07/02/2020 07:49

QSDĐ cấp cho hộ gia đình, chủ hộ có được lập di chúc để phân chia?

QSDĐ cấp cho hộ gia đình, chủ hộ có được lập di chúc để phân chia?

Đất đai ngày càng có giá trị cao, chính vì vậy dù là quan hệ bố mẹ, con cái, anh chị em trong gia đình thì việc tranh giành, tranh chấp đất đai vẫn thường xuyên xảy ra. Và một trong những tranh chấp đất đai thường gặp là tranh chấp liên quan đến việc định đoạt đối với quyền sử dụng đất cấp cho hộ gia đình. Vậy, chủ hộ, mỗi thành viên trong hộ có quyền định đoạt như thế nào đối với quyền sử dụng đất cấp cho hộ gia đình và có được lập di chúc để phân chia quyền sử dụng đất đó không?

Điển hình tại Bản án 19/2019/DS-PT ngày 10/04/2019 về yêu cầu tuyên bố di chúc vô hiệu, theo đó:

“Hộ cụ Trần Thị Lư là hộ gia đình xã viên Hợp tác xã, năm 1993 được Nhà nước giao quyền sử dụng 3.907,3m2 đất tại số thửa 80, tờ bản đồ số 40 tọa lạc tại thị trấn T. Tại thời điểm giao quyền sử dụng đất, hộ cụ Trần Thị Lư gồm 05 người: Trần Thị Lư, Tăng H, Tăng Thị To, Tăng Quốc Tu và Tăng Thị Mỹ N.

Ngày 16/4/2008, bà Trần Thị Lư lập di chúc lấy khối tài sản chung là quyền sử dụng đất 3.907m2, chia cho tám người con, cháu gồm: Tăng Thị Nh; Tăng Thị Đ; Tăng Thị Chu; Tăng Thị Ng; Tăng Thị C; Tăng Hồng S; Tăng Thị M và Tăng Long Ch.

Ông Tăng H cho rằng việc bà Lư tự ý lấy khối tài sản chung chia cho những người trên là xâm phạm đến quyền và lợi ích hợp pháp của các thành viên trong hộ bà Lư, Ủy ban nhân dân thị trấn T chứng thực di chúc cho bà Lư là không đúng pháp luật, nên ông yêu cầu tuyên bố di chúc vô hiệu.”

Tòa án nhận định:

Thửa đất tại số thửa 80 trên thuộc sở hữu chung của các thành viên trong hộ cụ Lư. Việc cụ Lư lập di chúc tự định đoạt toàn bộ phần đất cấp cho hộ gia đình cụ cho 08 người con cháu của cụ mà không thông báo cũng như được sự đồng ý của các đồng sở hữu đối với thửa đất trên là không đúng quy định tại Điều 216 BLDS 2005 về quyền đối với tài sản thuộc sở hữu chung. Nên di chúc của cụ Trần Thị Lư lập ngày 16/4/2008 được Ủy ban nhân dân thị trấn T chứng thực là không đúng quy định tại Điều 667 BLDS 2005. Tuy nhiên, cụ Lư vẫn có quyền định đoạt đối với phần tài sản thuộc sở hữu của mình (quyền sử dụng đất ở và quyền sử dụng đất trồng cây lâu năm được cân đối giao quyền cùng với hộ gia đình). Vì vậy, Tòa án tuyên di chúc trên vô hiệu một phần.

Theo quy định tại Điều 108 Bộ luật dân sự 2005 thì tài sản chung của hộ gia đình cũng như việc định đoạt tài sản chung được quy định như sau:

Điều 108. Tài sản chung của hộ gia đình

Tài sản chung của hộ gia đình gồm quyền sử dụng đất, quyền sử dụng rừng, rừng trồng của hộ gia đình, tài sản do các thành viên đóng góp, cùng nhau tạo lập nên hoặc được tặng cho chung, được thừa kế chung và các tài sản khác mà các thành viên thoả thuận là tài sản chung của hộ.

Điều 109. Chiếm hữu, sử dụng, định đoạt tài sản chung của hộ gia đình

1. Các thành viên của hộ gia đình chiếm hữu và sử dụng tài sản chung của hộ theo phương thức thoả thuận.

2. Việc định đoạt tài sản là tư liệu sản xuất, tài sản chung có giá trị lớn của hộ gia đình phải được các thành viên từ đủ mười lăm tuổi trở lên đồng ý; đối với các loại tài sản chung khác phải được đa số thành viên từ đủ mười lăm tuổi trở lên đồng ý.

Nội dung tài sản sở hữu chung theo phần được quy định tại Bộ luật dân sự 2005 như sau:

Điều 216. Sở hữu chung theo phần

1. Sở hữu chung theo phần là sở hữu chung mà trong đó phần quyền sở hữu của mỗi chủ sở hữu được xác định đối với tài sản chung.

2. Mỗi chủ sở hữu chung theo phần có quyền, nghĩa vụ đối với tài sản thuộc sở hữu chung tương ứng với phần quyền sở hữu của mình, trừ trường hợp có thoả thuận khác.

Như vậy, chủ hộ hoặc một thành viên trong hộ hoàn toàn không có quyền định đoạt đối với toàn bộ quyền sử đụng đất được cấp chung cho hộ gia đình mà phải được các thành viên từ đủ mười lăm tuổi trở lên đồng ý. Mặc dù vậy, mỗi thành viên trong hộ vẫn có quyền định đoạt đối với phần quyền sử dụng đất tương ứng phần của mình khi được nhà nước cấp chung cho hộ.

Nguyễn Sáng
11373

Đây là nội dung tóm tắt, thông báo văn bản mới dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc vui lòng gửi về Email: info@thuvienphapluat.vn