Ngày 17/09/2024, Chính phủ đã ban hành Nghị định 116/2024/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 138/2020/NĐ-CP quy định về tuyển dụng, sử dụng và quản lý công chức và Nghị định 06/2023/NĐ-CP quy định về kiểm định chất lượng đầu vào công chức.
Theo quy định tại khoản 1 Điều 18 Nghị định 138/2020/NĐ-CP sửa đổi bởi khoản 11 Điều 1 Nghị định 116/2024/NĐ-CP những đối tượng tiếp nhận vào công chức như sau:
- Viên chức công tác tại đơn vị sự nghiệp công lập;
- Cán bộ, công chức cấp xã;
- Người hưởng lương trong lực lượng vũ trang nhân dân, người làm việc trong tổ chức cơ yếu nhưng không phải là công chức;
- Chủ tịch Hội đồng thành viên, Chủ tịch Hội đồng quản trị, Chủ tịch công ty, Thành viên Hội đồng thành viên, Thành viên Hội đồng quản trị, Kiểm soát viên, Tổng giám đốc, Phó Tổng giám đốc, Giám đốc, Phó giám đốc, Kế toán trưởng và người đang giữ chức vụ, chức danh quản lý từ cấp phòng trở lên trong doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ, doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ hoặc tổng số cổ phần có quyền biểu quyết;
- Người đã từng là cán bộ, công chức sau đó được cấp có thẩm quyền điều động, luân chuyển giữ các vị trí công tác không phải là cán bộ, công chức tại các cơ quan, tổ chức khác.
Trước đó, đối tượng tiếp nhận vào làm công chức quy định tại khoản 1 Điều 18 Nghị định 138/2020/NĐ-CP như sau:
Tiếp nhận vào làm công chức
Đối tượng tiếp nhận:
a) Viên chức công tác tại đơn vị sự nghiệp công lập;
b) Cán bộ, công chức cấp xã;
c) Người hưởng lương trong lực lượng vũ trang nhân dân, người làm việc trong tổ chức cơ yếu nhưng không phải là công chức;
d) Chủ tịch Hội đồng thành viên, Chủ tịch Hội đồng quản trị, Chủ tịch công ty, Thành viên Hội đồng thành viên, Thành viên Hội đồng quản trị, Kiểm soát viên, Tổng giám đốc, Phó Tổng giám đốc, Giám đốc, Phó giám đốc, Kế toán trưởng và người đang giữ chức vụ, chức danh quản lý từ cấp phòng trở lên trong doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ, doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ hoặc tổng số cổ phần có quyền biểu quyết;
đ) Người đã từng là cán bộ, công chức từ cấp huyện trở lên sau đó được cấp có thẩm quyền điều động, luân chuyển giữ các vị trí công tác không phải là cán bộ, công chức tại các cơ quan, tổ chức khác.
Như vậy, đối tượng tiếp nhận vào công chức từ ngày 17/9/2024 bao gồm: viên chức sự nghiệp công lập; cán bộ, công chức cấp xã; người hưởng lương trong lực lượng vũ trang và tổ chức cơ yếu không phải là công chức; Chủ tịch Hội đồng thành viên, Chủ tịch Hội đồng quản trị…; và người đã từng là cán bộ, công chức sau đó được cấp có thẩm quyền điều động, luân chuyển giữ các vị trí công tác không phải là cán bộ, công chức tại các cơ quan, tổ chức khác.
Điểm mới được sửa đổi về đối tượng tiếp nhận vào công chức là mở rộng đối tượng người đã từng là cán bộ, công chức, không còn giới hạn ở cấp huyện trở lên như trước đây.
Theo đó, căn cứ yêu cầu của vị trí việc làm cần tuyển, người đứng đầu cơ quan có thẩm quyền tuyển dụng công chức xem xét, tiếp nhận vào công chức đối với các trường hợp quy định tại khoản 1 Điều 18 Nghị định 138/2020/NĐ-CP nếu đáp ứng đủ tiêu chuẩn, điều kiện của vị trí việc làm và điều kiện đăng ký dự tuyển công chức quy định tại khoản 1 Điều 36 Luật Cán bộ, công chức, không đang trong thời hạn xử lý kỷ luật, không đang trong thời gian thực hiện các quy định liên quan đến kỷ luật theo quy định của Đảng, của pháp luật và các tiêu chuẩn, điều kiện sau:
(1) Trường hợp quy định tại các điểm a, b và c khoản 1 Điều 18 Nghị định 138/2020/NĐ-CP phải có đủ 05 năm công tác trở lên theo đúng quy định của pháp luật, có đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc (không tính thời gian tập sự, thử việc, nếu không liên tục và chưa nhận trợ cấp bảo hiểm xã hội 01 lần thì được cộng dồn, kể cả thời gian công tác nếu có trước đó ở vị trí công việc quy định tại các điểm a, b, c và d khoản 1 Điều 18 Nghị định 138/2020/NĐ-CP), làm công việc có yêu cầu trình độ chuyên môn, nghiệp vụ phù hợp với công việc ở vị trí việc làm dự kiến tiếp nhận;
(2) Trường hợp quy định tại điểm d khoản 1 Điều 18 Nghị định 138/2020/NĐ-CP chỉ thực hiện việc tiếp nhận để bổ nhiệm làm công chức giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý, phải có đủ 05 năm công tác trở lên theo đúng quy định của pháp luật (không kể thời gian tập sự, thử việc) làm công việc phù hợp với vị trí việc làm dự kiến tiếp nhận và phải được quy hoạch vào chức vụ, chức danh dự kiến bổ nhiệm hoặc chức vụ, chức danh tương đương trở lên;
(3) Trường hợp quy định tại điểm đ khoản 1 Điều 18 Nghị định 138/2020/NĐ-CP phải được cấp có thẩm quyền quyết định điều động, luân chuyển bằng văn bản đến làm việc tại các cơ quan, tổ chức, đơn vị khác theo yêu cầu nhiệm vụ; không yêu cầu phải có đủ thời gian 05 năm công tác trở lên làm việc tại cơ quan, tổ chức, đơn vị được điều động, luân chuyển đến.
(Căn cứ khoản 2 Điều 18 Nghị định 138/2020/NĐ-CP sửa đổi bởi khoản 11 Điều 1 Nghị định 116/2024/NĐ-CP)
Theo khoản 2 Điều 18 Nghị định 138/2020/NĐ-CP sửa đổi bởi khoản 11 Điều 1 Nghị định 116/2024/NĐ-CP quy định về hồ sơ của người được đề nghị tiếp nhận vào công chức bao gồm:
- Sơ yếu lý lịch cá nhân theo quy định hiện hành được lập trong thời hạn 30 ngày trước ngày nộp hồ sơ tiếp nhận, có xác nhận của cơ quan, tổ chức, đơn vị nơi công tác;
- Bản sao các văn bằng, chứng chỉ theo yêu cầu của vị trí việc làm dự kiến tiếp nhận;
- Giấy chứng nhận sức khỏe do cơ quan y tế có thẩm quyền cấp trong thời hạn 30 ngày trước ngày nộp hồ sơ tiếp nhận;
- Bản tự nhận xét, đánh giá của người được đề nghị tiếp nhận về phẩm chất chính trị, phẩm chất đạo đức, trình độ và năng lực chuyên môn, nghiệp vụ, quá trình công tác theo yêu cầu của cơ quan tiếp nhận.