14/12/2022 12:31

Phân biệt lợi dụng chức vụ, quyền hạn và lạm quyền trong khi thi hành công vụ

Phân biệt lợi dụng chức vụ, quyền hạn và lạm quyền trong khi thi hành công vụ

Tôi muốn biết một số tiêu chí phân biệt 02 tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn và tội lạm quyền trong khi thi hành công vụ?_Xin cảm ơn. “Mỹ Lan-Long An”

Chào chị, Ban Biên tập xin giải đáp thắc mắc của chị như sau:

1. Quy định pháp luật về tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn và tội lạm quyền trong khi thi hành công vụ

Bộ luật Hình sự năm 2015 quy định như sau:

Tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ là hành vi của người có chức vụ, quyền hạn vì vụ lợi hoặc động cơ cá nhân khác mà làm trái công vụ gây thiệt hại về tài sản từ 10.000.000 đồng trở lên hoặc gây thiệt hại khác đến lợi ích của nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân.

Tội lạm quyền trong khi thi hành công vụ là hành vi của người có chức vụ, quyền hạn vì vụ lợi hoặc động cơ cá nhân khác mà vượt quá quyền hạn làm trái công vụ gây thiệt hại về tài sản từ 10.000.000 đồng trở lên hoặc gây thiệt hại khác đến lợi ích của nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân.

2. Dấu hiệu pháp lý có tính chất tương đồng giữa tội “lợi dụng chức vụ, quyền hạn” và “lạm quyền” trong khi thi hành công vụ

Thứ nhất, Về khách thể của tội phạm:

Cả 02 tội đều xâm phạm đến quan hệ xã hội bảo đảm cho sự hoạt động đúng đắn của cơ quan, tổ chức nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị – xã hội (trong hoạt động công vụ); lợi ích của nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân.

Thứ hai, Mặt khách quan:

Về hành vi: Cả 02 tội đều có dấu hiệu “làm trái công vụ”

Về dấu hiệu hậu quả: cả 02 tội đều xác định hậu quả dưới dạng:

- Thiệt hại về tài sản từ 10.000.000 đồng trở lên; hoặc

- Thiệt hại khác đến lợi ích của nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân.

Hai tội này đều có cấu thành vật chất, tội phạm chỉ hoàn thành khi có hậu quả xảy ra.

Thứ ba, Về chủ thể:

Chủ thể cả 02 tội phạm này đều là người từ 16 tuổi trở lên, có năng lực trách nhiệm hình sự và có dấu hiệu chủ thể đặc biệt.

Người phạm tội của hai tội này đều là người có chức vụ, quyền hạn trong cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị – xã hội trong khi thi hành công vụ.

Thứ tư, Về mặt chủ quan:

Cả 02 tội đều được thực hiện với lỗi cố ý trực tiếp.

Người phạm tội nhận thức rõ hành vi của mình vượt quá phạm vi chức trách, nhiệm vụ được giao, trái công vụ, biết được hành vi đó sẽ gây thiệt hại về tài sản hoặc lợi ích của nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân, nhưng vì vụ lợi hoặc động cơ cá nhân khác mà có ý thức mong muốn hậu quả xảy ra.

3. Dấu hiệu pháp lý có tính đặc trưng riêng giữa tội “lợi dụng chức vụ, quyền hạn” và “lạm quyền” trong khi thi hành công vụ

Về hành vi khách quan:

Đối với tội Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ là dựa vào chức vụ, quyền hạn được giao để làm trái công vụ.

Người phạm tội sử dụng chức vụ, quyền hạn của mình được giao như một “phương tiện” để phạm tội.

Đối với tội Lạm quyền trong khi thi hành công vụ là hành vi vượt quá phạm vi chức trách, nhiệm vụ được giao, từ đó dẫn đến làm trái công vụ gây thiệt hại cho lợi ích của nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân.

Người có chức vụ, quyền hạn đã tự ý làm những việc thuộc thẩm quyền của cấp cao hơn hoặc của người khác

Về mức độ sử dụng nhiệm vụ, quyền hạn khi thi hành công vụ:

Đối với Tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ thì khi thực hiện hành vi: Người phạm tội vẫn thực hiện công việc trong phạm vi thẩm quyền, chức danh được giao (không có vi phạm về mặt phạm vi của thẩm quyền); trong quá trình giải quyết công việc được giao, người phạm tội vi phạm quy định về cách thức thực hiện công việc đó (có vi phạm về mặt nội dung của thẩm quyền).

Đối với tội Lạm quyền trong khi thi hành công vụ thi trong quá trình thực hiện công vụ, người phạm tội thực hiện sai thẩm quyền dẫn tới thực hiện sai nội dung của thẩm quyền; hoặc thực hiện sai thẩm quyền nhưng vẫn đúng về nội dung của thầm quyền. Bản chất của hành vi phạm tội thể hiện ở việc vi phạm về thẩm quyền thực hiện hoạt động công vụ.

4. Bản án về tội Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ và Lạm quyền trong khi thi hành công vụ

Bản án về tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ số 12/2022/HS-ST

Bản án về tội lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ số 158/2022/HS-PT

Bản án về tội lạm quyền trong khi thi hành công vụ số 16/2022/HS-ST

Bản án 225/2021/HS-PT ngày 19/05/2021 về tội lạm quyền trong khi thi hành công vụ

Trân trọng!

Như Ý
25822

Đây là nội dung tóm tắt, thông báo văn bản mới dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc vui lòng gửi về Email: info@thuvienphapluat.vn