11/11/2023 16:37

Phương pháp xử lý côn trùng trước khi trồng cây trong nhà kính

Phương pháp xử lý côn trùng trước khi trồng cây trong nhà kính

Tôi muốn hỏi phương pháp xử lý côn trùng trước khi trồng cây trong nhà kính thực hiện thế nào? Để xử lý côn trùng trong nhà kính trước khi trồng cây cần những gì?_Lý Hùng(Hải Nam)

Chào anh, Ban biên tập xin giải đáp như sau:

1. Nhà kính là gì? Để xử lý côn trùng trong nhà kính trước khi trồng cây cần những gì?

Theo Mục 1.3.1 Quy chuẩn QCVN 01-112:2012/BNNPTNT quy định nhà kính là nhà được xây dựng bằng kính hoặc vật liệu tương đương theo tiêu chuẩn của cơ quan Kiểm dịch thực vật.

Để xử lý côn trùng trong nhà kính trước khi trồng cây cần những gì?

Theo quy định tại Mục 3 Quy chuẩn QCVN 01-112:2012/BNNPTNT để xử lý côn trùng trong nhà kính trước khi trồng cây cần những vật tư, trang thiết bị như sau:

- Thuốc Methyl Bromide;

- Thuốc bảo vệ thực vật;

- Vật liệu làm kín: giấy dán, hồ (keo dán), ny lon, băng dính;

- Bình phun thuốc, cốc đong 10 -1000ml, xilanh (2, 5, 10 ml);

- Cân: 50 kg;

- Ống dẫn thuốc;

- Máy đo nồng độ hơi thuốc;

- Mặt nạ chuyên dùng, các dụng cụ và bảo hộ lao động;

- Thiết bị thông thoáng, đảo khí, quạt;

- Máy đo thuỷ phần, nhiệt kế;

- Biển cảnh giới;

- Thiết bị chống cháy nổ;

- Thuốc sơ cấp cứu tai nạn lao động.

Như vậy, để thực hiện phương pháp xử lý côn trùng trước khi trồng cây trông nhà kính cần chuẩn bị đầy đủ các vật tư, trang thiết bị để việc xử lý đạt hiệu quả cao nhất.

2. Phương pháp xử lý côn trùng trước khi trồng cây trong nhà kính thực hiện thế nào?

Theo quy định tại Mục 4 và Mục 5 Quy chuẩn QCVN 01-112:2012/BNNPTNT có 02 phương pháp xử lý côn trùng trước khi trồng cây trong nhà kính như sau:

Phương pháp xử lý nhà kính bằng Methyl Bromide

 Bước 1. Chuẩn bị trước khi khử trùng

- Tiêu hủy hoặc chuyển toàn bộ cây trồng đã hết thời hạn theo dõi ra khỏi phạm vi khử trùng và dọn sạch tàn dư của chúng.

- Tiến hành khử trùng theo từng đơn nguyên trong nhà kính

Bước 2. Làm kín phạm vi khử trùng

- Tất cả các khe, kẽ hở, hệ thống thông thoáng trong phạm vi khử trùng đều phải được làm kín. Dùng giấy được phết hồ dán lên các vị trí cần được làm kín như khe hở giữa các vách, khe hở trên mái, khe hở giữa mái và vách, khe hở giữa vách và nền nhà và các khe hở khác.

Bước 3. Xác định liều lượng thuốc và thời gian ủ thuốc

- Xác định thể tích khử trùng

- Đo nhiệt độ trong phạm vi khử trùng

- Căn cứ vào nhiệt độ, liều lượng thuốc khử trùng được sử dụng như sau:

+ 14 gram/m3/12 giờ ở nhiệt độ trên 30oC

+ 22 gram/m3/12 giờ ở nhiệt độ từ 20-30oC

+ 30 gram/m3/12 giờ ở nhiệt độ dưới 20oC

Bước 4. Rải dây và bơm thuốc

- Dây dẫn thuốc được đưa vào phạm vi khử trùng từ trên xuống sao cho đầu dây xả thuốc cách điểm đưa vào khoảng 30 – 50cm. Đặt một ống phụ đề phòng trường hợp tắc ống dẫn thuốc.

- Để đầu chờ dây dẫn thuốc phía ngoài phạm vi khử trùng và làm kín khe hở chỗ đầu chờ của dây dẫn.

- Bơm thuốc: Có ít nhất 2 người thực hiện việc bơm thuốc với đầy đủ trang bị bảo hộ lao động để có thể xử lý các sự cố xảy ra. Trong quá trình bơm thuốc phải điều chỉnh lượng thuốc ra từ từ, lưu lượng trung bình khoảng 1,5 kg/phút.

- Sau khi bơm đủ lượng thuốc vào phạm vi khử trùng, tiến hành kiểm tra nồng độ hơi thuốc bằng máy đo. Nếu thiếu phải bơm thêm thuốc cho đủ nồng độ. Đặt biển cảnh báo nguy hiểm trước cửa đơn nguyên khử trùng.

- Đo dư lượng hơi thuốc trong phạm vi khử trùng sau khi thông thoáng. Đảm bảo nồng độ thuốc xông hơi trong phạm vi khử trùng đạt mức dưới ngưỡng an toàn đối với Methyl Bromide là: 5,0 ppm (tương đương 0,02 g/m³ hoặc 20 mg/m³);

- Đặt biển cảnh giới sau khi phun thuốc.

Bước 5. Thông thoáng

- Người tham gia trực tiếp thông thoáng phải đeo thiết bị bảo vệ hô hấp chuyên dụng, lựa chọn các vị trí phù hợp để thông thoáng.

- Sử dụng các thiết bị chuyên dụng: Quạt, máy hút, hệ thống thông gió, đảo khí của phương tiện chứa vật thể khử trùng để thông thoáng.

- Thời gian thông thoáng ủ trong 24 giờ.

Bước 6. Phun vệ sinh

- Trang bị đầy đủ bảo hộ động và phun vệ sinh xung quanh phạm vi khử trùng sau khi kết thúc.

Phương pháp xử lý nhà kính bằng thuốc bảo vệ thực vật (BVTV)

Bước 1. Chuẩn bị trước khi phun thuốc

- Tiêu hủy hoặc chuyển toàn bộ cây trồng đã hết thời hạn theo dõi ra khỏi phạm vi khử trùng và dọn sạch tàn dư của chúng.

- Tiến hành khử trùng theo từng đơn nguyên hoặc toàn bộ trong nhà kính.

Bước 2. Thuốc bảo vệ thực vật

- Sử dụng các loại thuốc phổ rộng có trong danh mục thuốc Bảo vệ thực vật được phép sử dụng do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành hàng năm để trừ côn trùng, nhện và nấm bệnh.

Bước 3. Phun thuốc

- Phun thuốc trừ côn trùng và nhện: Trước khi phun thuốc tiến hành kiểm tra trong nhà kính có xuất hiện côn trùng và nhện nào thì sử dụng loại thuốc BVTV đặc trị trừ loại sinh vật gây hại đó.

- Phun thuốc trừ nấm bệnh sau khi phun thuốc trừ côn trùng và nhện 2-3 ngày: Trước khi phun thuốc tiến hành kiểm tra trong nhà kính có xuất hiện bệnh nào hoặc những loài bệnh đã xuất hiện trên cây trồng trước thì sử dụng loại thuốc BVTV đặc trị trừ loài bệnh gây hại đó.

- Phun thuốc toàn bộ bề mặt phía trong của đơn nguyên được xử lý. Phun thuốc đều từ trong ra ngoài cửa. Phun thuốc kỹ vào các khe, kẽ, vết rạn nứt trên nền nhà, các góc nhà, chân tường của nhà kính.

Bước 4. Thông thoáng

- Sau khi phun thuốc 1-2 ngày để thông thoáng bằng quạt và hệ thống thông gió tự nhiên.

Bước 5. Cách ly

- Sau khi xử lý thuốc 03 ngày thì tiến hành trồng cây trong nhà kính.

Như vậy, theo quy định trên thì việc thực hiện đúng phương pháp, đúng quy trình sẽ giúp xử lý triệt để côn trùng hại trong nhà kính, đảm bảo môi trường trồng cây an toàn, hiệu quả.

Xem nội dung chi tiết tại Quy chuẩn QCVN 01-112:2012/BNNPTNT.

Trân trọng!

Hứa Lê Huy
385

Đây là nội dung tóm tắt, thông báo văn bản mới dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc vui lòng gửi về Email: info@thuvienphapluat.vn