15/09/2023 12:20

Quy chuẩn về điều kiện vi khí hậu tại nơi làm việc quy định thế nào?

Quy chuẩn về điều kiện vi khí hậu tại nơi làm việc quy định thế nào?

Tôi muốn biết quy chuẩn về điều kiện vi khí hậu tại nơi làm việc quy định thế nào? Trách nhiệm đảm bảo vi khí hậu nơi làm việc của cơ sở sử dụng lao động là gì?_Hoa Lệ(Lâm Đồng)

Chào chị, Ban biên tập xin giải đáp như sau:

1. Vi khí hậu là gì? Đối tượng tượng áp dụng quy chuẩn vi khí hậu nơi làm việc

Vi khí hậu là gì?

Theo quy định tại tiểu mục 3.1 Mục 3 Phần I Quy chuẩn QCVN 26:2016/BYT thì vi khí hậu nơi làm việc (Microclimate in the workplace) là điều kiện khí tượng của môi trường nơi làm việc, gồm sự tác động tổng hợp của các yếu tố nhiệt độ, độ ẩm, tốc độ chuyển động của không khí, nhiệt độ của các bề mặt vật dụng và thiết bị xung quanh tới người lao động.

Đối tượng áp dụng quy chuẩn vi khí hậu tại nơi làm việc

Theo quy định tại Mục 2 Phần I Quy chuẩn QCVN 26:2016/BYT thì quy chuẩn này áp dụng cho các cơ quan quản lý nhà nước về môi trường; các cá nhân, tổ chức thực hiện quan trắc môi trường lao động; các cá nhân, tổ chức có các hoạt động lao động, sản xuất trong đó người lao động chịu ảnh hưởng của các điều kiện vi khí hậu trong nhà tại nơi làm việc.

Lưu ý: Quy chuẩn này không áp dụng cho những nơi làm việc ngoài trời, các công trường xây dựng, trong hầm mỏ, phương tiện giao thông, nhà lạnh.

2. Yêu cầu về điều kiện vi khí hậu tại nơi làm việc phân theo từng loại lao động

Loại lao động theo điều kiện vi khí hậu

Theo tiểu mục 3.6, 3.7 và 3.8 Mục 3 Phần I Quy chuẩn QCVN 26:2016/BYT quy định phân loại lao động theo điều kiện vi khí hậu như sau:

- Lao động nhẹ (Light workloard): Gồm các dạng lao động liên quan đến ngồi, đứng, đi lại, phần lớn các động tác làm bằng tay, tiêu hao năng lượng từ 120 đến 150 kcal/giờ.

- Lao động trung bình (Medium workloard): Gồm các dạng lao động liên quan đến đứng, đi lại, dịch chuyển và gia công các chi tiết dưới 1kg ở tư thế đứng hoặc ngồi, mang vác vật nặng dưới 10kg, tiêu hao năng lượng từ 151 đến 250 kcal/giờ.

- Lao động nặng (Heavy workloard): Gồm các dạng lao động và các thao tác thực hiện ở tư thế đứng hoặc đi lại nhiều, dịch chuyển và gia công các vật nặng trên 10 kg, tiêu hao năng lượng trên 250 kcal/giờ.

Yêu cầu về điều kiện vi khí hậu tại nơi làm việc phân theo từng loại lao động

Theo quy định tại Mục 1 Phần II Quy chuẩn QCVN 26:2016/BYT thì yêu cầu về điều kiện vi khí hậu tại nơi làm việc phân theo từng loại lao động được quy định tại bảng sau:

Giá trị cho phép vi khí hậu tại nơi làm việc

Loại lao động

Khoảng nhiệt độ không khí (°C)

Độ ẩm không khí (%)

Tốc độ chuyển động không khí (m/s)

Cường độ bức xạ nhiệt theo diện tích tiếp xúc (W/m2)

Nhẹ

20 đến 34

40 đến 80

0,1 đến 1,5

35 khi tiếp xúc trên 50% diện tích cơ thể ngươi.

70 khi tiếp xúc trên 25% đến 50% diện tích cơ thể người.

100 khi tiếp xúc dưới 25% diện tích cơ thể người.

Trung bình

18 đến 32

40 đến 80

0,2 đến 1,5

Nặng

16 đến 30

40 đến 80

0,3 đến 1,5

- Đối với điều kiện lao động nóng, độ ẩm cao thì tốc độ chuyển động không khí ở nơi làm việc có thể tăng đến 2 m/s.

- Đối với điều kiện làm việc trong các phòng có điều hòa nhiệt độ, tốc độ chuyển động không khí có thể dưới 0,1 m/s đối với lao động nhẹ, dưới 0,2 m/s đối với lao động trung bình và dưới 0,3 m/s đối với lao động nặng nếu thông gió trong phòng đảm bảo nồng độ khí CO2 đạt tiêu chuẩn cho phép.

- Chênh lệch nhiệt độ theo độ cao vị trí làm việc không quá 3°C.

- Chênh lệch nhiệt độ theo chiều ngang của vùng làm việc không quá 4°C đối với lao động nhẹ, không quá 5°C đối với lao động trung bình và không quá 6°C đối với lao động nặng. Nhiệt độ chênh lệch trong nơi sản xuất và ngoài trời không vượt quá 5°C.

Phương pháp xác định vi khí hậu nơi làm việc theo TCVN 5508 - 2009: Không khí vùng làm việc - Yêu cầu về điều kiện vi khí hậu và phương pháp đo.

Như vậy, tùy theo tính chất và mức độ công việc của từng loại lao động có sự khác nhau thì việc áp dụng điều kiện vi khí hậu tại nơi làm việc cũng sẽ khác nhau.

3. Trách nhiệm đảm bảo vi khí hậu nơi làm việc của cơ sở sử dụng lao động là gì?

Theo quy định tại Phần IV Quy chuẩn QCVN 26:2016/BYT thì trách nhiệm đảm bảo vi khí hậu nơi làm việc của cơ sở sử dụng lao động như sau:

- Các cơ sở có người lao động tiếp xúc với các yếu tố vi khí hậu phải định kỳ tổ chức đo kiểm tra vi khí hậu nơi làm việc tối thiểu 1 lần/năm và theo các quy định của Bộ luật lao động, Luật an toàn, vệ sinh lao động.

- Người sử dụng lao động phải cung cấp đầy đủ phương tiện bảo hộ lao động cho người lao động phù hợp với môi trường làm việc theo quy định của pháp luật An toàn, vệ sinh lao động.

- Nếu vi khí hậu tại nơi làm việc không đạt giá trị cho phép, người sử dụng lao động phải thực hiện ngay các giải pháp cải thiện điều kiện lao động và bảo vệ sức khỏe người lao động.

Như vậy, Quy chuẩn QCVN 26:2016/BYT nhằm tạo môi trường làm việc lành mạnh, đảm bảo an toàn sức khỏe và năng suất lao động cho người lao động thông qua việc quy định các yêu cầu tối thiểu về vi khí hậu tại nơi làm việc. Đồng thời, góp phần nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cơ sở sử dụng lao động, người lao động và trách nhiệm của xã hội trong việc duy trì và cải thiện điều kiện vi khí hậu tại nơi làm việc cho người lao động.

Trân trọng!

Hứa Lê Huy
6577

Đây là nội dung tóm tắt, thông báo văn bản mới dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc vui lòng gửi về Email: info@thuvienphapluat.vn