20/04/2024 11:09

Phạm tội tham ô tài sản có được giảm án tử hình xuống tù chung thân không?

Phạm tội tham ô tài sản có được giảm án tử hình xuống tù chung thân không?

Cho tôi hỏi người phạm tội tham ô tài sản bị kết án tử hình thì có được giảm xuống mức án chung thân hay không? Bạn Nhật Hạ (Quảng Ninh).

Chào bạn, Ban biên tập xin giải đáp như sau:

1. Tội tham ô tài sản xử lý như thế nào?

Theo Điều 353 Bộ luật hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) thì ta có thể hiểu Tội tham ô tài sản là hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn nhằm mục đích chiếm đoạt tài sản mà bản thân có trách nhiệm quản lý. Cụ thể, khung hình phạt của Tội tham ô tài sản được quy định như sau:

- Khung hình phạt cơ bản: Phạt tù từ 02 năm đến 07 năm đối với người lợi dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản mà mình có trách nhiệm quản lý trị giá từ 2.000.000 đồng đến dưới 100.000.000 đồng hoặc dưới 2.000.000 đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây:

+ Đã bị xử lý kỷ luật về hành vi này mà còn vi phạm;

+ Đã bị kết án về một trong các tội quy định tại Mục 1 Chương XXIII Bộ luật hình sự năm 2015 (Các tội phạm về chức vụ), chưa được xóa án tích mà còn vi phạm.

- Khung 2: Phạt tù từ 07 năm đến 15 năm khi người phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây:

+ Có tổ chức;

+ Dùng thủ đoạn xảo quyệt, nguy hiểm;

+ Phạm tội 02 lần trở lên;

+ Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;

+ Chiếm đoạt tiền, tài sản dùng vào mục đích xóa đói, giảm nghèo; tiền, phụ cấp, trợ cấp, ưu đãi đối với người có công với cách mạng; các loại quỹ dự phòng hoặc các loại tiền, tài sản trợ cấp, quyên góp cho những vùng bị thiên tai, dịch bệnh hoặc các vùng kinh tế đặc biệt khó khăn;

+ Gây thiệt hại về tài sản từ 1.000.000.000 đồng đến dưới 3.000.000.000 đồng;

+ Ảnh hưởng xấu đến đời sống của cán bộ, công chức, viên chức và người lao động trong cơ quan, tổ chức.

- Khung 3: Phạt tù từ 15 năm đến 20 năm khi người phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây:

+ Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.000.000.000 đồng;

+ Gây thiệt hại về tài sản từ 3.000.000.000 đồng đến dưới 5.000.000.000 đồng;

+ Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội;

+ Dẫn đến doanh nghiệp hoặc tổ chức khác bị phá sản hoặc ngừng hoạt động.

- Khung 4: Phạt tù 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình khi người phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây:

+ Chiếm đoạt tài sản trị giá 1.000.000.000 đồng trở lên;

+ Gây thiệt hại về tài sản 5.000.000.000 đồng trở lên.

Bên cạnh đó, người phạm Tội tham ô tài sản còn bị cấm đảm nhiệm chức vụ nhất định từ 01 năm đến 05 năm, đồng thời có thể bị phạt tiền từ 30 triệu đồng đến 100 triệu đồng, tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.

2. Phạm tội tham ô tài sản có được giảm án tử hình xuống tù chung thân không?

Cũng theo Điều 40 Bộ luật hình sự 2015Nghị quyết 01/2016/NQ-HĐTP thì trường hợp người phạm tội tham ô tài sản phải chịu mức án tử hình thì vẫn sẽ có khả năng được giảm án xuống thành tù chung thân. Cụ thể những trường hợp đó bao gồm:

(1) Chủ động khắc phục hậu quả bằng cách nộp lại ít nhất 3/4 tài sản tham ô

Nếu người phạm tội tham ô tài sản bị kết án tử hình mà sau khi kết án xong đã chủ động nộp lại ít nhất 3/4 tài sản tham ô và hợp tác tích cực với cơ quan chức năng thì hình phạt tử hình sẽ được giảm án chung thân.

Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa rằng người phạm tội được miễn nộp 1/4 tài sản tham ô còn lại, mà việc nộp 3/4 tài sản tham ô chỉ là điều kiện để được miễn thi hành án tử hình. Cho nên đối với 1/4 tài sản còn lại, người đó vẫn phải có nghĩa vụ nộp đầy đủ cho Nhà nước.

(2) Lập công lớn

Nếu người phạm tội sau khi bị kết án tử hình về tội tham ô tài sản lập được một trong những công lớn sau thì sẽ được giảm án xuống tù chung thân:

- Hỗ trợ cơ quan tiến hành tố tụng phát hiện, truy bắt, Điều tra, xử lý tội phạm không liên quan đến tội phạm mà bản thân bị kết án;

- Cứu được người khác trong tình thế hiểm nghèo hoặc cứu được tài sản có giá trị từ 100 triệu đồng trở lên của Nhà nước, của tập thể, của công dân trong thiên tai, hỏa hoạn hoặc sự kiện bất khả kháng khác;

- Có phát minh, sáng chế hoặc sáng kiến có giá trị lớn được các cơ quan nhà nước có thẩm quyền xác nhận.

Ngoài những trường hợp nêu trên, những trường hợp khác người phạm tội cũng có thể được xem là "lập công lớn", nhưng phải được các cơ quan tiến hành tố tụng thống nhất áp dụng.

(3) Người dưới 18 tuổi phạm tội bị kết án hoặc từ 75 tuổi trở lên khi phạm tội hoặc bị xét xử

Cụ thể, nếu người phạm tội tham ô tài sản theo khung hình phạt tử hình, nhưng thuộc trường hợp dưới 18 tuổi khi phạm tội, hoặc từ 75 tuổi trở lên khi phạm tội hoặc bị xét xử thì sẽ không bị thi hành án tử hình. Khi đó, hình phạt đối với người phạm tội sẽ chuyển từ tử hình xuống tù chung thân.

(4) Người phạm tội là phụ nữ có thai, hoặc đang nuôi con dưới 18 tháng tuổi

Trường hợp người phạm tội tham ô tài sản là phụ nữ có thai hoặc đang nuôi con dưới 18 tháng tuổi khi phạm tội thì sẽ không áp dụng hình phạt tử hình. Theo đó, những đối tượng này sẽ chịu hình phạt tù chung thân thay vì tử hình.

3. Một số bản án về tội tham ô tài sản

Dưới đây là một số bản án về tội tham ô tài sản được Ban biên tập sưu tầm:

Bản án về tội tham ô tài sản số 39/2024/HS-ST

Bản án về tội tham ô tài sản số 04/2024/HS-PT

Bản án về tội tham ô tài sản số 68/2023/HS-PT

Trân trọng!

Đỗ Minh Hiếu
568

Đây là nội dung tóm tắt, thông báo văn bản mới dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc vui lòng gửi về Email: [email protected]