07/07/2022 11:55

Pháp luật về giao kết và thực hiện hợp đồng bảo hiểm - Một số bất cập và kiến nghị hoàn thiện

Pháp luật về giao kết và thực hiện hợp đồng bảo hiểm - Một số bất cập và kiến nghị hoàn thiện

Mặc dù đã qua hai lần sửa đổi, bổ sung vào năm 2010 và năm 2019, nhưng Luật Kinh doanh bảo hiểm năm 2000 (sau đây gọi tắt là Luật Kinh doanh bảo hiểm năm 2000) vẫn còn có những bất cập chưa được giải quyết triệt để. Do đó, công tác sửa đổi và khắc phục những hạn chế trong các quy định về hợp đồng bảo hiểm là một vấn đề cần được quan tâm.

Từ khi được ban hành, Luật Kinh doanh bảo hiểm năm 2000 đã góp phần tạo nên nền tảng pháp lý vững chắc cho hoạt động kinh doanh bảo hiểm tại nước ta. Theo thống kê của Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm, quy mô thị trường bảo hiểm đã phát triển nhanh chóng từ 15 doanh nghiệp bảo hiểm (DNBH) năm 2000 lên 63 DNBH và 01 chi nhánh phi nhân thọ nước ngoài vào năm 2017; năng lực tài chính, hiệu quả hoạt động của các doanh nghiệp ngày càng được nâng cao, tăng trung bình 24%/ năm, dự phòng nghiệp vụ tăng khoảng 23%/năm, vốn chủ sở hữu đạt tăng 8%/năm; doanh thu của các doanh nghiệp cũng đạt mức tăng trưởng 20% trong gần 20 năm qua. Dù vậy, qua 20 năm thi hành, tình hình kinh tế - xã hội đã có nhiều thay đổi khiến cho một số quy định không còn phù hợp nữa.

1. Quy định pháp luật về giao kết và thực hiện hợp đồng bảo hiểm

Về cơ bản, khái niệm về hợp đồng bảo hiểm đã được Luật Kinh doanh bảo hiểm năm 2000 định nghĩa một cách tương đối đầy đủ. Theo quy định tại khoản 1 Điều 12 Luật Kinh doanh bảo hiểm năm 2000 thì: Hợp đồng bảo hiểm là sự thỏa thuận giữa bên mua bảo hiểm (BMBH) và DNBH, theo đó BMBH phải đóng phí bảo hiểm, DNBH phải trả tiền bảo hiểm cho người thụ hưởng hoặc bồi thường cho người được bảo hiểm khi xảy ra sự kiện bảo hiểm. Bên cạnh được quy định tại Luật Kinh doanh bảo hiểm năm 2000, hợp đồng bảo hiểm còn được quy định ở một số văn bản quy phạm pháp luật (QPPL) khác như: Bộ luật Dân sự năm 2015, Bộ luật Hàng hải năm 2015 và các văn bản hướng dẫn thi hành. Hợp đồng bảo hiểm hàng hải được áp dụng theo quy định của Bộ luật Hàng hải năm 2015; những vấn đề liên quan đến hợp đồng bảo hiểm nhưng không được quy định trong Luật Kinh doanh bảo hiểm năm 2000 thì sẽ áp dụng theo quy định của Bộ luật Dân sự năm 2015 và các quy định khác của pháp luật có liên quan. Trước đây, Bộ luật Dân sự năm 2005 đã dành ra Mục 11 Chương XVIII để quy định về hợp đồng bảo hiểm nhưng hiện tại Bộ luật Dân sự năm 2015 đã bỏ các quy định về hợp đồng bảo hiểm, tạo cơ sở cho việc áp dụng thống nhất Luật Kinh doanh bảo hiểm năm 2000 để điều chỉnh các quan hệ trong hợp đồng bảo hiểm.

Bên cạnh đó, các cơ quan nhà nước có thẩm quyền luôn có sự quan tâm đến việc tận dụng tiềm năng và phát triển thị trường bảo hiểm tại Việt Nam. Mục III. 3 Nghị quyết số 11-NQ/TW ngày 03/6/2017 của Hội nghị lần thứ V Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa VII đã đề ra nhiệm vụ và giải pháp: “Phát triển thị trường bảo hiểm, thị trường dịch vụ kế toán, kiểm toán, tư vấn thuế, thẩm định giá...”. Mặt khác, tại Mục II.4 Nghị quyết số 99/NQ-CP của Chính phủ ngày 03/10/2017, Chính phủ đã giao Bộ Tài chính phối hợp với các bộ, ngành có liên quan thực hiện một số nhiệm vụ liên quan đến bảo hiểm như: “Nghiên cứu, hoàn thiện cơ chế, chính sách nâng cao hiệu quả hoạt động của các thị trường: Vốn, chứng khoán, mua bán nợ, bảo hiểm, dịch vụ kế toán, kiểm toán, tư vấn thuế, thẩm định giá”; “Hoàn thiện thể chế, chính sách phát triển thị trường bảo hiểm trong nông nghiệp, xây dựng, trình Chính phủ ban hành Nghị định về bảo hiểm nông nghiệp trong quý IV năm 2017”. Để những hoạch định, chính sách trên triển khai một cách có hiệu quả thì các cơ quan lập pháp cần xây dựng những quy định phù hợp và hợp lý. Hiện nay, các quy định về hợp đồng bảo hiểm được quy định tại Chương II Luật Kinh doanh bảo hiểm năm 2000. Những quy định cụ thể về hợp đồng bảo hiểm của Luật Kinh doanh bảo hiểm năm 2000 đã góp phần giúp cho hoạt động bảo hiểm ở nước ta có cơ sở pháp lý vững chắc để phát triển. Doanh thu phí bảo hiểm tăng bình quân 20%/năm trong giai đoạn 2011 - 2020, đạt 3,24% GDP vào năm 2019; tổng dự phòng nghiệp vụ tăng bình quân 21%/năm trong giai đoạn 2011 - 2019, đạt 285.965 tỷ đồng (năm 2019), gấp 5,1 lần so với năm 2010; tổng số tiền đầu tư trở lại nền kinh tế tăng bình quân 19%/năm trong giai đoạn 2011 - 2019, đạt 376.555 tỷ đồng (năm 2019). Sự tăng trưởng vững chắc trên phần nào cho thấy được những tác động tích cực mà Luật Kinh doanh bảo hiểm năm 2000 đã làm được, thể hiện sự quản lý và đường lối đúng đắn của các cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

2. Một số bất cập trong quy định pháp luật về giao kết và thực hiện hợp đồng bảo hiểm

Một là, quy định về xử lý hậu quả nếu một bên vi phạm trách nhiệm cung cấp thông tin.

Theo khoản 1 Điều 19 Luật Kinh doanh bảo hiểm năm 2000 thì “Khi giao kết hợp đồng bảo hiểm, DNBH có trách nhiệm cung cấp đầy đủ thông tin liên quan đến hợp đồng bảo hiểm, giải thích các điều kiện, điều khoản bảo hiểm cho BMBH; BMBH có trách nhiệm cung cấp đầy đủ thông tin liên quan đến đối tượng bảo hiểm cho DNBH”. Luật Kinh doanh bảo hiểm năm 2000 đã quy định hai hậu quả khác nhau nếu một bên vi phạm nghĩa vụ trên, cụ thể: (i) Theo khoản 1 và khoản 2 Điều 19 Luật Kinh doanh bảo hiểm năm 2000, nếu một bên cố ý cung cấp thông tin sai sự thật nhằm giao kết hợp đồng bảo hiểm thì bên còn lại có quyền đơn phương đình chỉ thực hiện hợp đồng; (ii) Theo điểm d khoản 1 Điều 22, nếu BMBH hoặc DNBH có hành vi lừa dối khi giao kết HĐBH thì HĐBH vô hiệu.

Hai hành vi “có hành vi lừa dối” và “cung cấp thông tin sai sự thật” có phần tương đồng về mặt bản chất nhưng lại dẫn đến hậu quả pháp lý lại khác nhau. Nếu áp dụng Điều 19 để đình chỉ thực hiện hợp đồng, hợp đồng bảo hiểm sẽ chấm dứt kể từ thời điểm DNBH thông báo chấm dứt hợp đồng bảo hiểm và DNBH sẽ thu phí đến thời điểm đình chỉ thực hiện hợp đồng. Nếu áp dụng Điều 22 để yêu cầu tuyên vô hiệu hợp đồng bảo hiểm thì theo Điều 131 Bộ luật Dân sự năm 2015, các bên sẽ hoàn trả cho nhau những gì đã nhận, bên có lỗi phải bồi thường thiệt hại. Các quy định pháp luật vẫn chưa có sự phân biệt rạch ròi về việc lúc nào sẽ áp dụng Điều 19 và lúc nào áp dụng Điều 22 khiến cho quy định này khó áp dụng, các bên sẽ tùy ý sử dụng căn cứ pháp lý sao cho lợi ích của mình được bảo đảm nhất. DNBH sẽ áp dụng điểm a khoản 2 Điều 19 về đình chỉ thực hiện hợp đồng để giữ được số phí bảo hiểm đã đóng của BMBH còn BMBH sẽ muốn áp dụng điểm d khoản 1 Điều 22 yêu cầu Tòa án tuyên hợp đồng bảo hiểm vô hiệu để nhận lại số phí bảo hiểm đã đóng.

Đối chiếu với quy định của Bộ luật Dân sự năm 2015, theo Điều 428 Luật Kinh doanh bảo hiểm năm 2000 căn cứ để áp dụng chế tài đình chỉ thực hiện hợp đồng là hành vi vi phạm xảy ra trong quá trình các bên thực hiện hợp đồng còn căn cứ để tuyên hợp đồng vô hiệu là hành vi vi phạm xảy ra trước thời điểm các bên giao kết hợp đồng theo quy định tại Điều 127 Bộ luật Dân sự năm 2015. Tuy nhiên, hành vi “cung cấp thông tin sai sự thật nhằm giao kết hợp đồng bảo hiểm” về bản chất là hành vi lừa dối khi giao kết hợp đồng, xảy ra trước thời điểm các bên giao kết hợp đồng nhưng Luật Kinh doanh bảo hiểm năm 2000 lại quy định đây là căn cứ để đình chỉ thực hiện hợp đồng. Quy định này có phần mâu thuẫn so với Bộ luật Dân sự năm 2015. Tuy nhiên, một số ý kiến khác lại cho rằng, quy định này là hợp lý, bởi lẽ, đây là một quy định đặc thù nhằm bảo đảm quyền lợi của DNBH. Thông tin được cung cấp trong hợp đồng ảnh hưởng trực tiếp đến việc DNBH đánh giá rủi ro và ký kết hợp đồng. Nếu áp dụng điểm d khoản 1 Điều 22 Luật Kinh doanh bảo hiểm năm 2000 để tuyên hợp đồng vô hiệu thì quyền lợi DNBH sẽ không được bảo đảm. Theo quan điểm của tác giả, lập luận trên là chưa thỏa đáng, DNBH hoàn toàn có thể yêu cầu BMBH bồi thường thiệt hại khi hợp đồng bị tuyên vô hiệu dựa trên quy định tại Điều 131 Bộ luật Dân sự năm 2015 “… bên có lỗi gây thiệt hại thì phải bồi thường”, quyền lợi của DNBH vẫn được bảo đảm. Do đó, tác giả cho rằng, quy định về hậu quả pháp lý đối với hành vi vi phạm nghĩa vụ cung cấp thông tin vẫn chưa rõ ràng và khó áp dụng.

Mặt khác, hậu quả pháp lý khi hai chủ thể (DNBH và BMBH) vi phạm nghĩa vụ cung cấp thông tin là không tương xứng. Nếu BMBH vi phạm nghĩa vụ cung cấp thông tin thì DNBH được quyền đơn phương đình chỉ thực hiện hợp đồng và thu phí bảo hiểm đến thời điểm đình chỉ còn đối với trường hợp DNBH vi phạm thì BMBH có quyền đơn phương đình chỉ hợp đồng và DNBH bồi thường thiệt hại phát sinh do cung cấp sai thông tin. Nếu bên vi phạm là BMBH thì hậu quả pháp lý bất lợi họ phải chịu rất rõ ràng, cụ thể là khoản phí mà họ đã và sẽ phải đóng đến thời điểm đình chỉ hợp đồng mà bên DNBH không cần chứng minh thiệt hại. Thế nhưng, với trường hợp bên vi phạm là bên DNBH thì nghĩa vụ này lại khá mơ hồ, trừu tượng, nó phụ thuộc vào việc BMBH phải chứng minh được thiệt hại thực tế xảy ra.

Hai là, quy định về việc thay đổi rủi ro được bảo hiểm.

Đối với các quyền lợi có tỉ lệ rủi ro càng lớn thì BMBH thường phải chịu mức phí bảo hiểm càng cao và ngược lại. Do đó, những sự kiện xảy ra làm thay đổi mức độ rủi ro được bảo hiểm sẽ dẫn đến sự thay đổi về phí bảo hiểm. Điều 20 Luật Kinh doanh bảo hiểm năm 2000 đã nêu ra hai trường hợp: (i) Sự thay đổi những yếu tố làm cơ sở để tính phí bảo hiểm dẫn đến giảm các rủi ro được bảo hiểm và (ii) Sự thay đổi những yếu tố làm cơ sở để tính phí bảo hiểm dẫn đến tăng các rủi ro được bảo hiểm. Tuy nhiên, Điều 20 lại không có sự phân biệt rạch ròi về nguyên nhân là do khách quan hay chủ quan. Nếu tăng rủi ro do chủ quan, ví dụ như, BMBH cố ý làm cho sức khỏe của mình bị giảm sút thì DNBH có quyền tính lại phí bảo hiểm cho thời gian còn lại của hợp đồng bảo hiểm. Ngược lại, nếu tăng rủi ro là do nguyên nhân khách quan như sức khỏe BMBH giảm sút do tuổi tác đã cao thì việc DNBH tăng phí bảo hiểm cho thời gian còn lại của hợp đồng bảo hiểm là có phần chưa hợp lý. Dù quy định pháp luật hiện tại cho phép bên còn lại có quyền không chấp nhận việc tăng/giảm phí bảo hiểm nhưng việc quy định hiện tại không có sự phân định rõ giữa nguyên nhân chủ quan và nguyên nhân khách quan là thiếu hợp lý và có nhiều bất cập.

Ba là, quy định về thời hiệu khởi kiện.

Theo Điều 30 Luật Kinh doanh bảo hiểm năm 2000 thì “Thời hiệu khởi kiện về hợp đồng bảo hiểm là 03 năm, kể từ thời điểm phát sinh tranh chấp”. So với Bộ luật Dân sự năm 2015, quy định của Luật Kinh doanh bảo hiểm năm 2000 có độ “chênh” nhất định. Theo đó, khoản 1 Điều 154 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định “Thời hiệu khởi kiện vụ án dân sự được tính từ ngày người có quyền yêu cầu biết hoặc phải biết quyền, lợi ích hợp pháp của mình bị xâm phạm, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác”. Quy định của Luật Kinh doanh bảo hiểm năm 2000 không mâu thuẫn với Bộ luật Dân sự năm 2015, bởi lẽ Bộ luật Dân sự năm 2015 đã quy định ngoại lệ nếu pháp luật có quy định khác (ở đây là Điều 30 Luật Kinh doanh bảo hiểm năm 2000) thì sẽ áp dụng theo quy định đó. Mặc dù vậy, theo quan điểm của tác giả, quy định của Luật Kinh doanh bảo hiểm năm 2000 có phần bất hợp lý hơn so với quy định tại Bộ luật Dân sự năm 2015. Không phải trong trường hợp nào người có quyền, lợi ích bị xâm phạm cũng biết được ngay rằng quyền, lợi ích của mình đang bị xâm phạm. Điều này dẫn đến hậu quả đến khi phát hiện quyền, lợi ích của mình bị xâm phạm thì thời hiệu khởi kiện của họ đã không còn và họ không thể thực hiện quyền khởi kiện để bảo vệ quyền, lợi ích của mình. Do đó, quy định tại Bộ luật Dân sự năm 2015 hợp lý hơn và cần được xem xét áp dụng với cả hợp đồng bảo hiểm.

Bốn là, quy định về các trường hợp hợp đồng bảo hiểm vô hiệu.

Theo điểm b khoản 1 Điều 22 Luật Kinh doanh bảo hiểm năm 2000, thì một trong những trường hợp hợp đồng vô hiệu chính là “Tại thời điểm giao kết hợp đồng bảo hiểm, đối tượng bảo hiểm không tồn tại”. Quy định này có thể dẫn đến nhiều cách hiểu khác nhau. Nếu “đối tượng bảo hiểm không tồn tại” được hiểu là không có đối tượng bảo hiểm thì quy định hợp đồng vô hiệu là hợp lý, nhưng nếu hiểu theo hướng “đối tượng bảo hiểm không tồn tại” là đối tượng bảo hiểm không tồn tại về mặt vật lý lại là chưa phù hợp trong một số trường hợp. Những tài sản hình thành trong tương lai như nhà ở hình thành trong tương lai cũng được xem là một loại tài sản được bảo hiểm nhưng tại thời điểm giao kết hợp đồng, nhà ở chưa hề tồn tại về mặt vật lý.

Năm là, quy định về trường hợp không trả tiền bảo hiểm.

Điểm c khoản 1 Điều 39 Luật Kinh doanh bảo hiểm năm 2000 quy định: “Người được bảo hiểm chết do bị thi hành án tử hình”, thì DNBH không phải trả tiền bảo hiểm. Hành vi cố ý phạm tội để nhận được hình phạt là tử hình, phát sinh sự kiện bảo hiểm nhằm mang lại lợi ích cho người thụ hưởng cũng là một trong những hình thức trục lợi bảo hiểm.

Quan điểm đầu tiên cho rằng, quy định này là nhằm phòng tránh hành vi trục lợi từ hành vi phạm tội để được tử hình. Nếu bắt nguồn từ nguyên nhân này thì quy định trên là khá hợp lý. Tuy nhiên, quy định hiện hành cần ấn định một khoảng thời gian hợp lý như quy định tại điểm a khoản 1 Điều 39 Luật Kinh doanh bảo hiểm năm 2000.

Quan điểm thứ hai cho rằng, quy định này là nhằm trừng phạt người được bảo hiểm do có hành vi phạm tội. Theo đó, với quy định hiện hành, người được bảo hiểm phạm tội dẫn đến bị tử hình vào bất kỳ thời điểm nào thì người thụ hưởng đều mất quyền thụ hưởng. Theo quan điểm của tác giả, dù người được bảo hiểm có phạm tội như thế nào thì quyền được nuôi dưỡng, cấp dưỡng của người thụ hưởng phải được pháp luật công nhận và bảo vệ. Như vậy, nếu quy định trên là nhằm mục đích trừng phạt thì sẽ rất thiếu hợp lý và thuyết phục.

3. Một số kiến nghị hoàn thiện

Thứ nhất, hoàn thiện quy định về xử lý hậu quả nếu một bên vi phạm trách nhiệm cung cấp thông tin. Luật Kinh doanh bảo hiểm năm 2000, cần bổ sung những quy định, tiêu chí để xác định rõ đâu là trường hợp “lừa dối khi giao kết hợp đồng”, đâu là trường hợp “cố ý cung cấp thông tin không đúng sự thật”, để từ đó có cơ sở để áp dụng hai quy định trên một cách hợp lý.

Thứ hai, cần quy định theo hướng phân biệt rõ ràng giữa nguyên nhân chủ quan và nguyên nhân khách quan trong việc thay đổi mức độ rủi ro được bảo hiểm. Theo đó, nếu nguyên nhân là do chủ quan thì việc tăng/giảm phí sẽ không được chấp nhận còn nếu nguyên nhân là khách quan thì sẽ quy định như các quy định pháp luật hiện hành.

Thứ ba, về quy định thời hiệu khởi kiện. Với những lý do đã phân tích ở mục 2, tác giả đề xuất cần sửa đổi quy định theo hướng thời hiệu khởi kiện về hợp đồng bảo hiểm là ba năm, kể từ ngày người có quyền yêu cầu biết hoặc phải biết quyền, lợi ích hợp pháp của mình bị xâm phạm. Quy định như thế sẽ bảo đảm quyền lợi của các bên hơn so với quy định pháp luật hiện hành.

Thứ tư, cần quy định rõ ràng hơn về trường hợp đối tượng bảo hiểm không tồn tại, điều chỉnh lại quy định này để bảo đảm tính rõ ràng và phù hợp khi xác định trường hợp hợp đồng vô hiệu. Các nhà lập pháp cần nghiên cứu quy định để những tài sản như nhà ở hình thành trong tương lai không được xem là trường hợp đối tượng bảo hiểm không tồn tại khiến cho hợp đồng vô hiệu.

Thứ năm, cần quy định thêm thời hạn tính từ ngày nộp khoản phí bảo hiểm đầu tiên hoặc kể từ ngày hợp đồng bảo hiểm tiếp tục có hiệu lực đến ngày thực hiện hành vi phạm tội mà khi xét xử, tội phạm đó bị áp dụng hình phạt tử hình. Khoảng thời hạn này tương tự quy định tại điểm a khoản 1 điều 39 Luật Kinh doanh bảo hiểm năm 2000./.

 ThS. TRẦN LINH HUÂN- NGUYỄN PHƯỚC THANH TRƯỜNG (Trường Đại học Luật TP. Hồ Chí Minh)

Nguồn: Tạp Chí Toà án

1943

Đây là nội dung tóm tắt, thông báo văn bản mới dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc vui lòng gửi về Email: [email protected]