20/12/2024 15:38

Phê duyệt đề án Quy hoạch mạng lưới cơ sở trợ giúp xã hội thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050

Phê duyệt đề án Quy hoạch mạng lưới cơ sở trợ giúp xã hội thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050

Nhằm triển khai thực hiện có hiệu quả quy hoạch cơ sở trợ giúp xã hội tại Quyết định số 966/QĐ-TTg ngày 17/8/2023 thì Thủ tướng Chính phủ ban hành quyết định phê duyệt Kế hoạch thực hiện Quy hoạch mạng lưới cơ sở trợ giúp xã hội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 (sau đây gọi chung là Kế hoạch) tại Quyết định 1575/QĐ-TTg năm 2024.

Kế hoạch có xác định các nhiệm vụ, giải pháp; tăng cường cơ chế phối hợp giữa các bộ, ngành và Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương để triển khai thực hiện quy hoạch, bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất và sử dụng tối ưu, hiệu quả nguồn lực. Cụ thể như sau:

Yêu cầu thực hiện Kế hoạch

- Bảo đảm đồng bộ, gắn kết với các kế hoạch thực hiện quy hoạch cấp quốc gia, đảm bảo khả năng cân đối nguồn lực.

- Bảo đảm tính khả thi, hiệu quả; tuân thủ, kế thừa các Nghị quyết, chương trình hành động, các nội dung quy hoạch đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt;

- Việc thực hiện gắn với trách nhiệm của các bộ, ngành, địa phương trong quá trình thực hiện Quy hoạch.

- Bảo đảm tính linh hoạt trong triển khai thực hiện các dự án theo từng thời kỳ, phù hợp với bối cảnh và khả năng bố trí nguồn lực.

Nội dung chủ yếu thực hiện Kế hoạch

(1) Các nhiệm vụ, dự án triển khai thực hiện Kế hoạch

- Về dự án đầu tư công:

+ Ưu tiên tập trung để thực hiện các dự án xây dựng mới; cải tạo, nâng cấp, mở rộng dự án đã đầu tư xây dựng; mua sắm tài sản, trang thiết bị đồng bộ cho các cơ sở cơ sở trợ giúp xã hội công lập thuộc quy hoạch giai đoạn 2021 - 2025 và 2026 - 2030.

+ Việc sử dụng vốn đầu tư công thực hiện các dự án đầu tư cơ sở trợ giúp xã hội công lập thực hiện theo quy định của pháp luật về Đầu tư công và nguyên tắc, tiêu chí, định mức phân bổ được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

+ Danh mục các dự án đầu tư công là những dự án được xác định trên cơ sở Danh mục các dự án ưu tiên đầu tư trong lĩnh vực cơ sở trợ giúp xã hội tại Phụ lục ban hành kèm Quyết định 966/QĐ-TTg ngày 17/3/2023 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch mạng lưới cơ sở trợ giúp xã hội thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 (chi tiết Danh mục các dự án đầu tư công tại Phụ lục kèm theo Quyết định này).

+ Trường hợp cần điều chỉnh các dự án ưu tiên đầu tư tại điểm c khoản này thực hiện theo quy định của pháp luật về quy hoạch.

- Về dự án đầu tư sử dụng các nguồn vốn khác ngoài vốn đầu tư công:

+ Đầu tư mua sắm tài sản, trang thiết bị; cải tạo, nâng cấp, mở rộng, xây dựng mới hạng mục công trình trong các cơ sở trợ giúp xã hội công lập thuộc Quy hoạch giai đoạn 2021 - 2025 và 2026 - 2030 theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước và các quy định pháp luật có liên quan.

+ Khuyến khích, thu hút các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân đầu tư xây dựng các cơ sở trợ giúp xã hội theo Quy hoạch, tiêu chí, tiêu chuẩn quy định của pháp luật.

(2) Kế hoạch sử dụng đất

- Triển khai xây dựng, phát triển mạng lưới cơ sở trợ giúp xã hội theo đúng Quy hoạch đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, đảm bảo phù hợp với Quy hoạch sử dụng đất quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, Kế hoạch sử dụng đất quốc gia, Quyết định 326/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 09/3/2022 về phân bổ chỉ tiêu sử dụng đất quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất tại địa phương đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Việc sử dụng đất theo đúng quy định của pháp luật về đất đai và pháp luật có liên quan.

- Bố trí quỹ đất phù hợp dành cho phát triển mạng lưới cơ sở trợ giúp xã hội. Các địa phương chủ động, linh hoạt trong thực hiện chính sách đất đai và ưu tiên dành quỹ đất đầu tư, xây dựng, mở rộng các cơ sở trợ giúp xã hội theo Quy hoạch này.

(3) Xác định nguồn lực và kinh phí thực hiện Quy hoạch

- Ưu tiên nguồn vốn ngân sách nhà nước đối với các dự án đầu tư các cơ sở trợ giúp xã hội công lập, nhất là cơ sở trợ giúp xã hội công lập ở các địa phương có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn chưa tự chủ ngân sách, vùng đặc biệt khó khăn từ các chương trình mục tiêu quốc gia, chương trình, dự án, đề án liên quan khác theo quy định của pháp luật về ngân sách nhà nước và pháp luật về đầu tư công.

- Các bộ, ngành và các địa phương chủ động bố trí, lồng ghép các nhiệm vụ và huy động các nguồn vốn hợp pháp khác ngoài nguồn ngân sách nhà nước để thực hiện các nhiệm vụ của Kế hoạch này.

- Khuyến khích và huy động các nguồn xã hội hóa, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân tham gia theo quy định của pháp luật.

Theo đó Kế hoạch có đề ra những nội dung chủ yếu nhằm phát triển mạng lưới trợ giúp xã hội, nâng cao chất lượng dịch vụ trợ giúp xã hội nhằm đảm bảo an sinh xã hội, thúc đẩy phát triển nguồn nhân lực và kinh tế xã hội.

Trần Đăng Khoa
33

Đây là nội dung tóm tắt, thông báo văn bản mới dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc vui lòng gửi về Email: [email protected]