Dự thảo Thông tư Quy định về dạy thêm, học thêm: https://cdn.thuvienphapluat.vn/uploads/DanLuat-BanAn/2024/TVBA/3.8/20240822-du-thao-thong-tu-dtht-xin-y-kien.pdf
Theo đó, tại Dự thảo Thông tư Quy định về dạy thêm, học thêm (thay thế Thông tư 17/2012/TT-BGDĐT) Bộ Giáo dục và Đào tạo đề ra đề ra những quy định về việc thu và quản lý tiền học thêm trong nhà trường được thực hiện như sau:
Điều 6. Thu và quản lý tiền học thêm
1. Mức thu tiền học thêm trong nhà trường được thực hiện theo nghị quyết của Hội đồng nhân dân cấp tỉnh trên cơ sở đề xuất của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh theo quy định.
2. Mức thu tiền học thêm ngoài nhà trường do thỏa thuận giữa cha mẹ học sinh, học sinh với cơ sở dạy thêm và phải được công khai trước khi tuyển sinh các lớp dạy thêm, học thêm.
3. Việc quản lý, sử dụng tiền học thêm thực hiện theo quy định của pháp luật về tài chính, kế toán, thuế và các quy định khác có liên quan.
Như vậy, theo Dự thảo Thông tư về dạy thêm, học thêm, việc thu và quản lý tiền học thêm trong nhà trường được quy định cụ thể. Mức thu trong trường do HĐND cấp tỉnh quyết định dựa trên cơ sở đề xuất của UBND cấp tỉnh, còn ngoài trường do thỏa thuận giữa phụ huynh với cơ sở dạy thêm và phải được công khai trước khi tuyển sinh các lớp dạy thêm, học thêm.
Cũng tại Dự thảo Thông tư Quy định về dạy thêm, học thêm (thay thế Thông tư 17/2012/TT-BGDĐT) việc dạy thêm, học thêm trong nhà trường được thực hiện như sau:
- Tổ chuyên môn tổ chức họp để thống nhất đề xuất với người đứng đầu nhà trường (sau đây gọi chung là Hiệu trưởng) việc dạy thêm, học thêm đối với các môn học do tổ chuyên môn đảm nhận. Đối với các môn học có đề xuất việc dạy thêm, học thêm thì phải trình bày rõ lý do, mục tiêu, nội dung, thời lượng đề xuất dạy thêm, học thêm và danh sách giáo viên đăng ký dạy thêm theo môn học ở mỗi khối lớp. Việc đề xuất dạy thêm, học thêm của tổ chuyên môn được lập thành biên bản, có chữ ký của tổ trưởng và thư ký là một giáo viên được bầu trong cuộc họp.
- Hiệu trưởng căn cứ đề xuất của các tổ chuyên môn tổ chức cuộc họp với thành phần gồm lãnh đạo nhà trường, tổ trưởng tổ chuyên môn, đại diện Ban đại diện cha mẹ học sinh của nhà trường để thống nhất việc tổ chức dạy thêm, học thêm môn học nào, ở khối lớp nào, bảo đảm thiết thực, công bằng, minh bạch, vì quyền lợi học sinh.
Tổng thời lượng dạy học và tổ chức các hoạt động giáo dục theo kế hoạch giáo dục của nhà trường và dạy thêm, học thêm không quá 35 tiết/tuần đối với cấp tiểu học, không quá 42 tiết/tuần đối với cấp trung học cơ sở, không quá 48 tiết/tuần đối với cấp trung học phổ thông.
- Nhà trường công khai việc tổ chức dạy thêm, học thêm về mục tiêu, nội dung, thời lượng, mức thu tiền học thêm và danh sách giáo viên dạy thêm theo môn học, ở mỗi khối lớp để học sinh có nguyện vọng học thêm tự nguyện đăng ký học thêm.
- Hiệu trưởng căn cứ nguyện vọng của học sinh xây dựng kế hoạch tổ chức dạy thêm, học thêm (xếp lớp, phân công giáo viên, xếp thời khóa biểu theo từng môn học ở mỗi khối lớp); báo cáo cơ quan quản lý trực tiếp trước khi tổ chức dạy thêm, học thêm. Kế hoạch tổ chức dạy thêm, học thêm của nhà trường được công khai trên trang thông tin điện tử của nhà trường và thông báo cho cha mẹ học sinh.
Như vậy, tại Dự thảo Thông tư Quy định về dạy thêm, học thêm Bộ Giáo dục và Đào tạo đã đưa ra quy định giới hạn thời lượng dạy thêm, học thêm trong nhà trường, cụ thể: Tổng thời lượng dạy học và tổ chức các hoạt động giáo dục theo kế hoạch giáo dục của nhà trường và dạy thêm, học thêm:
- Không quá 35 tiết/tuần đối với cấp tiểu học;
- Không quá 42 tiết/tuần đối với cấp trung học cơ sở,
- Không quá 48 tiết/tuần đối với cấp trung học phổ thông.
Xem chi tiết nội dung tại Dự thảo Thông tư Quy định về dạy thêm, học thêm: https://cdn.thuvienphapluat.vn/uploads/DanLuat-BanAn/2024/TVBA/3.8/20240822-du-thao-thong-tu-dtht-xin-y-kien.pdf