06/12/2021 14:17

Phòng vệ chính đáng - Thực tiễn và một số kiến nghị

Phòng vệ chính đáng - Thực tiễn và một số kiến nghị

Phòng vệ chính đáng (PVCĐ) không phải là tội phạm, tuy nhiên vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng là tội phạm. Xác định thế là là vượt quá giới hạn là một vấn đề trong nhiều trường hợp rất khó xác định.

Phòng vệ chính đáng theo quy định pháp luật

Cơ sở xác định giới hạn PVCĐ

Theo quy định tại khoản 1, Điều 22 BLHS 2015, “Phòng vệ chính đáng là hành vi của người vì bảo vệ quyền hoặc lợi ích chính đáng của mình, của người khác hoặc lợi ích của Nhà nước, của cơ quan, tổ chức mà chống trả lại một cách cần thiết người đang có hành vi xâm phạm các lợi ích nói trên. Phòng vệ chính đáng không phải là tội phạm.”[1] Theo đó, người bị xâm phạm đang trong tình thế bị xâm hại nghiêm trọng và để bảo vệ lợi ích chính đáng của mình thì người xâm hại đã có những hành vi phòng vệ trực tiếp và cấp thiết. Phòng vệ chính đáng (PVCĐ) là tình tiết loại trừ tính chất nguy hiểm cho xã hội, thông qua đó công dân có thể ngăn chặn được những hành vi chính đáng để bảo vệ quyền và lợi ích của chính mình. Vì vậy PVCĐ không được xem là tội phạm.

Bên cạnh đó, khoản 2 Điều 22 BLHS 2015 quy định “Vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng là hành vi chống trả rõ ràng quá mức cần thiết, không phù hợp với tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi xâm hại. Người có hành vi vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng phải chịu trách nhiệm hình sự theo quy định của Bộ luật này”.[2] Trong trường hợp này người phòng vệ đã có quyền phòng vệ, đã phòng vệ tuy nhiên đã phòng vệ quá mức cần thiết, tức hành vi PVCĐ đó so với tính chất mức độ nguy hiểm của hành vi bị xâm hại thì nó không xứng đáng.[3]

Tuy nhiên, BLHS 2015 lại không giải thích thế nào là “quá mức cần thiết” từ đó làm cơ sở để xác định rõ ràng ranh giới giữa hành vi PVCĐ không là tội phạm với hành vi vượt quá giới hạn PVCĐ là tội phạm trong khi hiện tại vẫn chưa có bất kỳ văn bản pháp luật nào còn hiệu lực giải thích, hướng dẫn thuật ngữ này.

Thực trạng này đòi hỏi các bên có liên quan khi muốn tìm hiểu quy định, điều kiện về giới hạn PVCĐ buộc phải sử dụng Nghị quyết số 02/HĐTP ngày 05/01/1986 của Hội đồng thẩm phán TANDTC hướng dẫn áp dụng một số quy định của BLHS 1985 (Nghị quyết 02) là nguồn tài liệu tham khảo cũng như người có thẩm quyền tiến hành tố tụng xem xét áp dụng tinh thần của quy định khi ra quyết định. Theo đó, mục II của Nghị quyết 02 quy định:

Hành vi xâm phạm tính mạng hoặc sức khỏe của người khác được coi là phòng vệ chính đáng khi có đủ các điều kiện sau đây:

a) Hành vi xâm hại những lợi ích cần phải bảo vệ là hành vi phạm tội hoặc rõ ràng là có tính chất nguy hiểm cho xã hội.

b) Hành vi nguy hiểm cho xã hội đang gây thiệt hại hoặc đe dọa gây thiệt hại thực sự và ngay tức khắc cho những lợi ích cần phải bảo vệ.

c) Phòng vệ chính đáng không chỉ gạt bỏ sự đe dọa, đẩy lùi sự tấn công, mà còn có thể tích cực chống lại sự xâm hại, gây thiệt hại cho chính người xâm hại.

d) Hành vi phòng vệ phải tương xứng với hành vi xâm hại, tức là không có sự chênh lệch quá đáng giữa hành vi phòng vệ với tính chất và mức độ nguy hiểm của hành vi xâm hại.[4]

Ngoài ra, cũng theo Nghị quyết 02, “Tương xứng” không có nghĩa là thiệt hại do người phòng vệ gây ra cho người xâm hại phải ngang bằng hoặc nhỏ hơn thiệt hại do người xâm hại đe dọa gây ra hoặc đã gây ra cho người phòng vệ. Để xem xét hành vi chống trả có tương xứng hay không, có rõ ràng là quá đáng hay không, thì phải xem xét toàn diện những tình tiết có liên quan đến hành vi xâm hại và hành vi phòng vệ như: khách thể cần bảo vệ (thí dụ: bảo vệ địa điểm thuộc bí mật quốc gia, bảo vệ tính mạng); mức độ thiệt hại do hành vi xâm hại có thể gây ra hoặc đã gây ra và do hành vi phòng vệ gây ra; vũ khí, phương tiện, phương pháp mà hai bên đã sử dụng; nhân thân của người xâm hại (nam, nữ; tuổi; người xâm hại là côn đồ, lưu manh…); cường độ của sự tấn công và của sự phòng vệ; hoàn cảnh và nơi xảy ra sự việc (nơi vắng người, nơi đông người, đêm khuya) v.v… Đồng thời cũng cần phải chú ý đến yếu tố tâm lý của người phải phòng vệ có khi không thể có điều kiện để bình tĩnh lựa chọn được chính xác phương pháp, phương tiện chống trả thích hợp, nhất là trong trường hợp họ bị tấn công bất ngờ. Sau khi đã xem xét một cách đầy đủ, khách quan tất cả các mặt nói trên mà nhận thấy rõ ràng là trong hoàn cảnh sự việc xảy ra, người phòng vệ đã sử dụng những phương tiện, phương pháp rõ ràng quá đáng và gây thiệt hại rõ ràng quá mức (như: gây thương tích nặng, làm chết người) đối với người có hành vi xâm hại thì coi hành vi chống trả là không tương xứng và là vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng. Ngược lại, nếu hành vi chống trả là tương xứng thì đó là phòng vệ chính đáng.[5]

Mặc dù giải thích về thuật ngữ “tương xứng” vẫn còn mang tính định tính tuy nhiên qua các ví dụ cụ thể, cũng phần nào làm rõ được bản chất của hành vi PVCĐ qua đó giúp những người có liên quan có cái nhìn tổng quát hơn về ranh giới của PVCĐ trong thực tế.

Hậu quả pháp lý

Khoản 1 Điều 22 BLHS 2015 quy định “PVCĐ không phải là tội phạm”, vì hành động này phù hợp với lợi ích xã hội, hỗ trợ nhà nước việc duy trì trật tự xã hội, chống lại hành vi xâm hại các quan hệ xã hội được pháp luật hình sự bảo vệ. Nếu cá nhân khi có hành vi tự vệ với mục đích là bảo vệ quyền lợi của một hay một nhóm đối tượng xác định, tương xứng với mức độ nguy hiểm của người đang thực hiện hành vi xâm hại sẽ được xem là PVCĐ. Do vậy cá nhân thực hiện đúng chế định PVCĐ sẽ không phải chịu trách nhiệm hình sự về hành vi tự vệ của mình.

Thật vậy, xét về góc độ pháp lý, PVCĐ là quyền chính đáng của mỗi cá nhân, trong khi về mặt đạo đức thì mỗi cá nhân phải có trách nhiệm đối với lợi ích chung của cộng đồng, phải chống trả những hành vi xâm phạm đến quyền và lợi ích đó vì vậy quy định loại trừ trách nhiệm hình sự trong trường hợp PVCĐ được xem là phù hợp với xã hội Việt Nam và thông lệ quốc tế.

Trong khi đó, hành vi tự vệ vượt quá giới hạn PVCĐ vẫn phải chịu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật. Điều này cũng dễ hiểu khi xem xét bản chất của việc quy định các trường hợp loại trừ trách nhiệm hình sự. Xuất phát từ việc đánh giá khả năng nhận thức và làm chủ hành vi của chủ thể thực hiện thông qua ý chí và lý trí, pháp luật hình sự các nước trong đó có Việt Nam nhận định rằng, trường hợp một người thực hiện hành vi khi không thấy hoặc buộc phải thấy trước tính nguy hiểm của hành vi cũng như hậu quả của nó (không có lý trí) thì không phải chịu trách nhiệm hình sự. tuy nhiên, hành vi vượt quá giới hạn PVCĐ được định nghĩa là hành vi “chống trả rõ ràng quá mức cần thiết, không phù hợp với tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi xâm hại”[6] qua đó có thể thấy, đây là hành vi có chủ đích xâm hại đến khách thể BLHS đang bảo vệ được thực hiện khi chủ thể hoàn toàn thấy hoặc có thể thấy trước sự nguy hiểm của hành vi và hậu quả nhưng vẫn mong muốn thực hiện. Vì vậy, pháp luật các nước và Việt Nam đều thừa nhận, vượt quá PVCĐ phải chịu trách nhiệm hình sự.

Thực tiễn xác định phòng vệ chính đáng và một số kiến nghị

Thực tiễn xác định phòng vệ chính đáng tại Việt Nam

PVCĐ không phải là tội phạm, tuy nhiên nếu hành vi chống trả rõ ràng quá mức cần thiết, không phù hợp với tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi xâm hại thì là vượt quá giới hạn PVCĐ và người có hành vi vượt quá giới hạn PVCĐ phải chịu trách nhiệm hình sự[7]. Có thể thấy ranh giới giữa PVCĐ và vượt quá giới hạn PVCĐ là vô cùng mong manh và trong thực tiễn áp dụng vẫn còn nhiều cách hiểu khác nhau về vấn đề này.

Trên thực tế khi một người rơi vào tình huống nguy hiểm, bị xâm hại về tính mạng, sức khỏe và tài sản nghiêm trọng, đa số người bị xâm hại không thể kiểm soát được hành vi của bản thân, không đủ bình tĩnh để quyết định  chống trả lại hành vi xâm hại như thế nào để không vượt quá giới hạn PVCĐ.  Bên cạnh đó, để xác định hành vi chống trả có tương xứng với hành vi xâm hại hay không, có quá đáng hay không thì phải xét toàn diện những tình tiết liên quan đến hành vi xâm hại và hành vi phòng vệ như khách thể cần bảo vệ, mức độ thiệt hại, cường độ của sự tấn công… Vì vậy, có rất nhiều khó khăn trong việc đánh giá giữa PVCĐ và vượt quá giới hạn PVCĐ.

 Một số kiến nghị

Từ những phân tích lý luận và thực tiễn, để công tác xác định giới hạn PVCĐ được chính xác và hiệu quả hơn tác giả đề xuất một số kiến nghị sau:

Thứ nhất, hoàn thiện pháp luật hình sự liên quan đến PVCĐ, cụ thể hóa từng trường hợp được quyền phòng vệ. Ban hành hướng dẫn cụ thể về PVCĐ và vượt quá giới hạn PVCĐ để tránh gây khó khăn cho các cơ quan chức năng và các đối tượng tham gia trong công tác phòng chống tội phạm. Đặc biệt, trong văn bản ban hành cần phải giải quyết chi tiết, mang tính định lượng, dễ xác định các điều kiện của PVCĐ đặc biệt là điều kiện về xác định mức độ “tương xứng”. Thật vậy, trong khi các điều kiện khác trong việc xác định PVCĐ được quy định khá chi tiết và dễ xác định thì quy định về tính “tương xứng” lại mang tính định tính và rất khó xác định được ranh giới chính xác. Điều này gây rất nhiều khó khăn cho công tác thực tiễn.

Thứ hai, đẩy mạnh công tác đào tạo tập huấn nâng cao trình độ cán bộ, các cơ quan chức năng, thường xuyên tổng hợp các trường hợp PVCĐ để từ đó có thể nhìn nhận ra những ưu khuyết điểm của vấn đề này. Cũng như kịp thời đưa ra định hướng sửa đổi, bổ sung sao cho phù hợp với sự phát triển của xã hội. Việc này giúp hệ thống hoá và thống nhất cách hiểu và vận dụng các quy định về điều kiện xác định PVCĐ trong phạm vi cả nước.

Thứ ba, tăng cường cơ sở vật chất, hiện đại hóa các trang thiết bị phục vụ cho công tác giải quyết các vụ án hình sự, đặc biệt là vụ án điều tra như các công cụ dùng để xác minh tính chất, mức độ của các tình tiết hình sự.

ThS. NCS. NGÔ MINH TÍN (Giảng viên Khoa Luật, Trường ĐH Kinh tế - Luật ĐHQG-HCM) TRẦN THỊ BÍCH LY (Khoa Luật, Trường ĐH Kinh tế - Luật ĐHQG-HCM)

Nguồn: Tạp chí điện tử Tòa án

[1] Khoản 1, Điều 22, Bộ luật Hình sự 2015

[2] Khoản 2, Điều 22, Bộ luật Hình sự 2015

[3] TS. Trần Thị Quang Vinh & Cộng sự, Giáo trình Luật Hình sự Việt Nam - Phần chung, Nhà xuất bản Hồng Đức, (trang 242)

[4] Mục II, Nghị quyết số 02/HĐTP ngày 05/01/1986 của Hội đồng thẩm phán Toà án nhân dân tối cao hướng dẫn áp dụng một số quy định của Bộ luật hình sự 1985

[5] Mục II, Nghị quyết 02/HĐTP ngày 05/01/1986 của Hội đồng thẩm phán Toà án nhân dân tối cao hướng dẫn áp dụng một số quy định của Bộ luật hình sự 1985

[6] Điều 22, BLHS 2015

[7]Trường Đại học Kiểm sát Hà Nội, “Một số vấn đề phòng vệ chính đáng và vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng”, https://tks.edu.vn/thong-tin-khoa-hoc/chi-tiet/79/204, truy cập ngày 17/7/2021.

2092

Đây là nội dung tóm tắt, thông báo văn bản mới dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc vui lòng gửi về Email: info@thuvienphapluat.vn