Tội phạm mua bán người đã được Bộ luật Hình sự năm 2015 quy định tại Điều 150 (tội mua bán người) và Điều 151 (tội mua bán người dưới 16 tuổi).
So với Bộ luật Hình sự năm 1985 và Bộ luật Hình sự năm 1999 thì Bộ luật Hình sự năm 2015 đã quy định cụ thể, rõ ràng các hành vi khách quan của tội phạm mua bán người cũng như các tình tiết định khung hình phạt của tội phạm này.
Cấu thành cơ bản của tội mua bán người được các nhà làm luật quy định là dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực, lừa gạt hoặc thủ đoạn khác để thực hiện một trong các hành vi phạm tội. Tội mua bán người và tội mua bán người dưới 16 tuổi đều quy định 03 nhóm hành vi. Nhóm hành vi phạm tội thứ nhất là hành vi chuyển giao hoặc tiếp nhận người để giao, có kèm theo việc nhận tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác. Đây là hành vi mua bán thông thường đã được luật hình sự Việt Nam quy định tại các Bộ luật Hình sự năm 1985 và 1999. Nhóm hành vi phạm tội thứ hai là hành vi chuyển giao hoặc tiếp nhận người để bóc lột tình dục, cưỡng bức lao động, lấy bộ phận cơ thể của nạn nhân hoặc vì mục đích vô nhân đạo khác. Theo Luật Phòng, chống mua bán người thì Bóc lột tình dục được hiểu là việc ép buộc người khác bán dâm, làm đối tượng để sản xuất ấn phẩm khiêu dâm, trình diễn khiêu dâm hoặc làm nô lệ tình dục; Cưỡng bức lao động được hiểu là việc dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực hoặc các thủ đoạn khác nhằm buộc người khác lao động trái ý muốn của họ. Nhóm hành vi phạm tội thứ ba là tuyển mộ, vận chuyển, chứa chấp người khác để thực hiện hành vi thuộc hành vi thứ nhất và hành vi thứ hai.
Tòa án nhân dân tối cao (TANDTC) và một số cơ quan liên quan đã ban hành nhiều văn bản hướng dẫn có liên quan đến tội phạm mua bán người, cả về luật nội dung và luật hình thức. Cụ thể, hướng dẫn về luật nội dung thì có Nghị quyết số 02/2019/NQ-HĐTP ngày 11/01/2019 của Hội đồng Thẩm phán TANDTC. Nghị quyết nêu trên hướng dẫn cụ thể về một số tình tiết định tội và một số tình tiết định khung hình phạt được quy định tại Điều 150 và Điều 151 Bộ luật Hình sự. Nghị quyết cũng hướng dẫn việc truy cứu trách nhiệm hình sự trong một số trường hợp cụ thể như trường hợp sử dụng thủ đoạn môi giới hôn nhân với người nước ngoài, trường hợp sử dụng thủ đoạn đưa người đi lao động nước ngoài, trường hợp người phạm tội đã lấy bộ phận cơ thể của nạn nhân, trường hợp sử dụng thủ đoạn môi giới nuôi con nuôi và trường hợp có nhiều hành vi phạm tội. Ngoài ra, TANDTC còn có các giải đáp và công văn hướng dẫn nghiệp vụ về tội phạm mua bán người… Hướng dẫn về luật hình thức thì có các thông tư như Thông tư số 01/2016/TT-CA ngày 21/01/2016, quy định việc tổ chức các Tòa chuyên trách tại Tòa án nhân dân, trong đó có Tòa gia đình và người chưa thành niên; Thông tư số 01/2017/TT-TANDTC ngày 28/7/2017, quy định về phòng xử án, trong đó có quy định về mô hình phòng xử án và giải quyết các vụ việc thuộc thẩm quyền của Tòa gia đình và người chưa thành niên; Thông tư số 02/2018/TT-TANDTC ngày 21/9/2018, quy định chi tiết việc xét xử vụ án hình sự có người tham gia tố tụng là người dưới 18 tuổi thuộc thẩm quyền của Tòa gia đình và người chưa thành niên và Thông tư liên tịch số 06/2018/TTLT-VKSNDTC-TANDTC-BCA-BTP-BLĐTBXH ngày 21/12/2018, quy định về phối hợp thực hiện một số quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự về thủ tục tố tụng đối với người dưới 18 tuổi.
Thứ nhất, Khoản 1 Điều 150 quy định hành vi “đe dọa dùng vũ lực” là tình tiết định tội trong cấu thành cơ bản của tội mua bán người. Một số tội xâm phạm sở hữu quy định trong Bộ luật Hình sự thì tình tiết đe dọa dùng vũ lực được sử dụng đặc trưng như tội cướp tài sản (Điều 168) và tội cưỡng đoạt tài sản (Điều 170). Đối với tội cướp tài sản là hành vi “đe dọa dùng vũ lực ngay tức khắc” là đe doạ dùng ngay lập tức sức mạnh vật chất. Việc đe doạ này nhằm làm cho người bị tấn công hoặc người thân của họ tin và sợ sẽ bị nguy hại ngay đến sức khoẻ, tính mạng nếu không chịu khuất phục, nhằm làm tê liệt ý chí kháng cự của họ. Thực tế, việc đe doạ dùng vũ lực ngay tức khắc thường được kết hợp với thái độ, cử chỉ, lời nói, công cụ phương tiện có trên tay hoặc tương quan lực lượng như đông người đe doạ một người, lợi dụng hoàn cảnh khách quan, thời gian, tình hình xã hội nơi và lúc xảy ra hành vi để tạo nên cảm giác lo sợ của người bị tấn công… Đối với tội cưỡng đoạt tài sản, hành vi “đe dọa sẽ dùng vũ lực” thể hiện rõ được việc đe dọa không quyết liệt như tội cướp tài sản. Hành vi sử dụng vũ lực có thể sẽ được thực hiện ngay hoặc sau một khoảng thời gian nhất định, hậu quả của hành vi này làm nạn nhân lo sợ nhưng chưa đến mức tê liệt hoàn toàn ý chí kháng cự, phản kháng. Còn vấn đề đặt ra trong tội mua bán người thì hành vi đe dọa dùng vũ lực được thực hiện như thế nào? Mức độ nguy hiểm ra sao? Có phải là ngay tức khắc hay kéo dài trong cả quá trình thực hiện việc mua bán? Việc đe dọa đó ở mức độ nào mà khiến nạn nhân phải nghe theo dẫn đến hậu quả có thể bị xâm phạm trực tiếp đến danh dự, nhân phẩm, sức khỏe của nạn nhân thì cần phải được hướng dẫn cụ thể.
Thứ hai, Tội mua bán người và mua bán người dưới 16 tuổi đều quy định về hậu quả của hành vi là “gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân” là một tình tiết định khung tăng nặng hình phạt mới nhưng hiện nay chưa có hướng dẫn hay định nghĩa “gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân” được hiểu như thế nào khiến việc vận dụng trong thực tiễn là khó khăn và thiếu thống nhất.
Thứ ba, Pháp luật hình sự Việt Nam hiện nay chưa quy định đối với trường hợp mua bán thai nhi vì thai nhi không phải là trẻ em (chưa được sinh ra). Tuy nhiên, trên thực tiễn hiện nay, tình trạng mua bán thai nhi đã xảy ra tại nhiều địa phương, là hành vi nguy hiểm cho xã hội và vi phạm đạo đức, vi phạm thuần phong mỹ tục nhưng chưa có quy phạm pháp luật điều chỉnh vấn đề này. Do đó, cần bổ sung truy cứu trách nhiệm hình sự trong trường hợp mua bán thai nhi.
Thứ tư, Khó khăn trong việc chứng minh tội phạm về mua bán người dẫn tới việc áp dụng pháp luật chưa thống nhất: thực tiễn điều tra, truy tố và xét xử tội mua bán người với tội chứa mại dâm (Điều 327) hiện nay trong các vụ án chứa mại dâm cũng có những trường hợp nạn nhân tự nguyện làm người bán dâm nhưng cũng có những trường hợp nạn nhân bị bắt rồi đem bán vào các ổ mại dâm, bị ép bán dâm nhưng cơ quan tiến hành tố tụng không chứng minh được hành vi mua bán người nên chỉ truy cứu trách nhiệm hình sự về tội chứa mại dâm. Hoặc tình trạng mua bán phụ nữ và trẻ em qua biên giới nhưng Cơ quan tiến hành tố tụng không chứng minh được hành vi mua bán nên phải truy tố tội phạm khác như tội tổ chức, môi giới cho người khác xuất cảnh, nhập cảnh hoặc ở lại Việt Nam trái phép (Điều 348), hay tội tổ chức, môi giới cho người khác trốn đi nước ngoài hoặc ở lại nước ngoài trái phép (Điều 349).
Thứ năm, Một số tội có tình tiết định tội tương tự với tội phạm mua bán người hoặc sử dụng tình tiết định khung hình phạt của tội phạm mua bán người là tình tiết định tội riêng biệt nên gây ra nhiều cách hiểu khác nhau trong xác định tội danh. Ngoài ra, tình tiết “thủ đoạn khác” của tội mua bán người quy định tại Điều 150 Bộ Luật hình sự 2015 còn có nhiều cách hiểu khác nhau nên cũng dẫn đến việc xác định tội danh chưa thống nhất, mặc dù đã có Nghị quyết hướng dẫn của Hội đồng Thẩm phán TANDTC nhưng thực tế còn nhiều thủ đoạn chưa được liệt kê, viện dẫn. Việc xác định tội danh giữa tội phạm mua bán người với tội mua bán, chiếm đoạt mô hoặc bộ phận cơ thể người (Điều 154) cũng là vấn đề khó xác định, bởi lẽ, trong hành vi chiếm đoạt bộ phận cơ thể người khác thì người phạm tội cũng có hành vi mua bán, chiếm đoạt (như hành vi trộm cắp, lừa đảo) và cũng có thể có hành vi dùng vũ lực hoặc đe dọa dùng vũ lực để thực hiện hành vi chiếm đoạt bộ phận cơ thể người. Trường hợp này thì truy cứu trách nhiệm hình sự theo điều luật nào, Điều 150, 151 hay Điều 154 Bộ luật Hình sự? Do đó cần có sự sửa đổi, bổ sung và quy định, hướng dẫn cụ thể để thống nhất áp dụng chung.