23/09/2024 10:37

Quân hàm sĩ quan quân đội có mấy cấp bậc? Cách nhận biết quân hàm sĩ quan quân đội

Quân hàm sĩ quan quân đội có mấy cấp bậc? Cách nhận biết quân hàm sĩ quan quân đội

Quân hàm sĩ quan quân đội gồm có mấy cấp bậc? Phân biệt quân hàm sĩ quan quân đội như thế nào?

Quân hàm sĩ quan quân đội có mấy cấp bậc?

Căn cứ tại Điều 10 Luật Sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam năm 1999 quy định về hệ thống cấp bậc quân hàm sĩ quan. Theo đó quân hàm sĩ quan quân đội gồm có 3 cấp và 12 bậc, cụ thể như sau:

- Thứ nhất là cấp Úy. Cấp úy có 4 bậc, bao gồm: Thiếu uý; Trung uý; Thượng uý; Đại uý.

- Thứ hai là cấp Tá. Cấp tá có 4 bậc, gồm: Thiếu tá; Trung tá; Thượng tá; Đại tá.

- Thứ ba là cấp Tướng. Có 4 bậc, bao gồm: Thiếu tướng, Chuẩn Đô đốc Hải quân; Trung tướng, Phó Đô đốc Hải quân; Thượng tướng, Đô đốc Hải quân; Đại tướng. Trong đó Đại tướng là cấp bậc quân hàm sĩ quan cao nhất trong Quân đội nhân dân Việt Nam.

Cách nhận biết quân hàm sĩ quan quân đội

Cấp hiệu (hay quân hàm) trên vai áo là một điểm đặc trưng, thể hiện cấp bậc của quân nhân trong Quân đội nhân dân Việt Nam.

Theo Điều 6 Nghị định 82/2016/NĐ-CP thì tùy vào từng cấp bậc mà cấp hiệu của sĩ quan sẽ có hình dáng cụ thể như sau:

(1) Đối với cấp Úy

Cấp hiệu của sĩ quan cấp úy có 01 vạch ở đầu vuông, cúc cấp hiệu hình tròn, dập nổi hoa văn hình hai bông lúa xung quanh và ngôi sao 05 cánh ở giữa. Cụ thể số lượng ngôi sao trên quân hàm cấp úy như sau: Thiếu úy 01 sao, Trung úy 02 sao, Thượng úy 03 sao và Đại úy 04 sao.

(2) Đối với cấp Tá

Cấp hiệu của sĩ quan cấp tá cũng có hình dáng tương tự như cấp úy, tuy nhiên có đến 02 vạch ở đầu vuông, đồng thời cũng có số lượng sao là: Thiếu tá 01 sao, Trung tá 02 sao, Thượng tá 03 sao và Đại tá 04 sao.

(3) Đối với cấp Tướng

Khác biệt với cấp Úy và cấp Tá, cấp hiệu của sĩ quan cấp Tướng không có gạch ngang, cúc cấp hiệu có in hình Quốc huy, và trên nền cấp hiệu có in chìm hoa văn mặt trống đồng với tâm nằm ở vị trí gắn cúc cấp hiệu. Số lượng sao của cấp Tướng là: Thiếu tướng, Chuẩn Đô đốc Hải quân 01 sao, Trung tướng, Phó Đô đốc Hải quân 02 sao, Thượng tướng, Đô đốc Hải quân 03 sao và Đại tướng 04 sao.

Ngoài ra, tùy vào từng lực lượng mà nền và viền cấp hiệu của quân hàm quân đội cũng sẽ khác nhau, cụ thể:

 Lục quân, Tác chiến không gian mạng và Bảo vệ Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh có nền cấp hiệu màu vàng và viền cấp hiệu màu đỏ tươi.

- Phòng không - Không quân có nền cấp hiệu màu vàng và viền cấp hiệu màu xanh da trời.

- Hải quân có nền cấp hiệu màu vàng và viền cấp hiệu màu tím than.

- Cảnh sát biển có nền cấp hiệu màu xanh dương và viền cấp hiệu màu vàng.

- Bộ đội Biên phòng có nền cấp hiệu màu xanh lá cây và viền cấp hiệu màu đỏ.

Sĩ quan tại ngũ cần đáp ứng những điều kiện nào để được thăng quân hàm?

Theo khoản 1 Điều 17 Luật Sĩ quan Quân đội nhân dân dân Việt Nam năm 1999 (sửa đổi, bổ sung năm 2014) thì sĩ quan tại ngũ được thăng quân hàm đi đáp ứng đầy đủ các điều kiện sau:

(1) Có đầy đủ tiêu chuẩn của sĩ quan gồm:

- Có bản lĩnh chính trị vững vàng, tuyệt đối trung thành với Tổ quốc và nhân dân, với Đảng Cộng sản Việt Nam và Nhà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam; có tinh thần cảnh giác cách mạng cao, sẵn sàng chiến đấu, hy sinh, hoàn hành tốt mọi nhiệm vụ được giao;

- Có phẩm chất đạo đức cách mạng; cần kiệm liêm chính, chí công vô tư; gương mẫu chấp hành đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; phát huy dân chủ, giữ nghiêm kỷ luật quân đội; tôn trọng và đoàn kết với nhân dân, với đồng đội; được quần chúng tín nhiệm;

- Có trình độ chính trị, khoa học quân sự và khả năng vận dụng sáng tạọ chủ nghĩa Mác - Lê nin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối, quan điểm, chủ trương của Đảng và Nhà nước vào nhiệm vụ xây dựng nền quốc phòng toàn dân, xây dựng quân đội nhân dân; có kiến thức về văn hoá, kinh tế, xã hội, pháp luật và các lĩnh vực khác; có năng lực hoạt động thực tiễn đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ được giao; tốt nghiệp chương trình đào tạo theo quy định đối với từng chức vụ;

- Có lý lịch rõ ràng, tuổi đời và sức khoẻ phù hợp với chức vụ, cấp bậc quân hàm mà sĩ quan đảm nhiệm.

- Đáp ứng các tiêu chuẩn cụ thể đối với từng chức vụ của sĩ quan do cấp có thẩm quyền quy định.

(2) Có cấp bậc quân hàm hiện tại thấp hơn cấp bậc quân hàm cao nhất quy định đối với chức vụ, chức danh đang đảm nhiệm;

(3) Đủ thời hạn xét thăng quân hàm, cụ thể:

- Từ thiếu úy lên Trung úy: Thời hạn là 2 năm;

- Từ Trung úy lên Thượng úy: Thời hạn là 3 năm;

- Từ Thượng úy lên Đại úy: 3 năm;

- Từ Đại úy lên Thiếu tá: Thời hạn là 4 năm;

- Từ Thiếu tá lên Trung tá: Thời hạn là 4 năm;

- Từ Trung tá lên Thượng tá: Thời hạn là 4 năm;

- Từ Thượng tá lên Đại tá: Thời hạn là 4 năm;

- Từ Đại tá lên Thiếu tướng, Chuẩn Đô đốc Hải quân tối thiểu là 4 năm;

- Thiếu tướng, Chuẩn Đô đốc Hải quân lên Trung tướng, Phó Đô đốc Hải quân: Thời hạn tối thiểu là 4 năm;

- Từ Trung tướng, Phó Đô đốc Hải quân lên Thượng tướng, Đô đốc Hải quân: Thời hạn tối thiểu là 4 năm;

- Từ Thượng tướng, Đô đốc Hải quân lên Đại tướng: Thời hạn tối thiểu là 4 năm.

- Đối với sĩ quan tại ngũ lập thành tích đặc biệt xuất sắc thì được xét thăng quân hàm vượt bậc, nhưng không vượt quá cấp bậc.

Đỗ Minh Hiếu
12743

Đây là nội dung tóm tắt, thông báo văn bản mới dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc vui lòng gửi về Email: [email protected]