04/04/2022 16:10

Quản lý thu chi tiền công đức, tổ chức lễ hội

Quản lý thu chi tiền công đức, tổ chức lễ hội

Bộ Tài chính đang lấy ý kiến góp ý của nhân dân với dự thảo (lần 3) Thông tư quy định quản lý, thu chi tài chính cho công tác tổ chức lễ hội và tiền công đức, tài trợ cho di tích và hoạt động lễ hội. Tạp chí TAND điện tử giới thiệu một số nội dung quy định trong dự thảo Thông tư

Dự thảo Thông tư được bố cục gồm 4 chương và 16 điều, trong đó:

Về “Lễ hội do cơ quan nhà nước tổ chức” và “Lễ hội không phải do cơ quan nhà nước tổ chức”:

- Lễ hội do cơ quan nhà nước tổ chức, trong đó: (1) Lễ hội do Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch và UBND cấp tỉnh phối hợp tổ chức, tiêu biểu là Lễ hội Đền Hùng ở Phú Thọ được tổ chức vào các năm tròn, dịp kỷ niệm Ngày Giỗ Tổ Hùng Vương (10-3 Âm lịch) theo điểm a khoản 2 Điều 7 Nghị định số 145/2013/NĐ-CP; (2) Lễ hội do cơ quan nhà nước ở địa phương tổ chức, tiêu biểu: Lễ Hội Đền Hùng ở Phú Thọ (tổ chức vào các năm lẻ 5 và các năm khác); lễ hội chùa Keo ở Thái Bình; lễ hội Tịch điền ở Hà Nam; lễ hội Hoa Ban của dân tộc Thái ở Tây Bắc…

- Lễ hội không phải do cơ quan nhà nước tổ chức, tiêu biểu: (1) Lễ Hội Cầu Ngư của nhân dân làng Thái Dương Hạ ở tỉnh Thừa Thiên Huế; (2) lễ hội Yến Sào Nha Trang ở tỉnh Khánh Hòa; (3) lễ hội Yên Tử ở tỉnh Quảng Ninh, lễ Phật đản của Phật giáo; (4) lễ Giáng sinh, Phục sinh của đạo Công giáo, đạo Tin lành; (6) Đại lễ Hội Yến Diêu Trì Cung của Hội thánh Cao đài Tây Ninh…

 “Di tích là cơ sở tôn giáo, do tổ chức tôn giáo quản lý, sử dụng” và “Ban Quản lý di tích là tổ chức kiêm nhiệm:

Theo Điều 11 Nghị định số 98/2010/NĐ-CP, có 4 loại di tích, gồm: (1) Di tích lịch sử (di tích lưu niệm sự kiện, di tích lưu niệm danh nhân), (2) di tích kiến trúc nghệ thuật, (3) di tích khảo cổ và (4) danh lam thắng cảnh.

Xét về góc độ quản lý tài chính được chia theo 4 nhóm chủ thể là chủ sở hữu hoặc được giao quản lý, sử dụng di tích như sau:

Nhóm 1: Di tích là cơ sở tôn giáo. Theo khoản 14 Điều 2 Luật Tín ngưỡng, tôn giáo: Cơ sở tôn giáo gồm chùa, nhà thờ, nhà nguyện, thánh thất, thánh đường, trụ sở và cơ sở hợp pháp khác của tổ chức tôn giáo. Theo các Điều 28, 29 và 30 Luật Di sản văn hóa, cơ sở tôn giáo là di tích khi đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền xếp hạng di tích. Do đó, đối với cơ sở tôn giáo chưa được công nhận là di tích thì không thuộc đối tượng áp dụng Thông tư này.

Một số cơ sở tôn giáo là di tích như: (1) Cơ sở Phật giáo: Chùa Quán Sứ và chùa Thiên Phúc ở Hà Nội, Chùa Keo ở Thái Bình, chùa Côn Sơn ở Hải Dương, chùa Thiên Mụ ở Thừa Thiên Huế; (2) Cơ sở Công giáo: Nhà thờ đá Phát Diệm ở Ninh Bình, Nhà thờ chánh tòa Kon Tum ở Kon Tum; (3) Cơ sở Cao Đài: Tòa Thánh Tây Ninh ở tỉnh Tây Ninh, Tòa thánh Cao đài Ban chỉnh ở Bến Tre,…

Nhóm 2: Di tích thuộc sở hữu tư nhân, tiêu biểu: Dinh thự họ Vương ở cao nguyên đá Đồng Văn, Hà Giang; Nhà cổ ở phố cổ Hội An, Quảng Nam. Di tích thuộc nhóm này có đặc điểm là kinh phí đầu tư xây dựng do tư nhân bảo đảm, việc bảo vệ và phát huy giá trị di tích cũng do chủ sở hữu di tích quyết định.

Nhóm 3: Di tích giao cho đơn vị sự nghiệp công lập quản lý, sử dụng, gồm Ban Quản lý di tích, Ban Quản lý khu di tích và tổ chức có tên gọi khác là đơn vị sự nghiệp công lập (được thành lập, tổ chức lại theo Nghị định số 120/2020/NĐ-CP ngày 07/10/2020 của Chính phủ quy định về thành lập, tổ chức lại, giải thể đơn vị sự nghiệp công lập) để quản lý, sử dụng đối với các di tích có giá trị đặc biệt của quốc gia, nằm trên địa bàn có ưu thế về tài nguyên du lịch, được Nhà nước quy hoạch, đầu tư nhằm phát huy giá trị di tích gắn với phát triển du lịch. Sau đây là 6 đơn vị sự nghiệp công lập tiêu biểu thuộc 6 cơ quan khác nhau:

(1) Khu Di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch: là đơn vị sự nghiệp thuộc Bộ Văn hóa, Thể Thao và Du lịch, được thành lập theo Quyết định số 481/QĐ-BVHTTDL ngày 03/3/2014 của Bộ Văn hóa, Thể Thao và Du lịch.

(2) Ban Quản lý khu di tích lịch sử Đền Hùng, là đơn vị sự nghiệp thuộc UBND tỉnh Phú Thọ, được thành lập theo Quyết định số 1522/2005/QĐ-UBND ngày 09/6/2005 của UBND tỉnh Phú Thọ.

(3) Ban Quản lý di tích lịch sử quốc gia Đền Cửa Ông: là đơn vị sự nghiệp thuộc UBND thành phố Cẩm Phả-Quảng Ninh, được thành lập theo Quyết định số 4220/QĐ-UBND ngày 30/10/2019 của UBND tỉnh Quảng Ninh.

(4) Trung tâm Quản lý di tích Thành cổ Quảng Trị, là đơn vị sự nghiệp thuộc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Quảng Trị, được thành lập theo Quyết định số 2101/QĐ-UBND ngày 14/9/2018 của UBND tỉnh Quảng Trị.

(5) Ban Quản lý khu di tích Ngã ba Đồng Lộc, là đơn vị sự nghiệp thuộc Tỉnh đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh Hà Tĩnh, được thành lập theo Quyết định số 689/QĐ-UBND ngày 12/6/1998 của UBND tỉnh Hà Tĩnh.

(6) Ban Quản lý khu di tích thành Cổ Loa, Hà Nội, là đơn vị sự nghiệp thuộc Trung tâm bảo tồn di sản Thăng Long - Hà Nội, được thành lập theo Quyết định số 7228/QĐ-UBND ngày 30/12/2014 của UBND thành phố Hà Nội.

Nhóm 4: Di tích giao cho Ban Quản lý di tích là tổ chức kiêm nhiệm quản lý, sử dụng. Căn cứ quy định tại Nghị định số 98/2010/NĐ-CP và Thông tư số 15/2019/TT-BVHTTDL ngày 31/12/2019 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, tại các địa phương đều có văn bản quy định của Chủ tịch UBND cấp tỉnh về quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di tích trên địa bàn, trong đó:

Di tích thuộc nhóm này chủ yếu là cơ sở tín ngưỡng gồm đình, đền, miếu, nhà thờ và những cơ sở tương tự khác đã được xếp hạng di tích, nơi không đủ điều kiện thành lập đơn vị sự nghiệp công lập. Tại các địa phương thành lập Ban Quản lý di tích là tổ chức hoạt động theo chế độ kiêm nhiệm để bảo vệ và phát huy giá trị đối với từng di tích hoặc nhóm di tích trên địa bàn. Thành phần Ban Quản lý di tích gồm đại diện các cơ quan, đơn vị, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức khác và cá nhân có liên quan đến việc bảo vệ và phát huy giá trị di tích, tùy theo quy định của địa phương.

1.3. Khoản 5 giải thích “Tiền công đức, tài trợ”, lý do: thuật ngữ “tiền công đức” chỉ có trong quy định tại khoản 6 Điều 19 Nghị định số 110/2018/NĐ-CP; tuy nhiên, Nghị định này không có nội dung giải thích “tiền công đức”. Tại các Luật Di sản văn hóa, Luật Tín ngưỡng, tôn giáo, Luật NSNN và các Nghị định của Chính phủ, trong Từ điển Tiếng Việt không có “tiền công đức”.

Về quy định nguồn tài chính cho công tác tổ chức lễ hội:

Tại điểm đ khoản 1 Điều 4 quy định nguồn NSNN hỗ trợ lễ hội truyền thống được căn cứ vào quy định tại khoản 1 Điều 4 Nghị định số 110/2018/NĐ-CP về chính sách của Nhà nước về lễ hội: “Hỗ trợ hoạt động phục dựng, bảo vệ lễ hội truyền thống nhằm duy trì các giá trị văn hóa đặc sắc, tiêu biểu, đáp ứng đời sống tinh thần của nhân dân”. Theo quy định này, chỉ có hoạt động phục dựng, bảo vệ lễ hội truyền thống mới được NSNN xem xét hỗ trợ, đối với các hoạt động lễ hội khác phải được sử dụng từ các nguồn tài chính ngoài NSNN.

Về quy định tiếp nhận, quản lý, sử dụng kinh phí đối với lễ hội do cơ quan nhà nước tổ chức:

Có thể tiếp nhận tiền công đức theo hình thức chuyển khoản: Tại điểm a khoản 2 Điêu 5 của Thông tư quy định: Mở tài khoản riêng tại Kho bạc Nhà nước hoặc ngân hàng thương mại để phản ánh việc tiếp nhận, quản lý, sử dụng kinh phí cho hoạt động lễ hội theo hình thức chuyển khoản, phương thức thanh toán điện tử” để bảo đảm tách bạch, công khai, minh bạch, đúng mục đích trong hoạt động lễ hội tại các cơ quan nhà nước; đồng thời, bảo đảm thuận lợi cho công tác kiểm tra, thanh tra, giám sát việc quản lý thu, chi tài chính cho hoạt động lễ hội.

Về quy định tiếp nhận tiền công đức, tài trợ cho di tích:

Tại khoản 1 Điều 9 của Thông tư quy định: “Mở tài khoản tại Kho bạc Nhà nước hoặc ngân hàng thương mại để phản ánh việc tiếp nhận, quản lý, sử dụng tiền công đức, tài trợ cho di tích theo hình thức chuyển khoản, phương thức thanh toán điện tử”.

Quy định nêu trên để bảo đảm cho việc tiếp nhận, quản lý tiền công đức, tài trợ an toàn, thuận tiện, lý do: thời gian qua đã xảy rất nhiều vụ trộm cắp tài sản tại các di tích, có không ít nhà chùa trình báo mất trộm[2] hàng tỷ đồng; mặt khác, khi xảy ra đại dịch Covid-19, có nhiều tổ chức, cá nhân có nhu cầu công đức, tài trợ cho di tích nhưng không thực hiện được do thực hiện giãn cách xã hội.

Về quy định quản lý, sử dụng tiền công đức, tài trợ đối với di tích là cơ sở tôn giáo, do tổ chức tôn giáo quản lý, sử dụng:

Thứ nhất, căn cứ vào quy định của Luật Di sản văn hóa:

- Khoản 1 Điều 8: “Mọi di sản văn hóa trên lãnh thổ Việt Nam, thuộc các hình thức sở hữu, đều được bảo vệ và phát huy giá trị”.

- Khoản 1 Điều 33: “Tổ chức, cá nhân là chủ sở hữu hoặc được giao quản lý, sử dụng di tích có trách nhiệm bảo vệ di tích đó”.

- Điều 62: Nguồn tài chính dành cho việc bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa phải được quản lý, sử dụng đúng mục đích và có hiệu quả”.

Thứ hai, căn cứ vào quy định của Luật Tín ngưỡng, tôn giáo:

- Điều 3: “Trách nhiệm của Nhà nước: Tôn trọng, bảo hộ cơ sở tín ngưỡng, cơ sở tôn giáo và tài sản hợp pháp của cơ sở tín ngưỡng, tổ chức tôn giáo”.

- Khoản 6 Điều 7: “Quyền của tổ chức tôn giáo, tổ chức tôn giáo trực thuộc: Nhận tài sản hợp pháp do tổ chức, cá nhân trong nước và tổ chức, cá nhân nước ngoài tự nguyện tặng cho”.

- Khoản 1 và 2 Điều 56: “Tài sản của cơ sở tín ngưỡng, tổ chức tôn giáo bao gồm quyên góp, tặng cho của tổ chức, cá nhân… phải được quản lý, sử dụng đúng mục đích và phù hợp với quy định của pháp luật”.

- Khoản 3 Điều 56: “Cơ sở tín ngưỡng, cơ sở tôn giáo được hình thành theo tập quán, do các thành viên của cộng đồng cùng nhau đóng góp, quyên góp, được tặng cho chung hoặc từ các nguồn khác phù hợp với quy định của pháp luật nhằm phục vụ nhu cầu tín ngưỡng, tôn giáo của cộng đồng là tài sản thuộc sở hữu chung của cộng đồng”.

Về quy định nội dung chi, mức chi bảo vệ và phát huy giá trị di tích:

“Chi hoạt động tôn giáo theo quy định của pháp luật về tín ngưỡng, tôn giáo (đối với di tích là cơ sở tôn giáo, do tổ chức tôn giáo quản lý, sử dụng)” trên cơ sở quy định tại khoản 11 Điều 2 Luật Tín ngưỡng, tôn giáo “Hoạt động tôn giáo là hoạt động truyền bá tôn giáo, sinh hoạt tôn giáo và quản lý tổ chức của tôn giáo”. Theo đó, “chi hoạt động tôn giáo” là khoản chi thường xuyên, bao gồm chi cho hoạt động của nhà tu hành, chức sắc, chức việc trong tổ chức tôn giáo; nội dung chi cụ thể do tổ chức tôn giáo quy định.

Như vậy, với quy định trong dự thảo Thông tư đã đáp ứng được cơ bản các yêu cầu đặt ra trong thực tiễn quản lý, thu chi tài chính cho công tác tổ chức lễ hội và tiền công đức, tài trợ cho di tích và hoạt động lễ hội, cụ thể:

(1) Làm rõ các chủ thể tổ chức lễ hội, quản lý và sử dụng di tích, trên cơ sở đó quy định cụ thể trách nhiệm các chủ thể trong quản lý, thu chi tài chính cho công tác tổ chức lễ hội và tiền công đức, tài trợ cho di tích và hoạt động lễ hội.

Cơ sở tín ngưỡng, cơ sở tôn giáo chưa được cơ quan nhà nước có thẩm quyền công nhận là di tích thì không thuộc đối tượng áp dụng Thông tư này.

(2) Đối với lễ hội: Kinh phí tổ chức lễ hội được sử dụng từ các nguồn tài chính ngoài ngân sách nhà nước (ngân sách nhà nước hỗ trợ đối với hoạt động phục dựng, bảo vệ lễ hội truyền thống, bảo đảm phù hợp khả năng cân đối của ngân sách nhà nước). Cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân tổ chức lễ hội phải quản lý, sử dụng các nguồn tài chính cho tổ chức lễ hội hiệu quả, bảo đảm đúng mục đích, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí và phòng, chống tham nhũng.

(3) Đối với cơ sở tôn giáo là di tích đã được xếp hạng: Trường hợp tại di tích không có hoạt động lễ hội do cơ quan nhà nước tổ chức, thì tiền công đức, tài trợ cho di tích hoàn toàn do tổ chức tôn giáo quản lý và sử dụng. Trường hợp tại di tích có hoạt động lễ hội truyền thống do cơ quan nhà nước tổ chức định kỳ, thì tiền công đức, tài trợ cho di tích được trích một phần để chi cho hoạt động tổ chức lễ hội tại di tích, phần còn lại do tổ chức tôn giáo quản lý và sử dụng.

(4) Mở tài khoản, mở sổ sách để phản ánh, ghi chép các khoản thu, chi từ nguồn hỗ trợ, tài trợ, đóng góp tự nguyện của tổ chức, cá nhân cho công tác tổ chức lễ hội, bảo vệ và phát huy giá trị di tích là nguyên tắc quản lý tài chính, được áp dụng bắt buộc trong các cơ quan nhà nước. Các tổ chức, cá nhân khác được vận dụng để thực hiện, bảo đảm quản lý an toàn, công khai, minh bạch, tạo niềm tin cho mọi người có đóng góp tài chính /.

[1] Bắc Cạn (Quyết định số 1454/2013/QĐ-UBND ngày 10/9/2013); Thái Nguyên (Quyết định số 13/2021/QĐ-UBND ngày 15/3/2021); Hà Giang (Quyết định số 1653/QĐ-UBND ngày 11/8/2021); Hải Dương (Quyết định số 21/2021/QĐ-UBND ngày 17/9/2021); Nam Định (Quyết định số 19/2017/QĐ-UBND ngày 07/7/2017); Thái Bình (Quyết định số 2033/QĐ-UBND ngày 27/7/2017); Nghệ An (Quyết định số 18/QĐ-UBND ngày 16/02/2016); Quảng Bình (Quyết định số 26/2018/QĐ-UBND ngày 22/10/2018); Tây Ninh (Quyết định số 50/2019/QĐ-UBND ngày 27/11/2019); Đng Nai (Quyết định số 1150/QĐ-UBND ngày 07/4/2021); Trà Vinh (Quyết định số 21/2020/QĐ-UBND ngày 15/9/2020); Cà Mau (Quyết định số 29/2021/QĐ-UBND ngày 08/10/2021),…

[2] Nguồn các báo điện tử: Chùa Phước Nguyên ở Tam Phước, Châu Thành, Bến Tre (tháng 5/2020 bị kẻ gian đột nhập vào phòng nghỉ của trụ trì chùa, lấy trộm gần 20 lượng vàng, trị giá hơn 1 tỷ đồng). Thiền viện Trúc Lâm Chánh Giác ở Thạnh Tân, Tân Phước, Tiền Giang (tháng 11/2015 mất trộm khoảng 170 triệu đồng). Chùa Quảng Phước ở Tân Xuân, Hàm Tân, Bình Thuận (tháng 6/2018 bị kẻ gian đột nhập lấy trộm hơn 60 triệu đồng tiền cúng dường trong lễ Phật Đản). Chùa Đậu ở xã Nguyễn Trãi, Thường Tín, Hà Nội (tháng 9 và 10/2018, kẻ trộm 3 lần đột nhập vào phòng của trụ trì chùa lấy trộm tổng số 410 triệu đồng) …

HÀ CHI

Nguồn: Tạp chí Tòa án nhân dân điện tử

3110

Đây là nội dung tóm tắt, thông báo văn bản mới dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc vui lòng gửi về Email: info@thuvienphapluat.vn