28/07/2021 14:52

Quy định của pháp luật về cản trở hoạt động tố tụng và cách xử lý

Quy định của pháp luật về cản trở hoạt động tố tụng và cách xử lý

Để các hoạt động tố tụng dân sự được tiến hành một cách đúng đắn, ngoài việc pháp luật tố tụng dân sự phải quy định đầy đủ, chi tiết nhiệm vụ, quyền hạn, trách nhiệm, các quyền, nghĩa vụ của các chủ thể tố tụng. Trình tự, thủ tục tố tụng dân sự thì còn phải xử lí kịp thời và nghiêm khắc đối với các hành vi vi phạm pháp luật trong quá trình tố tụng dân sự.

Trong quá trình tố tụng, đôi khi vẫn gặp những trường hợp cá nhân, cơ quan, tổ chức có những hành vi cản trở hoạt động xác minh, thu thập chứng cứ; cố ý không có mặt theo giấy triệu tập của tòa án... Các hành vi này được gọi là hành vi cản trở hoạt động tố tụng.

1. Khái niệm và đặc điểm hành vi cản trở hoạt động tố tụng dân sự

Hành vi cản trở hoạt động tố tụng là hành vi của cá nhân, cơ quan, tổ chức gây trở ngại cho các hoạt động xác minh, thu thập chứng cứ, hoà giải và xét xử của tòa án.

Hành vi cản trở hoạt động tố tụng phải là những hành vi trái pháp luật. Tuy nhiên, không phải mọi hành vi trái pháp luật của cá nhân, cơ quan, tổ chức trong quá trình tòa án giải quyết vụ việc dân sự đều là hành vi cản trở hoạt động tố tụng. Hành vi cản trở hoạt động tố tụng dân sự có những đặc điểm sau:

- Phải là hành vi trái pháp luật của cá nhân, cơ quan, tổ chức thực hiện trong quá trình tòa án giải quyết vụ việc dân sự;

- Gây trở ngại cho các hoạt động xác minh, thu thập chứng cứ, hoà giải và xét xử vụ việc dân sự của tòa án.

Việc xử lí các hành vi cản trở hoạt động tố tụng có ý nghĩa vô cùng quan trọng. Một mặt, nó bảo đảm cho việc giải quyết vụ việc dân sự được nhanh chóng và đúng đắn, mặt khác tăng cường được kỉ luật, kỉ cương trong xã hội, góp phần giáo dục mọi người tôn trọng tòa án, cơ quan thi hành án, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật, phòng ngừa vi phạm pháp luật có thể xảy ra.

2. Các hành vi cản trở hoạt động tố tụng dân sự và biện pháp xử lí

Các hành vi cản trở và việc xử lí hành vi cản trở hoạt động tố tụng dân sự được quy định từ Điều 489 đến Điều 498 Bộ luật Tố tụng Dân sự (BLTTDS) năm 2015. Theo đó, với mỗi nhóm hành vi cản trở hoạt động tố tụng, pháp luật tố tụng dân sự quy định những biện pháp xử lí tương ứng tuỳ thuộc tính chất, mức độ vi phạm.

- Hành vi cản trở hoạt động xác minh, thu thập chứng cứ của người tiến hành tố tụng

Hoạt động xác minh, thu thập chứng cứ của người tiến hành tố tụng dân sự thực hiện theo quy định của pháp luật tố tụng dân sự có ý nghĩa vô cùng quan trọng tạo cơ sở thực tiễn để tòa án giải quyết đúng đắn các vụ việc dân sự. Tuy nhiên, hoạt động này sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng khi có một trong các hành vi như làm giả, hủy hoại chứng cứ quan trọng, gây trở ngại cho việc giải quyết vụ án của tòa án; từ chối khai báo, khai báo gian dối hoặc cung cấp tài liệu sai sự thật khi làm chứng; từ chối kết luận giám định hoặc từ chối cung cấp tài liệu mà không có lí do chính đáng, kết luận giám định sai sự thật; cố ý dịch sai sự thật; không cử người tham gia hội đồng định giá theo yêu cầu của tòa án mà không có lí do chính đáng; không tham gia thực hiện nhiệm vụ của hội đồng định giá mà không có lí do chính đáng; cản trở người tiến hành tố tụng tiến hành xem xét thẩm định tại chỗ, định giá, giám định hoặc xác minh, thu thập chứng cứ khác do BLTTDS năm 2015 quy định; lừa dối, mua chuộc, đe dọa, cưỡng ép, sử dụng vũ lực nhằm ngăn cản người làm chứng ra làm chứng hoặc buộc người khác ra làm chứng gian dối; lừa dối, mua chuộc, đe dọa, cưỡng ép, sử dụng vũ lực nhằm ngăn cản người giám định thực hiện nhiệm vụ hoặc buộc người giám định kết luận sai với sự thật khách quan; lừa dối, mua chuộc, đe dọa, cưỡng ép, sử dụng vũ lực nhằm ngăn cản người phiên dịch thực hiện nhiệm vụ hoặc buộc người phiên dịch dịch không trung thực, không khách quan, không đúng nghĩa. Theo quy định tại Điều 489 BLTTDS năm 2015, người nào có một trong các hành vi nêu trên thì tuỳ theo tính chất, mức độ vi phạm mà có thể bị xử lí kỉ luật, xử phạt hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật.

- Hành vi cố ý không có mặt theo giấy triệu tập của tòa án

Về nguyên tắc, những ngừời tham gia tố tụng phải có nghĩa vụ có mặt theo giấy triệu tập của tòa án. Sự có mặt của họ là một trong những điều kiện quan trọng cho việc tiến hành các hoạt động tố tụng nhằm giải quyết vụ việc dân sự. Việc họ không có mặt mặc dù đã được triệu tập hợp lệ sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động tố tụng. Vì vậy, tại Điều 490 BLTTDS năm 2015 quy định, khi người làm chứng, người phiên dịch, người giám định đã được tòa án triệu tập hợp lệ nhưng cố ý không đến tòa án hoặc không có mặt tại phiên tòa, phiên họp mà không có lí do chính đáng và nếu sự vắng mặt của họ gây trở ngại cho việc thu thập, xác minh chứng cứ hoặc giải quyết vụ việc thì bị xử phạt hành chính theo quy định của pháp luật.

Ngoài ra, tòa án có quyền ra quyết định dẫn giải người làm chứng đến phiên tòa, phiên họp, trừ trường hợp người làm chứng là người chưa thành niên. Quyết định dẫn giải người làm chứng phải ghi rõ thời gian, địa điểm ra quyết định; họ, tên, chức vụ người ra quyết định; họ, tên, ngày, tháng, năm sinh, nơi cư trú của người làm chứng; thời gian, địa điểm người làm chứng phải có mặt. Trong trường hợp này, tòa án ra quyết định và cơ quan Công an có nhiệm vụ thi hành quyết định, người thi hành quyết định dẫn giải người làm chứng phải đọc, giải thích quyết định dẫn giải cho người bị dẫn giải biết và lập biên bản về việc dẫn giải.

- Hành vi vi phạm nội quy phiên tòa, phiên họp

Pháp luật tố tụng dân sự quy định nội quy phiên tòa nhằm phòng ngừa, ngăn chặn những hành vi gây tổn hại đến an ninh, an toàn cho những người tiến hành tố tụng, người tham gia tố tụng; bảo đảm sự tôn trọng pháp luật; bảo đảm các thủ tục ở tại phiên tòa diễn ra đúng quy định của pháp luật. Tuy nhiên, nếu xảy ra các hành vi vi phạm nội quy phiên tòa thì những ý nghĩa của các quy định về nội quy phiên tòa sẽ không phát huy tác dụng tích cực mà gây ra hoặc để lại những hệ luỵ nghiêm trọng, đôi khi không thể khắc phục được.

Các hành vi vi phạm nội quy phiên tòa như khi vào phòng xử án, người đó không chấp hành việc kiểm tra an ninh của lực lượng có trách nhiệm bảo vệ phiên tòa hay mang vào phòng xử án vũ khí, hung khí, chất nổ, chất cháy, chất độc, chất phóng xạ, đồ vật cấm lưu hành, truyền đơn, khẩu hiệu và tài liệu, đồ vật khác ảnh hưởng đến sự tôn nghiêm của phiên tòa, trừ vật chứng của vụ án phục vụ cho công tác xét xử hoặc vũ khí, công cụ hỗ trợ được người có thẩm quyền mang theo để làm nhiệm vụ bảo vệ phiên tòa; nhà báo tham dự phiên tòa để đưa tin về diễn biến phiên tòa không chấp hành sự điều khiển của chủ tọa phiên tòa về khu vực tác nghiệp hay nhà báo tự ý ghi âm lời nói, ghi hình ảnh của hội đồng xét xử mà không được sự đồng ý của chủ tọa phiên tòa hoặc ghi âm lời nói, ghi hình ảnh của đương sự, người tham gia tố tụng khác mà không được sự đồng ý của họ; người tham dự phiên tòa có thái độ không tôn trọng hội đồng xét xử, mất trật tự và không tuân theo sự điều khiển của chủ tọa phiên tòa... Các hành vi vi phạm này tại phiên họp giải quyết việc dân sự cũng được xác định là hành vi vi phạm và bị xử lí.

Theo quy định tại Điều 491 BLTTDS sự năm 2015, những người có hành vi vi phạm nội quy phiên tòa thì tuỳ theo tính chất, mức độ vi phạm mà có thể bị chủ tọa phiên tòa xử phạt hành chính theo quy định của pháp luật và buộc người vi phạm nội quy phiên tòa phải rời khỏi phòng xử án. Cơ quan Công an có nhiệm vụ bảo vệ phiên tòa hoặc người có nhiệm vụ bảo vệ trật tự phiên tòa thi hành quyết định của chủ tọa phiên tòa về việc buộc rời khỏi phòng xử án hoặc tạm giữ hành chính người gây rối trật tự tại phiên tòa.

Trường hợp người vi phạm nội quy phiên tòa đến mức phải bị truy cứu trách nhiệm hình sự thì tòa án có quyền khởi tố vụ án hình sự theo quy định của pháp luật về tố tụng hình sự. Trong trường hợp tòa án khởi tố vụ án hình sự thì trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày ra quyết định khởi tố, tòa án phải chuyển cho VKS có thẩm quyền quyết định khởi tố vụ án và các tài liệu chứng cứ để chứng minh hành vi phạm tội.

- Hành vi xúc phạm, xâm hại đến sự tôn nghiêm, uy tín của tòa án, danh dự, nhân phẩm, sức khoẻ của người tiến hành tố tụng hoặc những người khác thực hiện nhiệm vụ theo yêu cầu của tòa án

Hành vi xúc phạm, xâm hại đến sự tôn nghiêm, uy tín của tòa án, danh dự, nhân phẩm, sức khoẻ của người tiến hành tố tụng hoặc những người khác thực hiện nhiệm vụ theo yêu cầu của tòa án tại phiên tòa gây tổn hại đến tòa án, người tiến hành tố tụng và người khác, cản trở việc giải quyết vụ việc của tòa án nên phải bị xử lí. Theo quy định tại Điều 492 BLTTDS năm 2015, người thực hiện hành vi nêu trên tuỳ theo tính chất, mức độ vi phạm sẽ bị xử phạt hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật.

- Hành vi cản trở việc cấp, giao, nhận, tống đạt, thông báo văn bản tố tụng của tòa án

Việc cấp, giao, nhận, tống đạt, thông báo các văn bản tố tụng của tòa án có ý nghĩa đặc biệt quan trọng nhằm mục đích đưa những thông báo, giấy báo, giấy triệu tập, giấy mời, bản án, quyết định của cơ quan tiến hành tố tụng và các vãn bản tố tụng khác bằng các phương thức khác nhau đến với người tham gia tố tụng để phục vụ cho việc tiến hành các hoạt động tố tụng dân sự được thuận lợi.

Tuy nhiên, nếu có những hành vi cản trở làm cho hoạt động này không thực hiện được hoặc thực hiện quá thời hạn luật định sẽ dẫn đến hậu quả là quyền và nghĩa vụ của người tham gia tố tụng không được bảo đảm hoặc cơ quan tiến hành tố tụng sẽ không tiến hành được việc giải quyết vụ việc dân sự đúng pháp luật. Các hành vi cản trở việc cấp, giao, nhận, tống đạt, thông báo các văn bản tố tụng của tòa án như không thực hiện việc cấp, giao, tống đạt, thông báo văn bản tố tụng của tòa án theo yêu cầu của tòa án mà không có lí do chính đáng; hủy hoại văn bản tố tụng của tòa án mà mình được giao để cấp, tống đạt, thông báo theo yêu cầu của tòa án; giả mạo kết quả thực hiện việc tống đạt, thông báo văn bản tố tụng của tòa án mà mình được giao thực hiện; ngăn cản việc cấp, giao, nhận, tống đạt, thông báo văn bản tố tụng của tòa án. Theo quy định tại Điều 493  BLTTDS năm 2015, người có một trong các hành vi trên đây thì tuỳ theo tính chất, mức độ vi phạm và bị xử lí kỉ luật, xử phạt hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật.

- Hành vi cản trở đại diện của cơ quan, tổ chức hoặc cá nhân tham gia tố tụng theo yêu cầu của tòa án

Để phục vụ cho hoạt động giải quyết vụ việc dân sự, trong một số trường hợp, đại diện của cơ quan, tổ chức hoặc cá nhân bắt buộc phải tham gia tố tụng theo yêu cầu của tòa án. Tuy nhiên, người khác lại có hành vi đe dọa, hành hung hoặc lợi dụng sự lệ thuộc nhằm cản trở đại diện của cơ quan, tổ chức hoặc cá nhân đến phiên tòa, phiên họp theo triệu tập của tòa án sẽ làm cho việc giải quyết vụ việc dân sự bị trì hoãn, dẫn đến việc giải quyết vụ việc không kịp thời. Theo quy định tại Điều 494 BLTTDS năm 2015, người thực hiện hành vi trên đây thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử phạt hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật.

- Hành vi không thi hành quyết định của tòa án về việc cung cấp tài liệu, chứng cứ cho tòa án hoặc đưa tin sai sự thật nhằm cản trở việc giải quyết vụ án của tòa án

Khi tòa án đã ra các quyết định về việc cơ quan, tổ chức, cá nhân cung cấp tài liệu, chứng cứ cho tòa án thì về nguyên tắc các chủ thể đó có nghĩa vụ thực hiện. Việc các chủ thể này không thực hiện sẽ dẫn đến việc tòa án gặp khó khăn trong giải quyết. Vì vậy, Điều 495 BLTTDS năm 2015 quy định cơ quan, tổ chức, cá nhân không thi hành quyết định của tòa án về việc cung cấp tài liệu, chứng cứ mà cơ quan, tổ chức, cá nhân đó đang quản lí, lưu giữ; người có hành vi đưa tin sai sự thật nhằm cản trở tòa án giải quyết vụ án thì tuỳ theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử phạt hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật.

- Hành vi can thiệp vào việc giải quyết vụ việc dân sự

Ngoài những hành vi cản trở tố tụng nêu trên bị xử lí, pháp luật tố tụng dân sự còn quy định xử lí hành vi can thiệp vào việc giải quyết vụ việc dân sự nhằm làm cho việc giải quyết vụ việc không khách quan, không đúng pháp luật. Theo Điều 496 BLTTDS năm 2015, người nào bằng ảnh hưởng của mình có hành vi tác động dưới bất kỳ hình thức nào đối với thẩm phán, thành viên hội đồng xét xử nhằm làm cho việc giải quyết vụ việc không khách quan, không đúng pháp luật thì tuỳ theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lí kỉ luật, xử phạt hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật.

PHẠM LINH TRANG

Tòa án quân sự Quân khu 1

Nguồn: Tạp chí Tòa án

4278

Đây là nội dung tóm tắt, thông báo văn bản mới dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc vui lòng gửi về Email: [email protected]