Theo quy định tại Điều 12 Thông tư 02/2025/TT-BCT, các thiết bị, dụng cụ điện phải kiểm định bao gồm:
- Các thiết bị điện sử dụng ở môi trường không có nguy hiểm về khí cháy, bụi nổ có cấp điện áp danh định trên 01 kV, bao gồm:
+ Chống sét van.
+ Máy biến áp.
+ Máy cắt.
+ Cáp điện.
+ Cầu dao cách ly, cầu dao tiếp địa.
- Dụng cụ điện phải kiểm định: Sào cách điện.
Quy định về kiểm định an toàn kỹ thuật thiết bị, dụng cụ điện theo Thông tư 02/2025 (hình từ internet)
Căn cứ theo quy định tại Điều 14 Thông tư 02/2025/TT-BCT, chu kỳ kiểm định các thiết bị, dụng cụ điện phải kiểm định thực hiện như sau:
- Kiểm định lần đầu được thực hiện trước khi đưa vào sử dụng, vận hành thiết bị, dụng cụ điện.
- Kiểm định định kỳ được thực hiện trong quá trình sử dụng, vận hành thiết bị, dụng cụ điện:
+ Đối với các thiết bị điện trong dây chuyền đang vận hành không thể tách rời để kiểm định riêng lẻ, được kiểm định theo chu kỳ đại tu dây chuyền thiết bị.
+ Đối với thiết bị điện trên hệ thống điện quốc gia được chủ đầu tư áp dụng phương pháp sửa chữa bảo dưỡng theo tình trạng thiết bị hoặc phương pháp sửa chữa bảo dưỡng hướng đến độ tin cậy theo tiêu chuẩn tương ứng, chủ đầu tư căn cứ kết quả phân tích, đánh giá tình trạng thiết bị để quyết định chu kỳ và hạng mục kiểm định, bảo đảm chu kỳ thực hiện không quá 72 (bảy mươi hai) tháng.
+ Đối với các thiết bị, dụng cụ điện không thuộc điểm a, điểm b khoản 2 Điều 14 Thông tư 02/2025/TT-BCT, được kiểm định định kỳ theo quy định của nhà sản xuất, nhưng không quá 36 (ba mươi sáu) tháng.
- Kiểm định bất thường
+ Thực hiện khi có yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
+ Khi đã khắc phục xong sự cố, sau đại tu, sửa chữa hoặc theo nhu cầu của các tổ chức, cá nhân sử dụng, vận hành thiết bị, dụng cụ điện.
Theo quy định tại Điều 15 Thông tư 02/2025/TT-BCT, quy trình kiểm định các thiết bị, dụng cụ điện phải kiểm định thực hiện như sau:
- Tổ chức kiểm định có trách nhiệm thực hiện các bước kiểm định theo quy trình đã ban hành.
- Xử lý kết quả sau kiểm định
+ Thiết bị, dụng cụ điện sau kiểm định đạt yêu cầu phải được dán tem kiểm định ở vị trí dễ quan sát và tránh được tác động không có lợi của môi trường và được cấp giấy chứng nhận kiểm định sử dụng bản giấy hoặc bản điện tử.
+ Thiết bị, dụng cụ điện sau kiểm định không đạt yêu cầu thì không cấp giấy chứng nhận kiểm định mới và xóa tem kiểm định cũ (nếu có), chỉ cấp biên bản kiểm định trong đó nêu rõ lý do không đạt.
+ Trường hợp thiết bị, dụng cụ điện ở vị trí không thể thực hiện việc dán tem theo điểm a khoản 2 Điều 15 Thông tư 02/2025/TT-BCT thì khi kết thúc kiểm định được cấp Giấy chứng nhận kiểm định.
- Trong thời hạn 10 (mười) ngày làm việc kể từ ngày kết thúc kiểm định, tổ chức, kiểm định có trách nhiệm cấp biên bản kiểm định, giấy chứng nhận kiểm định cho tổ chức, cá nhân sử dụng, vận hành thiết bị, dụng cụ điện được kiểm định. Nội dung chính của giấy chứng nhận kiểm định theo Biểu mẫu II.7 Phụ lục II ban hành kèm theo Thông tư 02/2025/TT-BCT.
Căn cứ theo quy định tại Điều 16 Thông tư 02/2025/TT-BCT, tổ chức, cá nhân sử dụng, vận hành thiết bị, dụng cụ điện có trách nhiệm sau:
- Lập danh sách thiết bị, dụng cụ điện phải kiểm định.
- Lựa chọn tổ chức kiểm định thiết bị, dụng cụ điện đáp ứng quy định tại Điều 17 Thông tư 02/2025/TT-BCT.
- Có biện pháp bảo đảm an toàn cho kiểm định viên của tổ chức kiểm định khi thực hiện kiểm định và hệ thống thiết bị điện liên quan đang vận hành theo các quy định của Luật Điện lực 2024 và các văn bản hướng dẫn liên quan đến an toàn điện.
- Duy trì và đảm bảo sự phù hợp của các thiết bị và dụng cụ điện trong quá trình sử dụng sau khi được kiểm định, theo các yêu cầu của tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật Việt Nam hoặc tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật nước ngoài được áp dụng tại Việt Nam.
- Lưu giữ hồ sơ kết quả kiểm định bản giấy hoặc bản điện tử. Thời gian lưu giữ tối thiểu 02 (hai) chu kỳ kiểm định liên tiếp.