12/04/2024 16:58

Phương thức đấu thầu một giai đoạn hai túi hồ sơ áp dụng cho những gói thầu nào?

Phương thức đấu thầu một giai đoạn hai túi hồ sơ áp dụng cho những gói thầu nào?

Cho chị hỏi với: Phương thức đấu thầu một giai đoạn hai túi hồ sơ được áp dụng cho những gói thầu nào vậy? Câu hỏi của chị Hồng đến từ Bình Phước.

Chào chị, ban biên tập xin giải đáp như sau:

Phương thức đấu thầu một giai đoạn hai túi hồ sơ áp dụng cho những gói thầu nào?

Căn cứ theo khoản 1 Điều 31 Luật Đấu thầu 2023 có quy định như sau:

Điều 31. Phương thức một giai đoạn hai túi hồ sơ

1. Phương thức một giai đoạn hai túi hồ sơ được áp dụng trong các trường hợp sau đây:

a) Đấu thầu rộng rãi, đấu thầu hạn chế đối với gói thầu cung cấp dịch vụ tư vấn;

b) Đấu thầu rộng rãi, đấu thầu hạn chế đối với gói thầu cung cấp dịch vụ phi tư vấn, mua sắm hàng hóa, xây lắp, hỗn hợp đòi hỏi kỹ thuật cao theo quy định của pháp luật về khoa học, công nghệ.

2. Nhà thầu nộp đồng thời hồ sơ đề xuất về kỹ thuật và hồ sơ đề xuất về tài chính riêng biệt theo yêu cầu của hồ sơ mời thầu.

3. Việc mở thầu được tiến hành hai lần. Hồ sơ đề xuất về kỹ thuật sẽ được mở ngay sau thời điểm đóng thầu. Nhà thầu đáp ứng yêu cầu về kỹ thuật sẽ được mở hồ sơ đề xuất về tài chính để đánh giá.

Theo đó, phương thức đấu thầu một giai đoạn hai túi hồ sơ sẽ áp dụng cho những gói thầu dưới đây:

- Đấu thầu rộng rãi, đấu thầu hạn chế đối với gói thầu cung cấp dịch vụ tư vấn.

- Đấu thầu rộng rãi, đấu thầu hạn chế đối với gói thầu cung cấp dịch vụ phi tư vấn, mua sắm hàng hóa, xây lắp, hỗn hợp đòi hỏi kỹ thuật cao theo quy định.

Phương thức đấu thầu 1 giai đoạn 2 túi hồ sơ có quy trình chi tiết thế nào?

Căn cứ theo Điều 34 Nghị định 24/2024/NĐ-CP, phương thức đấu thầu 1 giai đoạn 2 túi hồ sơ có quy trình chi tiết gồm có 07 giai đoạn bao gồm:

Giai đoạn 1: Chuẩn bị lựa chọn nhà thầu, gồm:

- Lựa chọn danh sách ngắn (nếu cần thiết).

- Lập hồ sơ mời thầu.

- Thẩm định và phê duyệt hồ sơ mời thầu.

Giai đoạn 2: Tổ chức lựa chọn nhà thầu, gồm:

- Mời thầu.

- Phát hành, sửa đổi, làm rõ hồ sơ mời thầu.

- Chuẩn bị, nộp, tiếp nhận, quản lý, sửa đổi, rút hồ sơ dự thầu.

- Mở hồ sơ đề xuất về kỹ thuật.

Giai đoạn 3: Đánh giá hồ sơ đề xuất về kỹ thuật, gồm:

- Kiểm tra, đánh giá tính hợp lệ của hồ sơ đề xuất về kỹ thuật.

- Đánh giá chi tiết hồ sơ đề xuất về kỹ thuật.

- Trình, thẩm định, phê duyệt danh sách nhà thầu đáp ứng yêu cầu về kỹ thuật.

Giai đoạn 4: Mở và đánh giá hồ sơ đề xuất về tài chính, gồm:

- Mở hồ sơ đề xuất về tài chính của các nhà thầu đáp ứng yêu cầu về kỹ thuật.

- Kiểm tra, đánh giá tính hợp lệ của hồ sơ đề xuất về tài chính.

- Đánh giá chi tiết hồ sơ đề xuất về tài chính và xếp hạng nhà thầu (nếu có nhiều hơn 01 nhà thầu).

Giai đoạn 5: Thương thảo hợp đồng (nếu có).

Giai đoạn 6: Trình, thẩm định, phê duyệt, công khai kết quả lựa chọn nhà thầu và giải thích lý do nhà thầu không trúng thầu theo yêu cầu của nhà thầu (nếu có).

Giai đoạn 7: Hoàn thiện, ký kết và quản lý thực hiện hợp đồng.

Kiểm tra tính hợp lệ của hồ sơ đề xuất về kỹ thuật theo phương thức một giai đoạn hai túi hồ sơ gồm những nội dung gì?

Căn cứ theo khoản 1 Điều 40 Nghị định 24/2024/NĐ-CP quy định như sau:

Điều 40. Kiểm tra và đánh giá hồ sơ đề xuất về kỹ thuật

1. Nội dung kiểm tra tính hợp lệ của hồ sơ đề xuất về kỹ thuật:

a) Các thành phần của hồ sơ đề xuất về kỹ thuật, bao gồm: đơn dự thầu thuộc hồ sơ đề xuất về kỹ thuật, thỏa thuận liên danh (nếu có), giấy ủy quyền của người đại diện theo pháp luật của nhà thầu (nếu có); bảo đảm dự thầu; số lượng bản gốc, bản chụp hồ sơ đề xuất về kỹ thuật;

b) Tính thống nhất về nội dung giữa bản gốc và bản chụp để phục vụ quá trình đánh giá chi tiết hồ sơ đề xuất về kỹ thuật.

2. Đánh giá tính hợp lệ của hồ sơ đề xuất về kỹ thuật:

Hồ sơ đề xuất về kỹ thuật của nhà thầu được đánh giá là hợp lệ khi đáp ứng đầy đủ các quy định tại điểm a khoản 4 Điều 35 của Nghị định này.

Nhà thầu có hồ sơ đề xuất về kỹ thuật hợp lệ được xem xét, đánh giá về năng lực và kinh nghiệm. Đối với gói thầu đã thực hiện sơ tuyển, không tiến hành đánh giá về năng lực và kinh nghiệm của nhà thầu.

...

Như vậy, việc kiểm tra tính hợp lệ của hồ sơ đề xuất về kỹ thuật theo phương thức một giai đoạn hai túi hồ sơ sẽ gồm những nội dung sau:

(1) Kiểm tra các thành phần của hồ sơ đề xuất về kỹ thuật, gồm:

- Đơn dự thầu thuộc hồ sơ đề xuất về kỹ thuật, thỏa thuận liên danh (nếu có).

- Giấy ủy quyền của người đại diện theo pháp luật của nhà thầu (nếu có).

- Bảo đảm dự thầu.

- Số lượng bản gốc, bản chụp hồ sơ đề xuất về kỹ thuật.

(2) Kiểm tra tính thống nhất về nội dung giữa bản gốc và bản chụp để phục vụ quá trình đánh giá chi tiết hồ sơ đề xuất về kỹ thuật.

Trân trọng!

Nguyễn Thị Kim Linh
1758

Đây là nội dung tóm tắt, thông báo văn bản mới dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc vui lòng gửi về Email: [email protected]