16/07/2020 08:22

Phân biệt tội ‘Cướp tài sản’ với một số tội phạm mang tính chiếm đoạt tài sản khác

Phân biệt tội ‘Cướp tài sản’ với một số tội phạm mang tính chiếm đoạt tài sản khác

Trong những năm gần đây, cùng với sự phát triển của kinh tế – xã hội, đời sống của nhân dân ngày càng được nâng cao, tuy nhiên kéo theo đó là tình trạng gia tăng tội phạm, đặc biệt là tội phạm có tính chiếm đoạt, trong đó có tội “Cướp tài sản”. Trong thực tiễn điều tra, truy tố, xét xử các tội phạm này, việc xác định đúng tội danh vẫn còn tồn tại nhiều quan điểm khác nhau.

1. Quy định về tội “Cướp tài sản” theo Điều 168 Bộ luật Hình sự năm 2015

Điều 168 Bộ luật Hình sự năm 2015 quy định về tội “Cướp tài sản” như sau:

“1. Người nào dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực ngay tức khắc hoặc có hành vi khác làm cho người bị tấn công lâm vào tình trạng không thể chống cự được nhằm chiếm đoạt tài sản, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 10 năm.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm:

a) Có tổ chức;

b) Có tính chất chuyên nghiệp;

c) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 11% đến 30%;

d) Sử dụng vũ khí, phương tiện hoặc thủ đoạn nguy hiểm khác;

đ) Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 50.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng;

e) Phạm tội đối với người dưới 16 tuổi, phụ nữ mà biết là có thai, người già yếu hoặc người không có khả năng tự vệ;

g) Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội;

h) Tái phạm nguy hiểm.

3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm:

a) Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 200.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;

b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60%;

c) Lợi dụng thiên tai, dịch bệnh.

4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 18 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân:

a) Chiếm đoạt tài sản trị giá 500.000.000 đồng trở lên;

b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 01 người mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên hoặc gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người 31% trở lên;

c) Làm chết người;

d) Lợi dụng hoàn cảnh chiến tranh, tình trạng khẩn cấp.

5. Người chuẩn bị phạm tội này, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm.

6. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phạt quản chế, cấm cư trú từ 01 năm đến 05 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản”.

Quy định về tội “Cướp tài sản” trong Bộ luật Hình sự năm 2015 bao gồm các dạng hành vi sau đây:

Thứ nhất: Dùng vũ lực là hành vi dùng sức mạnh thể chất hoặc công cụ, phương tiện tác động lên chủ sở hữu tài sản hoặc người được giao quản lý tài sản để chiếm đoạt tài sản, ví dụ như dùng tay, chân… đấm đá, dùng gậy, dao… đập, chém người khác.

Thứ hai: Hành vi đe dọa dùng vũ lực ngay tức khắc là hành vi dùng lời lẽ, hoặc dùng công cụ, phương tiện để uy hiếp tinh thần đối với chủ sở hữu hoặc người quản lý tài sản để buộc họ giao tài sản và chiếm đoạt, hành vi này, chủ yếu tác động về mặt tinh thần khiến cho chủ sở hữu hoặc người quản lý tài sản sợ hãi mà giao tài sản.

Thứ ba: Hành vi khác làm cho người bị tấn công lâm vào tình trạng không thể chống cự là các hành vi như cho uống thuốc mê, chất kích thích… khiến cho người khác lâm vào tình trạng không thể chống cự để chiếm đoạt tài sản.

Các hành vi này thỏa mãn mục đích là chiếm đoạt tài sản mới đủ yếu tố cấu thành tội cướp tài sản và tài sản chiếm đoạt đó phải là đối tượng của tội cướp.

2. Phân biệt tội “Cướp tài sản” (Điều 168) và tội “Cướp giật tài sản” (Điều 171) Bộ luật Hình sự năm 2015

Điều 171. Tội “Cướp giật tài sản”.

1. Người nào cướp giật tài sản của người khác.

+ Giống nhau:

– Chủ thể tội phạm: Người từ đủ 14 tuổi đến 16 tuổi phải chịu trách nhiệm về hai tội phạm này.

– Mục đích chiếm đoạt tài sản.

– Định lượng tài sản chiếm đoạt không phải là yếu tố định tội mà chỉ là yếu tố định khung hình phạt.

+ Khác nhau:

Hành vi phạm tội: Tội “Cướp tài sản” sử dụng hành vi “Dùng vũ lực, đe dọa vũ lực ngay tức khắc hoặc có hành vi khác làm cho người bị tấn công lâm vào tình trạng không thể chống cự được”, còn tội cướp giật tài sản người phạm tội không sử dụng vũ lực (tuy một số trường hợp có sử dụng sức mạnh như đạp, xô cho bị hại ngã để cướp), đe dọa vũ lực ngay tức khắc hoặc có hành vi khác làm cho người bị tấn công lâm vào tình trạng không thể chống cự được như trong tội “Cướp tài sản” mà chỉ dựa vào sự nhanh nhẹn của bản thân và sự sơ hở của người bị hại, hay trường hợp người bị hại không đủ khả năng bảo vệ tài sản.

Như vậy, tính công khai của tội phạm là yếu tố cơ bản để phân biệt hai tội danh này trên thực tế.

Chuyển hóa tội phạm: Trường hợp người phạm tội sau khi đã cướp giật được tài sản nhưng sau đó bị hại hoặc người khác giành, giật lại được tài sản và người phạm tội dùng vũ lực hoặc đe dọa dùng vũ lực hoặc có hành vi khác làm cho người bị tấn công lâm vào tình trạng không thể chống cự được để giành lại tài sản thì có sự chuyển hóa từ tội “Cướp giật tài sản” sang tội “Cướp tài sản”.

3. Tội cướp tài sản và tội trộm cắp tài sản

Điều 173. Tội “Trộm cắp tài sản”:

1.Người nào trộm cắp tài sản của người khác trị giá từ 2.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng hoặc dưới 2.000.000 đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.

Điểm khác nhau cơ bản của hai tội phạm này đó là chính là mức độ công khai của hành vi:

Trong tội “Cướp tài sản” người phạm tội dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực ngay tức khắc hoặc có hành vi khác làm cho người bị tấn công lâm vào tình trạng không thể chống cự được.

Trong tội “Trộm cắp tài sản” thì người phạm tội thực hiện một cách lén lút.

Như vậy, trong tội “Cướp tài sản” tính công khai của người phạm tội rõ ràng hơn so với tội “Trộm cắp tài sản”.

Ngoài ra trong tội “Trộm cắp tài sản” định lượng giá trị tài sản chiếm đoạt được quy định trong cấu thành cơ bản còn đối với tội “Cướp tài sản” thì không quy định.

Chuyển hóa tội phạm: Cũng giống như hành vi chuyển hóa trong tội “Cướp giật tài sản”, trường hợp người phạm tội sau khi đã trộm cắp được tài sản nhưng sau đó bị hại hoặc người khác giành, giật lại được tài sản và người phạm tội dùng vũ lực hoặc đe dọa dùng vũ lực hoặc có hành vi khác làm cho người bị tấn công lâm vào tình trạng không thể chống cự được để giành lại tài sản thì có sự chuyển hóa từ tội “Trộm cắp tài sản” sang tội “Cướp tài sản”.

4. Tội “Cướp tài sản” và tội “Công nhiên chiếm đoạt tài sản

Điều 172. Tội “Công nhiên chiếm đoạt tài sản”

Người nào công nhiên chiếm đoạt tài sản của người khác trị giá từ 2.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng hoặc dưới 2.000.000 đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:

(a) Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi chiếm đoạt tài sản mà còn vi phạm;

(b) Đã bị kết án về tội này hoặc về một trong các tội quy định tại các điều 168, 169, 170, 171, 173, 174, 175 và 290 của Bộ luật này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm;

(c) Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội;

(d) Tài sản là phương tiện kiếm sống chính của người bị hại và gia đình họ”.

Điểm khác nhau cơ bản giữa hai hành vi phạm tội này đó là tính công khai trong hành vi phạm tội: Nếu trong tội “Cướp tài sản” người phạm tội dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực ngay tức khắc hoặc có hành vi khác làm cho người bị tấn công lâm vào tình trạng không thể chống cự được mới chiếm đoạt được thì trong tội “Công nhiên chiếm đoạt tài sản” người phạm tội không cần dùng thủ đoạn nào cũng vẫn chiếm đoạt được tài sản.

Chủ thể tội phạm này là người từ đủ 16 tuổi trở lên còn đối với tội “Cướp tài sản” thì chủ thể người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi.

Cũng giống như tội “Trộm cắp tài sản” thì tội này tài sản chiếm đoạt có giá trị để định khung hình phạt.

5. Tội “Cướp tài sản” và tội “Cưỡng đoạt tài sản

Điều 170. Tội “Cưỡng đoạt tài sản”

“1. Người nào đe dọa sẽ dùng vũ lực hoặc có thủ đoạn khác uy hiếp tinh thần người khác nhằm chiếm đoạt tài sản, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm”.

Cả hai tội phạm này đều có hành vi đe dọa dùng vũ lực song thời điểm đe dọa vũ lực là khác nhau, nếu tội cướp tài sản là ngay tức khắc bị hại phải giao tài sản ngay mà không có thời gian để ngăn chặn còn thời điểm đe dọa dùng vũ lực đối với tội cưỡng đoạt tài sản là hình thành trong tương lai và không có khả năng xảy ra bị hại vẫn có thời gian để dùng các biện pháp ngăn chặn hành vi phạm tội xảy ra.

6. Giải pháp

Thứ nhất: Hoàn thiện quy định về định lượng tài sản chiếm đoạt trong tội “Cướp tài sản”, đồng thời cần sớm ban hành hệ thống văn bản hướng dẫn thi hành về các tội xâm phạm sở hữu bởi đây là nhóm tội xảy ra thường xuyên.

Thứ hai: Điểm cơ bản để phân biệt các tội danh trên là tính công khai trong hành vi phạm tội, ở mỗi tội phạm mức độ công khai khác nhau như tội “Cướp giật tài sản” với tội “Cướp tài sản” thì tính công khai đối với tội cướp giật là rõ ràng hơn. Tuy nhiên, cần sớm có văn bản hướng dẫn thi hành về dấu hiệu định tội đối với các tội phạm mang tính chiếm đoạt tài sản để trong thực tiễn thi hành tránh để xảy ra sai sót.

Việc ban hành các văn bản hướng dẫn thi hành sẽ góp phần nâng cao hiệu quả giải quyết các vụ án chiếm đoạt tài sản trong thực tiễn.

Nguồn: Theo Luật sư Việt Nam Online

7860

Đây là nội dung tóm tắt, thông báo văn bản mới dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc vui lòng gửi về Email: info@thuvienphapluat.vn