15/11/2021 14:37

Phân loại tội phạm theo Bộ luật Hình sự 2015

Phân loại tội phạm theo Bộ luật Hình sự 2015

Việc phân loại tội phạm có ý nghĩa rất quan trọng trong việc quy định các nguyên tắc xử lý, quy định tuổi chịu trách nhiệm hình sự, thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự, thời hiệu thi hành bản án và các quy định khác về điều kiện áp dụng một số loại hình phạt hoặc biện pháp tư pháp... Phân loại tội phạm còn là cơ sở để cụ thể hóa trách nhiệm hình sự, quy định khung hình phạt, bảo đảm nguyên tắc cá thể hóa trách nhiệm hình sự và hình phạt. Ngoài ra, việc phân loại tội phạm còn có ý nghĩa đối với việc quy định một số chế định tạm giam, tạm giữ trong Bộ luật Tố tụng hình sự.

Việc phân loại tội phạm theo Bộ luật Hình sự năm 1999 là căn cứ vào mức hình phạt tù cao nhất mà điều luật quy định đối với mỗi tội phạm, nhưng Bộ luật Hình sự năm 2015 không chỉ căn cứ vào mức hình phạt tù cao nhất, mà còn căn cứ vào loại hình phạt mà điều luật quy định đối với mỗi tội phạm.

Nói chung, cách phân loại tội phạm quy định tại Bộ luật Hình sự năm 2015 tuy có điểm khác với Bộ luật Hình sự năm 1999 nhưng về bản chất không có gì thay đổi lớn.

Bộ luật Hình sự năm 1999 chia tội phạm ra làm bốn loại: tội phạm ít nghiêm trọng, tội phạm nghiêm trọng, tội phạm rất nghiêm trọng và tội phạm đặc biệt nghiêm trọng. Bộ luật Hình sự năm 2015 vẫn chia tội phạm thành bốn loại. Tuy nhiên, để tránh việc hiểu không đúng, gây tranh cãi đối với các tội phạm có hình phạt không phải là hình phạt tù nên Bộ luật Hình sự năm 2015 quy định cụ thể hơn, rõ ràng hơn.

Ví dụ: nếu Bộ luật Hình sự năm 1999 khi quy định về tội phạm ít nghiêm trọng chỉ quy định: “Tội phạm ít nghiêm trọng là tội phạm gây nguy hại không lớn cho xã hội mà mức cao nhất của khung hình phạt đối với tội ấy là đến ba năm tù” thì Bộ luật Hình sự năm 2015 quy định: “Tội phạm ít nghiêm trọng là tội phạm có tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội không lớn mà mức cao nhất của khung hình phạt do Bộ luật này quy định đối với tội ấy là phạt tiền, phạt cải tạo không giam giữ hoặc phạt tù đến 03 năm”, đồng thời quy định thành một điều luật (Điều 9) chứ không quy định một khoản (khoản 3) như Bộ luật Hình sự năm 1999.

1. Tội phạm ít nghiêm trọng:

Tội phạm ít nghiêm trọng là tội phạm có tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội không lớn mà mức cao nhất của khung hình phạt do Bộ luật này quy định đối với tội ấy là phạt tiền, phạt cải tạo không giam giữ hoặc phạt tù đến 03 năm.

Ví dụ: tội "Giết hoặc vứt bỏ con mới đẻ" (Điều 124); tội "Giết người trong trạng thái tinh thần bị kích động mạnh" thuộc trường hợp quy định tại khoản 1 Điều 125.

Vấn đề đặt ra là, vậy đối với tội phạm có hình phạt cảnh cáo thì thế nào? Có ý kiến cho rằng nhà làm luật khi liệt kê các loại hình phạt của tội phạm ít nghiêm trọng đã bỏ sót hình phạt cảnh cáo. Lẽ ra phải viết: “Tội phạm ít nghiêm trọng là cảnh cáo, phạt tiền, phạt cải tạo không giam giữ hoặc phạt tù đến 03 năm”. Tuy nhiên, cũng có ý kiến cho rằng, đó không phải nhà làm luật quên mà là vì hình phạt cảnh cáo không có khung hình phạt nên nhà làm luật không quy định.

Có thể còn ý kiến khác nhau nhưng nếu tội phạm nào có quy định hình phạt cảnh cáo và mức cao nhất của khung hình phạt tù đến 03 năm tù thì tội phạm đó vẫn là tội phạm ít nghiêm trọng.

Đối với hình phạt trục xuất là hình phạt buộc người nước ngoài bị kết án phải rời khỏi lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Hình phạt trục xuất vừa là hình phạt chính, vừa là hình phạt bổ sung. Nhưng nếu sắp xếp theo thứ tự từ nhẹ đến nặng thì hình phạt trục xuất nặng hơn hình phạt cảnh cáo, phạt tiền, cải tạo không giam giữ và nhẹ hơn hình phạt tù. Tuy nhiên, không nên hiểu một cách máy móc như vậy mà phải coi trục xuất là một loại hình phạt nằm trong hệ thống hình phạt của Bộ luật Hình sự, có đặc điểm riêng và cũng chỉ áp dụng đối với người nước ngoài phạm tội ở Việt Nam, nên không thể so sánh nặng nhẹ với các loại hình phạt khác trong hệ thống hình phạt của Bộ luật Hình sự.

2. Tội phạm nghiêm trọng:

Tội phạm nghiêm trọng là tội phạm có tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội lớn mà mức cao nhất của khung hình phạt do Bộ luật Hình sự quy định đối với tội ấy là từ trên 03 năm đến 07 năm tù;

Ví dụ: tội "Lây truyền HIV cho người khác" thuộc trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 148, tội "Cưỡng dâm" thuộc trường hợp quy định tại khoản 1 Điều 143,...

3. Tội phạm rất nghiêm trọng:

Tội phạm rất nghiêm trọng là tội phạm có tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội rất lớn mà mức cao nhất của khung hình phạt do Bộ luật Hình sự quy định đối với tội ấy là từ trên 07 năm đến 15 năm tù.

Ví dụ: tội "Vận chuyển trái phép hàng hóa, tiền tệ qua biên giới" thuộc trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 189; tội "Sản xuất, buôn bán hàng giả" thuộc trường hợp quy định tại khoản 2, khoản 3 Điều 192,...

4. Tội phạm đặc biệt nghiêm trọng:

Tội phạm đặc biệt nghiêm trọng là tội phạm có tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội đặc biệt lớn mà mức cao nhất của khung hình phạt do Bộ luật Hình sự quy định đối với tội ấy là từ trên 15 năm đến 20 năm tù, tù chung thân hoặc tử hình.

Ví dụ: tội "Phản bội Tổ quốc" thuộc trường hợp quy định tại khoản 1 Điều 108; tội "Hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân" thuộc trường hợp quy định tại khoản 1 Điều 109; tội "Giết người" thuộc trường hợp quy định tại khoản 1 Điều 123,…

Bộ luật Hình sự năm 2015 đã quy định pháp nhân thương mại cũng có thể là chủ thể của tội phạm, đồng thời quy định những loại hình phạt riêng cho pháp nhân thương mại phạm tội. Trong các loại hình phạt đó chỉ có hình phạt tiền là tương tự như đối với người phạm tội, còn các hình phạt khác chỉ áp dụng đối với pháp nhân thương mại phạm tội.

Vấn đề đặt ra là, đối với pháp nhân thương mại phạm tội có phân biệt tội phạm ít nghiêm trọng, tội phạm nghiêm trọng, tội phạm rất nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng không?

Đây là vấn đề mới và nếu căn cứ vào quy định phân loại tội phạm quy định tại Điều 9 Bộ luật Hình sự thì không có trường hợp nào pháp nhân thương mại phạm tội nghiêm trọng, rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng cả. Tuy nhiên, trong thực tế không phải không có trường hợp pháp nhân thương mại phạm tội dẫn đến hậu quả đặc biệt nghiêm trọng. Ví dụ: tội "Sản xuất, buôn bán hàng giả là lương thực, thực phẩm, phụ gia thực phẩm"; tội "Sản xuất, buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh, thuốc phòng bệnh" mà dẫn đến chết hàng loạt người thì không thể nói rằng đó là tội phạm ít nghiêm trọng được.

Tuy nhiên, việc không phân loại tội phạm đối với pháp nhân thương mại phạm tội cũng sẽ ảnh hưởng đến nhiều chế định khác của Bộ luật Hình sự.

Tiếp thu ý kiến trên, ngày 20/6/2017 tại kỳ họp thứ 3 Quốc hội khóa XIV đã thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự năm 2015. Tại khoản 1 Điều 1 đã cấu tạo lại Điều 9 thành 2 khoản, khoản 1 quy định phân loại tội phạm đối với người phạm tội và bổ sung một khoản (khoản 2) quy định cách phân biệt tội phạm đối với pháp nhân thương mại phạm tội như sau:

“2. Việc phân loại tội phạm áp dụng đối với pháp nhân thương mại phạm tội căn cứ vào tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi phạm tội theo quy định tại khoản 1 Điều này và các quy định tương ứng tại các Điều 188, 189, 190, 191, 192, 193, 194, 195, 196, 200, 203, 209, 210, 211, 213, 216, 217, 225, 226, 227, 232, 234, 235, 237, 238, 239, 242, 243, 244, 245 và 246 của Bộ luật này”. 

Có ý kiến cho rằng, đối với pháp nhân thương mại phạm tội thì làm gì có hình phạt tù mà căn cứ vào khoản 1 của Điều 9 Bộ luật Hình sự để phân loại tội phạm.

Tuy nhiên, nếu hiểu như vậy là chưa thấy hết nội dung quy định tại khoản 2 Điều 9 mà Quốc hội sửa đổi, bổ sung. Đúng là đối với pháp nhân thương mại thì không áp dụng hình phạt tù nhưng các tội phạm mà pháp nhân thương mại bị truy cứu trách nhiệm hình sự cũng là những tội phạm mà người phạm tội có thể phạm và tội phạm đó cũng có khung hình phạt.

Chính vì vậy mà nhà làm luật mới quy định căn cứ vào tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi phạm tội theo quy định tại khoản 1 Điều này và các quy định tương ứng tại các Điều 188, 189, 190, 191, 192, 193, 194, 195, 196, 200, 203, 209, 210, 211, 213, 216, 217, 225, 226, 227, 232, 234, 235, 237, 238, 239, 242, 243, 244, 245 và 246 của Bộ luật Hình sự.  

Ví dụ: Nếu pháp nhân thương mại phạm tội "Buôn lậu" quy định tại Điều 188 thuộc trường hợp quy định tại khoản 1 là tội phạm ít nghiêm trọng, khoản 2 là tội phạm nghiêm trọng, khoản 3 là tội phạm rất nghiêm trọng, còn khoản 4 là tội phạm đặc biệt nghiêm trọng, mặc dù pháp nhân thương mại phạm tội buôn lậu chỉ bị áp dụng hình phạt tiền. Chính vì thế mà nhà làm luật mới dùng thuật ngữ “tương ứng” là như vậy.

Thạc sĩ, Luật sư  ĐINH VĂN QUẾ

Nguồn: Luật sư Việt Nam

143083

Đây là nội dung tóm tắt, thông báo văn bản mới dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc vui lòng gửi về Email: [email protected]