Chào anh, Ban biên tập xin trả lời như sau:
Theo quy định tại Điều 107 Luật Nhà ở 2014 quy định về bảo trì nhà chung cư như sau:
1. Bảo trì nhà chung cư bao gồm bảo trì phần sở hữu riêng và bảo trì phần sở hữu chung. Chủ sở hữu nhà chung cư có trách nhiệm bảo trì phần sở hữu riêng và đóng góp kinh phí để thực hiện bảo trì phần sở hữu chung của nhà chung cư.
2. Việc đóng góp kinh phí bảo trì phần sở hữu chung của nhà chung cư có nhiều chủ sở hữu được thực hiện theo quy định tại Điều 108 của Luật này; việc sử dụng kinh phí bảo trì phần sở hữu chung có nhiều chủ sở hữu được thực hiện theo quy định tại Điều 109 của Luật này.
Như vậy, có thể hiểu quỹ bảo trì nhà chung cư là khoản kinh phí do các các chủ sở hữu nhà chung đóng góp tạo kinh phí để bảo trì phần sở hữu chung của nhà chung cư.
Theo quy định tại khoản 1 Điều 109 Luật Nhà ở 2014 thì trong thời hạn 07 ngày chủ đầu tư phải chuyển giao kinh phí cho bảo trì cho Ban quản trị để thực hiện xử lý. Đồng thời tại khoản 2 Điều 67 Nghị định 16/2022/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm về quản lý sử dụng nhà chung cư đối với chủ đầu tư, trong đó:
2. Phạt tiền từ 160.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:
…
e) Không bàn giao, bàn giao chậm, bàn giao không đầy đủ hoặc bàn giao không đúng đối tượng nhận kinh phí bảo trì và lãi suất tiền gửi kinh phí bảo trì phần sở hữu chung nhà chung cư theo quy định;
Như vậy, trong trường hợp chủ đầu tư không thực hiện bàn giao, bàn giao chậm, bàn giao không đầy đủ hay bàn giao không đúng đối tượng nhận kinh phí bảo trì thì sẽ bị xử phạt từ 160.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng và áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả là buộc bàn giao kinh phí bảo trì phần sở hữu chung nhà chung cư.
Lưu ý: Mức phạt tiền nêu trên là mức phạt áp dụng đối với tổ chức. Đối với cùng một hành vi vi phạm hành chính thì mức phạt tiền đối với cá nhân bằng 1/2 mức phạt tiền đối với tổ chức (theo điểm c khoản 3 Điều 4 Nghị định 16/2022/NĐ-CP).
Khi chủ đầu tư không thực hiện việc bàn giao kinh phí theo quy định, thì thủ tục cưỡng chế bàn giao sẽ được thực hiện theo quy định tại Điều 37 Nghị định 99/2015/NĐ-CP, sửa đổi bổ sung bởi Nghị định 30/2021/NĐ-CP như sau:
- Ban quản trị có văn bản đề nghị UBND cấp tỉnh nơi có nhà chung cư yêu cầu chủ đầu tư bàn giao kinh phí bảo trì phần sở hữu chung của nhà chung cư theo quy định tại Điều 36 của Nghị định 99/2015/NĐ-CP.
- Trong thời hạn 10 ngày, kể từ ngày nhận được văn bản của Ban quản trị nhà chung cư, UBND cấp tỉnh có văn bản yêu cầu tổ chức tín dụng nơi chủ đầu tư mở tài khoản tiền gửi kinh phí bảo trì cung cấp thông tin về số tài khoản, số tiền trong tài khoản.
Trong thời hạn 07 ngày, kể từ ngày nhận được văn bản của UBND cấp tỉnh, tổ chức tín dụng có trách nhiệm cung cấp thông tin cho UBND cấp tỉnh;
- Căn cứ vào thông tin do tổ chức tín dụng cung cấp, UBND cấp tỉnh ban hành Quyết định cưỡng chế thu hồi kinh phí bảo trì để bàn giao cho Ban quản trị nhà chung cư. Quyết định cưỡng chế này được gửi đến Sở Xây dựng, chủ đầu tư, Ban quản trị nhà chung cư và tổ chức tín dụng nơi chủ đầu tư mở tài khoản để thực hiện chuyển giao kinh phí bảo trì;
- Trong thời hạn 05 ngày, kể từ ngày nhận được Quyết định cưỡng chế của UBND cấp tỉnh, tổ chức tín dụng đang quản lý tài khoản tiền gửi kinh phí bảo trì có trách nhiệm chuyển kinh phí này sang tài khoản do Ban quản trị nhà chung cư lập để quản lý, sử dụng theo quy định của pháp luật về nhà ở;
Sau khi chuyển kinh phí bảo trì sang tài khoản của Ban quản trị nhà chung cư, tổ chức tín dụng phải có văn bản thông báo cho UBND cấp tỉnh, Sở Xây dựng, chủ đầu tư và Ban quản trị nhà chung cư biết.
Trân trọng!