29/02/2024 10:02

Phát ngôn gây tranh cãi trên livestream Tiktok có vi phạm pháp luật không?

Phát ngôn gây tranh cãi trên livestream Tiktok có vi phạm pháp luật không?

Những ngày qua tôi thấy một tài khoản trên Tiktok liên tục livestream kể xấu về một người với những thông tin chưa biết thật giả ra sao gây tranh cãi cho mọi người. Tôi thắc mắc việc phát ngôn bừa bãi như thế có vi phạm pháp luật không? (Nhã Giang - Đà Nẵng)

Chào chị, Ban biên tập xin giải đáp như sau:

1. Phát ngôn gây tranh cãi trên livestream Tiktok có vi phạm pháp luật không?

Hành vi livestream trên mạng xã hội không bị pháp luật cấm. Tuy nhiên, đã có một số cá nhân, tổ chức lợi dụng điều này để livestream với các phát ngôn gây tranh cãi nhằm các mục đích như:

- Vu khống, xúc phạm danh dự, nhân phẩm của người khác.

- Lợi dụng mạng xã hội để kích động bạo lực, chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc.

- Truyền bá văn hóa phẩm đồi trụy, phản động.

- Xâm phạm quyền riêng tư của người khác.

- …

Căn cứ vào Điều 101 Nghị định 15/2020/NĐ-CP (sửa đổi tại khoản 37 Điều 1 Nghị định 14/2022/NĐ-CP) quy định mức xử phạt vi phạm hành chính về trách nhiệm sử dụng dịch vụ mạng xã hội như sau:

- Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với hành vi lợi dụng mạng xã hội để thực hiện một trong các hành vi dưới đây:

+ Cung cấp, chia sẻ thông tin giả mạo, thông tin sai sự thật, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức, danh dự, nhân phẩm của cá nhân;

+ Cung cấp, chia sẻ thông tin cổ súy các hủ tục, mê tín, dị đoan, dâm ô, đồi trụy, không phù hợp với thuần phong, mỹ tục của dân tộc;

+ Cung cấp, chia sẻ thông tin miêu tả tỉ mỉ hành động chém, giết, tai nạn, kinh dị, rùng rợn;

+ Cung cấp, chia sẻ thông tin bịa đặt, gây hoang mang trong Nhân dân, kích động bạo lực, tội ác, tệ nạn xã hội, đánh bạc hoặc phục vụ đánh bạc;

+ Cung cấp, chia sẻ các tác phẩm báo chí, văn học, nghệ thuật, xuất bản phẩm mà không được sự đồng ý của chủ thể quyền sở hữu trí tuệ hoặc chưa được phép lưu hành hoặc đã có quyết định cấm lưu hành hoặc tịch thu;

+ Quảng cáo, tuyên truyền, chia sẻ thông tin về hàng hóa, dịch vụ bị cấm;

+ Cung cấp, chia sẻ hình ảnh bản đồ Việt Nam nhưng không thể hiện hoặc thể hiện không đúng chủ quyền quốc gia;

+ Cung cấp, chia sẻ đường dẫn đến thông tin trên mạng có nội dung bị cấm.

- Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với hành vi tiết lộ thông tin thuộc danh mục bí mật nhà nước, bí mật đời tư của cá nhân và bí mật khác mà chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự.

Như vậy, việc thực hiện hành vi livestream trên mạng xã hội nhằm thực hiện một trong các hành vi  trên, tùy theo mức độ thì sẽ bị xử phạt từ 10.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng.

Trường hợp tài khoản TikTok livestream kể xấu người khác khi thông tin chưa được xác thực là vi phạm điểm a khoản 1 Điều 101 Nghị định 15/2020/NĐ-CP (sửa đổi tại khoản 37 Điều 1 Nghị định 14/2022/NĐ-CP) về hành vi cung cấp, chia sẻ thông tin giả mạo, thông tin sai sự thật, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm danh dự, nhân phẩm của người khác. 

Ngoài việc bị xử phạt hành chính về vi phạm quy định trách nhiệm sử dụng dịch vụ mạng xã hội, thì còn buộc phải gỡ bỏ thông tin sai sự thật hoặc gây nhầm lẫn hoặc thông tin vi phạm pháp luật do thực hiện hành vi vi phạm quy định tại các khoản 1 và 2 Điều 101 Nghị định 15/2020/NĐ-CP (sửa đổi tài khoản 37 Điều 1 Nghị định 14/2022/NĐ-CP).

2. Livestream nói xấu người khác trên Tiktok có bị truy cứu trách nhiệm hình sự không?

Căn cứ vào Điều 155 Bộ luật hình sự 2015 (sửa đổi năm 2017) có quy định như sau:

1. Người nào xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm, danh dự của người khác, thì bị phạt cảnh cáo, phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm:

a) Phạm tội 02 lần trở lên;

b) Đối với 02 người trở lên;

c) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;

d) Đối với người đang thi hành công vụ;

đ) Đối với người dạy dỗ, nuôi dưỡng, chăm sóc, chữa bệnh cho mình;

e) Sử dụng mạng máy tính hoặc mạng viễn thông, phương tiện điện tử để phạm tội;

g) Gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân từ 11% đến 45%.

3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 05 năm:

a) Gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân 46% trở lên;

b) Làm nạn nhân tự sát.

Do đó, người nào livestream trên TikTok nhằm xúc phạm nghiêm trọng đến nhân phẩm, danh dự của người khác thì sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội “Làm nhục người khác”.

Mức phạt cao nhất cho hành vi này có thể lên đến 05 năm tù giam. Ngoài ra, người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm theo quy định tại khoản 4 Điều 155 Bộ luật hình sự 2015 (sửa đổi năm 2017).

Nguyễn Phạm Hoàng Thuy
1027

Đây là nội dung tóm tắt, thông báo văn bản mới dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc vui lòng gửi về Email: [email protected]