phòng quản lý), Cơ quan thi hành án hình sự Quân khu (đối với trại giam do Quân khu quản lý) và phải được Thủ trưởng các cơ quan này phê duyệt dự toán trước khi tổ chức thực hiện.

- Phạm nhân được sử dụng số tiền tại điểm b Khoản 1 và điểm a Khoản 3 Điều 7 Nghị định 133/2020/NĐ-CP theo quy định hoặc gửi trại giam quản lý và được nhận lại khi chấp hành xong án phạt tù.

- Kết quả lao động, học nghề của phạm nhân và các hoạt động phục vụ yêu cầu quản lý, giam giữ, căn-tin phục vụ sinh hoạt của phạm nhân sau khi trừ các chi phí hợp lý, không thuộc đối tượng phải nộp thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế giá trị gia tăng.

2. Trách nhiệm của giám thị trại giam trong sử dụng kết quả lao động, học nghề của phạm nhân

Giám thị của trại giam có trách nhiệm trong việc sử dụng kết quả lao động, học nghề của phạm nhân như sau:

- Trích nộp và quản lý, sử dụng nguồn kinh phí thu được từ kết quả lao động của phạm nhân trong trại giam theo đúng các quy định của Điều này và quy định của văn bản quy phạm pháp luật khác có liên quan;

- Tổ chức kiểm kê, đánh giá tài sản, vật tư, tiền vốn lao động, kết quả thực hiện kế hoạch, tổng số thu, chi từ các hoạt động lao động của đơn vị và báo cáo về Cục Cảnh sát quản lý trại giam, cơ sở giáo dục bắt buộc, trường giáo dưỡng (đối với trại giam do Bộ Công an quản lý), Cơ quan quản lý thi hành án hình sự thuộc Bộ Quốc phòng (đối với trại giam do Bộ Quốc phòng quản lý), Cơ quan thi hành án hình sự Quân khu (đối với trại giam do Quân khu quản lý). Thời điểm thống kê, báo cáo tính từ 0 giờ ngày 31/12 hằng năm.

(Khoản 8 Điều 17 Nghị định 133/2020/NĐ-CP)

Nguyễn Ngọc Quế Anh
883

Đây là nội dung tóm tắt, thông báo văn bản mới dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc vui lòng gửi về Email: [email protected]